Annie Ernaux trở thành người đoạt giải Nobel văn chương mới nhất

Thứ Năm, 06/10/2022 20:19

Giải Nobel văn chương 2022 đã được trao cho Annie Ernaux, tiểu thuyết gia người Pháp có những cuốn sách mang đậm dấu ấn cá nhân, nêu bật lên những sự cố trong cuộc đời bà. Bà được ghi nhận “vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén trong cách khám phá ra nguồn cơn, sự ghẻ lạnh và những hạn chế mù mờ của kí ức cá nhân”.

Nhà văn Pháp - Annie Ernaux đoạt giải Nobel Văn chương năm 2022.

Ernaux, người viết tiểu thuyết về cuộc sống hàng ngày ở Pháp cũng như hồi kí về những câu chuyện đời mình là một trong những tác giả được ca ngợi nhất ở Pháp, đã từng có nhiều tác phẩm được vinh danh ở nhiều giải thưởng khác nhau.

Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan quyết định giải thưởng, đã công bố quyết định này tại một cuộc họp báo ở Stockholm vào ngày hôm nay. Ông cũng cho biết hiện ủy ban chưa liên lạc được với Ernaux qua điện thoại, nhưng ông mong bà “sớm biết tin tức”. Lễ trao giải sẽ được chính thức diễn ra vào ngày 10 tháng 12 năm nay.

Như vậy Ernaux, 82 tuổi, đã trở thành nữ nhà văn thứ 17 giành được giải Nobel văn chương. Bà là người phụ nữ thứ hai được trao giải chỉ trong ba năm gần đây, sau nhà thơ Mĩ Louise Glück vào năm 2020. Bà cũng là nhà văn Pháp tiếp theo đoạt giải Nobel Văn chương kể từ Patrick Modiano vào năm 2014, và là nhà văn thứ 16 của đất nước này chạm đến giải thưởng danh giá.

Các tác phẩm của bà từ lâu đã được giới phê bình khen ngợi. Các cuốn tự truyện của Ernaux bất chấp những định nghĩa thể loại, không chỉ khám phá nội tâm sâu sắc khi kể lại những câu chuyện hư cấu, mà còn cung cấp một tính xác thực đầy nhức nhối qua sự tiết lộ rất dũng cảm mà phần lớn chúng ta gọi là những “sự thật muốn quên”.

Ernaux lần đầu tiên thử viết ở trường đại học, nhưng cuốn sách của bà đã bị các nhà xuất bản từ chối vì "quá tham vọng”. Bà đã không tiếp tục viết lách cho đến năm 30 tuổi, khi đã là một bà mẹ hai con và làm giáo viên dạy tiếng Pháp.

Anders Olsson, chủ tịch ủy ban Nobel, nói rằng trong các tác phẩm của mình, “Ernaux nhất quán và từ các góc độ khác nhau, bà đã xem xét một cuộc sống được đánh dấu bởi sự chênh lệch mạnh mẽ về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp”.

Hai tác phẩm của bà đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Ernaux sinh năm 1940 và lớn lên tại thị trấn nhỏ Yvetot ở Normandy. Bà từng theo học tại Đại học Rouen, và sau đó giảng dạy ở trường trung học. Từ năm 1977 đến năm 2000, bà là giáo sư văn chương tại Centre National d'Enseignement par Correspondance. Olsson cho biết “con đường đến với văn chương của bà rất dài và đầy gian nan”.

Tác phẩm đầu tay của bà là Les armoires vides (tạm dịch: Xóa sạch), xuất bản năm 1974 tại Pháp thế nhưng phải đến hơn một thập kỉ sau đó mới được xuất bản ở Anh vào năm 1990. Cuốn sách thứ tư của bà, Một chỗ trong đời, là bước đột phá vô cùng nổi bật về mặt văn học. Được xuất bản lần đầu vào năm 1988 bằng tiếng Pháp, nó trở thành một trong những “tác phẩm kinh điển đương đại” ở đất nước này.

Với cuốn sách ấy, Ernaux đã giành giải Renaudot năm 2008. Mới đây, cuốn tự truyện The Years của bà cũng đã lọt vào danh sách rút gọn cho giải Booker Quốc tế vào năm 2019.

Ankita Chakraborty trên tờ Guardian nhận định:Phẩm chất giúp phân biệt những tác phẩm viết về tình dục của Ernaux so với những tác phẩm khác là bà hoàn toàn không có sự xấu hổ. Ham muốn trong bà làm nảy sinh nhiều ham muốn hơn, sự thôi thúc của cái chết, hạnh phúc và thậm chí cả những tổn thương trong quá khứ, giống như việc phá thai… không bao giờ là sự sỉ nhục. Đọc văn chương của bà người ta có thể hoàn toàn xóa bỏ định kiến rằng xấu hổ có thể là kết quả của việc ham muốn quan hệ tình dục”.

Olson nói Ernaux “tin tưởng vào sự giải phóng cảm xúc của các thể loại văn bản. Bà thường trực khoan nhượng về những kí ức và văn chương được viết bằng ngôn ngữ trung tính. Và khi bà ấy với lòng dũng cảm và sự nhạy bén trong việc bộc lộ sự đau đớn, mô tả sự xấu hổ, sỉ nhục, ghen tị; độc giả không thể nhìn thấy được bà là ai. Bà đã đạt được một điều gì đó đáng ngưỡng mộ và bền bỉ”.

Jacques Testard của Fitzcarraldo Editions, đại diện nhà xuất bản ở Anh của bà, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng ông “rung động một cách chân thành” trước chiến thắng này. Ông mô tả Ernaux là “một nhà văn đặc biệt và độc đáo”, người đã ghi chép lại cảm giác của một người phụ nữ trong thế kỉ 20 và 21 trong nhiều thập kỉ. Những cuốn sách của bà có liên quan đến xã hội và chính trị cả trong và ngoài nước Pháp, trong bối cảnh các sự kiện như việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyền phá thai của phụ nữ gần đây.

Ernaux từ lâu đã được “đồn đoán” là người chiến thắng trong nhiều năm qua, mặc cho trước khi công bố thì Salman Rushdie mới là người nhận được kì vọng sẽ giành chiến thắng. Qua chiến thắng này có thể thấy rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã cố gắng tăng cường sự đa dạng của các tác giả được xét cho giải thưởng, sau khi vấp phải những lời chỉ trích rằng 95 trong số 118 cá nhân đoạt được giải thưởng trước đây đều là người châu Âu hoặc Bắc Mĩ, và chỉ có 16 phụ nữ từng được vinh danh.

Thành viên của Uỷ ban Nobel cũng nói với các phóng viên rằng họ tập trung nhiều hơn vào chất lượng văn học chứ không phải việc gửi thông điệp đến thế giới khi chọn giải thưởng. Tuy thế chiến thắng của bà cũng đã “chiếu sáng” cho cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ về quyền phụ nữ, chỉ vài tháng sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại vụ án Roe kiện Wade.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)