Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nhà văn Hoàng Bình Trọng với Bí mật một khu rừng

Chủ Nhật, 23/08/2015 06:58
. HOÀNG MINH ĐỨC

Một chiều hè giữa kì Sea Game 28, nghe tin nhà văn Hoàng Bình Trọng ốm, tôi liền đến thăm anh. Trời nắng như đổ lửa. Đang nằm trên giường bệnh, anh ngồi dậy ho sù sụ. Khi nghe tôi hỏi về nguyên mẫu nhân vật Bí mật một khu rừng - tác phẩm “để đời” của anh, Hoàng Bình Trọng hoạt bát, sôi nổi hẳn lên: “Nguyên mẫu nhân vật của tiểu thuyết Bí mật một khu rừng? Rất nhiều người đã hỏi mình về điều này. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết có cả mình nữa đấy. Có thể xem đây là một cuốn tự truyện của mình. Nó là tiểu thuyết đầu tay sau một chuyến đi dài ngày của bọn mình về bản Chiềng Khoang tìm mỏ”.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Hoàng Bình Trọng về công tác tại Đoàn địa chất 20, được phân công vào nhóm vẽ bản đồ do kĩ sư Đặng Vũ Khúc làm trưởng đoàn (Đặng Vũ Khúc sau này là giáo sư – tiến sĩ khoa học, nhà cổ sinh – địa tầng hàng đầu Việt Nam). 

Hồi đó (từ năm 1961 đến năm 1965), Liên Xô cử các chuyên gia sang giúp ta thành lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam 1: 500 000. Đặng Vũ Khúc là người trực tiếp làm việc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô A.E.Dovjikov. Anh có nước da ngăm đen, khuôn mặt chữ điền, bộ râu quai nón xồm xoàm nên anh em thường gọi đùa là anh Râu Xồm. Râu Xồm thông minh sắc sảo, dạn dày kinh nghiệm, hiểu biết khá rộng về nhiều lĩnh vực. Anh am hiểu phong tục tập quán của các dân tộc miền núi. Anh có giọng hát hay, giỏi chơi thể thao, có tài tổ chức các phong trào văn nghệ. Anh lớn hơn Hoàng Bình Trọng mười một tuổi (Hoàng Bình Trọng sinh năm 1942).         

Năm 1963, một lần đoàn về bản Chiềng Khoang để mua gạo thì chỉ còn lại dấu vết của các nền nhà cũ. Sau mấy tháng trời ròng rã đi bộ hàng trăm cây số đường rừng, giờ đây họ lại phải lên đường tìm bản mới. 

Một hôm, vừa đói vừa rét, thấy một bãi phân trâu trong rừng cả đoàn hết sức mừng rỡ vì đây là tín hiệu cho biết sắp đến nơi có người ở. Đi một quãng nữa, trời bắt đầu đổ mưa. May quá, trên đỉnh đồi có ánh đèn le lói trong một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà sàn xinh xắn biệt lập với bản làng. Mọi người trèo lên cầu thang, ngọn đèn cà boong đã cháy hết một nửa, trong nhà có đầy đủ mọi thứ gia dụng. Nhưng lạ lùng thay, chẳng có ai cả. Sáng hôm sau cả ba vừa bước ra khỏi cánh cổng có hàng rào gỗ chắc chắn bao quanh để đi vào bản thì gặp ngay hai người đi ngược lại. Đó là hai cha con, chủ nhân ngôi nhà - con “ma gà” Lò A Nhi. Nguyên do ngày A Nhi ra đời, không may trong bản có người bị sét đánh chết. (Tại bản Chiềng Vả có một trận lụt lớn, núi lở làm một vỉa sắt lộ thiên nên đến mùa mưa, sét thường đánh xuống).

 
images


Thầy mo vu cho đứa con của ông Lò Văn Páo là “ma gà” làm cả bản không ai dám giao thiệp. Mới ở cữ được mười ngày, vợ ông đã phải theo chồng vào rừng đào củ mài, dầm phải mưa, bị cảm mà chết. Mối nghi ngờ của dân bản càng tăng lên gấp bội. Họ khuyên ông Páo nên chôn sống A Nhi đi. Ông Páo quyết nuôi con. Ông mang Lò A Nhi chạy đến ở bản Chiềng Khoang, cách nơi ở cũ ba ngày đường. Càng lớn lên A Nhi càng xinh đẹp, thu hút sự chú ý của mọi người. Ông thầy mo lần đến bản Chiềng Khoang. Ông ta lấy bột phốt pho trong hang núi bí mật bỏ vào vườn ông Páo làm “ma trơi” và khẳng định với dân làng rằng A Nhi là con “ma gà”. Mỗi khi có dịch bệnh chết người thì dân bản lại đến đánh đuổi cô nên ông Páo phải dựng nhà trên núi cho con ở.

