Một miếng giữa làng

Thứ Năm, 21/09/2023 08:28

. TRẦN CHIẾN

Đám tang đã đi nửa thời gian vẫn ĩu. Bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, tổ dân phố, lẻ loi hoặc từng nhóm, có vòng hoa hay độc phong bì đều phân ưu cho có. Người thân mắt khô khốc, nhẫn nại đứng nghe chia sẻ, cảm ơn như tượng đá cung đình ở Huế. Thảng hoặc có cô nấc “chị ơi” cao và ngắn ngủi, ôm lấy tang chủ suýt nghẹn ngào.

“Cũng phải thôi. Ông bà nào nằm lâu quá mới đi, đám chả vậy. Người nhà chăm sóc mệt mỏi, tốn kém đến kiệt quệ, giờ còn đâu nước mắt. Nhưng lại là giờ phút “nghĩa tử là nghĩa tận”, thiên hạ trông vào xong ra kháo khéo hóa thị phi. Thì cứ phải tiếc thương đau đớn chứ còn thế nào. Mà mình cũng vậy.” Những ý nghĩ không thể chia sẻ bò ra khiến Tân cười khẩy, chả biết có khinh bạc quá… Ai cũng biết cuộc tiễn đưa chỉ còn là thủ tục, chả ai hé răng. Tận tình duy nhất chỉ có ông Lưu Hữu Phước. Giai điệu “Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn” năm phút cử một lần, cứu vãn vị ai oán. Giá thử còn sống đến thời thị trường, chả biết nhạc sĩ có đòi quyền tác giả. Xời! Sao không chứ, các nhà tang lễ sử dụng bài của ông để kinh doanh kia mà. Nghĩ đến đây lại suýt phì cười.

Không có sự tếu táo này thì Tân đã sớm bỏ dở nghĩa cử với tang gia, nhất là Lộc.

Mươi năm trước, Tân háo hức tham gia những cuộc tụ bạ của các“viện sĩ”- cách gọi đám cán bộ nghiên cứu ở viện, trường - trẻ, thường giản dị nhưng phải có men cho nó bốc. Thể nào cũng có một đàn anh dẫn dắt, với những ý tưởng táo bạo, bất ngờ, càng hấp dẫn nếu thêm kẻ đôi co, ông nói gà bà nói vịt nghe vẫn sướng. Thích thế nhưng ít tiền góp, có dự được hết đâu, tri thức hóng hớt miễn phí thế nào.

Lần đọc tạp chí Nhân học, Tân ấn tượng mạnh với bài về tục hôn nhân cận huyết của người Phảng huyện Đỗng tỉnh Y., kí Lã Quý Thịnh. Tư liệu thật đáng nể, có ý kiến, địa chỉ, tên tuổi của người dân tận thôn bản, những cặp vợ chồng sinh con dị tật…, cho thấy công phu điều tra thực địa rất dầy. Phần đánh giá sắc sảo, chỉ ra nguồn gốc từ tín ngưỡng quá đề cao tộc họ, khép kín chuyện pha máu. Nguyên nhân khác là địa hình, huyện Đỗng nhiều núi cao sông dốc, trai gái khó đi xa tìm bạn tình đâm quanh quẩn “đạp nhau như gà”. Nhiều ấn tượng nữa khiến Tân nằm lòng, cho đến hôm nghe người bạn cùng ăn cơm bụi nằm bàn làm việc rủ “Ra phở Tây gặp anh Thịnh tươi sống”. Bèn kiểm túi, bấm bụng hoãn vài khoản tiêu.

Rồi không phải tiếc. Thịnh ngót bốn mươi, nghiên cứu viên phân viện Vùng cao thuộc một viện lớn, viết đã hay còn lợi khẩu. Gần như độc thoại, anh kể những chi tiết “chả đáng kể nhưng mình tinh ý thì có thể mò đến nguồn gốc rất sâu và xa”. “Nghiên cứu tộc ít người phải lên tận nơi, sống cùng, không lớt phớt được. Nguyên cái chuyện ăn ngủ, vệ sinh được ở nhà họ - bên dưới là chuồng trâu - đã kì công lắm, rồi mới biết tại sao con cô con cậu lại như dưới ta gọi lại có thể vợ chồng.” “Chậc. Tạnh sớm các đấng bậc đi. Các vị ấy có đóng góp nhưng vẫn bị thời đại hạn chế. Học thuật phải khách quan, dũng cảm thoát li hoàn cảnh mới đi đến cùng được. Chứ còn lệ thuộc vào sự chỉ đạo từ trên, lo tăng lương thì sao có công trình để đời!” Đang đốt lên ngọn lửa lí tưởng trong bọn “viện sĩ”, Thịnh đập đập chén không xuống bàn. Tân chả do dự gọi nửa lít nữa. Tai nghe những châu ngọc rơi ra, kẻ mới nhập bọn còn cho mắt tận hưởng. Một gương mặt trí tuệ, giơ tay nhấc chân cao nhã, giọng từ tốn mà truyền cảm. Tuấn tú dường này gái chết đứ đừ, mà sao làm cái nghề phải luôn năm lặn lội vùng cao nhỉ. Dịu mắt nhất là đôi tai, nhỏ bằng con sò, mỏng như giấy, tưởng ánh nắng xuyên qua chạm vào mạch máu được. Sao nó có thể sạch đến thế.

