Những câu hỏi từ cuộc khủng hoảng UKRAINA

Thứ Bảy, 09/07/2022 06:41

. Lê Thế Mẫu

Ngày 25/2/2022 Tổng thống Nga V.Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng Ukraine. Nhiều nước trên thế giới đã lên án hành động này và cũng có một số ước ủng hộ, còn Mĩ và các nước phương Tây không chỉ phản đối mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Cuộc chiến đang diễn ra với những diến biến khó lường khi cả phía Nga và Ukraine được Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ đang không chịu nhượng bộ. Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn đọc VHQS hình dung bối cảnh trước khi Nga nổ súng.

Vì sao thỏa thuận hòa bình Minsk đã kí nhưng không được tôn trọng?

Cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay là hậu quả của đề án chính trị của Đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Barack Obama, thường được gọi là Đề án Ukraina. Thực hiện đề án này, tháng 2/2014, Mĩ đạo diễn cuộc đảo chính để lật đổ chính quyền của Tổng thống Ukraina Victor Yanukovych và dựng lên ở Kiev chính quyền do Washington nắm quyền kiểm soát để đưa quốc gia này gia nhập NATO.

Ý đồ chiến lược của Mĩ kết nạp Ukraina vào NATO đã bị phá sản sau khi Tổng thống V.Putin quyết định sáp nhập Crimea và Sevastopol về Nga vào ngày 18/3/2014 trên cơ sở cuộc trưng cầu ý dân với hơn 97% số phiếu bày tỏ nguyện vọng được trở về Liên bang Nga. Ngoài Crimea sáp nhập về Nga, chính quyền hai tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraina do không chấp nhận chính quyền bù nhìn bất hợp pháp được Mĩ dựng lên ở Kiev, đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR). Từ đó bùng nổ xung đột giữa chính quyền Kiev với chính quyền DPR và LPR.

Để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina khi ấy, Nga cùng với Đức và Pháp đồng bảo lãnh cho các cuộc đàm phán để kí kết Thỏa thuận Minsk ngày 12/2/2015. Thỏa thuận này đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Theo thỏa thuận này, vào cuối năm 2015, chính quyền Kiev sẽ phải sửa đổi Hiến pháp Ukraina để trao quy chế đặc biệt cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Nhưng thỏa thuận này đã bị phía Ukraine được Mĩ “chống lưng” phá vỡ.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh 2019 ở Paris, Pháp. Ảnh Reuters

Thất bại trong toan tính chiến lược ở Ukraina, Mĩ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận và cô lập Nga. Không chấp nhận thất bại hoàn toàn, kể từ năm 2015 Mĩ và NATO bắt đầu viện trợ vũ khí trang bị và điều hàng trăm cố vấn quân sự tới giúp Ukraina hiên đại hóa quân đội. Được Mĩ và NATO ủng hộ về kinh tế, chính trị và quân sự, Tổng thống Ukraina V. Zelensky phê chuẩn Học thuyết quân sự với nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng hai ỉnhDonetsk, Lugansk và thu hồi Crimea. Chính vì thế, chính quyền Kiev không thực hiện bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận Minsk.

Sau khi lên cầm quyền đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden quyết tâm tiếp tục thực hiện Đề án Ukraina còn dang dở để đưa quốc gia này gia nhập NATO thông qua kế hoạch ủng hộ toàn diện cho chính quyền Kiev để giành lại quyền kiểm soát hai tỉnh Donetsk, Lugansk và thu hồi Crimea. Để hiện thực hóa toan tính này, Mĩ và NATO phải ngăn chặn sự can thiệp của Nga bằng cách không ngớt yêu cầu Nga rút lực lượng ra xa biên giới Ukraina, đồng thời đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp cấm vận Nga nếu Tổng thống V.Putin ra lệnh can thiệp để bảo vệ gần một triệu công dân Ukraina mang hộ chiếu Nga và thực chất đã là công dân Nga ở Donetsk và Lugansk. Mĩ còn mượn cớ đó triển khai thêm lực lượng tới các quốc gia đồng minh sát biên giới Nga và củng cố sự đoàn kết của liên minh NATO đang ở trong trạng thái mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là “chết não”. Đồng thời, mượn cớ đó, Mĩ khước từ yêu cầu của Nga không kết nạp Ukraina vào NATO như trong dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Mĩ-Nga và NATO-Nga mà Moscow đã gửi cho Washington và Brussels.

