Cây mùa đông

Thứ Ba, 02/04/2019 15:24

NGUYỄN SỬ

 

Đường đi học luôn là con đường quen thuộc nhất nhưng cũng là con đường xa lạ nhất. Quen thuộc bởi đã quá rõ đường đi lối về, không cần phải đắn đo suy nghĩ khi bước đi nhưng cũng xa lạ chính bởi sự quen thuộc để rồi không còn dành chút thời gian nào chú ý đến những đổi thay hàng ngày trên những con đường đó. Tan học, lang thang trên đường về, chiều còn chút nắng hiếm hoi giữa một khung trời thường ảm đạm của London. Nắng không gắt, cứ vàng rực một mầu ánh kim trầm lắng. Hàng cây London plane dọc đường nửa thân óng vàng, nửa chìm trong bóng tối, một sự điêu tàn cao nhã!

Người ta gọi London plane là huyền linh mộc, cây chuông treo ngược hay đơn giản là cây sồi. Đó là loài cây đặc sản của London, bởi có thể dễ dàng bắt gặp từng hàng từng hàng, những thân cây to vài người ôm, đủ che trọn cả một con đường rộng thênh thang. Từ Parliament dọc bờ sông Thames đến Buckingham rồi Hype park… đâu đâu cũng có bóng cây toả mát trên những băng ghế dài của công viên. London plane là loài cây đồ sộ, những cây lớn cao quá toà nhà sáu bẩy tầng cũng là chuyện thường, người ta thường trồng cây với khoảng cách khá xa bởi tán cây khi lớn sẽ phủ rất rộng. Phải đứng từ xa mới có thể nhìn trọn vẹn một cây trưởng thành. London plane còn được mệnh danh là “Vua cây đường phố”. Cây lớn nhanh, khoẻ mà cũng chẳng chê thổ nhưỡng, ở đâu cũng có thể sinh tồn. Người làm vườn còn có thể tha hồ cắt tỉa và quan trọng hơn là tán lá của cây có khả năng chống khói bụi, hấp thụ khí độc mạnh mẽ. Huyền linh mộc thực sự thích ứng với không gian của những đại đô thị. London là thành phố đầu tiên sử dụng loại cây này để xanh hoá cảnh quan của trung tâm. Những đô thị lớn như New York, Paris, Madris về sau cũng sử dụng nhiều bởi tính ưu việt của nó. Hơn một nửa số cây trồng ở London chính là huyền linh mộc. Nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng tính trấn áp đủ để cho người ta thấy, đây là sức mạnh, đây là một siêu đô thị, nơi từng là trung tâm quyền lực của cả thế giới… đây là Vương quốc Anh – kiêu ngạo nhưng cũng đầy định kiến.

Cây huyền linh mộc - Ảnh: Nguyễn Sử

Xuân tới vạn vật sinh sôi như một sự khởi đầu, người ta hẳn sẽ háo hức ngóng chờ những cành mới đang nhô lên trên những thân gầy mùa cũ. Mùa hạ khởi đầu bản giao hưởng mầu xanh. Thu về cây cành rực rỡ, huy hoàng. Để rồi, đông sang chẳng còn gì ngoài những tàn phai, những dáng mảnh khảnh của những cành khô trụi lá ở trên cao. Chẳng còn mấy ai quan tâm nhiều đến những thân già gầy guộc nữa. Thi thoảng một trận tuyết xuống, thân cành phủ trắng, lung linh mà khắc nghiệt.

Cây mùa đông, như người trung niên, đơn giản, rõ ràng, có cái tang thương của tuổi tác. Những vết rạn nứt của thời gian, khô nhám, cứng cáp. Không còn cơn gió nào để xào xạc, bởi những chiếc lá cuối cùng cũng đã lìa cành. Cái dũng khí cười nát hồng trần, đạp tan băng giá của cây làm chúng ta cũng phải ngỡ ngàng. Đời người luôn bám víu vào những thành tựu đã đạt được, đã có sẵn, tự tạo ra cho mình riêng những giá trị để rồi mãi bị những giá trị đó bủa vây, quên mất rằng đâu có gì là bền vững. Phải luôn luôn thay đổi để tiếp tục sinh sôi với đất trời mới thực sự hiểu thấu được giá trị của sự sáng tạo luôn là bất diệt.