Cả đoàn địa chất đến nhà ông Páo ở để ngày hôm sau đi mua gạo. Nhưng các anh đi đến đâu cũng bị người dân xa lánh. Họ đóng sập cửa xuống vì các anh đã ở nhà con “ma gà”.

Hoàng Bình Trọng là một thanh niên thông minh, thật thà, dễ mến, lại có tài vẽ tranh. Bằng các bức tranh, anh đã tiếp cận được với một nhóm các em nhỏ và biểu diễn các trò “ảo thuật”, chinh phục người dân bản Chiềng Khoang. Với các thí nghiệm khoa học đơn giản, đoàn làm cho dân bản hiểu rõ các mánh khóe lừa bịp của lão phù thủy đã tác oai tác quái trong vùng mấy chục năm trời. Đoàn cho nhân dân thuốc chữa bệnh, đấu tranh với những tập tục hủ lậu còn rơi rớt lại, đưa được A Nhi trở về với cuộc sống cộng đồng. Cảm hóa được dân làng, anh em địa chất đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, thu được thắng lợi rực rỡ: tìm được khá nhiều vỉa quặng.

Năm 1967, Hoàng Bình Trọng được điều về dạy ở trường trung cấp địa chất sơ tán tại Phúc Yên. Anh vốn là một người có năng khiếu toán và biết làm thơ, đã có nhiều bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lúc đó là một giáo viên cấp hai, dạy văn gần trường tìm đến. Với câu chuyện trên, Hoàng Bình Trọng gợi ý cho Nguyễn Bùi Vợi viết một cuốn tiểu thuyết. Anh còn cho Nguyễn Bùi Vợi một số mẩu hóa thạch, giảng giải các đặc tính của chúng. Nguyễn Bùi Vợi thích lắm, ngồi viết một tuần nhưng khó quá vì ông không rành về địa chất. Nguyễn Bùi Vợi liền khoe chuyện ấy với Nguyễn Quỳnh đang công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Nguyễn Quỳnh động viên Hoàng Bình Trọng: “Em cứ mạnh dạn viết đi. Về làm đề cương rồi đưa đến cho anh”. Hoàng Bình Trọng không biết cách làm đề cương nên anh viết tóm tắt toàn bộ câu chuyện dài đến hai mươi trang. Nguyễn Quỳnh xem xong vỗ đùi đánh đét một cái: “Hay! Cái này cực hay! Thật là tuyệt!”. Ông đưa Hoàng Bình Trọng đến gặp Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng. Hoàng Bình Trọng kí hợp đồng và tạm ứng tiền đầu tư tác phẩm bốn trăm đồng. Cầm tiền trong tay, Hoàng Bình Trọng vừa sợ vừa lo. Số tiền lớn quá, nhiều hơn mười ba tháng lương của một giáo viên cấp một mới ra trường. Một tháng trời xóa đi viết lại nhiều lần nhưng anh không sao viết nổi dòng mở đầu. Lúc thì anh tả cảnh mặt trời vừa khuất sau dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, lúc lại mô tả một ngôi nhà cô độc hun hút gió nằm giữa rừng già. Cuối cùng anh vào đề: Trên một lối mòn hẹp men theo bờ phải ngòi Nhu, có ba người mặc quần áo xanh công nhân, mang ba lô con cóc, đi về phía núi Tam Đỉnh. Nhìn họ hay ngoảnh đi ngoảnh lại, người qua đường dễ nhận thấy họ đang tìm kiếm một cái gì. Khi đến một bãi bằng ven núi, thì cả ba tỏ ra thất vọng... Ngay từ trang mở đầu anh đã kích thích được trí tò mò của người đọc. Anh chọn bối cảnh, không gian dựng truyện là một bản làng du canh, du cư trong dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp sau ngày hòa bình lập lại. Thực ra ở Hoàng Liên Sơn, dân tộc Thái định canh, định cư như dân tộc Kinh ở dưới đồng bằng, hoàn cảnh đặc biệt vì thiên tai họ mới phải di dời chỗ ở.