Quân đội Nga. Ảnh: AFP

Hiệp ước bảo đảm an ninh Mĩ-Nga và NATO-Nga là gì?

Hiệp ước an ninh Mĩ-Nga và Hiệp định an ninh NATO-Nga được Moscow trao cho Washington và Brussels ngày 15/12/2021. Trong 3 ngày từ 10/1 đến 12/1/2022, Nga đàm phán với Mĩ và NATO về hai văn kiện này để tiến tới kí kết chính thức. Trong hai văn kiện này có điều khoản then chốt là Nga yêu cầu NATO không tiếp kết nạp các quốc gia đã từng là thành viên của Liên Xô trước đây, trước hết là không kết nạp Ukraina. Sở dĩ Nga yêu cầu Mĩ cam kết không kết nạp Ukraina là bởi năm 1989, với chủ trương xây dựng “Ngôi nhà chung châu Âu”, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Gorbachev đồng ý dỡ bỏ Bức tường Berlin và chấp nhận thống nhất nước Đức. Đáp lại chủ trương này của nhà lãnh đạo Liên Xô, Thủ tướng Đức Helmut Kohl lúc đó tuyên bố NATO sẽ không mở rộng về phía Đông và coi cam kết này có ý nghĩa như một đạo luật. Còn Ngoại trưởng Mĩ James Baker cũng tuyên bố, sau khi nước Đức thống nhất, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông.

Lời nói gió bay, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, NATO kết nạp nhiều quốc gia đã từng là các nước xã hội chủ nghĩa. Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, Moscow có quyền chính đáng đưa ra câu hỏi: Sự mở rộng NATO nhằm chống lại ai? Điều gì đã xảy ra với những cam kết của phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng sau khi Hiệp ước Varsava đã được giải thể? Tổng thống V. Putin cho biết, Nga chủ trương thiết lập quan hệ bình thường với các đối tác có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng một trật tự thế giới công bằng và dân chủ, bảo đảm an ninh và sự thịnh vượng ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Đề xuất của Nga đàm phán để kí kết Hiệp ước bảo đảm an ninh Mĩ-Nga và Hiệp định bảo đảm an ninh NATO-Nga nhằm mục đích đó.

Sau cuộc đàm phán đầu tiên, Mĩ và NATO chuyển cho Nga trả lời bằng văn bản, trong đó Washington không chấp nhận nhiều yêu cầu của Moscow và khẳng định NATO sẽ vẫn tiếp tục mở rộng về phía Đông và kết nạp Ukraina. Động thái này đẩy quan hệ Mĩ-Nga và NATO-Nga tới bên bờ vực chiến tranh ở Ukraina.

Quân đội Ukraina. Ảnh: Reuters

Vì sao Mĩ không đáp ứng yêu cầu của Nga ngừng kết nạp Ukraina vào NATO?

Quá trình mở rộng NATO sau Chiến tranh lạnh nhằm mục tiêu tối thượng là kiềm chế sự phát triển của Nga. Mục tiêu này đã từng được xác định trong Chỉ lệnh của Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ No.SC-20/11 ngày 18/08/1948, theo đó bất kể nước Nga đi theo thể chế chính trị nào, Mĩ cũng sẽ không thể để quốc gia này tồn tại và phát triển bởi Nga là cản trở lớn nhất đối với quyền bá chủ thế giới của Mĩ. Vì thế, sau Chiến tranh lạnh, NATO mở rộng từ 15 thành viên thành 30 thành viên như hiện nay.

Cùng với việc mở rộng NATO, Mĩ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa và Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn kí với Nga để xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ các thành viên mới được kết nạp ở Đông Âu nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Sau khi kết nạp Ukraina vào NATO, Mĩ sẽ biến lãnh thổ quốc gia này thành căn cứ quân sự lớn nhất thế giới ở châu Âu phục vụ chiến lược chống phá Nga.

Nga đã từng hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina như thế nào?

Tổng thống V.Putin từng nhiều lần yêu cầu chính quyền Kiev cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk vì đó là giải pháp chính trị duy nhất để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina nhằm đưa quốc gia này đi vào quỹ đạo phát triển ổn định và trở thành quốc gia láng giềng thân thiện. Để răn đe chính quyền Kiev gây hấn ở Donetsk, Lugansk và Crimea, từ cuối năm 2021, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất sát biên giới Ukraina. Đồng thời, Nga tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, tăng cường lực lượng và bố trí lại thế trận ở những khu vực trọng yếu ở Địa Trung Hải, biển Baltic và khu vực Kaliningrad nhằm không chỉ sẵn sàng đương đầu với hành động phiêu lưu của chính quyền Kiev mà còn cả của Mĩ và NATO một khi chính quyền Kiev gây hấn ở miền đông và ở Crimea.

