Lâu đài của những kẻ tuyệt vọng giao thoa

Thứ Sáu, 23/09/2022 06:27

Lai lịch bất định trong sự giao thoa đôi khi là một bi kịch cá nhân, thế nhưng đôi lúc nó cũng mang đến những sự kết hợp có phần độc đáo. Minh Tran Huy là một nhà văn người Pháp gốc Việt. Cô từng là phó tổng biên tập tạp chí Magazine Littéraire danh tiếng chuyên về văn chương và triết học. Nếu ở tác phẩm đầu tay - Công chúa và chàng đánh cá (2007) cô đã sử dụng truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu như mạch xương chính, thì Những kẻ tuyệt vọng (2020) có sự phức tạp hơn thế, khi vừa là những chỉ dấu của truyền thống và cổ điển giao thoa rất đậm chất Pháp.

Khởi đầu và cũng kết thúc bằng một hay nhiều cái chết, Những kể tuyệt vọng kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao. Cuốn tiểu thuyết này đi sâu vào những cá thể bên lề - từ những bản thể yếm thế cho đến những người không được yêu thương, từ đứa “con lai” giữa hai dòng máu cho đến ảnh hưởng bởi các khoảng cách thế hệ cũng như giai cấp giàu sang.

Ở tác phẩm này, Minh Tran Huy có sự đồng lõa rất gần với Jane Austen trong những chuyện tình cổ điển, nhưng cũng là cái “bắt tay” với những nhà văn Pháp đương đại, từ Françoise Sagan, Grégoire Delacourt cho đến Annie Ernaux với những khát khao dâng hiến cho một mối tình chếnh choáng như là cơn mê.

Sử dụng hài hòa rất nhiều phong cách để cấu thành nên cốt truyện phức tạp của những cá thể bất toàn, độc giả có thể nhìn thấy ở Những kẻ tuyệt vọng một cuốn diễm tình, một cuốn trinh thám - gothic, một cuốn re-tell kể chuyện cổ tích, hoặc hoàn toàn là một tiểu thuyết di dân. Minh Tran Huy bằng sự phối trộn một cách đa dạng mà vừa đủ những yếu tố trên, để kể lại một bi kịch tình yêu và những tổn thương từ trong quá khứ, của những kì vọng rất khó đoạt được và bị tước đi.

TÌNH PHÁP

Khởi đầu bằng một cốt truyện diễm tình, Minh Tran Huy cho cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật chính như chếnh choáng trong một cơn say. Nó cũng giống như những cô nữ sinh Sorbonne gặp được định mệnh ở trên bờ biển hay trong những quán cà phê của Sagan, hoặc cũng có thể là lần cùng nhau đi vào không gian thay đồ của Delacourt. Nhân vật của cô, từ những cách xa về mặt giai cấp, địa vị, tiền bạc… thế nhưng đó cũng đồng thời là thứ đã cuốn hút họ, để Lise của Minh Tran Huy sau này sẽ như giọng kể thuật loại theo kiểu Ernaux, một người khát khao chạy trốn quá khứ đầy những cay đắng nhưng không thành công.

Tiểu thuyết Những kẻ tuyệt vọng qua bản dịch của Thuận, Phương.

Đầy những khoảng cách và những đấu tranh nội tâm theo kiểu tiểu thuyết xã hội, cõi lòng của các nhân vật là những trận chiến không bao giờ nguôi. Với Lise đó là tình yêu định mệnh và giờ là làm sao để níu giữ chúng, khi Louise là một “hoàng tử” sinh ra trong giới thượng lưu và có nhiều tiền, trong khi cô chỉ là một thôn nữ tỉnh lẻ không có bất cứ thứ gì trong tay. Trong Lise cũng là cánh cửa mở ra những điều mới lạ, khi trước đó cuộc đời của cô chỉ là màu đen, bởi sự đố kị cũng như tị hiềm vì sự bất công với em gái cô – con búp bê sứ chiếm hữu những sự chú ý.

Do đó động cơ đưa Lise bám vào tình yêu không những là cơn chếnh choáng một lần bất kì, mà đó còn là khát khao được tỏ bày mình, được chứng minh mình nhiều hơn những gì họ thấy. Sinh trưởng trong một gia đình đầy sự phức tạp từ trong xuất thân, Lise phản tư bản thân hợp với bối cảnh mà cô lớn lên, nếu so với cha mẹ mình – những người mang nặng nỗi đau thời đại, của cha lớn lên từ một Việt Nam đầy đặn bom lửa chiến tranh, còn mẹ mồ côi từ vùng thôn quê nghèo nàn hẻo lánh nước Pháp.

