Ra đời năm 1926, cuốn sách như lời tiên tri của tác giả Karel Čapek về hàng loạt biến động thế giới sau đó, khủng hoảng kinh tế 1929-1933, Thế chiến thứ Hai 1939-1945 với sự lên ngôi của chủ nghĩa bá quyền và dân tộc cực đoan. Khi sản xuất dư thừa, chạy đua vũ trang diễn ra hàng loạt, đức tin con người lung lay tận cội rễ thì xung đột xảy đến như một điều tất yếu. Mê tỉnh cuồng loạn, người ta đánh mất bản thân giữa vòng xoáy oan nghiệt của một thế giới mà “mọi quốc gia đều muốn có chân lí tuyệt đối.”
Kĩ sư R. Marek chế tạo ra một thiết bị có thể đốt cháy hoàn toàn vật chất rồi chuyển hóa thành nguồn năng lượng khổng lồ mang tên Karburátor. Phát minh này đã được bán lại cho G. H. Bondy, Chủ tịch Liên xí nghiệp MEAS và nhanh chóng được sản xuất với số lượng lớn để đưa đi khắp thế giới. Kéo theo đó, Siêu Nhiên, loại khí “phụ phẩm” thoát ra trong quá trình đốt cháy hoàn hảo của Karburátor đã khiến cho số đông người trở nên ngộ đạo, sản xuất dư thừa nhưng tiêu dùng trở nên khan hiếm. Cuối cùng đẩy con người đến Đại kết cục với Cuộc chiến tranh Vĩ đại bao trùm khắp thế giới.
Bản tiếng Việt của cuốn sách
Siêu Nhiên
Trong khuôn khổ tiểu thuyết Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên thì trước hết, Siêu Nhiên là một loại khí được sản sinh từ Karburátor, một động cơ, một lò phản ứng hạt nhân giúp chuyển hóa một cách hoàn hảo những nguyên tử tồn tại ở dạng vật chất sang năng lượng. Dù quá trình “đốt cháy” hay “phá hủy” nguyên tử diễn ra “hoàn hảo”, thì “phụ phẩm” Siêu Nhiên vẫn thoát ra và phụ phẩm đó tỉ lệ thuận với số năng lượng khổng lồ thu lại sau quá trình đốt cháy hoàn hảo, cùng số Karburátor tăng lên chóng mặt qua quá trình sản xuất hàng loạt và phân phối Karburátor khắp các quốc gia trên thế giới.
Karburátor đi vào mọi hoạt động đời sống và sản xuất của con người. Chúng xuất hiện trong các nhà máy, xí nghiệp, trong ngân hàng, trong hệ thống chiếu sáng toàn thành phố, trong khu vui chơi, đi vào tận mỗi hộ gia đình. Karburátor tràn lan, Siêu Nhiên len lỏi tới từng ngõ ngách, can thiệp vào mọi lĩnh vực đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt trong nhận thức, bản tính con người. Như tên gọi “Siêu Nhiên”, không cần con người can thiệp, máy móc cũng sản xuất không ngừng, sản lượng sản phẩm tăng vọt dẫn tới dư thừa để rồi lạm phát xảy đến như điều tất yếu. Người ta “khai ngộ” với một tấm lòng quảng đại bác ái, và nhận ra “Thượng đế” ngay bên cạnh, hiện diện ngay chính trong những vật dụng được lắp Karburátor. Người ta tiến gần hơn đến “Thượng Đế” khi được ban cho những quyền năng “Siêu Nhiên” thật gần gũi với Người, khả năng thấu thị tâm trí người đối diện, khả năng chữa bệnh bằng phép nhiệm màu, cùng niềm thôi thúc truyền đạo và “khai ngộ” cho những người xung quanh.
Cả thế giới trở thành công xưởng sản xuất Karburátor. Cả thế giới trở thành một nhà máy khổng lồ sản sinh ra Siêu Nhiên.
Nhưng dù là Siêu Nhiên hay gần với thánh thần, tới tận cùng con người vẫn là con người với sự ích kỉ cố hữu mà khi tiếp cận với Siêu Nhiên, sự ích kỉ đó càng bị đẩy lên tới mức cực đoan.
Thượng đế của anh.
Thượng đế của tôi.
Thượng đế của chúng ta.
“Chúng tôi muốn xử sự như những người đại diện và những tôi tớ của Thượng đế. Chúng tôi không được phép chấp nhận sự xuất hiện của một Thượng đế mới hoặc thậm chí là tôn giáo mới.”
Và sau hết thảy nỗi cuồng tín kia, người ta vẫn cần sống, cần lao động, cần sinh tồn trong một thế giới cân bằng giữa sản xuất và nhu cầu. Một thế giới vắng bóng “Siêu Nhiên”, biểu tượng đã vượt thoát khỏi dạng thức tồn tại “phụ phẩm” ban đầu mà trở thành một dạng thánh thần chi phối mọi mặt đời sống, xã hội lẫn cá nhân con người bằng niềm nhiệt huyết đầy bản năng.
Thánh thần
Là cuốn tiểu thuyết mang đậm tính kì ảo như một sự sáng tạo huyền thoại độc đáo của Karel Čapek, Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên chứa đựng hàng loạt những chi tiết đề cập tới sự hiện hữu của yếu tố thánh thần trong không gian tác phẩm. Từ khi Karburátor đi vào mọi khía cạnh và Siêu Nhiên len lỏi tới mọi mặt xã hội, kể cả trên phương diện cá nhân hay phương diện vĩ mô, cộng đồng, “thánh thần” xuất hiện như một hiện diện phổ quát bên cạnh, trong tâm thức con người.
