Mưa trên đồng À Na Cút

Thứ Hai, 24/08/2020 00:05

. TRẦN PHƯƠNG

Vào những năm tám mươi của thế kỉ trước, K’ro Lapia - nơi bọn tôi công tác là một thôn của xã Pring Thum thuộc huyện Choam K’san tỉnh Prếch Vihia, Campuchia. Gọi là Đội công tác K’ro Lapia vì bọn tôi đóng quân tại đây, chứ thật ra đơn vị đảm nhiệm công tác dân vận của cả xã, còn có thêm thôn T’mat Bơi cách K’ro Lapia chừng hơn mười cây số. Hai ngôi làng gần như biệt lập giữa rừng, dân cư thưa thớt, mỗi thôn chỉ chừng vài chục nóc nhà. Đại đa số dân trong xã mù chữ, chính quyền bạn còn quá non yếu, nên ngoài nhiệm vụ đánh địch bảo vệ dân, bộ đội còn tham gia mọi việc của chính quyền từ giải quyết hành chính, tổ chức làm kinh tế đời sống cho dân… đến cả vợ chồng đánh nhau, bỏ nhau cũng nhờ bộ đội giải quyết.

Minh họa: Lê Huy Quang

Thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, rừng bao bọc quanh làng, rẫy và cả đồng ruộng nữa cũng len lỏi giữa rừng nên hầu như người dân không biết đến phân bón. Ruộng cứ đến mùa cày cấy, làm cỏ rồi thu hoạch. Rẫy thì phá rừng mà làm, vài năm đất bạc tìm rẫy khác. Đất đai mênh mông, không lo thiếu. Có lẽ do ảnh hưởng từ thời Pol Pot cai trị, người dân nơi đây ngoài miếng rẫy là riêng, còn làm ruộng, đánh bắt cá, săn thú rừng… đều theo tổ, có khi chung luôn cả làng rồi chia nhau sản phẩm. Xung quanh có nhiều suối và một con sông chảy qua phía đầu làng. Cá tôm ở các suối, sông này rất nhiều, vậy mà chẳng thấy gia đình nào có dụng cụ đánh bắt riêng và cách họ đánh bắt cũng đơn giản lắm. Mỗi tổ làm vài cái rồ băng ở các khe suối. Rồ băng tựa như tấm đăng của người Việt nhưng lớn hơn rất nhiều, làm bằng tre nguyên cây bện lại với nhau thành tấm lớn, chiều ngang vừa bằng khe suối. Khi mưa xuống rồ băng được kéo lên, cá theo nước ngược lên các khe suối này. Nước đầy hạ rồ băng xuống đợi nước rút thì bắt cá. Đơn giản vậy mà mỗi đợt nước lên xuống cũng kiếm được cả mấy xe bò cá đem về chia nhau, phần ăn tươi, phần phơi khô, làm mắm pro hóc… những khi ấy, cả làng dậy mùi cá. Mỗi khi mưa tới, khắp làng ầm ĩ tiếng ếch gọi bạn tình. Ếch ở đây nhiều đến nỗi dân làng không muốn ăn, chỉ đầu mùa họ bắt vài con ăn chơi, vì vậy chúng sinh sản tự do ngày càng nhiều. Những con ếch mùa mưa béo mẫm, “mỡ nó rán nó” đủ để thành món ếch chiên… mỡ ếch khiến bộ đội một thời gian sau cũng ớn luôn vì “bị” ăn quá nhiều. Dân làng không ăn ếch nhưng lại thích món thịt hin. Hin là tên dân Kh’mer gọi con ễnh ương. Con vật xấu xí có cái bụng chang bang này là món khoái khẩu của họ. Bộ đội cũng bắt chước ăn thử. Quả thật, thịt của nó thơm ngon hơn thịt ếch. Mỗi con có một miếng mỡ màu da cam, một chùm nhiều cánh xòe ra như một cái hoa. Mỡ ễnh ương rán lên mùi rất thơm, đủ để chiên giòn chính nó. Nhớ có lần làm món này cho một cậu mới được bổ sung trong tiểu đội ăn thử, cậu ta cứ đinh ninh là thịt chim mía... Mùa khô bắt cá lại càng đơn giản. Cả tổ chắn một khúc suối, đập vỏ cây ph’lơng bỏ xuống, chừng nửa tiếng sau cá say, nổi đầy, chỉ việc xuống vớt mang về. Cá tôm nhiều và dễ đánh bắt, vậy nên dân làng không cần có dụng cụ bắt cá cũng phải.

Với người dân nơi đây, rừng như khu vườn chung rộng lớn, cung cấp cho họ rau ăn hàng ngày, thịt thú rừng ăn quanh năm, lá làm thuốc trị bệnh khi đau ốm, đến cả nguyên liệu làm men rượu à toi cũng là các loại rễ cây lấy từ rừng. Họ không chăn nuôi cũng chẳng trồng rau vì tất cả đã có rừng cung cấp.

