Nhật kí của một nhà “tự nhiên học”

Thứ Bảy, 01/07/2023 09:16

Trong cuộc đời mình, Virginia Woolf đã viết hàng chục cuốn nhật kí, thế nhưng cuốn có ảnh hưởng và quan trọng nhất thì lại ít được biết đến. Trong giai đoạn nghỉ dưỡng ở Asheham, bà đã thử nghiệm phong cách viết thật giản dị với những vấn đề thường ngày.

Ngày 3 tháng 8 năm 1917, Virginia Woolf đã viết nhật ký trở lại sau 2 năm tạm dừng trong một cuốn sổ nhỏ, bằng lòng bàn tay. Đó là một ngày thứ Sáu, ngày bắt đầu kì nghỉ lễ, và bà đã đi từ London đến Asheham, chỗ ngôi nhà thuê ở vùng nông thôn Sussex, cùng người chồng Leonard. Lần đầu tiên sau nhiều ngày liền, trời tạnh mưa nên bà đã “đi ra khỏi Lewes.” Có “những người đàn ông đang sửa lại tường và mái nhà”. Will, người làm vườn, đã “đào phần sân phía trước lên, chỉ để lại một cây thược dược.” Cuối cùng là có rất nhiều “ong trong ống khói ở chỗ gác mái.”

Đó là một khởi đầu khó khăn, nhưng với mỗi ngày trôi qua, cuốn nhật kí của bà sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Chẳng mấy chốc, Woolf đã tự mình thiết lập một khuôn mẫu chung. Đầu tiên, bà sẽ ghi lại thời tiết và từng điểm mốc mình đã đi qua - đến chỗ cột điện, lấy sữa, hoặc lên đỉnh Downs. Ở đó, bà còn ghi lại số nấm mà mình tìm thấy - “gần như là một kỉ lục,” hoặc chỉ “vừa đủ cho một món ăn”. Ngoài ra côn trùng cũng được chép lại một cách sống động: “3 con bướm tuyệt đẹp, 1 con màu bạc; bên cạnh vô số con màu xanh.” Bà đặc biệt chú ý đến sinh vật này: những con bướm sặc sỡ, những con màu vàng hoặc thật nổi bật.

Nữ nhà văn Virginia Woolf.

Bà cũng mô tả một cách khủng khiếp chuỗi thức ăn trong tự nhiên: “xương sống và cái chân đỏ của một con chim vừa bị con diều hâu kia nuốt chửng,” hoặc “con gà giờ đã chết rục trong đám tầm ma vì bị chặt đầu.” Tồn tại một sự bạo lực nào đó ở đây. Từ đỉnh Downs, bà đã lắng nghe tiếng súng khi chúng vang lên từ Pháp, và quan sát các tù nhân Đức làm việc trên những cánh đồng, những người sử dụng “một chiếc bình lớn màu nâu để đựng trà.” Sau đó bà sẽ về nhà, ghi lại bất kì vị khách nào đã ghé qua, hoặc sẽ làm vườn, đọc sách hay may vá. Cuối cùng, bà sẽ ghi chú về khẩu phần ăn, kiểm kê chất béo: “Ăn 2 trong 9 quả vừa mua chỗ bà Attfield,” hoặc “dùng xúc xích hôm nay.”

Mặc dù Woolf, lúc đó 35 tuổi, chia sẻ căn nhà ở Asheham với em gái mình, nữ họa sĩ Vanessa Bell (người đến đó để dự tiệc cuối tuần), nhưng đối với bà, ngôi nhà luôn là nơi để nghỉ dưỡng. Sau khi kết hôn với Leonard vào năm 1912, bà bước vào chặng dài suy kiệt vì bệnh tật - một chuỗi suy sụp tinh thần khiến bà không chịu ăn uống, nói năng lung tung và có ý định tự tử. Bà đã trải qua một thời gian dài tại viện dưỡng lão ở Twickenham trước khi được đưa đến Asheham cùng với một y tá để dần hồi phục.

Tại ngôi nhà đó, Leonard tuân theo quy trình chữa bệnh nghiêm ngặt, theo đó Virginia được phép viết thư nhưng với dung lượng “chỉ một mặt giấy,” như bà kể cho người bạn mình là Margaret Llewelyn Davies. Về việc vận động, bà chỉ có thể đi dạo một đoạn ngắn ngủi trong bộ đồ ngủ. Bà còn quá mệt để bận tâm đến việc xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu The Voyage Out vào năm 1915, hoặc là chú ý đến một cuộc chiến đang dần leo thang. “Ở đây giống như sống dưới đáy biển vậy,” bà viết cho một người bạn vào đầu năm 1914, khi khu Bloomsbury bắt đầu di tản. “Đôi khi người ta nghe đồn về những gì diễn ra ở trên đầu mình.”

Tuyển tập Nhật kí vừa được xuất bản của Woolf.

Khi viết về cuộc đời Woolf, những mùa hè thời chiến ở Asheham có xu hướng thường bị bỏ qua. Chúng nhanh chóng bị lấn át bởi thời gian bà ở London, sự xuất hiện của Nhà xuất bản Hogarth, và hướng đi hoàn toàn mới mà bà tiến hành trong các tác phẩm với chủ nghĩa thực nghiệm của Căn phòng của Jacob hay Bà Dalloway. Tuy nhiên, trong những ngày đó, Woolf đã đứng trước một ngưỡng mới mẻ trong cuộc sống và công việc riêng. Cuốn nhật kí nhỏ này là cánh cửa duy nhất mà ta hiện có về những ngày bà sống trong suốt mùa hè năm 1917 và 1918, khi bà đi bộ, đọc sách, hồi phục, và tìm những nguồn cảm hứng.