Những quan sát, tò mò khiến lần “họp” sau Tân lại đi, chả quản “viêm màng túi”. Kể ra không quá tốn kém, bao giờ cũng chỉ bát ô tô gầu nạm chan nước dùng, vắt vào hai quả chanh, phần tư chai tương ớt nhắm rượu, không dặm bụng thêm gì. Có hôm Thịnh nói hay quá, chủ quán mang ra bát nữa bảo khách vừa rời đi tặng. Để rồi hàng đêm, trên bàn làm việc trải xấp báo, con người trẻ tuổi thấy mình rừng rực cháy với những ý tưởng táo bạo. Thế mà sáng ra nguội lạnh cả, những mảnh sắc sảo không sao chắp lại hợp lí. Thấy Tân hay có mùi rượu, gặm chữ cứ nhấp nhổm, trưởng phòng nhủ: “Không ngồi yên được thì nghiên cứu thế nào. Còn đi thì để lúc ra thực địa chứ đừng giang hồ vặt”. “Có nhiều cách học chứ anh, bạn bè cũng chả vô bổ”, Tân cãi nhẹ nhàng. “Tùy cậu. Ngoài quán toàn thánh phán”, sếp tỉnh bơ. Nhưng đã quen, sáng ra nhớ, Tân vẫn đến phở Tây nhưng muộn hơn, nhịn miệng chỉ hóng hớt rồi về sớm. “Nhịp” họp thưa dần vì chả đủ tiền, và Thịnh bắt đầu lặp câu này ý nọ.

Có lần gặp một đàn anh bên phân viện Vùng cao, Tân hỏi về Thịnh. “À, bậc thầy lí thuyết.” Gặng nghĩa là sao, thì cười khẩy. “Nhưng anh Thịnh hay được truyền hình mời, nói hay mà.” “Đánh giá đồng nghiệp rất khó. Chỉ biết tay này say đám đông, tinh hoa phát tiết đằng mồm. Cậu đến phòng tư liệu tra xem ông ấy có công trình gì không chứ tớ chả tiện nói.” Chán thế, bọn trí thức phán về nhau rất mập mờ.

Nhân đi vùng cao về, Tân đến nhà Thịnh, quà mọn là mấy xâu nấm hương. “Ờ mình xin”, Thịnh cảm ơn ơ hờ nhưng Lộc hít hà mê mẩn: “Của rừng trông không đẹp như hàng siêu thị nhưng bát canh miến dậy mùi, chú thế là biết mua lắm”. “Em vào bản hẻo lánh lùng. Giỏi như anh Thịnh không có quà thì thôi, chứ có thì phải quà độc.” “Vâng anh Thịnh thì giỏi ạ. Cái gì cũng biết!”, nữ chủ man mát khiến Tân là lạ. Trần đời chưa thấy vợ nào khen chồng, chả biết có gỉ gì gi gì không. Mà bà này chắc hơn mình vài tuổi, to xương - sẽ già nhanh, làm lụng luôn chân luôn tay, đi lại nói năng dứt khoát khác hẳn chồng đẹp kiểu tinh tế, hơi nữ tính. Nhưng Lộc có đôi mắt lạ lùng, níu giữ, vừa u ẩn vừa quyết liệt, khiến Tân nhơ nhớ, cả lưng áo ngầy ngậy đẫm mồ hôi.

 

Minh họa: Công Quốc Hà

Hai mươi phút nữa mới đến giờ đóng nắp quan, khách viếng đã cạn, người ở lại còn ít hơn thành viên gia đình. Bên nhà tang lễ sốt ruột ướm có nên kết thúc sớm để chuẩn bị cho đám sau, chắc “víp” hơn. Thấy quả phụ đờ đẫn, Tân bước ra cản. “Theo hợp đồng thì chưa đến giờ truy điệu. Chiều nay bên cơ quan có cuộc họp toàn thể, đoàn lãnh đạo và các đoàn thể xong mới đến.” Nhà đám chịu rồi anh bèn “lấp chỗ trống”, đến nhìn trân trân vào khung kính trên áo quan. Thịnh gầy xọp, má phấn hồng hồng dính sát vào xương, sọ lơ thơ mấy sợi tóc. Thế mà đã có thời Tân nhớ rất lâu gương mặt ấy. Đẹp đã đành. Sao mà sạch thế. Cánh mũi, trán, đôi môi mỏng, nhất là đôi tai nhỏ, chỗ nào cũng như lau như li, tưởng như sáng ra anh ấy đứng nửa giờ trước gương, chăm sóc từng sợi lông mũi. Hồn tử sĩ lại cử, chắc tưởng khách mới, làm Tân ngây ngây nhớ đám tang vùng bán sơn địa. Kéo suốt ngày và quạnh quẽ, chốc nhát con cháu lại bỏ hai mươi nghìn cho người khóc thuê rộ lên, kẻo mà xóm giềng đồn chả thấy ai oán gì cả. Làng mạc tộc họ đều vậy, chết thì chả ai giống ai nhưng đưa tiễn cứ phải “đồng phục” đau thương, cho người sống hay cho người chết đây. Tỉnh thành đóng tiền một lần là tha hồ nhạc nhã, băng ghi âm biết mệt đâu, còn khách chia sẻ xong ráo hoảnh ngay chả sao, văn minh thật!

