Có gì trong bộ phim ăn khách Nhật Bản

Thứ Bảy, 06/07/2024 00:36

Gặt hái thành công rực rỡ ở thị trường nội địa Nhật Bản với 3,5 triệu vé được bán ra, bộ phim Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Siomi Natsue, không đơn thuần chỉ là câu chuyện ngược dòng thời gian của một nữ sinh cấp ba hay câu chuyện tình yêu thời Thế chiến. Hơn cả, Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở đã góp thêm tiếng nói phản chiến mạnh mẽ trong dòng phim về đề tài này khi khắc họa gần như trần trụi hiện thực khoảng thời gian cuối cuộc Thế chiến, sự sụp đổ của cả một ý thức hệ, từ đó, giá trị sinh mạng, tuyên ngôn sự sống trong thước phim lại càng thêm đớn đau, nhức nhối.

Kano Yuri, một nữ sinh 18 tuổi, sống trong gia đình thiếu vắng hình bóng người cha, vào một lần xung đột với mẹ, cô đã rời khỏi nhà đúng lúc trời mưa lớn. Yuri đến trú mưa trong khu hầm trú ẩn cũ rồi ngủ quên lúc nào không biết. Tỉnh lại, Yuri nhận ra cô đã trở về nước Nhật khoảng thời gian hơn 70 năm trước đó, vào đúng giai đoạn cuối của Thế chiến thứ Hai. Ở đây, Yuri gặp gỡ Sakuma Akira, chàng thanh niên 21 tuổi sẽ trở thành Thần Phong - phi công cảm tử của phi đội Nhật Bản. Hiện thực chiến tranh hiện ra còn tàn khốc và nghiệt ngã hơn cả những gì cô thiếu nữ sống trong thời hiện đại đã biết. Nhưng bất chấp điều đó, Yuri vẫn cảm nhận được những dư vị hạnh phúc nhỏ bé, và tình yêu chớm nở cô dành cho Akira.

Câu chuyện cá nhân

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, trước khi là một bộ phim chuyên chở tiếng nói phản chiến của những con người khát cầu hòa bình, sự sống; thì thước phim Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở là câu chuyện của cá nhân. Những cá nhân rất “người”, bất kể là quá khứ hay hiện tại, thời bình hay thời chiến, vẫn luôn mang theo đủ sự mâu thuẫn, nỗi âu lo, điều phiền muộn,… mà tồn tại trên cuộc sống, trong cõi đời đầy những điều nghiệt ngã trong mối quan hệ giữa con người với con người và rộng hơn, là mối quan hệ giữa con người với trách nhiệm công dân, trách nhiệm trước đất nước.

Một nữ sinh đứng ở ngưỡng cửa trưởng thành của cuộc đời, chịu đựng sự cô lập trong tập thể, sự khác biệt giữa bản thân với bạn bè, nỗi buồn tủi, cay đắng khi gia đình khuyết thiếu bóng hình người cha. Những người lính không quân cảm tử tuổi đời còn rất trẻ, buộc phải lao mình vào cái chết trong một thời đại người ta sẵn sàng bước vào cửa tử, coi rằng đó là hành động vì nghĩa, thiêng liêng mà chẳng hề nuối tiếc hay ngờ vực. Cả những con người của một thời quá vãng, đứng trước thời cuộc đầy biến động và sự sụp đổ ý thức hệ mỗi lúc một rõ rệt, cũng chỉ biết gồng mình lên bảo vệ niềm tin đang trên bờ vực vụn vỡ. Và cả những kiếp đời bé mọn trong cuộc sống hiện đại, vật mình với công cuộc mưu sinh để gìn giữ, bảo vệ những kỉ niệm đã qua cùng yêu thương thường nhật hiện tại, dẫu cho người họ yêu thương vào thời điểm đó có thể không hiểu hết những hi sinh họ chẳng một lời than vãn.

