Bến bông tra

Thứ Bảy, 07/10/2023 00:27

. HỒ TĨNH TÂM
 

Ông lão mỗi tuần một lần bơi xuồng vào con xẻo mọc đầy cây tra của xóm Bàu. Mưa cũng như nắng, nắng cũng như mưa, cứ đúng vào giấc trưa thứ sáu hàng tuần là ông có mặt. Ông cao, gầy, mái tóc bạc trắng như bông gáo, lúc nào cũng vận đúng bộ bà ba trắng đã ngả sang màu cháo lòng. Lần nào cũng như lần nào, bao giờ ông cũng cặm xuồng đúng bến cây gáo nhà bà Bảy.

Bà Bảy sống mình ên trong căn nhà lá nhỏ nhắn, dễ thương như cái nấm nằm cặp theo mí rạch, chỗ uốn một đường cong chữ S, thanh thoát như một dải lụa mềm mại, trườn mình giữa đôi bờ bông tra mơn mởn màu hồng phấn. Bà bảy cũng trạc tuổi ông lão, nghĩa là cũng tròm trèm tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hi. Hình như bà Bảy với ông lão có duyên nợ với nhau từ xa xưa thì phải. Từ ngày tôi đến trọ trong nhà bà Bảy để sưu tầm ca dao, thứ sáu tuần nào tôi cũng thấy, cứ vào lối hơn mười giờ là bà Bảy lui cui ngồi chụm lửa nấu nước, chế đầy vô bình thủy, rồi cặm cụi chùi rửa bộ đồ trà rất kĩ. Và thứ sáu nào cũng vậy, cứ khoảng trên dưới mười một giờ là ông lão bơi xuồng tới nơi. Bà Bảy chăm bình trà quạu. Ông lão lôi trong giỏ đệm ra lủ khủ thư từ, điện tín và dăm ba tờ báo. Họ ngồi đối diện với nhau ở hai bên cái bàn gỗ dầu cũng tuổi tác già nua như họ.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Bà Bảy hỏi:

- Lóng rày ông còn hay rêm mình nữa thôi?

Ông lão nói:

- Bà chuyển giùm tui mấy lá thư.

Rồi thì bà Bảy vừa ngồi ngoáy cơi trầu vừa nhai trầu bỏm bẻm. Rồi thì ông lão hắng giọng, đọc thủng thẳng từng chữ một bài báo nào đó. Rồi thì hai người lặng lẽ chia tay nhau.

Ông lão ngồi dưới xuồng nói vọng lên:

- Tui vìa nghen bà!

Bà Bảy vịn gốc còng sần sụi, nói vọng xuống:

- Ông chèo thủng thẳng, đừng chèo riết, rêm mình nghen ông!

Nhìn cảnh hai người lớn tuổi chia tay nhau, bao giờ tôi cũng thấy xốn xốn trong lòng.

Buổi trưa thứ sáu ấy, tôi đi sưu tầm ca dao ở Bưng Ráng về giác hơn một giờ trưa, thấy bà ngồi thẩn ra bên cái bàn gỗ dầu với bộ đồ trà úp sấp, tôi rụt rè hỏi:

- Bữa nay ông Tư không đem thư từ báo chí tới há bà?

Dường như không nghe tôi hỏi, bà Bảy vẫn ngồi thẩn ra im lặng. Tôi đang tính hỏi thêm lần nữa, nhưng tiếng bà Bảy đã cất lên buồn buồn.

- Dám ổng bịnh rồi. Mấy tuần nay qua để ý thấy ổng yếu lắm.

Nhìn dáng ngồi tư lự của bà Bảy, tôi biết bà Bảy đang chìm trong một nỗi buồn hiu hắt, mung lung nào đó; bởi vậy tôi lặng lẽ xuống bếp lục cơm nguội ăn với cá bống trứng kho tiêu. Sau đó tôi ra vuông vườn mọc đầy mù u sau nhà, hí hoáy ngồi phân loại từng câu ca dao vừa mới sưu tầm được hồi sáng. Với tôi, mỗi câu ca dao đều có máu, có thịt, có linh hồn riêng của nó. Tôi vừa ghi chép lại thật sạch vô sổ tay, vừa đọc lẩm nhẩm, vừa cố hình dung lại ánh mắt, gương mặt của mấy dì, mấy chú, mấy bác ở miệt đồng Phụng Hiệp đã đọc cho tôi nghe những câu ca dao chứa đầy tâm sự. Từng chữ, từng câu, cứ càng đọc tôi càng thấy chúng cồn lên hôi hổi như hơi thở của người dân quê đầy ân nghĩa.

