Trở lại biển Đông

Thứ Năm, 22/02/2024 00:38

. LÊ HỒNG LAM
 

Ai đó đã từng nói, nếu dải đất hình chữ S thân thương và kiêu hùng này mang hình dáng một con rồng thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc là hai cụm móng của chân con rồng oai phong đang cuộn xoáy vẫy vùng giữa biển Đông vời vợi. Vậy nên Hoàng Sa, Trường Sa là máu của máu Việt Nam, là xương thịt của xương thịt Việt Nam. May mắn, vinh hạnh cho bất cứ người dân Đại Việt nào được một lần đặt chân đến hai cụm móng rồng này, và chắc chắn bất cứ ai được một lần đến đó thì một mảnh hồn đều đã neo lại nơi đây.

Và tôi lại mơ một ngày trở lại giữa biển Đông, để được thêm lần nữa đứng trên boong tàu nghe gió thổi ù ù qua tai qua tóc, phóng tầm mắt ra xa tít vượt giới hạn “tầm nhìn xa trên mười kilômét” để ngắm những đợt sóng bạc đầu đuổi nhau lớp lớp xô cuốn như bầy ngựa tung vó vào nơi bất tận giữa lòng biển mênh mông. Để được thích thú ngắm từng đàn cá chuồn bay vèo vèo sát mặt nước hay những tốp cá heo uốn cong mình nhào lộn trước mũi tàu. Rồi nguyện vọng đi Trường Sa sau năm năm tha thiết đề xuất của tôi được lãnh đạo cơ quan chuẩn y.

Tôi bay cùng chuyến và được xếp ở cùng phòng với Long, cậu bạn đồng niên đồng hương Thanh Hóa luôn mang phong thái “không đi đâu mà vội”, kiểu người luôn có thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh họ. Long gây ấn tượng mạnh với tôi về việc sắp xếp thời gian và tự học mọi thứ: guitare, piano và hiện giờ đang tự học Đông y để có thể tự chữa bệnh cho mình và cho cả gia đình.

Đi cùng chuyến với tôi còn có Vân. Vì cơ quan đông nên lần này đi Trường Sa tôi mới biết Vân. Em nói chắc em không say sóng đâu, em cũng là quân nhân cơ mà, cô đại úy xinh đẹp mới về làm ở tập đoàn được hơn một năm. Em muốn ngồi đây một lúc để cảm nhận lần đầu tiên lên tàu đi biển, xa đất liền ra khơi xa đến đảo tiền tiêu, cảm giác thế nào.

Vân chọn một góc trên boong dạo của tàu Trường Sa 571 và ngồi xuống, ngước nhìn trời biển xung quanh âu tàu trong một góc quân cảng Cam Ranh lúc con tàu thu neo từ từ rời cảng. Em chọn một góc khuất để không vướng những người thích chụp ảnh, không vướng người qua lại, tránh được khói thuốc của các anh tranh thủ làm điếu trước khi ra khơi. Như thói quen từ hồi còn thường xuyên đi biển, sau khi lên tàu tôi sẽ đi một vòng xem xét thăm thú khắp các nơi để làm quen với chỗ ở mới suốt cuộc hành trình. Đi qua boong dạo mấy lần vẫn thấy Vân ngồi đó, lặng lẽ, mái tóc dài bay lòa xòa trong gió biển. Em có vẻ mệt. Trước chuyến đi, chị em phụ nữ trong đoàn là những người vất vả nhất, sắp xếp phân loại mọi thứ, gom đồ dán nhãn đóng thùng quà để đem ra đảo, tra danh sách chọn màu để phát áo cho cả đoàn… Rồi qua hơn một ngày tham gia các hoạt động của Đoàn công tác số 13 ở Cam Ranh giữa trời nắng tháng năm chói chang, lồng lộng gió.

Hoạt động đầu tiên của Đoàn công tác tại Cam Ranh là đi dâng hương Khu tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Giữa trời nắng chang chang một sáng tháng năm, hơn 300 con người xếp thành những hàng dài im phắc trước Đài tưởng niệm. Sau lời phát biểu đầy xúc động của Chuẩn Đô đốc Trưởng đoàn, tiếng nhạc của bài Chiêu hồn tử sĩ vang lên, những mái đầu cúi thấp, những giọt nước mắt cảm phục, tiếc thương nối nhau lăn dài. Cảm phục khí chất hiên ngang anh dũng quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cảm phục những những người anh hùng ngã xuống lúc tuổi đời đang độ xanh tươi mơn mởn, và cũng là lời nhắc nhớ không được phút giây nào rời mắt khỏi kẻ thù hung hãn và hiểm độc. Máu xương của các anh đã hòa cùng xương máu bao liệt tổ liệt tông, bao thế hệ cha anh đi trước để hôm nay chúng ta có Đất nước này…

Con tàu rúc lên ba hồi còi chào đất liền, tôi và mọi người đã bước vào cuộc hành quân trên biển cùng các anh để đi về phía mặt trời.

