Mong manh tựa đóa "Bồ công anh"

Thứ Sáu, 12/04/2024 10:19

Thuộc nhóm những tác phẩm vẫn còn dang dở của Kawabata Yasunari, Bồ công anh là tác phẩm được ông viết vào quãng thời gian cuối đời, đến giờ vẫn còn nhiều nghi vấn. Tác phẩm như đã đẩy tới cùng cực bút pháp của Kawabata khoảng thời gian sáng tác về sau: đẹp ma mị, buồn thương, trong bầu không khí xám đen đặc quánh, trong sự quẩn quanh của con người với những kiếp đời đơn bạc tựa đóa bồ công anh, mong manh, sầu bi mà thuần khiết.

Cô gái Kizaki Inako bị mắc hội chứng nhân thể khuyết thị, một hội chứng hiếm gặp khiến nàng, vào một số thời điểm, không thể nhìn thấy nhân dạng con người. Hội chứng đó càng lúc càng trở nên trầm trọng buộc mẹ nàng đi tới quyết định đưa nàng tới bệnh viện, cũng chính là nhà thương điên Joko thuộc thị trấn Ikuta xa xôi. Chuyến đi đó có cả Kuno, người yêu Inako, người vẫn luôn phản đối quyết định của mẹ nàng và khao khát được kết hôn cùng nàng với niềm tin rằng, kết hôn, anh có thể giúp nàng chữa bệnh.

Ảnh minh hoạ.

Những cá nhân vắng mặt

Là một tác phẩm còn dang dở, song Bồ công anh cũng là một cuốn tiểu thuyết dang dở khá đặc biệt trong văn nghiệp của Kawabata Yasunari, khi bản thân nhân vật trung tâm của tác phẩm này, nàng Kizaki Inako chưa một lần xuất hiện trực tiếp. Con người nàng, chứng nhân thể khuyết thị nàng mắc phải, chỉ hiện lên gián tiếp qua sự đối thoại qua lại giữa mẹ nàng, người đã đưa nàng tới bệnh viện Joko nằm trong một ngôi chùa cổ để chữa bệnh với người yêu nàng, chàng Kuno, người đã luôn phản đối quyết định của mẹ Inako nhưng vẫn theo chân bà, tiễn đưa cô gái chàng yêu thương, đến ngôi chùa cổ kia. Nhưng dù hai người có bất đồng quan điểm trong phương thức họ mong muốn nhằm chữa bệnh cho Inako thì họ vẫn gặp nhau trong những giao điểm về dáng hình và cá tính đã sớm hằn sâu trong trái tim, tâm trí họ về Inako họ rất mực thương yêu.

Khi nhân hình Inako lùi xa trên ngọn đồi bệnh viện Joko tọa lạc, cũng là lúc dáng hình và con người Inako dần hiện lên trong hồi ức, những chia sẻ trực tiếp hai người thân thuộc nhất với nàng đã nói ra. Nàng Inako mĩ miều với “ngón tay thon dài nhưng ngón chân lại ngắn”. Nàng Inako bất hạnh khi tuổi thơ phải trực tiếp chứng kiến cái chết của người cha, một quân nhân thất trận sau Thế chiến thứ Hai. Nàng Inako mắc chứng nhân thể khuyết thị chẳng thể nhìn thấy được “nhân thể” người nàng yêu thương kể cả lúc nàng được chàng ôm trong lòng, kể cả khi hai người ở bên nhau. Nàng Inako nhạy cảm luôn mường tượng về nàng vu nữ trong câu chuyện cha từng kể đã cứu sống ông ngay trong khoảnh khắc ông định tự sát, và bản thân nàng khi phải chứng kiến cảnh người cha rơi xuống từ vách đá chẳng thể tiếp tục cưỡi ngựa được nữa.

Người con gái mong manh, thuần khiết với nỗi đau ân ẩn chìm sâu vùng ẩn ức kia còn hiện lên gián tiếp qua những tiếng chuông được gióng lên từ bệnh viện tâm thần Joko nằm trong một ngôi chùa cổ. “Tiếng chuông mà bệnh nhân gióng chắc chắn là tiếng nói mà bệnh nhân muốn thổ lộ. Có lẽ là tiếng vọng từ đáy lòng.” Rồi lần nữa, thêm một tầng gián tiếp, hình ảnh Inako lại hiện lên qua sự biện giải tiếng chuông nghe được từ phía của Kuno và mẹ cô.