Quân vi thần cang
Phụ vi tử cang
Phu vi thê cang
Giả tam cang tối thiện
Anh giữ trọn ba giềng, em nguyện gởi thân.

Chiều đó tôi ăn cơm một mình, bởi bà Bảy than nhức đầu, phải qua nhà hàng xóm nhờ bắt gió.

Hừng sáng hôm sau bà Bảy quá giang ghe máy của mấy bà bạn hàng chở rau lên bán trên chợ xã. Bà dặn tôi, ở nhà đói bụng cứ xúc gạo nấu cơm mà ăn; thức ăn thì còn cả ơ cá bống trứng kho tiêu, thèm ăn canh chua thì đã có mấy con cá lóc rộng trong khạp, mấy trái cà tô mát trong chạn bếp.

Tôi biết là bà đi thăm ông Tư.

Ở nhà một mình buồn thiu thỉu, tôi lôi cái võng dù (di vật còn lại duy nhất của ba tôi) ra giăng sau góc vườn mù u, nằm đòng đưa đọc cuốn Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Từng chương, từng chương thơ quen thuộc từ thời còn đi học, vừa cuốn hút tôi, vừa nhè nhẹ ru tôi thiếp dần vào giấc ngủ. Đang chờm chợp chiêm bao thấy cảnh Lục Vân Tiên về thăm mẹ, thốt nhiên tôi nghe như có tiếng ai đó cất lên gọi đò văng vẳng. Dụi dụi đôi mắt ngồi nhỏm dậy, phải mất một lúc tôi mới nhận ra có tiếng con gái gọi ở trước sân nhà. “Bà Bảy, bà Bảy ơi! Có nhà không bà Bảy?”

Người gọi cửa là một cô gái còn rất trẻ. Cô ta xách trên tay cái giỏ đệm rất quen thuộc của ông Tư.

- Cô thay ông Tư đưa thư từ báo chí tới phải không?

- Ừa! Tui là cháu bên ngoại của ổng. Ổng bịnh hổm rày không đi được. Anh nhận giùm tui nghen!

Tất cả vỏn vẹn có chín lá thư và ba tờ báo. Chỉ có bi nhiêu mà tôi phải lội giáp vòng cả ấp gần hai tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi tối ngồi một mình đọc sách, không hiểu sao, tôi đọc hoài mà không nhớ nổi một chữ. Đầu óc tôi cứ miên man suy nghĩ: Ông Tư đúng là giỏi thiệt. Đã mười mấy năm nay, tuần nào ông cũng bơi xuồng đưa thư tới tận từng ấp, từng xóm trong xã. Mưa gió nắng nôi là vậy, mà đồng tiền trợ cấp làm thêm có đáng là bao. Nhưng dầu gì ông Tư cũng là cộng tác viên của bưu điện xã, cũng còn có cái sạp báo nho nhỏ bày bán trong chợ xã. Còn bà Bảy, tuần nào cũng lặn lội đưa thư đưa báo tới tận tay bà con trong ấp, trong xóm, bà có được trợ cấp đồng bạc nào đâu. Vì lẽ gì mà cả hai con người tuổi tác già nua ấy lại tự nguyện đứng ra làm cái công việc âm thầm này cơ chứ?

Ông Tư mỗi tuần bơi xuồng hăm mấy cây số lòng vòng trong xã. Bà Bảy mỗi tuần lội bộ lòng vòng mấy cây số trong ấp, trong xóm. Mỗi tháng, mỗi năm, hai con người đơn độc ấy đi hết bao nhiêu đường đất? Mười mấy năm nay, hai con người đơn độc ấy đi hết bao nhiêu đường đất? Cả hai con người ấy, họ lặng lẽ tự nguyện làm công việc đưa báo đưa thư là vì lẽ gì cơ chứ? Tiền thì chắc chắn là không phải rồi. Vì bà con thì đã là lẽ đương nhiên. Phải chăng còn vì một lẽ riêng tư thầm kín nào đó mà chỉ có hai con người già nua đơn chiếc ấy mới biết được mà thôi.

*

*        *

Suốt cả tuần ông Tư đổ bệnh, bà Bảy cũng ở luôn trong trạm xá của xã để săn sóc cho ông. Một mình sống trong căn nhà lá hiền như cái nấm rơm của bà Bảy, đêm nào tôi cũng thao thức nghĩ về hai con người già nua đơn chiếc ấy. Họ là những người đưa thư, cũng giống như những người chiến sĩ giao liên ngày xưa.