Bất giác Tân thấy mình ngắm nghía người chết kĩ quá. Chỗ người nhà, Lộc nhìn sang ngạc nhiên. Anh chưa bao giờ hỏi Lộc sao lại mang cái tên đàn ông này, xong lúng túng vì “phát hiện” chả đúng lúc của mình. Mình và “họ” đã bập vào nhau rất gì và này nọ.

Ngày còn lui tới nhà “thần tượng”, Tân gặp những trái lạ. Một Thịnh lôi thôi, lười biếng, bao nhiêu sáng láng hoạt bát như để ngoài quán phở cả. Người vợ to xương, khỏe mạnh, đặt bếp xong vớ ngay cây lau nhà, đám tóc gáy rối tung đẫm mồ hôi tỏa mùi ngầy ngậy rất đàn bà. “Lại cá kho á”, Thịnh lê từ phòng riêng ra chán nản. “Con tự thay quần áo là tiến bộ rồi, nhưng bỏ vào giỏ để mẹ đỡ phải nhặt, nhất là quần lót đừng tụt ra quăn queo một đám thế. À, bạn con vứt vậy vì nhà có người giúp việc, thế mẹ có phải người giúp việc không, con nghĩ xem.” Đang thủ thỉ dậy con gái, Lộc quay lại riết róng: “Tối qua anh uống về ăn ít, chả nhẽ đổ cá á. Hay cả nhà mình báo cơm tháng ngoài quán, cho nó thành cái gia đình chuẩn…” Thịnh nhìn Tân nhún vai ra điều, đấy cậu xem chỉ thiển cận tiếc tiền, tôi chán chả buồn nói. Đâm Tân nghĩ đến châm ngôn: tất cả mọi vĩ nhân đều tầm thường trước vợ và người hầu.

Nhưng Thịnh chưa phải vĩ nhân. Chả đưa mấy tiền về nhà, để vợ, ngoài chân tài vụ cơ quan tối phải kết toán cuối ngày cho một siêu thị nhỏ thì không hay. Lộc về muộn, lúc nào cũng mệt mỏi, hay phát bẳn. Hình ảnh thần tượng dần dần bở ra, từng mảng rụng lả tả. Có một sự cảm thông khác, mảnh và ngấm ngầm nhưng nhanh nhách dai xuất hiện giữa khách và bà chủ. Tân cứ “nối” sang vợ mình, sáng ra phấn son tự sướng xong gửi lên phây: “Vừa đi châu Âu về đã bị bắt sang Singapore ngay, có kinh khủng khiếp không”. Rồi tự phê, “Ngại quá. Phải phá vỡ quy tắc không mặc một bộ đầm hai lần trong sáu tháng”. Lâu rồi, sột soạt váy áo trước gương Thu không còn hỏi chồng “Anh xem cái này có bằng cái lúc nãy…” Nàng biết chứ, đằng sau những lời khen, thả tim với ghen tị là cái gì, chả nhẹ dạ trước tán tỉnh. Nhưng khát vọng giữ hình ảnh nó mạnh quá, không xuất hiện thường xuyên người ta quên mất mình từng xinh. Thế Thịnh, lúc độc diễn trước đàn em ngoài quán phở thì sao, có “sống ảo” không, những nghi ngờ khiến Tân oải quá chừng. Cứ thế này mình chả còn lòng tin vào ai nữa à…

Lần lên Y., nằm nhà khách tỉnh, nửa đêm Tân bị đánh thức. Ông cùng phòng cứ đi ra đi vào hết hút thuốc lào lại i ỉ hát, âm điệu lên xuống gợi con đường núi trập trùng lên xuống. Thấy Tân bực dọc, ông ấy cười tươi, giọng dân tộc không sõi. “Em xin lối. Ngày mai phải báo cáo bài hát trước hội nghị tỉnh ảnh hưởng đến anh mà anh lên vùng xa làm gì?” Lối nói thực thà chuyển cơn ấm ức sang chuyện trò cởi mở, đến khi biết Pừ Cha Phà người Phảng, nhân viên phòng Văn hóa huyện Đỗng thì râm ran hẳn. “Em biết anh Thịnh phân viện Vùng cao đấy. Lần anh ấy lên ba ngày, quan tâm đến tục tảo hôn, lấy nhau gần máu em đưa đi bản. Trên này văn hóa hay y tế cán bộ làm tất, em thống kê những nơi sinh con hở hàm ếch hoặc quái thai nhiều, đều do bố mẹ có cùng cụ hay ông bà nội ngoại. Tục lệ lạc hậu thế bảo là cho thuần giống khi truyền dòng thổ ti. Mà gả cách mấy quả núi vài con suối đi thăm xa quá, coi như mất con.”