Và ngoài Inako là nhân vật trung tâm, cuốn tiểu thuyết Bồ công anh còn xuất hiện hàng loạt các cá nhân vắng mặt. Là dáng hình những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Joko hiện lên qua sự mường tượng của Kuno và mẹ Inako về những tiếng chuông vô danh ngân vọng, khi nghĩ tới mối quan hệ giữa họ với nàng. Đặc biệt là bóng dáng người cha quá cố của Inako, cựu binh thất thế, kẻ bại tướng sau Thế chiến thứ Hai được khắc họa gián tiếp, hiện diện đậm nét qua những lời đối thoại hiện tại, qua những lời đối thoại quá khứ, qua những mảnh vụn kí ức vẫn hiện về đậm sâu… Nỗi thất vọng, đớn đau, sự sụp đổ của cả một ý thức hệ, cái chết đột ngột của con người này… tất cả, đã luôn ám ảnh kẻ ở lại, khiến người ta day trở, dằn vặt khôn nguôi…

Nhà văn Kawabata Yasunari.

Những mảng màu bàng bạc, xam xám của những chuyện xưa cũ phủ trùm lên những cá nhân vắng mặt. Những câu chuyện, lời kể gián tiếp chất chồng lên nhau làm cho hình ảnh con người, các cá nhân những tưởng mang định danh cụ thể bỗng trở nên đầy hư ảo và bất định. Theo tiếng chuông chùa vọng ngân vào mỗi khung giờ cụ thể, theo vùng đất Ikuta yên bình tới xám xịt, theo từng bước chân và những lời đối thoại quẩn quanh của hai con người hiện hình trực tiếp trên trang sách, mỗi bóng hình được gợi lên gián tiếp với những khía cạnh rất đỗi mơ hồ.

Thực - ảo, hiện tại - quá khứ đan xen, tạo nên những ảo ảnh tầng bậc, quyện hòa khôn dứt.

Những con người hiện hình trực tiếp

Nếu như nàng Inako và người cha quá cố của nàng chỉ xuất hiện gián tiếp trong câu chuyện của các cá nhân khác thì Kuno, người yêu Inako và mẹ nàng chính là những cá nhân hiện hình trực tiếp, dẫn dắt câu chuyện. Toàn bộ không gian cuốn tiểu thuyết dang dở Bồ công anh, hiện lên qua ánh nhìn của họ. Câu chuyện được mở ra sau khi họ đã đưa Inako vào bệnh viện Joko. Những điều họ nói, những gì họ nghĩ, đã khắc họa lên dáng hình những cá nhân vắng mặt.

Ngoài người bác sĩ xuất hiện ở những trang truyện đầu tiên cùng những người dọn phòng tại nhà nghỉ thị trấn Ikuta xuất hiện khi họ tới nghỉ đêm chờ sáng hôm sau quay lại bệnh viện Joko, gần như toàn bộ trang văn Bồ công anh, đều thu trọn lại trong những lời thoại quẩn quanh giữa Kuno và mẹ Inako. Các vấn đề ngỡ chừng vụn vặt mãi trở đi trở lại, không lối thoát. Người ta có thể nhắc đi nhắc lại một vấn đề, vẫn là câu hỏi đấy, vẫn là nghi vấn kia. Về chứng nhân thể khuyết thị của Inako, rằng vì sao mà Inako lại mắc căn bệnh này? Khi cha Inako và con ngựa của ông rơi xuống từ vách đá, nàng đã nhắm mắt mà sao vẫn có thể thấy được những gì xảy ra? Về tương lai sau này, về mâu thuẫn nên hay không, đúng hay sai việc đưa Inako đến nhà thương điên và liệu rằng, tình yêu đầy đớn đau, cố chấp của Kuno sẽ cứu rỗi nàng hay lại càng đẩy Inako đến bờ vực diệt vong?