Ngoại kể ngày xưa ba tôi là giao liên của huyện ủy Ô Môn. Một lần ba đang trên đường công tác thì bị tụi bảo an phục trên mí sông phát hiện. Tụi nó chong súng rượt bắn ba đùng đùng. Ba vừa nương theo các liếp vườn, vừa nong theo các con mương, con rạch, tìm cách chạy thoát thân khỏi vòng vây của chúng. Đang chạy, ba bị một viên đạn cạc bin bắn xuyên qua bắp đùi, máu túa ra ướt đẫm cả ống quần. Không thể chạy được nữa, ba nhoài người xuống một con mương, hụp hửi lội ra con rạch, đeo theo dề lục bình, thả mài ốc tới chém vè trong đám ô rô, cóc kèn rậm rịt. Tụi bảo an quần thảo lùng sục cả tiếng đồng hồ, không tìm thấy ba, chúng hậm hực bắn vung loạn xạ vào các lùm bụi một hồi, rồi kéo nhau về đồn. Nhờ vậy mà ba trườn lết tới được nhà của ngoại. Ngoại dùng mật ong và bột nghệ thoa vết thương cho ba. Lúc gần ngất xỉu vì mất quá nhiều máu, ba nói thật với ngoại, ba cần phải chuyển công văn khẩn của huyện ủy tới linh mục Thành ở nhà thờ Sáng Trắng. Bấy giờ mẹ đã gần ba mươi tuổi, vẫn còn sống chung với ngoại, mẹ đã nhận chuyển công văn giùm ba tới tận tay ông linh mục. Sau này mẹ cùng ba trốn vô đồng, cùng ba làm giao liên cho huyện. Ba ngày sau khi ba mất vì đụng trận với lính sư đoàn 21 càn vô căn cứ, mẹ sanh tôi trong trạm giao liên của huyện. Vật còn lại duy nhất của ba chính là chiếc võng dù mà lúc nào tôi cũng đem theo bên mình.

Chính tình yêu đã gắn ba mẹ với nhau. Phải chăng bà Bảy với ông Tư cũng vậy…

Lối hơn chín giờ ngày thứ sáu, lúc tôi đang ngồi đối chiếu lại các câu ca dao vừa sưu tầm được ngày hôm qua, thì nhìn thấy cô cháu ngoại của ông Tư xách cái giỏ đệm từ dưới bến cây còng bước lên. Lần này, ngoài cái giỏ đệm quen thuộc của ông Tư, cô gái còn xách theo một cái giỏ đệm khác. Trong cái giỏ ấy có một cái bộng vịt chừng kí rưỡi, hai con khô cá mặn, một chai nước tương hiệu Con mèo đen.

Cô gái nói với tôi:

- Trưa nay em ở lại, làm cho anh món vịt nấu chao, rồi em tự đưa thư báo cho biết nhà cửa của bà con xóm Bàu. Nay mai em thế ông Tư chạy thư từ báo chí cho bà con trong xã anh à. Ông Tư ổng yếu lắm rồi, hổng còn đủ sức bơi xuồng đâu anh.

Sau buổi cơm trưa, tôi với cô gái bơi xuồng đi đưa thư lòng vòng trong ấp trong xóm. Lần này chúng tôi phải đưa tới mười bảy lá thư, năm giấy mời lĩnh tiền, và một cái điện tín. Thư từ, thư báo, thư điện, chẳng cái nào trùng địa chỉ với cái nào, thành thử chúng tôi phải đi tới gần xế chiều mới hết.

Khi chúng tôi về gần tới ngôi nhà của bà Bảy thì một cơn giông nổi lên đùng đùng. Giông đàng đông vừa trông vừa chạy. Tôi ngồi lái, ráng hết sức bơi xuồng thật nhanh để tránh cơn mưa sắp ập xuống. Ấy vậy mà bỗng nhiên tôi nghe cô gái reo lên đầy phấn khích:

- Chèng ơi! Bông tra đẹp quá trời anh ơi!

Theo bàn tay chỉ của cô gái, tôi thấy cặp theo mé con rạch chúng tôi đang bơi xuồng, bập bềnh một thảm bông tra trôi vàng rực.

Lạ thật! Bông tra lúc chớm nở vào buổi sáng thì có màu trắng phớt hồng, tới buổi trưa lại nở bung những cánh màu hồng sẫm, vậy mà tới xế chiều lại ngả sang màu vàng chanh roi rói. Bấy giờ, chỉ cần một cơn gió nhẹ, những bông tra đã bứt khỏi cành, lả tả gieo mình xuống nước, dập dềnh trôi theo con sóng. Bây giờ, trong cơn giông giật đùng đùng, tất cả những bông tra đều tung mình lên trời, bay bay theo gió rồi từ từ đậu xuống mặt nước, kết thành thảm bông tra đẹp tới mê hồn. Chiếc xuồng nhẹ của chúng tôi được nước được gió rướn mình lướt tới, làm cuộn lên hai vòng bông tra vàng xôn xao tới nao lòng.

