Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Hành trình từ Cao Mật ra thế giới

Thứ Sáu, 03/02/2017 00:38
. NGUYỄN VĂN HÙNG
 
macngon
Nhà văn Mạc Ngôn
Từ vùng đất Cao Mật nhỏ bé, nghèo khó và heo hút của tỉnh Sơn Đông, nhà văn Mạc Ngôn đã bước lên bục cao nhất của văn đàn thế giới với vị thế rất riêng của mình: người kể chuyện dân gian trong thế giới hiện đại. Trong Diễn từ Nobel 2012 (Storyteller), ông tự nhận mình là “người thuyết thư hiện đại”, đang đứng trên quảng trường và kể chuyện một cách sinh động trước đông đảo người nghe(1). Những câu chuyện của ông, dù viết về quá khứ hay cuộc sống hiện đại, đều gắn với một cái tên quen thuộc - làng Cao Mật. Ông quan niệm mỗi nhà văn phải có một mảnh đất của riêng mình, nơi họ “gieo” những con chữ để “gặt” những phận người. Như vùng đất Yoknapatawpha của W.Faulkner, thành phố Paris của Balzac, ngôi làng Macondo của G.G.Márquez, hay vùng ngoại ô Huron County của Alice Munro, vùng đông bắc Cao Mật được xem là lãnh địa văn học, vùng đất thiêng của Mạc Ngôn. Với ông, Cao Mật không chỉ là một chỉ dẫn địa lí mà còn là một “khái niệm văn học”, một “hoàn cảnh văn học”. Với kho nguyên liệu phong phú được “moi ra từ chiếc bao tải rách của vùng đông bắc Cao Mật”, Mạc Ngôn đã dùng trí tưởng tượng, tài hư cấu cùng trải nghiệm cá nhân để “huyền thoại hóa” những cảnh thật thành những miền không gian vừa thực vừa ảo, vừa gần gũi vừa linh thiêng, “tiểu thuyết hóa” những con người bằng xương bằng thịt nơi đây thành các nhân vật giàu sức sống và ám ảnh.
 
hinh nen dien thoai android 57

Từ trải nghiệm có tính chất riêng tư về người mẹ khốn khổ của mình cùng những hình ảnh bà mẹ trên vùng đất Cao Mật, Mạc Ngôn đã sáng tạo nên nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị cùng biểu tượng bầu vú trong Báu vật của đời. Người đàn bà nông dân này đã trải qua không biết bao nhiêu sóng gió cuộc đời, nếm trải tất cả những vinh nhục họa phúc, bi hoan li hợp của kiếp người. Bà và bầu vú - “báu vật của đời” là hiện thân của người mẹ vĩ đại, mang biểu tượng của nguồn sống. Nếu nhân vật bà mẹ được Mạc Ngôn xây dựng trong Báu vật của đời thiên về những trải nghiệm tình cảm có tính chất hư cấu thì nhân vật bà cô trong Ếch và bác nông dân trong Sống đọa thác đày lại chứa đựng nhiều chi tiết cùng những khoảnh khắc rất thực của họ. Ếch kể về cuộc đời của Vạn Tâm, nữ bác sĩ số một vùng đông bắc Cao Mật trong những năm cuối thế kỉ XX. Nhân vật này có nguyên mẫu từ chuyện đời của bà cô nhà văn. Bà là bác sĩ phụ khoa, làm việc nhiều năm ở vùng đất Cao Mật, hiện đang còn sống, người đã chứng kiến những câu chuyện bi hài, “không thể nói ra”. Tuy nhiên, theo như khẳng định của chính nhà văn, bà cô trong tiểu thuyết khác một trời một vực với bà cô ngoài đời thực. Nếu bà cô ở ngoài đời hiền lành, chuẩn mực thì bà cô trong tiểu thuyết hống hách, bạo ngược, lạnh lùng, nghiệt ngã. Toàn bộ cuộc đời Vạn Tâm gắn với những con số khổng lồ: không dưới mười ngàn đứa trẻ được ra đời qua đôi bàn tay bà, nhưng cũng chính đôi bàn tay ấy đã khiến cho hơn hai ngàn tám trăm thai nhi không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời trong chính sách sinh đẻ có kế hoạch của chính phủ Trung Quốc. Nếu bà cô nguyên mẫu có tới bốn người con, cuối đời được hưởng cuộc sống viên mãn bên gia đình thì Vạn Tâm phải sống trong niềm ân hận, sự giày vò và nỗi ám ảnh về những thai nhi vĩnh viễn không thể thành người.