Hoàng Bình Trọng kể lại trình tự câu chuyện đi tìm quặng của đoàn anh. Đáng lẽ Hoàng Bình Trọng, nhân vật kể chuyện phải ở ngôi thứ nhất nhưng anh lại đẩy xuống ngôi thứ ba, mang tên nhân vật Vương Đình Hoàng. Đặng Vũ Khúc được mang tên là Lê Quang Trung, nhân vật Râu Xồm ở ngoài đời đi luôn vào tác phẩm. Các nhân vật bằng xương bằng thịt được tái tạo, bê vào trang sách, nhảy lên sàn diễn.

Chẳng cần phải cài đặt nhiều, chỉ cần sắp xếp lại các sự kiện, tình huống, chi tiết, dòng con chữ cứ ào ạt chảy ra. Anh viết một mạch chín chương tiểu thuyết trong vòng hai mươi mốt ngày là xong. Riêng lão thầy mo Đèo Văn Sằn là nhân vật do anh sáng tạo. Ông ta là một nhân vật văn học điển hình cho lớp thầy mo miền núi thời đó. Bọn họ đều dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe lừa bịp, mê hoặc nhân dân. Anh “cho” ông ta theo một lão địa chất thực dân tên là Lơ Gơrăng, làm tay sai, đi tìm mỏ.

Ngay tên thật của tên thực dân này anh cũng thay đi. Đọc lại một số tài liệu của Tổng cục Địa chất, Hoàng Bình Trọng biết trước khi giặc Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp đã đánh sập hầu hết các hầm lò. Có những vỉa quặng mới tìm ra, chúng giết cu li, lấp họ lại trong hang để bịt đầu mối, gây khó khăn cho việc tìm kiếm sau này. Hoàng Bình Trọng đã tạo dựng được một Đèo Văn Sằn vừa làm “phìa”, vừa làm thầy mo. Đèo Văn Sằn đại diện cho thế lực phong kiến ôm chân thực dân Pháp lại vừa đại diện cho những tập tục lạc hậu cần phải xóa bỏ. Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái thiện với cái ác, giữa ánh sáng văn minh với những tập tục lạc hậu ngàn đời... rất gay go.

Bằng lối kể chuyện hóm hỉnh, sinh động, biết khai thác kiến thức khoa học và tâm lí lứa tuổi, Hoàng Bình Trọng đã đưa vào các tình tiết li kì, hấp dẫn cuốn hút bạn đọc nhỏ tuổi đi từ chương này đến chương khác. Sau khi ra đời, Bí mật một khu rừng không những được các bạn đọc nhí đón nhận một cách hào hứng, say mê mà ngay cả các cụ già, những người lớn tuổi, những người làm khoa học cũng hứng thú. 

Bí mật một khu rừng được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1973, với bốn mươi lăm ngàn bản, khi cha đẻ của nó đang chiến đấu ở chiến trường Lào. Lần thứ hai vào năm 1976, số lượng xuất bản lên tới một trăm ngàn bản. Năm 1981, tác phẩm được dịch sang tiếng Nga và được Nhà xuất bản Thiếu nhi Moskva đăng tải, phát hành.

Cũng xin nói thêm một chút về nhân vật A Nhi. Năm 1978, Hoàng Bình Trọng xuất ngũ trở về thì nghe một người quen nói rằng A Nhi đang làm y tá thôn bản. Cô đã xây dựng gia đình với một người bạn trai cùng tuổi, người đã cùng các anh kĩ sư địa chất đưa A Nhi ra khỏi căn nhà của “ma gà”. Họ đã sinh con đẻ cái và sống rất hạnh phúc.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, tiểu thuyết Bí mật một khu rừng được tái bản đến lần thứ sáu, vẫn còn nguyên giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Nó để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng biết bao thế hệ độc giả và ít nhiều làm cho các em thiếu nhi yêu thích ngành địa chất, khát khao đi tìm những kho báu còn nằm sâu trong lòng đất, làm giàu cho Tổ quốc.
 
H.M.Đ
          
        
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)