Thế rồi mưa bắt đầu sầm sầm đổ xuống như thác. Mưa mùa hạ đi kèm với sấm chớp, càng lúc càng ầm ào như xé toang cả bầu trời bằng cuộc truy hoan của trăm ngàn lưỡi tầm sét sáng rực. Gió ào ào lốc xoáy. Mưa rào rào rát mặt. Sóng trên con rạch cồn lên bựng bựng. Thảm bông tra vừa mới đẹp như mơ là vậy, giờ đã sũng nước, vỡ oà ra tan tác, rồi chìm biến đi lúc nào không biết.

Mưa đồng bằng châu thổ kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ, buộc lòng cô cháu gái của ông Tư phải nghỉ lại trong căn nhà của bà Bảy cùng với tôi. Nhờ vậy tôi biết cô gái tên Hường. Nhờ vậy tôi biết thêm câu chuyện tình trên bến bông tra.

*

*        *

Hồi đó ông Tư và bà Bảy đều là kẻ làm người ở cho hội đồng Thoàn. Hội đồng Thoàn rất cưng cậu Út, rất muốn cậu Út được học hành tới nơi tới chốn để sau này gởi qua bên Pháp học lấy bằng kĩ sư canh nông. Bởi vậy năm cậu Út lên sáu, hội đồng Thoàn cắt riêng cho ông Tư mỗi một việc là hàng ngày dẫn cậu Út tới trường làng học chữ. Cậu Út ngồi học chữ trong lớp, ông Tư đứng ngoài cửa sổ học theo. Thành ra cậu Út biết tới đâu ông Tư cũng biết theo tới đó. Cậu Út vốn hiền từ nhút nhát như con gái nên lúc nào cũng đeo dính ông Tư để hòng được ông che chở. Cậu quý mến ông Tư, coi ông Tư như người bạn lớn tuổi của mình. Nhờ vậy mà ông Tư cũng được hội đồng Thoàn ưu ái hơn đám gia nhân đầy tớ trong nhà.

Phần bà Bảy, nhờ có chút nhan sắc nên cũng được hội đồng Thoàn cắt cho công việc lau chùi dọn dẹp ở nhà trên, hầu trà nước cho khách ở nhà trên. Ông Tư và bà Bảy nhờ vậy mà thỉnh thoảng cũng có được cơ hội để chạm mặt nhau trò chuyện. Rì rầm rì rầm mãi, rồi hai người cũng bén duyên nhau, cũng toan tính cùng nhau hẹn có ngày xe tơ kết tóc. Nhưng sự đời nào có để yên cho thân phận những kẻ tôi đòi.

Trong đám thực khách thường lui tới nhà hội đồng Thoàn, hương quản Hòa là người háo sắc cả vùng ai cũng biết. Không biết hắn thót thét sao đó mà hội đồng Thoàn ưng thuận cho hắn chọn ngày rước bà Bảy về làm vợ nhỏ. Khi hội đồng Thoàn đem điều đó nói cho bà Bảy hay, bà xây xẩm mặt mày, chết lặng cả người. Biết là không thể cưỡng được mệnh trời, ngay trong đêm biết chuyện, bà Bảy nhắn ông Tư nửa đêm hẹn gặp nhau ở khu gò mả để tìm cách trốn đi.

Éo le thay, đêm đó lại là một đêm sáng trăng vằng vặc. Hương quản Hòa cùng với vài kẻ giàu sang có chức sắc trong vùng tụ tập chén thù chén tạc trong nhà hội đồng Thoàn. Quá nửa đêm, men rượu và ánh trăng lênh lang gợi hứng, Quản Hòa giả đò ra ngoài đi tiểu, rồi một mình rón rén lẻn vô buồng của bà Bảy. Vén mùng sờ soạng không thấy bà Bảy ở trên giường, quản Hòa liền chạy đáo lên nhà trên, nói với hội đồng Thoàn cho vời bà Bảy lên pha cà phê uống cho đỡ buồn ngủ. Nhờ chút mẹo vặt ấy mà quản Hòa đã đánh động được cả nhà hội đồng Thoàn đốt đèn, đốt đuốc, kéo nhau đi lùng sục ông Tư và bà Bảy.

