“Ai… cóc… đê!”

Thứ Sáu, 08/09/2023 16:55

. HOÀNG KIM NGỌC
(Tặng con gái cả T.H)
 

Con ơi, mẹ nghe vọng trong không gian tiếng rao “Ai cóc đê…ê…ê!” giữa trưa hè tháng sáu…

“Ai… cóc đê…ê…ê… !”

Cóc ở đây không phải quả cóc xanh chua đến nhăn mặt, thứ quà hấp dẫn các nữ sinh tuổi ô mai trước cổng trường sau mỗi giờ tan học đâu. (À, con nhớ cô Vân bạn mẹ không? Một hôm, mới sáng ra cô ấy chưa ăn gì đã xơi ngay hai quả cóc xanh, một lúc sau, cô ấy mặt xanh ngắt, chóng mặt rồi ngã vật xuống nền nhà. Mẹ vội vã đưa cô đi cấp cứu. Đến nơi bác sĩ chẩn đoán chảy máu dạ dày, phải tiếp máu ngay. Họ bảo chậm nửa tiếng nữa máu chảy tiếp là chết. May mà mẹ cùng nhóm máu O với cô ấy đấy, bây giờ nhớ lại mẹ vẫn còn sợ quả cóc con ạ.)

“Ai… cóc đê…ê…ê… Ai… ruốc cóc đê….!”

Minh họa: Đỗ Dũng

Cóc ở đây là con vật đen sì, da sần sùi, dị mọ mà hồi nhỏ mẹ vô cùng khiếp hãi. Cóc ở đây là chàng hoàng tử đẹp trai bị mụ phù thủy phạt phải mang lốt xấu xí trên mình. Cóc trong tín ngưỡng dân gian còn là “cậu ông Giời.”

“Ai… mua cóc đê…, cóc làm… ruốc đây, ruốc cóc… đây! Ai… cóc… đê…!”

Ôi, tiếng rao dẫn mẹ ngược về hai nhăm năm trước. Hồi một tuổi, con lười ăn nên cọc còi chậm lớn. Từ một tuổi đến ba tuổi con vẫn chỉ nặng có chín cân hai. Người ta mách mẹ cho con ăn cháo ruốc cóc. Rồi một buổi trưa hè nắng gắt như lò thiêu 420C, một người đàn bà đen đúa chở một lồng cóc trên xe đạp đi ngang qua nhà mình cất tiếng rao lảnh lót: “Ai cóc đê…ê…ê… Ai ruốc cóc đê….!” Chiếc lồng có tất cả chín mươi chín con cóc, mẹ mua hết. Mẹ nhờ người đàn bà ấy làm thịt, cô ấy vui vẻ nhận lời. Lột da được chín con thì bỗng cô ấy hắt hơi liên tục, rồi bảo mẹ: “Chị ơi, chắc có điều gì không ổn, mắt em cứ giật giật liên hồi, chắc nhà lại có chuyện gì rồi, em nóng ruột quá em không thể làm giúp chị được nữa rồi, chị thông cảm cho em…” Nói rồi người đàn bà quầy quả trèo lên yên xe và phóng vút đi, không kịp lấy tiền.

Còn lại chín mươi con cóc to tướng đen sì, không có ai làm, mẹ đành bắt chước cô ta, run rẩy đeo găng tay cao su rồi cố gắng cầm chắc con cóc trong tay, dùng dao sắc vạch đứt lớp da dưới gáy, rồi vạch một đường dọc sống lưng. Sau đó mẹ đưa nó ra vòi nước, dùng tay lột phần da con cóc sang hai bên, giống như bóc mề gà hay bóc khoai sọ luộc ấy con ạ. Công việc này hóa ra cũng không khó lắm. Tiếp theo mẹ dùng một tay cầm ngang phần lưng con cóc, tay còn lại túm lớp da kéo mạnh ra, thế là tất cả nội tạng cóc bám theo lớp da bụng ra ngoài. Sau đó mỗi con cóc mẹ chỉ chặt lấy hai cái đùi thôi, vì sợ ở hai bên xương sống của chúng có hai sợi dây thần kinh, nếu không biết rút, ăn phải sẽ có nguy cơ bại liệt.

Đến tận bây giờ mẹ vẫn không hiểu làm sao mình lại có thể làm được một công việc phi thường như thế. Vì mẹ vốn rất sợ cóc, chỉ cần nhìn thấy những nốt sần sùi là mẹ nổi gai ốc, mồ hôi túa ra như tắm. Hồi mẹ còn bé, bà ngoại mẹ tức cụ ngoại con dành cho mẹ cái đùi gà trống luộc, mẹ lột ngay da vứt đi và bị bà hàng xóm mắng là… đồ tiểu tư sản. Bà ấy đâu có hiểu, mẹ không bao giờ ăn da gà, đơn giản chỉ vì nó… sần sùi. Da gà còn sợ, huống chi là da cóc.

Da cóc là biểu hiện của một trong những thứ phi thẩm mĩ nhất trên đời mà mẹ biết. Cứ nói đến cóc thì ai mà chẳng liên tưởng tới cái xấu cơ chứ. Không thế thì tại sao ông Nguyễn Văn Hanh, nhà phê bình phân tâm học lại dựa vào tiểu sử tác giả để lí giải về nữ sĩ Hồ Xuân Hương “là người đàn bà khỏe mạnh, nhưng xấu gái, thậm chí da còn đen nữa, da nó xù xì, múi nó dày (Quả mít)… Hai lần xuất giá, một lần thì lấy phải Tổng Cóc, một anh trọc phú nhà quê chắc cũng chẳng đẹp đẽ gì (cũng chỉ là phỏng đoán theo tên gọi xấu xí đó(1)… Và nữa, thơ không hay người ta cũng gọi là “thơ con cóc” đấy thôi!