Lam Mặt Xanh - nhân vật quan trọng nhất trong Sống đọa thác đày được gợi hứng từ hình ảnh người nông dân hàng xóm của nhà văn. Kí ức tuổi thơ về người hàng xóm đẩy chiếc xe bò bánh gỗ cổ lỗ sĩ bên cạnh là bà vợ chân nhỏ cùng con lừa bị tật ở chân đã song hành và ám ảnh cả cuộc đời Mạc Ngôn, thôi thúc ông kể về họ trong tác phẩm của mình. Họ là “những vai hề đi ngược lại trào lưu lịch sử”, bị cô lập bởi tư duy làm ăn cá thể vốn không được chấp nhận trong xã hội tập thể hóa lúc bấy giờ. Trong Sống đọa thác đày, Mạc Ngôn đã tái hiện lịch sử trong suốt 50 năm (từ năm 1950 đến năm 2000) ở vùng nông thôn Trung Quốc qua một lối kết cấu được gợi hứng từ kinh điển nhà Phật - kiếp luân hồi sinh tử. Đứng trong vòng vây của sự tranh chấp tình yêu và quyền lực, danh vọng và lương tri, Lam Mặt Xanh, người đầy tớ già nua của Tây Môn Náo chấp nhận làm “dòng nước ngược”, khi không chịu vào công xã, suốt đời sống chết với một mẫu sáu sào ruộng vì niềm tin và lí tưởng mình theo đuổi. Qua cuộc đời và số phận kì lạ của người nông dân cố chấp, kiên trung, nhẫn nại - Lam Mặt Xanh, Mạc Ngôn đã gửi đến độc giả triết lí: tất cả những gì được sinh ra từ đất rồi sẽ quay về với đất.

Bên cạnh những người sống cùng thời, Mạc Ngôn còn sử dụng các nguyên mẫu trong lịch sử. Tôn Bính, nhân vật chính trong tiểu thuyết Đàn hương hình được tác giả lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong lịch sử. Những chi tiết về cuộc đời, số phận và công trạng của ông chủ gánh hát này đã được anh hùng hóa trong diễn ngôn sử gia, huyền thoại hóa trong kinh nghiệm dân gian và đời thường hóa trong kí ức của chứng nhân lịch sử. Trong lịch sử cận đại và địa phương chí, dưới con mắt sử gia, Tôn Bính đã được “nâng lên rất nhiều, ông đã được xây dựng thành một nhân vật anh hùng chẳng kém gì kiểu Lí Tự Thành”(2). Và sự nổi loạn của ông được ca ngợi là hành động cứu nước khi lãnh đạo bà con trong vùng chống lại sự xâm nhập của người Đức. Câu chuyện Tôn Bính chống Đức cũng đã được nhân dân vùng Cao Mật lưu truyền, thậm chí vào thời kì cuối Thanh đầu Trung Hoa Dân quốc đã được các nghệ nhân hát Miêu Xoang đưa lên sân khấu.

Với Mạc Ngôn, chừng ấy dữ liệu về nguyên mẫu là chưa đủ cho sự sáng tạo của mình. Nhà văn đã thực hiện nhiều cuộc “điều tra”, tìm hiểu về nguyên mẫu qua trí nhớ của những người già cùng thời với nguyên mẫu còn may mắn sống sót. Và một hình ảnh khác về Tôn Bính cùng cuộc nổi loạn của ông được hiện ra. Theo lời kể của nhân chứng, Tôn Bính là một nông dân và là ông chủ của một gánh hát trong thôn, hành động nổi loạn của ông xuất phát từ suy nghĩ đơn giản là tuyến đường sắt Giao Tế do người Đức xây dựng qua làng sẽ đi qua phần mộ của tổ tiên, nếu phải dời mộ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới phong thủy và cuộc sống của các thế hệ con cháu vì thế sẽ bị đảo lộn. Ông không hề ý thức được sự quan trọng của việc chống xâm lược, lại càng không nghĩ rằng sự chống đối của mình là hành động lãnh đạo nông dân kháng Đức như sử gia về sau ghi chép.