Mỗi thời đại tạo nên những vấn đề khác nhau mà con người thời đại ấy phải đối diện. Nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, biến động đời sống, lịch sử luôn buộc con người cá nhân phải đối mặt với những “cuộc chiến” cần đưa ra sự chọn lựa. Cho nên, nói rằng 127 phút của thước phim Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở là tiếng nói, câu chuyện cá nhân cả những kiếp đời bé mọn xuất hiện, ra đi, sống và tồn tại, sinh tồn giữa cuộc đời này là vậy đấy.

Tiếng nói phản chiến

Từ câu chuyện cá nhân, bộ phim Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở mở rộng trường liên tưởng, ý nghĩa tới những vấn đề lớn lao hơn trong xã hội, vấn đề chiến tranh và con người nhỏ bé cất lên tiếng nói phản chiến vì tình yêu, sự sống, hòa bình. Những giá trị đó trên thước phim được gửi gắm qua chuyến du hành thời gian, ngược về quá khứ của cô nữ sinh cuối cấp ba Kano Yuri, đến nước Nhật vào những tháng cuối cùng của cuộc Thế chiến thứ Hai.

Yuri, nữ sinh mười tám tuổi sống ở thời hiện đại đang phải đối diện với những mâu thuẫn, khủng hoảng tuổi trưởng thành giữa tập thể cùng lớp, gia đình và tương lai bản thân vô tình trở về Nhật Bản hơn bảy mươi năm trước. Sau những hoảng loạn ban đầu, Yuri gần như dễ dàng chấp nhận và nhanh chóng hòa nhập vào đời sống nước Nhật trong khoảng thời gian năm 1945 ấy. Cho đến khi, hiện thực chiến tranh hiện diện rõ nét, nghiệt ngã, đớn đau khiến cô gái trẻ thật sự thấu hiểu rằng: cô đang ở trong một thời đại mà hạnh phúc, sinh mạng con người khi ấy mong manh thế nào và tương lai như một thứ bánh vẽ đầy ảo vọng ra sao.

Đó chính là giai đoạn cuối của Thế chiến thứ Hai, đó chính là chiến trận, nơi nghiền nát tuổi trẻ Nhật Bản, tình yêu con người, lí tưởng xã hội. Mà chiến tranh càng đi tới hồi kết, sự vô nghĩa của cuộc chiến này, sự vụn vỡ về mặt ý thức hệ càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Trên những chiếc máy bay mỏng tang, tuổi trẻ nước Nhật lao mình vào cửa tử, hóa thân thành “Thần Phong”, hoàn thành lí tưởng hiến dâng sinh mạng cho đất nước, bảo vệ cuộc sống cho người thân ở hậu phương. Nhưng sự dâng hiến đó, lại chẳng thể bảo vệ được ai, khi làng mạc, những nơi từng lưu giấu kỉ niệm hạnh phúc của con người và cả sự sống đều cháy rụi trong bom đạn.

Mọi điều bỗng trở nên vô nghĩa.

Cả niềm tin, tín ngưỡng đã luôn níu giữ người ta đứng vững trong thời chiến. Cả thứ hạnh phúc mong manh tựa kẹo ngọt người ta chẳng đủ dũng khí tiến lên, níu giữ. Cả sinh mạng con người vốn rất đỗi yếu đuối, bé nhỏ trước đạn bom và người ta chỉ biết gửi gắm niềm yêu sống, giá trị bản thân từng tồn tại trên cuộc đời, vào những ai còn ở lại.

Và khi khắc họa sự vô nghĩa đó của chiến tranh qua ngôn ngữ điện ảnh, Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở không nhằm mục đích thần thánh hóa những hi sinh của tuổi trẻ nước Nhật trong Thế chiến thứ Hai, mà đây chỉ là hiện thực cuộc chiến. Và từ hiện thực đó, đạo diễn, cũng là một trong những biên kịch của tác phẩm - Narita Yoichi đã gửi trọn niềm khao khát hòa bình, lòng quý trọng sinh mạng trên từng khung hình, vào từng cảnh phim.