“Lúc về em đưa anh Thịnh một bản đấy. Anh ấy không nói lại, chả biết có giúp được gì không.” Đến đây Tân biết mình không thể ngủ, muốn về lục ngay bài báo trứ danh Thịnh đăng tạp chí Nhân học, trước đó đã làm loạn vài hội thảo cấp viện cấp bộ.

*

*         *

Trời nóng, người chực truy điệu tụ cả chỗ cây quạt đại tướng. “Tấm váy chọn mãi mới ưng, giả tiền xong đã chán ngay có chán không”, bà vừa khóc “như mưa” than phiền. Một ông ôm điện thoại quát át tiếng gió chạy như bão, “Đặt ba bẩy mâm thôi cỗ cưới thừa hai mâm là đẹp. Nhà Yến đấy, cứ lo thiếu khách cuối cùng bắt nhau đem cá bỏ lò thịt sốt tiêu về đến khổ”. Những nỗi ra chả phải chỗ mà toàn bức xúc, khiến Tân vùng thoát ra ngoài, nóng như cái lò nhưng thoáng hơn.

Gần nhà Tân có sân thể dục, các “cháu” lớp mầm non u chín chục sáng ra múa quạt, ba la chùy miệng hát “sống lâu đâu phải đã già, bẩy tám mươi e lại là càng dai”. Vui tính thực, nhưng có cụ nào chưa nghĩ đến ngày tận của mình, dù “đi” nào chả là “đi”…

Chuyến đi tỉnh Y. đầy bức xúc ấy, thế mà làm Tân do dự. Có những mặc cảm xung đột trong lòng, nên hỏi Thịnh thực hư quanh bài báo không, “thu xếp” thái độ của mình với anh ấy cách gì - nhỡ ra ông người Phảng trên Đỗng kể đúng. Người dân tộc, chả nhẽ lại bịa. Cứ nghĩ quẩn đâm thấy mình rút dát, cả tháng trời tránh quán phở quen.

Rồi chạm trán bất ngờ, đang băng qua đường nghe tiếng gọi. Thịnh ngồi một mình, khá nhếch nhác, quán nước tồi tàn gần phân viện Vùng cao, ới vào trong, “Cho chén nữa. Đến kì lương tôi trả đủ. Quen cái lối keo kiệt!”. “Em không uống sếch được, sáng ra hại gan. Trông anh có vẻ không khỏe”, Tân bảo. Thì Thịnh “tâm trạng” ngay, như mới gặp nhau hôm qua, cả hôm kia hôm kìa…

“Anh rất buồn. Đời người nghiên cứu phải có tự do, cảm hứng chưa đến mà bắt viết theo định kì thì chỉ được loại bài nhạt nhẽo chả cá tính. Trí thức đồng nghĩa với tinh túy lại bị quản theo lối hành chính, đối xử thế chỉ có ở cái nước mình.”

“Công tác phí mới lên năm mươi ngàn một ngày, mới đến đầu tỉnh đã hết thì đi thực địa thế nào. Đêm anh vẫn nghĩ đấy, các ý tưởng trào ra dậy ghi lại. Nhưng sáng ra khô héo ngay trước thực tế tàn nhẫn. Nỗi buồn như muối ăn mủn sự sáng tạo. À, quán phở mọi khi không họp nữa rồi. Những thằng tưởng máu lí tưởng đều tệ, bị lo lắng ti tiện điều khiển cả. Tệ và bạc!”

“Chú có ba trăm không. Anh xin chứ không vay”, giọng Thịnh rất sang. Nhưng Tân đủ tỉnh táo thủng thẳng: “Anh nhớ Pừ Cha Phà không, ông người Phảng ở huyện Đỗng trên Y. ấy. Sao lại không nhớ nhỉ, anh còn hứa quay lại mà. Ông ấy hỏi có giúp gì được cho công trình nghiên cứu khoa học của anh không, sốt sắng lắm. Còn định gửi chai mật ong rừng cho anh nhưng nặng em không cầm được”. Rồi lủi vội, đằng sau quăng theo câu trách móc, “Cậu cũng tệ như những thằng kia. Bỏ tôi!”.