Tiếng chuông chùa ngân vọng, cái cây đầy vết khắc, con chuột bạch, đứa trẻ đẹp như thiên thần, cái cây người cựu binh khắc tên, người vu nữ, mỏm đá người đàn ông ngã xuống, quả bóng bàn biến mất, đàn cò trắng trong ngự lang Thiên hoàng, đóa bồ công anh sớm nở tối khép trải dọc bờ sông Ikuta, chiếc cầu vồng… Hàng loạt hình ảnh mơ hồ mang đậm tính biểu tượng xuất hiện, liên tục trở đi trở lại trong cuộc đối thoại, trong hồi tưởng giữa người phụ nữ tuổi trung niên và chàng trai trẻ. Khi mà người này thấy được hình ảnh này mà người kia lại không thể thấy và câu chuyện, càng thêm tính hư ảo, quanh co.

Có lẽ, hiếm có tác phẩm nào của Kawabata, yếu tố đối thoại lại xuất hiện với tần suất dày đặc như cuốn tiểu thuyết Bồ công anh còn dang dở này. Đối thoại trong thực tại, đối thoại trong quá khứ, nội dung nói quẩn quanh, người ta chừng như không tìm thấy tiếng nói chung, cũng không nhằm đến một mục đích đối thoại cụ thể. Họ nói, như chỉ để khẳng định bản thân tồn tại, đối phương tồn tại và cả người họ nhắc đến, vẫn đang tồn tại.

Cho nên, ngôn ngữ đối thoại giữa những cá nhân đang sống, đang hoạt động trực tiếp trong trang văn Bồ công anh là thứ ngôn ngữ cực kì hiện đại. Thậm chí, thứ ngôn ngữ đó mang đậm tính chất kịch, thứ kịch phi lí mà con người hiện lên, cô đơn hơn bao giờ hết. Họ thiết tha yêu rất nhiều, nhưng lại như chẳng thể, hay là hãi sợ mà chẳng dám, chạm đến vùng ẩn ức sâu kín nhất của người mình yêu.

Vì đớn đau, và cũng vì yêu thương mà sợ rằng, khiến người mình thương yêu thêm thương tổn. Nên chăng, kẻ vắng bóng hay người hiện hình trực tiếp, tất cả đều như cùng chung di chứng về nỗi sầu nhân thể, nỗi buồn nhân thế thăm thẳm.

Mong manh tựa đóa Bồ công anh

Đẹp một nét đẹp mong manh và não nề, đó là cuốn tiểu thuyết dang dở Bồ công anh của văn hào Kawabata Yasunari.

Mong manh tựa đóa bồ anh sáng nở, tối khép cánh mọc khắp chốn, trải dọc triền sông nơi thị trấn Ikuta. Mong manh tựa con người thời hậu chiến, mang theo sự vỡ vụn của cả một ý thức hệ sẽ chẳng thể nguôi ngoai và những vụn vỡ đấy, mãi như vết thương truyền kiếp, tới cả thế hệ sau. Mong manh như con người buổi hiện tại, mãi chìm trong sầu bi quá khứ mà nhớ thương, dằn vặt. Và mong manh tựa chính tình yêu con người, yêu và khát khao đến thế, nhưng cũng ngần ngại, e dè đến vậy.

Mong manh tới nao lòng, mong manh đến não nề, tựa tiếng chuông chùa âm vang, ngân vọng nao nao buồn, nao nao khắc khoải chờ mong. Vì người ta đã sống, đã tồn tại, và đã yêu kể cả khi người ta yếu đuối nhất.

Quả tình, hiếm có tác phẩm nào của Kawabata, hình thức đối thoại lại xuất hiện nhiều và kéo dài như tiểu thuyết Bồ công anh. Hiếm có tác phẩm nào ông viết lên với màu xám chủ đạo, muôn vàn tầng bậc sắc xám khác nhau và mơ hồ trong cả đối thoại, suy tưởng như cuốn tiểu thuyết này. Tác phẩm tựa câu chuyện dở dang, nhưng có lẽ, cũng chẳng cần một cái kết cụ thể về buổi sớm mai, người ta trở lại bệnh viện Joko nữa chăng?

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)