Quản Hòa vốn ăn chơi trác táng xưa nay, hơn nữa hắn lại biết ông Tư với bà Bảy có tình ý với nhau đã lâu, nên máu ghen càng khiến hắn trở nên ranh ma như chồn như cáo. Thấy hai người biến mất cùng một lúc, lập tức hắn nghĩ ngay tới khu gò mả là nơi hắn đã từng trăng gió mây mưa với nhiều đức bà của các ông có máu mặt trong vùng. Vậy là cả đoàn người đèn đuốc rùng rùng kéo thẳng ra khu gò mả. Mà khu gò mả lại thèo lãnh giữa cánh đồng bốn bề ngập nước muốn lút cả đầu người, chỉ độc đạo một con đường từ trong làng dẫn ra tới đó.

Hội đồng Thoàn vốn là người trọng lời hứa, nay bắt quả tang ông Tư và bà Bảy đưa nhau trốn ra khu gò mả, sợ mất lòng bạn, ngay trưa hôm sau, ông ta đã cho người đưa bà Bảy sang nhà Quản Hòa. Bà Bảy bị buộc làm lẽ cho quản Hòa. Được năm ngày thì bà tìm cách trốn đi mất biệt. Bà bặt vô âm tín từ đó tới tận sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm mới trở về bến bông tra dựng ngôi nhà đơn sơ sinh sống…

Bà Bảy bị bắt đi làm lẽ hôm trước, hôm sau ông Tư cũng trốn nhà đi biệt xứ. Ông lang bạt bên Nam Vang được hơn hai năm mới tom góp bạc tiền về Tri Tôn sinh sống. Chẳng may ở đây ông bị tụi quân cảnh hốt đi quân dịch. Nhờ biết đọc biết viết, ông Tư được tụi nó cho đi học khóa đào tạo hạ sĩ quan. Ra trường, ông được bổ chân lính dù. Trong một trận đánh ở Bảy Núi, ông Tư bị đạn nhọn của du kích bắn lủng mấy lỗ ở hai lá phổi. Sau cơn thập tử nhất sinh, ông được chánh quyền Sài Gòn tưởng thưởng mề đay rồi cho giải ngũ về quê sinh sống. Ở quê, chánh quyền sở tại biết ông có mề đay của quốc gia, bèn vời ông ra làm trưởng ấp. Ông Tư giữ chân trưởng ấp cho tới ngày hòa bình…

Lúc bà Bảy về quê, biết bà từng tham gia cách mạng, từng là cán bộ điện báo, làm việc cho ban thông tin tỉnh ủy, ông Tư đã phải lánh mặt bà, lên mở tiệm hớt tóc trên chợ xã. Về sau, do nhu cầu chuyển thư tín của bưu điện xã ngày càng tăng, ông Tư đã tự nguyện xin làm người cộng tác chuyển thư từ báo chí cho bưu điện. Rồi cũng nhờ cần mẫn với công việc được giao, ủy ban xã đã cho phép ông mở đại lí báo chí ngay trong xã. Cũng từ ngày tự nguyện nhận chân đưa thư từ báo chí, ông Tư mới có dịp gặp bà Bảy thường xuyên mỗi tuần. Và cũng từ đó, ông Tư thành cái lệ, cứ mỗi trưa thứ sáu hàng tuần lại bơi xuồng tới nhà bà Bảy, nhờ bà Bảy chuyển thư cho bà con trong xóm trong ấp.

Tuy là tình xưa nghĩa cũ, từng nung nấu một thời, thủy chung tới mức cả hai người không một ai nghĩ tới chuyện lập gia đình, vậy mà khi gặp nhau, cả hai đều thấy có chút gì đó ngượng ngùng không thể bước qua được.

*

*        *

Sau đêm thức trắng nghe Hường kể chuyện, tôi với cô lên xã thăm ông Tư.

Lúc bước vào phòng bệnh của trạm xá, tôi sững cả người, tưởng như không thể tin được vào mắt mình. Ông Tư nằm teo tóp trên giường bệnh, hơi thở đã phều phào, hai mắt lờ đờ không còn thần khí. Bà Bảy ngồi lặng im trên cái ghế tựa, mái tóc tuần trước còn hoa râm, giờ đã bạc phơ màu bông gáo.

Tôi thấy rưng rưng trong lòng, thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi hiểu cái gì đến đã sắp đến. Không cầm được lòng mình, nước mắt tôi trào ra mằn mặn.

Nhòa trong nước mắt, tôi thấy bến bông tra đã đơm màu hoa hồng phấn của bình minh

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)