Mình chẳng trả cho anh ấy tiền cắm quán có keo bẩn quá không, cơn áy náy bết vào tâm trí Tân rất lâu, cùng bao mâu thuẫn, phức cảm “trí thức” khác. Nhưng anh đã không gặp, không đến Thịnh, phần chả muốn “đeo” thêm nặng nhọc lên người, phần sợ gặp những cảnh gợi chuyện nhà mình. Đều là vợ chồng lỏng lẻo, chán chả buồn cãi nhau, không còn trông đợi gì từ rất lâu rồi. Khổ nỗi khi thất vọng về Thịnh bò ra càng mau thì sự quan tâm đến người vợ lại càng nhiều. Có lần Tân bắt gặp mình đến cổng trường học, đứng từ xa nhìn Lộc đón con gái, không phải không có chút đa cảm. Lần khác “tình cờ” đi với nhau quãng đường, anh dạn dĩ gặng, “Cái Bống cũng lớn, anh chị chưa nghĩ đến có em à”, nghe thở dài cái thượt. “Sáng chủ nhật Tân rỗi không, đèo mình lên chỗ mấy con ngựa gần hồ Tây. Lớp cũ đi chơi, hẹn sớm quá anh Thịnh không dậy được. Mình trông lộc ngộc thế này mà chúng nó lại bắt mặc sẵn áo dài, cả lũ”, bỗng nhiên Lộc nói, thần thái tươi hơn hớn. Hôm ấy Lộc giới thiệu “chú em hàng xóm” với bạn bè, sự mập mờ làm Tân dễ chịu. Và vui ngắm Lộc trẻ hẳn ra, rạng rỡ, mắt long lanh không múa cây lau nhà.

Lần sau lại nhờ, nhưng là để trả cái nợ nhờ trước. Cơ quan Lộc sinh nhật năm chẵn, giám đốc phàn nàn bài phát biểu văn phòng soạn “khô như ngói”. “Thế để em lo, đảm bảo tươi như cá vừa đánh lên”, Lộc bảo. “Nhưng trả ba triệu, anh í là nhà nghiên cứu”. Ok rồi thì vác đống tổng kết mấy năm đổ sang Tân. “Nhà nghiên cứu” mừng húm, lại lo “chả quen e vượt quá tầm”, thì được động viên chao ôi là nức lòng. “Quả” diễn văn dặm nhiều dấm ớt đọc trong lễ sinh nhật làm người nghe cảm động, chốc chốc thưởng cho trận cười. Thành công nhân lên khi vài giám đốc khác cũng muốn ngày lễ đơn vị mình “vui như hội”. Tân mệt nhoài vì lo “gia vị” nhưng rủng rỉnh, muốn trả ơn Lộc, theo cái cách nào nó thân tình tế nhị, không trắng trợn “trả tiền ngay”. Chả đơn giản, làm sao cho Lộc thoải mái mới được. Thì bên làm ơn “tuyên” “Đừng nghĩ cho mình cái gì đấy. Vớ vẩn. Nhưng mình muốn ta đi ăn với nhau, chỗ nào đơn giản thôi nhưng riêng tư”.

Sự thành thật, có thế thôi mà khuấy lên bao nhiêu tâm tư, dự cảm, những ham muốn mơ hồ. Riêng tư thì phải tránh chỗ nhộn nhạo, Tân đèo Lộc qua Long Biên “cây cầu của người nghèo”, vào quán cá chìa ra sông. “Ừ, mình thích cái này”, Lộc cười tươi khi Tân trao hoa hồng, mỗi bông, theo kiểu cổ điển. Dưới chân vài bước là mép nước, sông Hồng chảy thật chậm. Không thấy con tàu, từ bóng tối trôi ra hồi còi trầm mặc. “Sao Tân ít nói vậy, có chuyện buồn à”, rồi cũng đến lúc Lộc hỏi.

“Vừa ra tòa li hôn. Vừa buồn lại nhẹ nhõm”, Tân bâng khuâng, kể đoạn khó nhất là ai nuôi con. Thằng bé quá quen hơi ông bà nội rồi, Thu lúc khóc lúc cười nhưng cuối cùng cũng thuận xa con. “Thế vất. Nhưng mà vui nhiều hơn chứ”, Lộc bảo. Tân “Ừ”, rồi ngây ra, một lúc tìm bàn tay bên kia nắm lại. Dồn nén lâu rồi, cái gì đầy ứ ục ra thôi, cần gì lời lẽ nữa. Đã lâu lắm Tân mới thấy mình là đàn ông. Và Lộc, lúc chia tay chả nói gì bỗng “Mình muốn tự do nhưng không dám. Có lẽ là “chưa”. Tự do thì cô đơn”. Sao có thể “diễn tả” tâm trạng mình giản dị vậy chứ.