Nhớ lại chuyến đi biển xa nhất trong ba năm làm tại PTSC Marine của tôi là chuyến đi thu nổ địa chấn phân giải cao tại mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Lô 11-2. Phần việc này dùng tàu của Malaysia hiện đại rộng rãi. Tàu to chạy khỏe mà đi từ Vũng Tàu ra đúng vị trí làm việc cũng mất hơn 24 tiếng đồng hồ. Không biết thời điểm đó do sắp tới mùa biển động hay do sức khỏe suy giảm sau những chuyến biển liên miên nên tôi bị ốm, cả chiều đi lẫn chiều về sốt run bần bật nằm li bì, khi tàu vào tuyến phải quấn chiếc chăn mỏng xuống ngồi làm với các bạn đủ mọi sắc tộc: Mã-lai, In-đô, Ấn, Ba Lan…, vì 34 nhân sự trên tàu lúc đó, mỗi tôi là người Việt.

Lúc đó các anh trong công ti bảo: Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây là mỏ gần quần đảo Trường Sa - Việt Nam nhất trong các mỏ hiện tại (thời 2005) đấy. Tôi vội gỡ chăn, trèo lên boong vào buồng lái ngắm la bàn rồi ra lan can dõi mắt vào hướng mà bản thân vừa tự định vị, nhìn về phía có Trường Sa, chỉ thấy một màu bảng lảng khói sương mây nước mịt mù. Khi đó trong tôi đã dội lên một nỗi cồn cào, Trường Sa xa quá, biết đến bao giờ mới có dịp đặt chân đến nơi xa xôi diệu vợi như thế…

Nhưng giờ đây, sau 18 năm, chúng tôi đang trên con tàu vận tải đổ bộ Trường Sa 571 của Lữ đoàn 955 thuộc Quân chủng Hải quân hành quân ra nơi xa xôi diệu vợi đó. 31 giờ hành trình kể từ phao số 0 gần Quân cảng Cam Ranh.

Buổi sáng sớm của ngày hành quân đầu tiên (18/5/2023), một buổi sáng khá đặc biệt đối với nhiều người khi điện thoại không còn sóng, internet hoàn toàn biến mất, đang từ trạng thái bận rộn ở mức không biết làm gì trước làm gì sau bỗng dưng chuyển sang trạng thái không biết làm gì. Không ít người lần đầu trải nghiệm cảm giác say sóng. Tôi lững thững cầm li cà phê hòa tan còn nóng hổi đi lên mấy hàng ghế gỗ nơi mạn phải con tàu, ngồi ngắm biển.

Mặt biển từ màu xanh đậm dần dần chuyển sang màu xanh tím rồi tím sẫm, biểu thị độ sâu nước mỗi lúc một tăng theo hướng tàu chạy. Hoàng Sa và Trường Sa là hai bể trầm tích có độ sâu cao nhất ở biển Đông, có nơi lên đến hơn 3.800m so với mực nước biển trung bình.

Mặt biển hôm nay êm ả, gió thổi nhẹ, thi thoảng nhìn thấy vài con cá chuồn xòe vây bay là là trên mặt biển. Anh em trong đoàn lác đác có người lên ngồi ngắm biển và cùng trò chuyện. Trừ thủy thủ đoàn là hải quân quen cưỡi sóng đạp gió thì anh em đa phần mới lần đầu tiên có cảm giác ngồi trên boong tàu giữa ba bên bốn bề toàn nước là nước, được phóng hết tầm mắt mà chỉ thấy một màu mênh mông thăm thẳm của đại dương bao la.

Dù đã quen biết nhau hay gặp lần đầu, câu chuyện dần trở nên hào hứng. Ai cũng đều thể hiện sự khâm phục ngưỡng mộ đối với thế hệ đi trước, thời còn đi biển bằng thuyền thúng thuyền buồm, nhìn trăng ngắm sao đoán hướng gió mà đi, thời còn chưa có GPS, chưa có tàu to thuyền lớn trang bị hiện đại đầy đủ như bây giờ. Ngưỡng mộ và khâm phục tầm nhìn của cha ông khi từ thế kỉ XVII (hơn 400 năm trước), chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thành lập những hải đội để khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa tít mù khơi.

Từ sáng sớm, tới buổi trưa chan chứa nắng và gió, qua chiều rồi biển đón con tàu vào lòng đêm thăm thẳm với vầng trăng thượng tuần mỏng mảnh và những chòm sao lấp lánh chớp tắt nơi chân trời xa vời vợi.

Sắp tới Trường Sa rồi...

L.H.L
Tháng 5/2023

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)