Cây đầu đông như từng chùm lửa cùng nắng bay trong không trung, nguy nga mà cương nghị, ngạo ngễ trầm mặc và cả khát khao, khó khăn cũng không cúi đầu. Những cành cây vẫy vào trời xanh mang vẻ đẹp của sự tối giản. Những đường nét tối giản nhất bao giờ cũng là những đường nét có sức mạnh nhất. Tối giản những không đơn giản, càng không phải xuất phát từ sự giản đơn. Chỉ có sự phức tạp đến cùng cực mới có thể quay trở lại được với sự giản đơn. Hội hoạ phương Đông thường luôn nhắc đến khái niệm âm dương kể cả trong từng đường nét. Nét trắng là âm, nét đen là dương, nửa trắng là âm, nửa đen là dương, tranh tựa như một đất trời thu nhỏ, không được đánh mất đi sự cân bằng đó. Nhìn kỹ vào cành cây bắt nắng này tôi mới thực sự hiểu ra những điều mà lâu nay tưởng rằng mình biết, tưởng rằng mình đã rất quen thuộc, rồi hoá ra lại không hề như vậy!

Cây mùa đông là đơn điệu để không ai chú ý, không ai còn đoái hoài. Như người con gái gỡ hết điểm trang, chỉ còn khuôn mặt chân thực nhất khi đối diện với chính bản thân mình. Như người chiến binh trải bao gió sương trận mạc rũ lớp áo bào về nơi quê cũ, là kẻ chiến thắng hay người thất bại đều lẩn khuất cái cốt cách kiêu bạc mà không phải là thái độ kiêu ngạo. Có lúc, giữa những nhành cây đan cài ánh mặt trời nhẹ nhàng, có khi là vầng trăng lạnh lẽo đều chẳng làm giảm bớt khí chất của một người từng trải.

Cây mùa đông, như người suy tưởng! Không trông lên bầu trời, mà đem mình xuống gần với đất, tu chỉnh bản thân, hứng trọn mưa gió mới, cả sinh mạng, nhiệt huyết của đất trời, để viết nên bài ca một mùa khác… Cây cũng như người, không chỉ mãi hướng lên trời xanh, mà còn phải biết đắm mình vào đất mẹ, trông lên cao nhưng càng phải đào sâu, gốc có vững thì cành mới mạnh. Sự cảm ân đối với trời đất, không lời, lặng lẽ vần xoay, vạn vật cứ luân chuyển theo ý của tự nhiên.

Cây mùa đông, là cả những gì chưa tới, bên trong điêu tàn là những mầm lá nhỏ muốn trổ khỏi lớp thân già gầy guộc. Không có sự tích luỹ của mùa đông sao có được những mầm non mùa xuân, mùa hạ tươi xanh và mùa thu lộng lẫy. Đó cũng là một sự hy sinh cho những giá trị lớn lao hơn trong tương lai. Bản giao hưởng mùa đông như những lời tình nhẹ nhàng trong niềm thổn thức của Chopin, không chỉ là tình yêu mà còn là sự ngợi ca tạo hoá đã dựng nên muôn điều để con người bất chợt giật mình bởi thấy mình nhỏ bé và mong manh quá đỗi!

Cây mùa đông tựa một người cố tri, giữa chiều đông băng giá bất chợt gặp lại nhau hàn huyên trong một tách hồng trà có tuổi, không quá nồng nàn, nhẹ nhàng trầm ấm. Mùi hương trà, hương thời gian cứ từ từ lan toả, cho con người thực sự chìm đắm vào không gian tĩnh lặng của đất trời. Người với người cùng ôn lại với nhau những câu chuyện cũ, những được, những mất, những thành, những bại, những vinh hoa hay đớn đau của cuộc đời tưởng chừng như không thể nào quên, những đau đáu về nhân sinh thế sự cuối cùng cũng chỉ như một cơn gió thoảng qua…

Tôi đứng lại để nghe những lời của cây… trong một ngày lặng gió!

 

N.S

London 27/02/2019

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)