Điều kiện thiên nhiên như vậy nhưng dân làng nghèo xơ xác. Làm mùa nào ăn mùa đó, họ không có khái niệm để dành hay tích lũy. Gặt lúa về, việc đầu tiên là nấu rượu, nấu theo nhu cầu không tính toán cho những ngày sau. Hết gạo đã có củ mài, củ k’đuôch rất nhiều trong rừng. Một cuộc sống vô lo như trẻ thơ. Chẳng cần lễ hội gì, cứ có rượu thì vài hôm lại có một tối tổ chức múa hát. Chỉ cần một nhạc công kéo cây đàn nhị, một tay trống đeo một cái trống bằng dây quàng qua cổ - loại vỗ bằng tay, thân đẽo từ nguyên cây gỗ, đầu lớn bịt da, đầu nhỏ để không. Loại trống này, trước khi qua đây, bọn tôi chưa từng thấy bao giờ. Dàn nhạc chỉ vậy thôi mà cũng đủ rộn ràng. Ca sĩ là các cô gái trong làng với những bài hát quen đến độ ca từ và giai điệu của nó, dân trong làng và cả bộ đội, hầu như ai cũng làu làu. Lần đầu xem dân làng múa hát, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, cái gì đã níu giữ họ lại với đêm ca múa nhàm chán, trên một bãi đất giữa làng đầy bụi bặm, dưới ánh sáng mờ đục của những cây đuốc chành lô khét lẹt mùi dầu rái? Điệu múa phổ biến nhất là rom vông, từng đôi nam nữ vòng quanh, chân theo nhịp, tay uốn éo nhìn cũng khá đơn giản, nhưng để múa được cần phải quen và tay chân cũng phải dẻo một chút thì mới không lạc điệu. Mấy chàng bộ đội lần đầu múa, tay chân cứng quèo, múa mà chân đi cà giật như khỉ mắc phong, tay như đánh võ khiến cho dân làng được bữa cười sảng khoái. Xen lẫn với các điệu múa truyền thống rom vông, lăm tơi là điệu nhảy bolero, có biến tấu chút ít. Dân làng còn biết nhảy điệu cha cha cha khi hát bài Mon Khi. Họ chỉ gọi là múa Mon Khi, từng đôi nam nữ đứng đối diện nhau, bước lui tới tựa như nhịp bước của điệu cha cha cha. Đêm múa cứ xoay vòng, các bài hát được lặp đi lặp lại. Rượu cứ cạn, người cứ hát và từng đôi, từng đôi vẫn múa, vẫn chuyện trò đối đáp cho đến quá nửa đêm.

Sau này, khi ở với dân được khá lâu, hiểu thêm về phong tục tập quán và lối sống của họ, cái nhìn của tôi về những đêm rom vông cũng dần thay đổi. Với người dân Kh’mer, rom vông không phải là buổi biểu diễn văn nghệ, mà là nơi để các chàng trai, cô gái trao gửi tâm tình qua lời ca, điệu múa, là nơi để họ tự giới thiệu mình, diện những bộ áo váy đẹp nhất để khoe dáng, thổ lộ lòng mình qua lời các bài dân ca mộc mạc, qua ánh mắt, nụ cười ướp hơi men với người mà họ thầm thương, trộm nhớ. Nó còn là nơi trẻ em vui chơi, người già trò chuyện, cũng là nơi mà trai góa vợ, gái góa chồng công khai thể hiện tình cảm mà chẳng sợ bị đàm tiếu. Hiểu được vậy tức là đã tự trả lời cho mình, cái gì đã níu giữ họ.

Những đêm rom vông của dân làng đều đặn diễn ra như từ thuở xa xưa cha ông họ đã từng, chỉ có cái nhìn của tôi về nó đã khác, phải chăng từ trong người mình, trong tâm hồn mình đã có một phần Kh’mer hóa? Điều này diễn ra có lẽ chẳng ở riêng tôi, mà cả các đồng đội tôi cũng vậy. Các chàng lính ở lâu với dân làng, tiếng Kh’mer ngày càng sành sỏi, rượu ngày càng “lên đô”, đã có thể uống suông hàng lít, thì cái nhìn về dân làng, về những sinh hoạt văn hóa của họ cũng dần khác đi, theo chiều hướng ngày càng gần gũi, thân thiện hơn. Đặc biệt nguy hiểm là mắt các chàng lính nhìn các cô gái Kh’mer ngày càng thấy đẹp. Tôi còn nhớ thủ trưởng Hà, chính ủy trung đoàn trong một lần nói chuyện với lính tiểu đoàn 2 đã cảnh báo: Các đồng chí ở gần dân phải thận trọng trong quan hệ với dân, nhất là với phụ nữ. Khi nghe ở dưới có tiếng cười khúc khích của lính, thủ trưởng cũng cười và nói tiếp, các đồng chí đừng cười, ngày xưa khi bộ đội ở Tây Nguyên đã từng chê «gái đồng bào» đen và khét nắng, nhưng ở lâu thì hết đen, hết khét và có anh còn có con với người ta đấy.