Mỗi một người trong gia đình họ đều mang theo mình những nỗi tủi hổ khác nhau. Với một cảm xúc dường như không thể chịu nổi, người bố của cô từ lâu trở nên thờ ơ như một bức tượng, mặc cho những cơn điên cuồng có phần ruồng rẫy từ mẹ cô, và rồi cô sẽ trở thành người hứng tất cả. Ẩn sâu trong họ là một nỗi sợ, mà có thể thể hiện thông qua bản tính tiết kiệm, thông qua nguồn gốc tri thức vươn lên xã hội… nhưng nó cũng là trạng thái bất an với những quá khứ không ngừng bám đuổi, mà ở đó cha mẹ và hai chị em cô như những vòng tròn cổ tích đan xoắn và kế thừa nhau, như con rắn vô tận Ouroboros không nhả cái đuôi.

HOÀI VIỆT

Mối tình tay ba chứa đầy những máu cũng như nước mắt đã được chứng minh qua rất nhiều kịch bản, của cả Đông - Tây kết hợp. Ở Những kẻ tuyệt vọng, Minh Tran Huy có sử mở rộng trong việc sử dụng chất liệu, khi không chỉ Trọng Thủy – Mỵ Châu ta hằng quen thuộc, mà đó còn là điểm chung của Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng; cũng như sự tích trầu cau - Tristan và Iseult hay Agnès và Adrien ở Phòng Nước mắt nơi lâu đài Étambel. Sự tương đồng giữa các cốt truyện nói trên không chỉ xuất phát bởi từ định mệnh hay là trùng hợp, mà nó đã được chứng minh thông qua những mẫu hình chung, về một “tình yêu đích thực không thay đổi” và còn sống mãi.

Ở tuyến truyện 1, motif gồm 2 chị em và bà mẹ ghẻ, người cha vắng mặt đã được Minh Tran Huy đem vào Những kẻ tuyệt vọng đầy tính hợp lý thông qua ngã rẽ là những thương tổn tâm lý thời hậu thuộc địa và hậu chiến tranh. Ở đó vua cha – người cha thờ ơ, dường như luôn luôn vắng mặt, và chỉ thể hiện tình cảm với con gái mình thông qua câu văn ngắn ngủi duy nhất của người tác giả. Mẹ kế - hay người mẹ thật trong tác phẩm này – hành hạ cô con gái đã được lựa chọn, theo cách không thể khác nhau.

Nhà văn Minh Tran Huy và Dịch giả - nhà văn Thuận.

Không còn lựa đậu hay là táo độc, âm mưu giết người… thay thế giờ đây của một gia đình hỗn lộn lai lịch và nhiều dòng máu là sự thù ghét cá nhân. Giữa những lời nói điêu ngoa và sự trừng phạt không nói nên lời, bà đã trừng phạt Lise chỉ vì vẻ ngoài giống cha – một mẫu châu Á mà bà căm thù, vì đã mang theo trái tim người chồng mình yêu. Đó là ký ức về người con gái tên Lan, về xưởng Sơn Mài mà ông mang theo đến tận Paris phồn hoa, và phong hóa con tim, tìm đường về lại hai cõi cách biệt qua chính con đường rải sỏi ở những con phố ngoằn ngoèo.

Ở đó sớm muộn hoàng tử sẽ gặp công chúa, và hẳn là họ sẽ kịp trải qua rất nhiều kiếp nạn trước khi thành công. Vị thế của “con nhà nghèo” đã được Minh Tran Huy, cô thay vào đó là những cuộc tình không thể ngưng lại bởi những khát khao mãnh liệt. Như Phòng nước mắt của lâu đài Étambel, như hai nhân vật trong truyện cổ Celt… họ rồi cũng sẽ chia tay, đi đến quyết định trên ngọn đầu đài, và cũng đồng thời chính là cuộc sống của tình yêu này.

Thế nhưng tương lai vẫn còn ở lại, với sự kế thừa, di truyền cũng như sống đời cạnh nhau như một tảng đá, như một cây cau và những dây trầu.Minh Tran Huy khai thác những sự kình chống giữa hai chị em, của một trạng thái gần như là đồng tính nữ - của sự yêu ghét đan xen, của sự phá hoại và vun đầy hạnh phúc. Trong những ngã rẻ của nơi lâu đài của những số phận giao thoa, Minh Tran Huy kéo gần khoảng cách thế hệ, để làm nên một bi kịch tình cảm về tình yêu, những cách trở cũng như chế độ toàn trị trong gia đình mà nỗi đau cùng sự thừa kế lên ngôi không thể phế truất.

Với ngôn ngữ đẹp, cốt truyện đậm tính khát khao của văn chương Pháp cùng nhiều cách viết đan xen– trinh thám, gothic, tâm lí xã hội, pha trộn các truyện cổ tích và những phông nền văn hóa…. Minh Tran Huy đã làm nên một tác phẩm nổi bật, viết về cách biệt văn hóa và những nỗi đau một cách sáng rõ nhưng không cực đoan, diễm tình nhưng không cay cú, để từ đó một tình yêu bất diệt hiện lên và đầy ám ảnh, về ghen ghét, tị hiềm cũng như tình cảm không thể ngừng trôi.

LINH TRANG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)