Các cơ quan tình báo Nga nắm được thông tin, Mĩ và NATO đang ráo riết chuẩn bị kịch bản gây hấn ở miền đông Ukraina, tương tự như những gì họ đã làm để mượn cớ đó phát động chiến tranh ở Iraq, Libya và Syria. Tổng thống V.Putin từng tuyên bố, hiện nay Nga có đẩy đủ tiềm lực quốc phòng để sẵn sàng đập tan các cuộc chiến tranh xâm lược trên mọi quy mô và phạm vi của bất kì kẻ thù nào. Chính với vị thế đó, Nga đưa ra yêu cầu Mĩ cam kết không tiếp tục mở rộng NATO để xây dựng cấu trúc chính trị-an ninh bình đẳng và ổn định ở châu Âu. Theo Moscow, yêu cầu của Nga là hoàn toàn chính đáng và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina nhằm mục đích gì?

Tổng thống V.Putin tuyên bố, nếu Mĩ và NATO không chấp nhận yêu cầu của Nga, vẫn kết nạp Ukraina thì Moscow sẽ áp dụng biện pháp đáp trả thích đáng. Phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina chính là một trong những biện pháp đó. Chiến dịch này nhằm nhiều mục đích, trong đó có 4 mục đích cơ bản. Một là, ngăn chặn thảm họa nhân đạo từ hành động phiêu lưu chiến tranh của các lực lượng phát xít mới trong Quân đội Ukraina nhận được sự giúp đỡ của Mĩ và NATO theo đuổi tham vọng giành quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của DPR và LPR, thậm chí phong tỏa Crimea. Hai là, phi quân sự hóa Ukraina, trong đó có nhiệm vụ loại bỏ khả năng Ukraina phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Mĩ coi Ukraina là đồng minh chiến lược bên ngoài NATO với toan tính sử dụng quốc gia này làm lực lượng xung kích trong cuộc chiến chống phá Nga, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của Nga. Do đó, phi quân sự hóa Ukraina là nhằm vô hiệu hóa nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài đối với chính quốc gia này cũng như đối với Nga. Ba là, phi phát xít hoá Ukraina. Chính quyền Ukraina được Mĩ dựng lên trong cuộc đảo chính vi hiến trong tháng 2/2014 nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng phát xít mới. Chính vì thế, chính quyền mới ở Kiev truy phong các lực lượng đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai là “anh hùng dân tộc”. Cũng chính vì thế, Ukraina và Mĩ là hai quốc gia duy nhất trong số hơn 190 quốc gia bỏ phiếu phản đối Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cấm vinh danh và phục hồi tư tưởng chủ nghĩa phát xít. Bốn là, trừng phạt những kẻ đã từng phạm tội ác diệt chủng đối với người Ukraina gốc Nga và nói tiếng Nga ở Ukraina. Những kẻ này cần phải được đưa ra xét xử trước pháp luật và phải nhận hình thức trừng phạt thích đáng.

Tổng thống Nga V.Putin cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu của chiến dịch đề ra, Nga sẽ rút quân khỏi Ukraina. Khi đó tình hình Ukraina có thể diễn ra theo kịch bản mà phía Nga đã dự kiến. Đó là, người dân Ukraina sẽ tự quyết định chế độ chính trị sau khi loại bỏ được các lực lượng phát xít mới hiện đang kiểm soát hệ thống chính trị-an ninh và kinh tế ở Kiev. Chính quyền mới ở Kiev sẽ đặt lợi ích dân tộc và người dân Ukraina lên trên hết và Ukraina sẽ không còn là công cụ trong tay Mĩ và NATO để chống phá Nga. Chính quyền mới ở Ukraina sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, trung lập và tự chủ, không gia nhập NATO. Ukraina sẽ thiết lập quan hệ hữu nghị, láng giềng thân thiện với Nga và DPR, LPR. Khi đó, tình hình sẽ đi vào ổn định, tạo điều kiện xây dựng không gian hòa bình và hợp tác ở châu Âu. Đây là kịch bản tích cực nhất cho Ukraina, cho Nga và cho châu Âu và hi vọng nó có cơ hội để trở thành hiện thực.

L.T.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)