Nó là cầu nối giữa hai giai đoạn trong văn nghiệp bà, và cũng đánh dấu khoảng cách giữa khi bà khỏe và nằm liệt giường, khi viết và khi không viết, khi nhìn và khi cảm nhận. Khi đọc những trang viết này một cách chừng mực, chúng ta có thể thấy được sự phong phú trong cuộc sống hàng ngày của bà, sự lặp đi lặp lại thầm lặng của các hoạt động và thú vui riêng. Nó cũng không thiếu yếu tố kịch tính trong những trang viết với các sự kiện như xe đạp thủng lốp và rằng liệu có đủ đường làm mứt hay không? Bà hiếm khi sử dụng từ “tôi” xa cách, mặc dù thỉnh thoảng chúng ta thoáng thấy bà đang trồng lấy một củ hành tây hoặc để chiếc áo mackintosh của mình treo ngoài hàng rào…

Hầu hết bà đã ghi lại những thứ mà mình có thể nhìn thấy, nghe thấy hoặc là chạm vào. Dẫu cho bệnh tật thì bà vẫn cố hồi phục, sử dụng hình thức tự truyện trong cuốn nhật kí để dự phần mình vào một thế giới đang dần xoay chuyển. “Hạnh phúc,” sau này bà viết vào năm 1925, là “có một sợi dây nhỏ để gắn mình vào với mọi thứ ngoài kia.” Tại Asheham, bà đã xâu chuỗi hết đoạn này đến đoạn khác để xem từng ngày trôi qua.

Từ năm 1915 đến khi bà qua đời vào năm 1941, Woolf đã lấp đầy gần 30 cuốn nhật kí. Lúc đầu bà bắt đầu bằng một bản tường thuật khá tự giác về cuộc sống hàng ngày, và khi đến giai đoạn ở Asheham, thì nó trở thành một bản ghi chép mang tính liên tục, phi thường về hình thức và cảm xúc. Nhật kí là nơi mà bà tập viết - hay sẽ trở thành một bài thực hành, như bà đã tự mô tả vào năm 1924, cho các tác phẩm mà bà sắp viết.

Nhưng “con quỷ già” bệnh tật đã không bao giờ lùi xa. Nếu trong nhật kí của mình Woolf có thể tự sáng tác, thì bà cũng có thể nhờ nó để làm sáng tỏ những điều khác nữa. Có những khoảnh khắc tương đối khó hiểu, khi bà ghi chép những điều không hay về bạn bè mình, hoặc ghi vẩn vơ lại cảnh những người phụ nữ ở vùng ngoại ô mua sắm, hoặc là tả lại người mẹ Do Thái của Leonard. Và giờ bà đã cảm nhận được những thất bại mới một cách sâu sắc. Trong những giờ ngắn ngủi đó, bà lo lắng về việc mình không có con, những sự ganh đua của bà trong giới văn chương khi làn sóng trầm cảm của ngày một dâng cao.

Nhà tâm lí học người Anh, Adam Phillips sau này cho rằng đây là bằng chứng về một “phát minh phi thường của Woolf trong thể loại này.” Ông nói “Nhật kí Asheham là một trong những “thí nghiệm” đầu tiên về cách viết mới”. Lúc ấy bà đang đọc cuốn Walden (tựa Việt: Một mình sống trong rừng) của Thoreau và các tạp chí Grasmere của Dorothy Wordsworth, ngạc nhiên trước khả năng sử dụng từ ngữ “bình dị” của những tác giả khi chỉ xoay quanh cuộc sống đời thường, dẫu vậy mô tả của họ về thế giới này như được nhân gấp bội lên qua “chiếc kính lúp tiêu cự cực lớn”.

Tuy nhiên, tuổi thọ của cuốn nhật kí hơi hướng nông thôn thật là ngắn ngủi. Vào tháng 10 năm 1917, khi trở lại London, Woolf bắt đầu viết cuốn nhật kí thứ hai vẫn theo phong cách bà viết trước đó. Cuốn nhật ký Asheham của bà giờ được cất gọn trong một ngăn kéo. (Mùa hè năm sau, bà sẽ với lấy cuốn sổ và viết đồng thời cả hai phong cách trong cùng một lúc.) Trong cuốn nhật kí khác, bà bắt đầu phát triển phong cách viết tay mềm mại mà mình sẽ dùng cho suốt phần đời còn lại. Sự ngắn gọn giờ đã biến mất, mặc dù cuốn nhật ký Asheham đâu đó vẫn còn để lại một vài dấu ấn. Tại London, bà tiếp tục mở đầu mỗi ngày với “những ghi chép về rau củ”— kể về chuyến đi bộ dọc sông Thames, hoặc là mô tả tình hình thời tiết. Và bà đã mô tả mọi thứ mà mình nhìn thấy với sự tò mò và chính xác dưới con mắt của một nhà tự nhiên học.

NGÔ MINH dịch từ The New Yorker

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)