Đúng là kinh nghiệm của một người lính già, chẳng sai tí nào. Nhưng biết làm sao được, bọn tôi khi ấy chỉ là những chàng trai tuổi mới đôi mươi và các cô gái Kh’mer cũng chẳng phải là «gái đồng bào».

Những phụ nữ ở làng K’ro Lapia, từ gái mới lớn đến các cô gái lỡ thì đều sở hữu một đôi mắt to, đen sẫm, với hàng mi cong vút. Những cô gái hồn nhiên, vô tư, không biết trang điểm, nhưng mắt thì long lanh, sâu thẳm như chất chứa bên trong nhiều nỗi niềm thầm kín, hút hồn người đối diện. Mắt đẹp và đa tình, chỉ chừng đó thôi cũng đã là cạm bẫy nhiều hiểm nguy đối với những chàng trai tuổi mới đôi mươi xa nhà như chúng tôi khi những bóng hồng một thuở ở quê hương dần đã mờ phai chẳng còn mấy dấu tích, mà dẫu có còn dấu tích thì cũng như bóng chim, tăm cá, có đấy mà cũng như không.

Từ ngày đơn vị làm thêm miếng ruộng ở cánh đồng À Na Cút, những chàng lính trẻ gốc nông dân lại có dịp cày sâu cuốc bẫm làm những công việc đã từng gắn bó với mình ngày chưa vào lính. Đơn vị làm ruộng để cải thiện đời sống bộ đội, và hơn nữa, để làm mẫu cho dân biết thâm canh chăm bón lúa. Các cô gái làng lại có thêm dịp gặp gỡ giao lưu với các chàng lính trong những dịp cấy, gặt. Đi cấy, đi gặt mà váy hoa, áo màu cứ như trẩy hội. Nhớ những hôm như thế gặp trời mưa, mỗi anh lính lại căng tấm áo mưa che chung với một nàng. Chẳng biết có bao nhiêu chàng lính mang tâm trạng «Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa» như lời thơ của Nguyên Sa.

Với các cô gái, chúng tôi dần đã gần gũi thân quen như trai làng. Đi làm đồng cùng nhau, múa cùng nhau trong những đêm rom vông, gặp gỡ trò chuyện hàng ngày, tình cảm nảy sinh là điều rất tự nhiên. Lại thêm, so với trai làng, các chàng bộ đội có phần đẹp trai, lanh lợi hơn, sao tránh khỏi các cô nàng thầm thương trộm nhớ. Dù biết rằng, kỉ luật quân đội không cho phép bộ đội yêu con gái Kh’mer, nhưng thần ái tình vốn đã bịt mắt và con tim có những lí lẽ của riêng nó.

Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt. Những đôi mắt đẹp và buồn của các cô gái làng trong những đêm rom vông với ánh nhìn nồng hơi men, pha một chút dỗi hờn, một chút mời gọi đã khiến tim của các chàng lính trẻ nhiều lần lỗi nhịp.

Và điều gì phải đến, nó sẽ đến.

Tình yêu trai gái từ ngàn xưa vẫn vậy chẳng bao giờ giấu được ai. Các cặp đôi bộ đội, gái làng yêu nhau sớm muộn rồi cũng lộ. Tùy theo nhận định của đơn vị, nếu tình hình chưa có gì nghiêm trọng thì nhắc nhở. Nếu cảm thấy nguy hiểm là lập tức cách li, chàng bộ đội hào hoa nhanh chóng mang ba lô về trung đoàn. Đơn vị tôi đã chứng kiến bao nhiêu là nước mắt chia li.

Sau vài vụ như thế, những chàng lính và các cô gái làng có thương nhau chỉ dám thương thầm, giữ kín trong lòng. Hoặc phải kìm mình lại. Như tôi...

Ngày đó, tôi và cô bé Phờn mười bảy tuổi cũng đã có lần che chung áo mưa trên cánh đồng À Na Cút. Bữa ấy trời mưa như trút, cô bé bạo dạn nép sát vào người tôi như truyền hơi ấm, mà tôi thì hai tay giữ áo mưa, người thẳng đứng như tư thế của người lính trước quân kì.

Cô bé ấy bây giờ đã là bà của một lũ cháu nội, cháu ngoại.

T.P

VNQD
Thống kê