Nhưng hôm ấy nghĩ đến con, mẹ quên cả sợ. Sau tiếng đồng hồ mẹ cũng vật lộn làm xong chỗ cóc ấy. Với một trăm chín mươi tám cái đùi tròn, mẹ đem hấp chín rồi bỏ xương, bóc lấy thịt rồi rang, khi thịt khô đem giã nhỏ rồi lại sao vàng, còn xương xay nhỏ và sao riêng, thế là được một lọ ruốc to lắm.

Mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ lại cho thêm một thìa ruốc cóc. Thế rồi con thay đổi nhanh chóng, từ đứa bé xanh xao bỗng trở nên kháu khỉnh, bụ bẫm. Các cô gái mới lấy chồng đi qua cửa nhà mình nhìn thấy con, ai cũng xin bế một lúc để… lây em bé.

Bác Xuân là bạn thân của mẹ cũng học tập kinh nghiệm mua cóc về làm ruốc cho chị Bống. Mẹ bảo là chị chỉ lấy hai đùi thôi đấy nhé. Nhưng bác ấy tiết kiệm, chả bỏ đi cái gì, trừ bộ lòng và cái đầu.

Con gái ơi, hôm nay nghe tiếng rao mẹ lại mưng mưng một niềm vui và nhoi nhói một nỗi buồn.

Mẹ vui vì con gái mẹ đã trở thành một đứa con hiếu thảo, nhẹ nhàng nữ tính. Con cao một mét bảy tư, ngoài yếu tố gen di truyền thì mẹ vẫn nghĩ một phần là do ruốc cóc ngày xưa đấy.

Còn vì sao mẹ lại buồn ư? Vì chị Bống con nhà bác Xuân ấy, có biểu hiện của thiểu năng trí tuệ. Chị ấy cũng trạc tuổi con, bây giờ vẫn gầy nhẳng như cái dải khoai. Hai chục năm trước vợ chồng bác Xuân đưa chị đi khám, bác sĩ bảo chị ấy phát triển chậm hơn so với những bạn bè cùng lứa khoảng 5 tuổi. Anh Hải, anh trai chị Bống thì cao to đẹp trai, học giỏi lắm. Vợ chồng bác Xuân lại bàn nhau đẻ thêm một cô con gái nữa, bây giờ cũng được 13 tuổi rồi. Lúc sinh bé gái, bác Xuân đã bốn tư tuổi, phải về hưu non, chồng bác Xuân là bác sĩ trong bệnh viện Nhà nước bị kỉ luật vì sinh con thứ ba phải xin ra ngoài làm bệnh viện tư. Nhìn những đứa cháu phát triển không đồng đều, bà nội chị Bống cứ đổ tội cho ruốc cóc. Mẹ nghĩ, có lẽ hồi bé chị Bống ăn nhiều thịt cóc bị nhiễm độc tố. Nếu hồi ấy bác Xuân làm cóc mà chỉ lấy đùi thôi thì đâu đến nỗi.

Và mẹ còn buồn về cảnh ngộ của cô bán cóc nữa. Hồi đó, sau khi vội vàng về nhà, khoảng năm mươi ngày sau cô bán cóc mới quay trở lại. Cô kể trong nước mắt, hôm đó khi cô về đến nhà thì đứa con út của cô đã chết vì thằng anh ở nhà trông em bắt chước bố mẹ làm thịt cóc, nấu ăn với nhau. Thằng anh nhường em miếng gan, ăn xong đứa em sùi bọt mép và khoảng nửa tiếng là đi. Quá đau buồn, cô nghỉ ở nhà không đi bán cóc nữa, nhưng vì túng tiền quá nên mới quay lại chỗ mẹ. Mẹ thương cô ấy quá, trả tiền rồi còn biếu thêm cô ấy ít nữa. Khổ thân, trông tướng người đã biết là vất vả lận đận, gò má cao, mũi đã tẹt lại hếch hở cả hai lỗ mũi, lúc làm cóc, mẹ để ý bàn tay cô ấy mỏng dẹt, xương xẩu, gân guốc, đen đúa, cái ngón út đã ngắn lại còn cong cong… Tướng ấy làm sao mà không nghèo (khổ, mẹ bị cái tật hay xem tướng, nhất là hay để ý bàn tay, bàn chân người khác…)

“Ai cóc đê!” Tiếng rao ấy đối với mọi người có lẽ là bình thường, nhưng với mẹ là cả một quá khứ nhiều nỗi niềm. Khỏe mạnh chân dài một phần là do ruốc cóc. Thiểu năng trí tuệ cũng là do ruốc cóc (?) Vô tình anh làm em chết cũng vì gan cóc… Ngẫm lại mới thấy mẹ con mình may mắn quá. Nhưng nỗi buồn, như một lớp sương mờ, bao năm rồi vẫn còn phảng phất trong lòng mẹ

Mùa cóc tháng 6/2023
H.K.N

--------

1. Xem Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, tr. 220, NXB Hội Nhà văn, 2011.

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)