Nhu cầu theo dõi thói quen đọc sách của chúng ta chưa bao giờ mạnh mẽ bằng thời điểm gần đến năm mới, khi các “thế lực văn hóa” thúc đẩy chúng ta tự xem xét lại chính bản thân mình. Giống như những thứ ta ăn hoặc cách mà ta vận động cơ thể, những cuốn sách được ta tiêu thụ cũng nói rất nhiều về bản thân mình.
Nhìn vào danh sách một năm đã đọc, ta sẽ biết mình đã kinh qua được bao nhiêu cuốn sách, đâu là tựa sách mang đến niềm vui hoặc nỗi thất vọng... Nhưng với sự gia tăng nhanh chóng của các ứng dụng và công cụ ghi lại việc đọc hiện nay, câu hỏi được đặt ra là, liệu nó đang lợi hay hại nhiều hơn?
Chẳng hạn các trang web và ứng dụng thông dụng hiện nay như StoryGraph và LibraryThing luôn mời độc giả đăng kí mục tiêu để có thể theo dõi và thảo luận về sách, từ đó mà thuật toán cá nhân hóa có thể đề xuất cuốn sách phù hợp với bạn. Một thập kỉ qua, trang web mà giới “mọt sách” vô cùng yêu thích là Book Riot cũng luôn tổ chức thử thách đọc sách có tên là Read Harder một cách thường niên. Trong đó có 24 nhiệm vụ đọc khác nhau phải được hoàn thành chỉ trong một năm. Các nhiệm vụ này trải dài từ đọc sách dạy nấu ăn, sách nói về một nhân vật chuyển giới do một tác giả chuyển giới viết, cho đến trải nghiệm đọc cuốn sách nào đó đoạt giải nào đó mà có thể ta chưa từng nghe qua…
Ảnh minh hoạ.
Tay “khủng long già” Goodreads cũng không nằm ngoài cuộc chơi, khi không chỉ giúp ta lưu ý về số lượng sách mà mình đã đọc, mà còn đưa ra những gợi ý như “22 cuốn sách ngắn giúp bạn đạt được mục tiêu đọc sách trước khi năm 2024 kết thúc" hay "16 cuốn sách ngắn giúp bạn vượt qua thử thách đọc sách"… Không quá khó thấy những mục tiêu này không ít thì nhiều đã làm giảm chất lượng của chính sự đọc. Ta thiếu chủ động và thiếu thích thú để chọn lựa chúng. Thế nhưng tại sao ta lại bất khả để ngó lơ nó?
Trong một bài viết trên Book Riot được viết vào năm 2023, một độc giả đã đặt câu hỏi: Liệu việc theo dõi quá trình đọc sách của một ai đó có khiến việc đọc trở nên kém thú vị không? Bởi thực chất, thứ gọi là “reading challenge” hay “thử thách đọc sách” của Goodreads không ngoa khi nói là rất... phản cảm. Cơ chế của nó là thế này đây, rằng khi năm mới đến, người dùng được mời đặt mục tiêu bằng số đầu sách mà họ dự kiến đọc suốt một năm. Khi đánh dấu đã đọc xong một cuốn nào đó, thì thanh tiến trình sẽ được tăng lên (hoặc là đứng yên với trường hợp ngược lại). Nhưng điều cần lưu ý là không có cách nào để tắt đi tiện ích này, do đó với đa số mọi người, thử thách đọc sách khiến họ lo lắng.
Một người dùng Reddit thậm chí còn thú nhận rằng “bóng ma” của công cụ này đã định hình cách mà họ lựa chọn mỗi khi mua sách. Giờ đây họ không thường mua những cuốn quá dài hoặc là quá dày mình thật sự thích, bởi vì "càng dành nhiều thời gian cho một cuốn sách, nghĩa là số lượng sách được hoàn thành sẽ càng ít đi, và sự căng thẳng cũng ngày tăng cao” khi thử thách ấy không mấy tiến triển.
Một điều khác nữa cũng không thể tránh là sức khỏe tinh thần của chính độc giả cũng bị ảnh hưởng. Với nền kinh tế đang vận hành một cách nhanh chóng với nhiều áp lực cuộc sống, mọi người cũng phải hối hả hơn bao giờ hết. Vì vậy mà sự thúc ép trong một hành động được ca ngợi giúp thoải mái đầu óc như là đọc sách có phải là ý tưởng hay?