“Ăn vụng”, chuyện chả thể cũ hơn trong lịch sử nhân loại, nhưng với kẻ trong cuộc sao quyến rũ vậy. Lửa tình lom dom rồi thiêu rụi mọi ngại ngần, khoảng cách. Nghĩ đến nhau là nhục cảm phừng phừng. Những nguyên tắc “hoạt động bí mật”, chờ đợi đến tắc thở toạc ra khi gặp nhau. Nhưng lại có sắc thái riêng. Bỡ ngỡ ban đầu là xưng hô, “chị em” không thể nữa, “anh em” thì quá sớm, xưng tên lại giông giống đám ca sĩ trên sân khấu. Cuối cùng thì “cậu tớ” trung tính mập mờ, ra điều bạn bè. Tân bị động nhiều hơn vì Lộc chả bao giờ hết việc, nhưng sự chờ đợi khiến gặp gỡ cuống cuồng, tham lam giả bữa. Trong phòng thuê theo giờ, con đực vô tư tận hưởng trái lạ, hít hà liếm láp, con cái thấy mình dâm đãng và chả quên đón con. Lộc trẻ hẳn ra, năng làm đẹp, lo giỗ bố chồng chu đáo. Chừng như “ăn dè”, còn dở mồm thì nhớ nhau nhiều hơn. Cứ tự dưng bần thần, cười chả cơn cớ, đang chuyện nhãng đi đâu như đứa dở. Đời dở hơi ti tỉ sướng không kêu được.

Lắm khi có những điều chả muốn nói tự dưng buột ra, lăn long lóc không nhặt được. “Anh Thịnh trước nói “đi thực địa” hoặc “cắm bản” thì dạo này lại “trải nghiệm một bản sắc H’mông”, Tân chỉ kể bâng quơ, cho có chuyện. Thì Lộc sổ ra “Còn phải nói tư liệu do Lều Há Dùng đến từ bản Sín Chải cung cấp… cho sành điệu”. Thịnh rất giỏi “hái” một ý tưởng độc đáo của người khác, thêm thắt chi tiết, khi ra trước “khán thính giả” đã trở thành món khoái tai hoàn toàn của mình. “Thỉnh thoảng bảo đi điều tra xã hội học nhưng về ngay. Cả đoàn chả ông nào chịu khổ được mà mang về cả đống tư liệu, báo cáo viết y hệt nhau.” Đang bóc mẽ chồng về học thuật bỗng phang “Trên giường vô tích sự!”. Tân đang độc thân đi một nhẽ, Lộc chả hề mặc cảm đạo đức tí nào. “Phản bội á? Không hề! Không có tớ thì gia đình tan mười năm rồi. Đố Thịnh bỏ được tớ.” Những tâm trạng chả trút đi đâu được khiến cuộc hổn hển thêm “vị” lạ, nhân tình nhân bánh hay bạn bè đây...

*

*         *

Thủ tục kết thúc rồi cũng đến, chả thiếu được trang trọng. Đoàn viếng của phân viện Vùng cao đầy đủ bộ tứ, trang phục từ phòng họp ra dính thêm miếng bìa đen. Sếp cả được giới thiệu “phó giáo sư tiến sĩ”, sửa vòng hoa “y như nguyên thủ trên ti vi”, cắm hương, mặc niệm, ngắm nghía lần cuối. Ngang qua quả phụ, đại diện các đoàn thể chu đáo chia buồn, vẻ mặt không quá rầu rĩ. Nhưng Tân biết Lộc phải mang ơn họ. Chồng mình đã nằm gần ba năm mới đi, trước đó còn ba chục năm đóng cán bộ nghiên cứu vĩnh viễn đầy tiềm năng, mà lương chỉ lên chậm chứ không bị cắt, dĩ nhiên không có thưởng vì chả tham gia đề tài nào. Người ta đến là còn may.

“Xin mời người thân, đồng nghiệp, thân bằng cố hữu vào phòng tang lễ để làm lễ truy điệu, tiễn đưa ông Lã Quý Thịnh”, giọng phẳng lì vang lên qua loa. Giám đốc phân viện, rồi phó giám đốc từ chối đọc điếu văn. Nhác thấy Lộc nhìn xuống, Tân vội lỉnh ra ngoài, ra điều lên cơn thèm thuốc. Trở vào sau năm phút, anh nghe được đoạn “… sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học”, thế thân là chánh văn phòng. Ông này “tuần chay” nào chả “khóc”, thể nào cũng có tài uống đỡ sếp và kể tiếu lâm trong các cuộc tiếp khách.

“Ông mang lại những ảnh hưởng học thuật nhất định với đồng nghiệp không chỉ trong cơ quan. Nhiều người trẻ tuổi không thể quên những buổi tụ họp trong câu lạc bộ hay nhóm nhỏ, được ông truyền lại ngọn lửa tri thức sáng tạo.”

“Ông ra đi, cơ quan mất một đồng nghiệp tận tâm, yêu nghề. Gia đình mất một người chồng chu đáo tận tụy, người cha mẫu mực, tràn đầy lòng yêu thương.”