Rằng đào ngũ trong khoảng thời gian đó chẳng phải điều gì đáng hổ thẹn, khi người ta muốn “sống”, muốn bên cạnh người họ “yêu thương” lâu nhất có thể. Và cô nữ sinh tới từ thời hiện đại, không hề can thiệp vào sự thật lịch sử, càng không nói ra câu chuyện cá nhân với những con người trong quá khứ. Cô ở đó, chỉ như một tồn tại tô đậm thêm sự rạn vỡ của những điều người ta đã luôn tôn thờ. Cô thay cho những cá nhân chịu ràng buộc của ý thức cả một thế hệ khi đó, nói lên tiếng nói trân trọng sinh mạng con người.

Tiếng nói phản chiến của một cô gái trẻ, tuổi trẻ hiện tại của nước Nhật, khát cầu thương yêu, hòa bình tới quặn đau.

Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở, từ văn chương đến điện ảnh

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên ăn khách, luôn nằm trong top những tác phẩm bán chạy nhất ở Nhật Bản trong những năm gần đây với hơn một triệu bản đã được bán ra của tác giả Shiomi Natsue, có thể nói, 127 phút của bộ phim Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở đã diễn giải một cách trọn vẹn câu chuyện được tác giả Shiomi Natsue xây dựng bằng ngôn ngữ văn chương, sang ngôn ngữ điện ảnh.

Bộ phim được xây dựng trên bối cảnh câu chuyện chứa đựng yếu tố kì ảo ngay trong hành trình vượt thời gian về quá khứ của cô nữ sinh Yuri. Tuy nhiên, các cảnh phim và sự chuyển cảnh giữa hiện thực với quá khứ, lịch sử đến thực tại đều khá chân thực, như mọi việc diễn ra với cô nữ sinh mười tám tuổi Yuri vốn đã tự nhiên như thế.

Và tính điện ảnh, sự tận dụng tối đa lợi thế của điện ảnh trong Nếu gặp lại em trên ngọn đồi hoa nở còn đặc biệt được thể hiện trong những cảnh phim tương phản dựng nối tiếp, đan xen với nhau. Phút yên bình, hương vị hạnh phúc hiếm hoi Yuri ở bên cạnh Akira trong quán đá bào, giữa ngọn đồi trắng xóa hoa huệ tây nở trong gió, con búp bê nhỏ cô bạn Chiyo làm để tặng cho anh lính Ishimaru trước lúc anh lên đường… chính là cái đẹp. Cái đẹp thuần khiết và quá đỗi mong manh trước lửa bom chiến tranh đã lan ra đến tận khu hậu phương, nơi những người lính được tập kết sẽ trở thành “Thần Phong” ngay khi có lệnh triệu tập.

Bên cạnh đó còn là góc quay đã thu trọn lấy biểu cảm của diễn viên, nhất là những người lính cảm tử trong từng hoàn cảnh nhất định. Rằng trung cảnh và toàn cảnh họ nói cười vô tư trong quán cơm của Tsuru trong ánh sáng chan hòa đối lập gay gắt với góc máy quay cận và đặc tả lấy gương mặt nhìn nghiêng trên dáng ngồi thẳng tắp của Akira như một kẻ cuồng tín khi nhắc lại lí tưởng hiến dâng sinh mệnh cho đất nước trong tương phản sáng tối lúc anh ngồi cạnh Yuri.

Tất cả, sự nghiệt ngã của chiến tranh, ngọn lửa thiêu rụi hết thảy, cái chết lẩn quất hiện hữu… bên cạnh cái đẹp thuần khiết của yêu thương, niềm hạnh phúc giản dị, sinh mệnh dẫu bé mọn song vẫn kiên cường, khát khao được sống, được lưu giữ một phần bản thân đã từng tồn tại trên cõi đời dù thân xác có tan biến trên bầu trời, trên mặt biển… càng làm cái đẹp trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Rằng con người, tới tận cùng, dẫu sẵn sàng hi sinh thì vẫn luôn khao khát tự do, tình yêu và sự sống quay quắt. Họ gửi khao khát đó vào những người ở lại, và vào một tương lai xa thẳm họ đã đánh đổi sinh mạng để gìn giữ.

Như bông hoa huệ tây trắng ngát, đã bung nở sự sống nơi tàn tích chiến tranh của khu hầm trú ẩn năm nào vậy.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)