Mạc Ngôn đã khéo léo tận dụng những nguồn sử liệu từ chính sử, giai thoại, lời kể của chứng nhân và kinh nghiệm cá nhân để tạo dựng nên bức tranh bi tráng về đời sống xã hội, văn hóa vùng đất đông bắc Cao Mật đầu thế kỉ XX. Bối cảnh lịch sử được tác giả tái hiện trong Đàn hương hình là thời kì chống lại quân xâm lược Đức của nhân dân Trung Quốc. Lấy chất liệu từ những sự kiện, biến cố lịch sử khi người Đức cho xây dựng tuyến đường sắt chạy qua thôn Cao Mật, cùng cảm hứng từ Tôn Bính, Mạc Ngôn đã xây dựng nên hình tượng người anh hùng của đất Cao Mật đại diện cho lí tưởng anh hùng nghĩa hiệp của Trung Hoa. Tuy nhiên, khác với người anh hùng phong kiến - con người mang những tố chất phi thường về vóc dáng, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức để làm những việc phi thường, người anh hùng Tôn Bính trong quan niệm của Mạc Ngôn rất đặc biệt: anh hùng - mạt hạng. Xuất thân mạt hạng (ăn mày, con hát) nhưng lại “đại diện cho khí chất, tư tưởng nghĩa hiệp của Trung Hoa: xả thân trừ bạo, xả thân vì nghĩa, xả kỉ vị tha, vào chỗ chết mà ung dung như đi dự tiệc”(3). Tôn Bính được tái hiện trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn là một nghệ sĩ dân gian, cả đời gắn với làn điệu Miêu Xoang, một hình thức diễn xướng rất phổ biến trong đời sống tinh thần của người dân vùng Cao Mật. Mạc Ngôn đã soi rọi nhân vật này ở góc độ đời tư, trả nhân vật về với chiều kích của con người bình thường. Cái chết oan khuất, tức tưởi của vợ con và hai mươi bảy sinh mạng người dân trấn Mã Tang như giọt nước tràn li cho bao nỗi uất ức mà ông và người dân nơi đây phải chịu đựng trước sự ngang ngược, hống hách, bạo tàn của quân Đức. Kép hát Tôn Bính, từ sân khấu bước ra đời thường, tập hợp nông dân khởi nghĩa đánh quân Đức. Mặc dù trong cách tổ chức chiến đấu vẫn còn nhiều sự ngây thơ, ngu muội, ảo tưởng dẫn đến thất bại nặng nề, song bằng hành động nghĩa hiệp chấp nhận đầu hàng để cứu sống bà con, Tôn Bính, trong mắt dân chúng, đặc biệt là vua của đám ăn mày Tám Chu, là một đấng anh hùng. 

Qua hình tượng Tôn Bính, Mạc Ngôn đã đảo lộn những quan niệm truyền thống vây hãm cuộc đời và số phận con người - hạng cùng đinh trong xã hội, đưa họ trở lại vị thế chủ thể diễn ngôn lịch sử. Với nhà văn, có thể tìm thấy người anh hùng trong những người bình thường, thậm chí mang thân phận mạt hạng, thổ phỉ, phản luân lí. Chính những người dân đen, chân đất, chứ không phải vua chúa, quan lại hay tầng lớp cao quý nào khác là những người giữ được hồn cốt dân tộc, đạo làm người và lương tri cộng đồng. Với những tác phẩm sáng tạo về đề tài lịch sử, Mạc Ngôn đã xác quyết một cách tiếp cận cùng lối viết mới về lịch sử. Lịch sử trong cảm quan của tác giả là những câu chuyện đời thường, vụn vặt, bên rìa - trạng thái thường nhật của cuộc sống dân dã; là những dịch chuyển văn hóa, những trạng huống tâm lí, những xung đột nhân tính đa chiều trong diễn ngôn lịch sử; là màu sắc dân gian, ảo diệu, đa biến, uyển chuyển trong bút pháp kể chuyện. Tất cả đã tạo nên căn cước và vị thế của Mạc Ngôn trong dòng chảy văn chương nhân loại.

Trong cái vương quốc do mình ngự trị, Mạc Ngôn không chỉ tái hiện khung cảnh thiên nhiên, hiện thực cuộc sống, bức tranh văn hóa mà còn vẽ ra những “gương mặt người” với đầy đủ diện mạo, tính cách, tư chất, thậm chí cả những cố tật riêng. Họ là những nhân vật có nguyên mẫu từ vùng đất đông bắc Cao Mật nhỏ bé, heo hút, lần đầu tiên bước vào trang sách. Và có lẽ ngay trong trí tưởng tượng bay bổng nhất của mình, những bà cô, anh hàng xóm, bác nông dân, người thuyết thư, những người thân, người làng Cao Mật… cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày những câu chuyện về nỗi đau khổ, niềm vui sướng của bản thân mình trở thành nỗi đau khổ, niềm vui sướng của toàn thể nhân loại. Đó là cách Mạc Ngôn “trả nợ” cho vùng đất nơi mình sinh ra. Và đó cũng là cách ông xác quyết ý hướng của lối viết: viết là trở về với quê hương, với dân gian, làm một người dân đen kể chuyện.

N.V.H
 
------
1. “Diễn từ Nobel của Mạc Ngôn” (Storyteller), Nguyễn Hải Hoành dịch, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/dien-tu-nobel-cua-mac-ngon
2. Mạc Ngôn và những lời tự bạch, Nguyễn Thị Thại dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, tr.369.
3. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), Tự sự kiểu Mạc Ngôn, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.91.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)