Không thể phủ nhận việc theo dõi thói quen nào đó đôi khi khiến ta thấy giống một kiểu nghĩa vụ hơn tự cải thiện chính bản thân mình. Có thể khẳng định nguồn gốc của sự lo lắng còn sâu xa hơn, khi theo dõi việc đọc sách không phải là nguyên nhân mà là triệu chứng của một nền văn hóa khăng khăng gán giá trị bên ngoài cho sách. Điều này có thể nhìn thấy nhiều sự việc mà có vẻ là vốn quen thuộc hơn, chẳng hạn khai ai đó đánh giá một cuốn sách qua bìa, hay người nào đó cho rằng việc đọc sẽ giúp ta đồng cảm hơn, thông minh hơn, khoan dung hơn...
Ngoài ra thì sự ghen tị cũng khiến ta lao vào thử thách này một cách khó chịu. Cụ thể không quá khó thấy, khi để tăng thêm sự kết nối của cộng đồng người dùng, các ứng dụng như Goodreads hoặc TheStoryGraph đều cho phép xem bạn bè của mình, người quen của mình đã đọc bao nhiêu và đang đọc gì. Trong quá trình đó, khi ta cổ vũ cho người bạn vừa hoàn thành cuốn sách thứ 100 của mình, thì đồng thời một thứ gì đó gần như ghen tị cũng đang hình thành bên trong chính ta. Từ đó mà một thứ được tạo ra vì mục đích tốt dễ biến thành thứ khiến ta cảm thấy tồi tệ với bản thân mình. Nó khiến chúng ta tự hỏi điều gì làm ta thụt lùi và tự so sánh mình với người khác.
Vậy thì làm sao để tránh khỏi chúng? Có rất nhiều cách đã được chia sẻ, và mỗi một người sẽ có những lựa chọn riêng. Có người chỉ đặt ra một mục tiêu vô cùng khiêm tốn, bởi con số không phải là vấn đề, mà là tiêu đề. Khi ấy mỗi lúc nhìn thấy thanh tiến trình tăng lên, độc giả sẽ thấy vui sướng nhưng đó chỉ là một cảm xúc phụ. Chỉ khi đến cuối năm, khi xem xét tổng thể những gì mà mình đã đọc, ta bỗng nhận ra đó là một điều rất có ý nghĩa. Chẳng hạn từ việc lọc ra 10 cuốn sách hay nhất theo độ hấp dẫn, rồi cụ thể hơn, chia nhỏ nó ra theo thời đại, người viết, nội dung... từ đây ta có khả năng tự mình đánh giá hiệu quả việc đọc. Bởi nếu tồn tại khó khăn trong cả việc chọn cũng như sắp xếp trong bảng xếp hạng, thì đó là một dấu hiệu của một năm đọc sách tuyệt vời…
Hoặc cũng có người không quan tâm mấy đến thanh tiến trình. Họ dùng Goodreads và các nền tảng chỉ như một loại công cụ để giúp thống kê và lưu giữ lại những gì đã đọc, từ đó để thuận tiện hơn trong việc ghi nhớ, sắp xếp hoặc là nhanh chóng có được đáp án mỗi khi cần đến. Chính với những ai tiếp cận hướng này, tự bản thân họ đã là người đọc mang tính chủ động, không cần thúc ép hoàn thành mục tiêu cũng không cần đến thuật toán nhân tạo đưa ra cuốn sách họ có thể thích.
Thế nhưng với một số người, những thử thách này cũng có một phần nào đó mang nghĩa tích cực. Giống như mọi thứ trong cuộc sống này, mọi thứ đều tinh tế hơn dáng vẻ bề ngoài. Đúng vậy, những thách thức có thể làm cuộc sống của bạn căng thẳng hơn, nhưng chúng cũng có khả năng giúp đỡ cho bạn đọc sách trở lại sau một thời gian cảm thấy chán nản. Chúng có thể chỉ là một công việc vặt, nhưng cũng có nhiều khả năng là cơ hội tốt để bạn tìm thấy cộng đồng của mình.
Thử thách luôn mang trong mình tính chất đối lập. Chúng thường đi kèm với căng thẳng, bởi nếu không có điều gì khó khăn hoặc là thách thức, thì nó sẽ không phải là một thử thách nữa. Tuy nhiên, không phải căng thẳng lúc nào cũng xấu, đôi khi nó sẽ giúp ta nâng cao hiệu suất và tập trung hơn vào công việc của mình. Nhưng thử thách cũng có thể dễ dàng chuyển từ dạng tốt sang hẳn dạng xấu khi chúng ta tự thúc ép mình một cách quá mức, điều này gây ra căng thẳng, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe tinh thần mà còn cả sức khỏe thể chất của chính chúng ta.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ Book Riot và The Walrus
VNQD