Mỗi người có nhận thức riêng về “thánh thần”. Là Thượng đế, là Chúa cứu thế, là đức Phật, thậm chí chính sự hiện thân của Chúa, với mỗi nhóm người cũng sẽ một dáng hình khác nhau. Chúa trong những gia đình, Chúa tồn tại cả ở chiếc máy xúc hay trên chiếc đu quay.
Nhưng “thánh thần” gần gũi tới thế mà vẫn thật quá đỗi xa vời. Không có dáng hình cụ thể, không tồn tại dưới một dạng thức chung. Người ta ôm ấp một suy tưởng về “thánh thần” trong cơn quay cuồng giác ngộ của sự cứu rỗi thần thánh khi nhận ra bản thân có thể với đến những tồn tại siêu thực như chỉ trong gang tấc. Cho đến khi, nhận thức con người xung đột với nhau trong một thế giới cực đoan, dư thừa sản xuất. Cho tới khi người ta nhận ra, đến tận cùng, “thánh thần” vô thực kia, lại chỉ là những ảo vọng con người sản sinh từ một thứ phụ phẩm, một dạng “chất thải” xuất phát trong quá trình đốt cháy, quá trình công nghiệp từ một động cơ như chiếc xi lanh, mà rộng hơn, chính là xuất phát từ chính căn cốt cội rễ của đời sống con người.
“Mỗi người đều tin vào Đức Chúa tuyệt vời của mình, nhưng không tin vào một người khác mà người này cũng chỉ tin vào Thượng đế tuyệt vời của anh ta, nhưng không tin người khác, không tin rằng người khác cũng tin vào cái gì đấy tốt đẹp.”
Qua tiểu thuyết Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên, văn hào Karel Čapek đã tạo nên cả một không gian rộng lớn trải khắp các quốc gia, châu lục trên thế giới trong bối cảnh câu chuyện thực ảo đan xen. Khi những phép nhiệm màu Siêu Nhiên mang lại của sự khai ngộ tâm thức, sự cuồng tín đạt đến cực điểm, sản xuất thừa mứa cục bộ… qua đi, thứ hiện thực còn lại chỉ là đau thương mà con người còn tỉnh thức và đã tỉnh thức phải gánh chịu. Lạm phát tăng cao, chiến tranh lan rộng, niềm tin vỡ vụn trong sự băng hoại đạo đức và sự bưng bít những cái xấu xa, đồi bại của một thế giới quay cuồng “Siêu Nhiên”.
Đức tin
Với Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên, Karel Čapek đã đặt ra hàng loạt những vấn đề mang tính lịch sử, thời đại cùng cả tầm nhìn cho tương lai. “Với giọng văn dí dỏm, phong cách siêu thực cùng vốn kiến thức đi trước thời đại, Karel Čapek đã tiên lượng được sự băng hoại đạo dức, tôn giáo cuồng tín và chủ nghĩa bá quyền, cùng cuộc chạy đua sản xuất hàng loạt vũ khí nguyên tử…” Khi tiểu thuyết Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên ra đời vào năm 1926, chỉ ba năm sau, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn đã xảy đến và mười ba năm sau, Thế chiến thứ Hai nổ ra. Thế chiến kết thúc nhưng cuộc chạy đua và làm giàu những lò phản ứng hạt nhân của các cường quốc vẫn tiếp diễn, chiến tranh, xung đột vũ trang vẫn lan rộng và đặt thế giới luôn trong bờ vực xảy đến một cuộc Chiến tranh thế giới mới.
Cả thế giới đã trở thành một “nhà máy chế tạo Siêu Nhiên” khổng lồ. Karburátor xuất hiện ở mọi nơi. Để rồi khi bạo lực xảy đến và mỗi lúc một leo thang, con người hiện đại buộc phải nhìn lại những chân giá trị cuộc sống cùng chính bản thể cái tôi chừng như đã vỡ vụn giữa guồng xoáy lịch sử. Để rồi họ nhận ra, đức tin của bản thân đã rẻ mạt như thế nào trước tác động của “Siêu Nhiên”. Người ta rất dễ dàng tin theo ảo vọng về thánh thần song lại rất khó để tin tưởng đồng loại.
Siêu Nhiên tác động đến bộ máy thượng tầng, ảnh hưởng tới giai tầng công nhân, thao túng tâm trí cả tầng lớp tri thức, xung đột với đức tin tôn giáo đã có. Và kể cả khi xung đột kết thúc, Karburátor bị phá hủy, Siêu Nhiên biến mất, người ta vẫn rất khó có thể tìm được tiếng nói chung trong giao tiếp. Đức tin tôn giáo vụn vỡ, lòng tin với con người lại quá đỗi mong manh. Người ta chới với giữa một thực tại mơ hồ của bi kịch nhân thế: “Mọi người đều nghĩ rất tốt về nhân loại, nhưng với từng người thì không. […] Thế giới sẽ tệ hại nếu con người không tin vào con người.”
Bằng kết cấu truyện hết sức hiện đại với sự đan xen của nhiều hình thức tự sự, ngôi kể, đặc biệt, cả ngôi kể thứ hai qua điểm nhìn của chính tác giả cũng xuất hiện cùng nghệ thuật tạo lập hệ thống đối thoại mà như độc thoại mang tính kịch cực kì đậm nét, tiểu thuyết Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên không chỉ là sự “tiên đoán” cho cục diện thế giới mang tính đi trước thời đại ở khía cạnh nội dung mà tác phẩm này còn là sự đi trước thời đại của Karel Čapek trên khía cạnh nghệ thuật tự sự. Như chính Karel Čapek bày tỏ: “Đây là câu chuyện đích thực của cuốn tiểu thuyết không thực sự là một cuốn tiểu thuyết, là một chuỗi tiểu luận mà tên của nó bây giờ tôi mới bổ sung thêm.”
MỌT MỌT
VNQD