“Ối giời ơi, sư thằng đĩ bợm nào viết những câu này, nó chết không nhắm được mắt.” Ai đó nói nhỏ. Tân vùng chạy ra ngoài.

Cuộc ăn vụng nào dù nồng nàn đến mấy rồi cũng đến lúc hết vị. Những hồi hộp, khắc khoải, dâm đãng thỏa thuê rồi lìm lịm ngủ, chả buộc nhau dai bằng gia đình - có con cái, hai bên nội ngoại cùng đủ thứ trách nhiệm. Hò hẹn hàng tuần lui thành hàng tháng, vài tháng, đối với Tân chỉ thiêu thiếu chứ không nhớ nhung quay quắt. Lộc càng thế, gánh lo gia đình, công việc xua khát khao đi, gặp nhau cứ đăm chiêu, mà động nói thì không dừng được, toàn chuyện vớ vẩn không chịu được. “Tớ sang giai đoạn mãn kinh rồi, mà cậu thì còn khỏe”, người đàn bà nói khi nhân tình chê “nguội”. Ít lâu sau chuyển sang, “Chúng mình đóng bạn bè thôi. Tớ già, nhạt nhẽo, cứ phải cố gắng làm cậu chán”. Lộc luôn luôn chủ động, phần Tân chấp nhận không nài ép. Cuộc chia tay thật tử tế, đúng ra là xa dần chứ vẫn quý hóa, san sẻ được cho nhau nhiều thứ. Vắng là vắng cái nhịp hổn hển. Bù lại, thỉnh thoảng Lộc mang sang con cá đã xắt khúc vừa bữa, túi chả cốm rán non để tủ lạnh dùng dần. Khi thức ăn tiếp đã thưa thớt thì vẫn còn sang tai cả đống tâm trạng, vì bên này vẫn sẵn sàng chịu đựng.

Những gì còn, có phải là cái “nghĩa” như các cụ gọi không, chả biết. Đơn giản là người này không muốn người kia biến mất khỏi cuộc đời mình.

*

*          *

“Tớ nộp rồi. Đơn li hôn. Ông Thịnh ban đầu không kí nhưng giờ xong rồi. Xong rồi là kí. Còn lí do thì là không hợp.”

Nghe Lộc thông báo, Tân bần thần một lúc, dù hằng nghĩ cái này phải có từ lâu mới phải. “Sao chị vội thế, thường thì li thân trước, nghĩ đi nghĩ lại cho nó chín”, bất giác xưng hô như ngày mới quen. Lại đến lượt bên kia ngỡ ngàng, “Sao gọi vậy nó mất hay đi, yên tâm tớ chả đòi hỏi gì đâu. Đây là chuyện riêng, tớ cần tự do thật sự chả dính cậu. Thật ra chúng tớ li thân nhiều năm rồi, đợi thêm cho con bé đủ sức chịu đựng. Không ngờ nó lớn hơn mình nghĩ, bảo hai người sống với nhau thế này hành hạ con. Bố chả làm gì, bám mẹ mà tinh tướng sĩ diện, mẹ thì lạnh như tiền, chịu đựng nữa làm gì, con không cần. Thống nhất con theo mẹ đã, chia tài sản tính sau”. Tân quan tâm đến điều kiện sống sau này, chủ yếu về kinh tế, có tự do nhưng mình đã “luông luống” rồi. “Tòa hòa giải còn chán để mình tính. Với lại cứ cân nhắc được mất thì bao giờ mới tự giải phóng được”, Lộc tỉnh queo làm anh không khỏi thán phục, lại sờ sợ. “Buông” thế đấy, quyết liệt làm sao. Rồi lũ tưởng tượng kéo đến, có thể bữa tối mẹ con thong dong ra quán “chả phải lo cho bố mày”.

Đoạn liên hệ của cả hai sau đấy nhãng đi. Bố cảm hàn tưởng “đi”, mẹ chăm xong lăn ra ốm, đúng lúc con chuyển cấp, phải chiến đấu để vào được trường công. Việc nhà nhọc nhằn vẫn phải kiếm tiền, Tân chỉ ao ước có giấc ngủ no. Vợ cũ nữa, năm thì mười họa ghé toàn để lại rức đầu. Có cái gì đó mơ hồ khiến anh không hỏi han Lộc, như nghĩ Lộc mạnh mẽ thế sống đơn thân sẽ dễ, hay giờ “bạn bè” rồi nên quan tâm vừa phải nhỡ bên ấy có người mới. Cho đến hôm nghe tin, “Vợ chồng ông Thịnh lại về với nhau rồi”. Choáng váng. Gặng tiếp thì biết Thịnh đột quỵ, chưa đến nỗi sống thực vật nhưng đủ để Lộc không dứt áo được. Mà đã sáu tháng.

