Sự tĩnh lặng của cát

Chủ Nhật, 29/12/2019 09:16

(Đọc tập thơ Đơn Sa của Mai Thế Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

Mai Thế Hùng làm thơ đã lâu, nhưng thơ anh xuất hiện khá dặt dè trên các mặt báo, tạp chí. Là một lập trình viên máy tính chuyên nghiệp vốn không liên quan gì đến văn chương, anh là người điềm dị, kín tiếng, ngại lời. Thơ anh có những quãng thanh thanh vắng vắng như khi người ta vừa nghe xong một bản nhạc không lời, vừa nghe xong một điểm chuông cuối mà vẫn thấy lòng rung vang, mà bỗng thấy cả không gian và thời gian đẩy đưa nới giãn rất nhịp nhàng.
Không chỉ biết nới giãn không gian, thời gian, thơ Mai Thế Hùng còn triệt để sử dụng, tái tạo không gian, thời gian đó như một nguyên cớ để lấy đi nhịp chảy của đời mình: Những ngày bâng khuâng/ Mặt trăng khép cửa/ Ru khóe mắt người vào sáu giấc mơ/ Mỗi canh một giấc/ Giấc còn lại bắt đầu/ Khi loáng thoáng chim reo/ Trên cành cây sương sớm (Khóe mắt). Đôi khi trong đường biên giới hạn hay vô hạn của ngôn ngữ, thấy anh chừng tĩnh lại sâu sắc hơn với quá khứ Lâu lắm rồi/ Mới cúi đầu soi giếng/ Thấy tuổi thơ hiện về cùng mây trắng… nhưng là khi người thơ được về với không gian xưa cũ. Còn thực tại với Mai Thế Hùng là đầy rẫy những lo âu do dự và bất an.
Mai Thế Hùng giỏi tạo không khí, một loại không khí vừa đủ vui vừa đủ buồn, vừa thực tại vừa xưa cũ: Chiều nay dường như xuân tới/ Trên nóc nhà ngói đỏ/ Có đàn én ngoài sông về ca hát… (Dư âm của một buổi chiều), vừa đó cũng đủ để giãn nở một cái tôi - ta bình yên, thư thái trong cuộc trần rong ruổi: Giữa ban trưa/ Có chiếc bóng tròn/ Thấp thoáng nắng thong dong/ Soi dòng thác trong tâm yên lặng (Ban trưa). Không quá cầu kì tô vẽ, cũng không quá gắng gượng để nói điều to tát, thơ Mai Thế Hùng là dòng chảy khác, êm đềm hơn, lặng lẽ hòa mà không tan trong một sự vận động đến chừng nghiệt ngã để tạo nên một khuôn mặt thơ trẻ hôm nay.
Dẫu vậy, tôi cũng chờ một Mai Thế Hùng có tâm thế mạnh mẽ, dứt khoát, chủ động nhập cuộc và nới giãn biên độ cảm xúc để định hình phong thái, lối thơ mà anh đã vun vén ngày một rõ nét, lôi cuốn hơn.

LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu

Ngày của mẹ


Ngày của mẹ
Chở mẹ đi thăm bà ngoại
Qua nhiều ngã tư thấy lớp lớp
Hàng rào kẽm gai
Xếp lạnh buồn trước những ánh mắt

Bà đã yếu hơn
Lại còn nói những điều rất lạ
Những điều rất xa
Như chưa có trong cuộc đời bà
Dù là thoáng chốc
Rồi mẹ ôm bà khóc

Trên đường về
Vẫn qua những ngã tư
Ánh đèn đỏ ánh mắt
Nghĩ về đời người
Với biết bao nỗi buồn và khổ đau dai dẳng

Đèn vàng lưỡng lự đèn xanh
Bóng những người đi trước
Đổ xuống đường lấp loáng

Ngày mai nắng lên
Bóng những người đi trước
Lại đổ xuống đường lấp loáng

Tháng năm

Gió thổi nóng hõm mắt

Hơi thở an lành lại đến
Hỏi han nhau.

Những năm tháng ba mươi


Ngước nhìn bầu trời
Chưa biết tuổi
Lắng nhìn em
Những năm tháng ba mươi
Thấy ta
Cũng độ ấy ngày rong ruổi
Đời búng trên dòng nhạc
Vút bổng nối liên trầm
Ngân luyến và lặng thinh

Đôi khi có một nốt tròn
Mang hình số không thả xuống
Ngưng lắng thanh âm

Cúi nhìn mặt đất
Chưa biết tuổi
Lắng nhìn bóng em
Chiều nghiêng những năm tháng ba mươi
Thấy ta cũng đổ dài ngần ấy

Đời như ngọn gió
Ngang qua tàn cây
Rơi chiếc lá
Tuổi ta và em nằm trên đó
Xanh vàng là những chuyến diêu du

Hôm nay già đi
Ngày mai trẻ lại
Có gì vui không em
Trên chuyến tàu nhịp cũ
Đoạn đường những năm tháng ba mươi.


Gió thổi nóng hõm mắt

Hơi thở an lành lại đến
Hỏi han nhau.


Khóe mắt


Khóe mắt nhân gian ngày càng nheo lại
Những vết in dài
Đời bảo rằng đã mờ dấu chân chim
Người không thích tin
Về tô đường điểm nét
Vui buồn lưu luyến mặt gương trong

Buổi sáng vẫn mặt trời
Vẽ muôn hình tia nắng
Sao mắt người chẳng biết ngắm trời xanh
Cùng gió lộng hồn thanh thanh
Nơi rất nhiều cánh chim in vào đó
Những vết dấu trong ngần

Những ngày bâng khuâng
Mặt trăng khép cửa
Ru mắt người vào sáu giấc mơ
Mỗi canh một giấc
Giấc còn lại bắt đầu
Khi loáng thoáng chim reo
Trên cành cây sương sớm

Đây đó buồn vui
Trôi qua cùng tỉnh thức
Vẫn khóe mắt chân chim
Mà thanh thanh ánh sáng.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)