Cuộc thăm hỏi không thể tránh dù Tân có mặc cảm đạo đức giả, “cân bằng” lại bằng món tiền đưa người tình đã cu cũ, không khỏi nhớ thân thể quen thuộc. Thịnh không có mùi người ốm, sạch sẽ trong bộ đồ ngủ rộng, chảy rãi, ngọng líu nhưng rất thích nói. “Tân cho đây”, Lộc giơ phong bì cho chồng thấy rồi kéo phắt Tân ra ngoài. “Tốt quá, đang cần tiền. Tớ chả lau rửa, thuê người chăm. May mà ngủ được, nằm xuống ngáy như con trâu. Thế mới có sức lực với thời gian kéo cày, thôi cậu về đi.” Đâm những quan tâm dành dụm chả phải lôi ra. Thịnh ăn khỏe, mỗi sáng cái bánh giò thì… còn lâu, cả hai đều biết điều kinh khủng này nhưng chỉ nhìn sâu vào mắt nhau.

Còn bản thân người ốm, chả biết có hay, nhưng chắc chắn giở đi giở lại tâm trạng muốn chấm dứt lại sợ hãi. Đời người nhiều mong ước: được làm điều mình muốn, yêu đương, thành công, nổi tiếng…, những thứ hay làm lu mờ cái đơn giản như vào toa lét khi có “nhu cầu”, có công việc, lương lĩnh đều đều thưởng càng tốt. Nhưng chả có gì âm thầm mà lớn lao, dai nhanh nhách bằng được chết khi muốn chết. Nằm thối tha, nhìn người thân phờ phạc, chăm mình như cái máy vô hồn ghê quá. Nhưng lại sợ, còn hi vọng cuộc đưa tiễn mình thật đông đủ, được đau thương, trang trọng. Tân bị những tưởng tượng ám đến nỗi chẳng quay lại nhà Thịnh, không cố hỏi thăm, thi thoảng đỡ Lộc từ xa món tiền chả đáng so với tiêu pha. Nghĩ thế lại trách ông giời khắc bạc hành hạ con người bé nhỏ chả tội tình gì. Và vui vui nhà mình có mả chết tươi, thênh thênh thăng. Như tiên!

“Anh Thịnh mất đêm qua. Tớ định đưa vào viện nhưng xe cấp cứu bảo không cần. Đang nằm nhà tang lễ. Cậu dậy đi nửa tiếng nữa tớ đến, ừ ừ nói sau”. Lộc gọi lúc bẩy giờ sáng chủ nhật, vắn tắt và khẩn trương quá đâm Tân chả kịp “chia sẻ” gì. Tự dưng thấy nhẹ nhõm, Lộc - chứ không phải Thịnh - đã siêu thoát, giờ có nhiều việc cần xúm vào, mình sẵn sàng. Đưa bà góa đi liên hệ, xem giờ, xuống nghĩa trang lo lót trước để hậu sự được chu đáo…, đều chả phải là lo cho nhân tình, đỡ phải đóng kịch hoặc phân vân này nọ.

Nhưng việc Lộc cần lại trái khoáy. “Cậu viết điếu văn cho tớ. Anh Thịnh muốn.” Thấy Tân choáng váng rồi nhăn nhó thì tiếp: “Tớ chỉ biết thế chứ anh ấy có nói được đâu mà biết tại sao lại là cậu. Khó cho cậu, mình biết. Nhưng bạn bè với cơ quan nhờ ai cũng chối, thôi nghĩa tử là nghĩa tận”. Anh chàng cả nể, thương bạn bị dồn đành nhận lời, để rồi đơ đơ mãi trước bàn viết. Thịnh tỏ ý chọn Tân lúc còn tỉnh táo hay đã lẫn lộn? Đã biết chuyện rồi… giả thù, không có nhẽ. Lộc muốn mình tham gia “đến tận cùng” trên con thuyền đồng lõa à? Những “trải nghiệm” với vợ với chồng xếp lớp, đè lên nhau, gọi ra những cảm giác oái oăm, chữ ra bình thản, được lựa chọn cho “đúng” thế nào được.

Nhưng chiều nay, muộn nhất là tối phải hoàn thành để còn đưa “đồng tổ chức” là cơ quan Thịnh. Tân bèn vào mạng tìm đại một mẫu điếu văn, điền những dữ liệu về Thịnh Lộc đưa cho. Việc xong sớm, chiều đã có “sản phẩm” nộp, bên “đặt hàng” “nghiệm thu” luôn. “Tớ cứ lo cậu không nhận hoặc nhận rồi không viết được. Thế này ổn rồi, đưa đến phân viện thêm bớt gì tùy họ.”

*

*        *

Đến giờ chuyển cữu. Đại diện gia đình cám ơn, khách xếp hàng nhìn mặt lần cuối xong đến người thân… Không có tiếng hờ ai oán. Tân đang đứng gần xe tang thì Lộc đến khẽ khàng, “Thôi cậu về đi, xuống nghĩa trang nắng lắm. Bốn chín ngày không phải tới nữa, hôm khác gặp thôi”.

Ờ, đấy bảo về thì đây đi về

T.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)