Anna Kavan giữa những làn khói

Thứ Sáu, 19/04/2024 16:09

Anna Kavan, người viết một số tiểu thuyết nguyên bản và ám ảnh nhất thế kỉ 20, đã tồn tại trong thế giới bóng tối không khác gì nơi sinh sống của các nhân vật bị xa lánh trong tác phẩm của bà. Kể từ khi qua đời cách đây 50 năm, Kavan đã xây dựng được lượng người hâm mộ sùng bái gồm những tên tuổi lớn như Anaïs Nin, Jean Rhys, Doris Lessing, JG Ballard, Jonathan Lethem và Patti Smith. Đó là số ít nhưng rất nhiệt tình, như Ballard từng tuyên bố rằng: “Có rất ít tiểu thuyết gia có tầm nhìn mãnh liệt như bà ấy”.

Một cuộc đời bí ẩn

Cuộc đời kì lạ hơn cả hư cấu của Kavan đã trở thành thần thoại, ít nhiều đã được đưa vào các truyện ngắn hay tiểu thuyết. Bà từng trầm ngâm viết rằng: “Tôi hẳn là một bí ẩn li kì đối với hậu thế”. Dù cố ý hay vô ý, Kavan cũng không giúp được gì nhiều cho những người viết tiểu sử trong tương lai qua di sản này. Khó nắm bắt và thất thường, với bản chất bồn chồn, hay tìm tòi và bất mãn, bà đã trôi dạt từ nước này sang nước khác, kết nối với người đàn ông này sang đàn ông khác, che giấu tuổi thật của mình, đồng thời tiêu hủy nhật kí cũng như thư từ.

Nhà phê bình Raymond Marriott, người bạn và cũng đồng thời là người đồng quản lí di sản của bà cho rằng: “Kavan hoài nghi, nói dối, bịa đặt nhưng cũng toàn nói sự thật và rất trung thực. Nhưng làm thế nào để phân định chúng?” Phiên bản gần như được đồng thuận về nhà văn này là bà từng là một người nội trợ trẻ người Anh khỏe mạnh, người viết tiểu thuyết truyền thống dành cho phụ nữ. Ở tuổi 30, bà bị giam trong nhà thương điên sau thời gian trở thành một kẻ nghiện ma túy tóc vàng gầy gò với một giọng văn ảm đạm và hỗn loạn.

Nhà văn Anna Kavan.

Ít nhất, những sự thật cơ bản về cuộc đời của Kavan đã được khẳng định một cách rõ ràng. Năm 1901, Helen Emily Woods sinh ra tại Cannes trong gia đình của một cặp vợ chồng người Anh giàu có, phóng đãng. Không quan tâm đến việc nuôi dạy con cái, họ giao việc chăm sóc con gái cho các vú em và sau đó, từ 6 tuổi, cho một loạt trường nội trú ở Mĩ và Châu Âu. Khi Kavan 11 tuổi và đang học ở Anh, cha bà đã tự sát bằng cách nhảy khỏi mũi một con thuyền ở Mexico, sau đó mẹ bà tái hôn 2 lần.

Cảm giác bị tước đoạt tình yêu thời thơ ấu dường như đã làm thay đổi tâm hồn Kavan một cách vĩnh viễn. Người kể chuyện giấu tên trong cuốn High in the Mountains – tác phẩm bị giấu nhẹm đi và chỉ được xuất bản khi bà qua đời - đã viết rằng: “Không một người nào cố thấu hiểu hay nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của tôi. Tất cả bọn họ đều chống lại tôi, kể từ khi tôi 6 tuổi. Đây là loại người gì mà có thể vô nhân tính với một đứa trẻ 6 tuổi như thế?” Ở tuổi trưởng thành, Kavan đã khám phá ra phương pháp để quên đi nó bằng ma túy. Bà nghiện amphetamine, cocaine, cần sa và heroin.

Khi Kavan 19 tuổi, bà kết hôn với Donald Ferguson - một kĩ sư đường sắt nghiện rượu ở Miến Điện hơn bà 10 tuổi. Nhiều thập kỉ sau, Kavan đã hư cấu không thương tiếc Ferguson trong cuốn tiểu thuyết năm 1963 mang tên Who Are You? bằng một cuộc hôn nhân bạo lực, lấy bối cảnh một tiền đồn của Đế quốc Anh với một nhân vật mang tên Ngài Đầu Chó tàn bạo và vị kỉ.

Được đặt tên như vậy vì nhân vật này có nhiều “khía cạnh giống chó” cũng như tảng lông rậm rạp trên cơ thể màu nâu đỏ của mình. Kavan viết rằng người đàn ông này có “một niềm tin bẩm sinh về tính ưu việt và điều đó khá khó lay chuyển.” Người vợ 18 tuổi của y chỉ được biết đến với cái tên “cô gái”, tồn tại trong trạng thái mê mẩn không thể tin được khi thấy mình bị ràng buộc về mặt pháp lí với một người độc ác trong một môi trường quá đỗi xa lạ. Sự mệt mỏi và cảm giác bị giam cầm ngày càng trầm trọng hơn bởi cái nóng nhiệt đới không thể chịu nổi, khiến cô khó ăn cũng như khó ngủ. Bà viết: “Có lẽ vì không quen được với khí hậu nên lúc nào cô cũng cảm thấy xa lạ, cũng không quen được với cuộc sống ở đất nước này. Đó có phải là cuộc sống của cô ấy không? Có vẻ như không phải vậy.”

Trong tiểu thuyết của Kavan, thời tiết khắc nghiệt đóng vai trò như một điềm báo về sự diệt vong cũng như sự khắc nghiệt và thờ ơ của thế giới, như sương mù, băng giá, sức nóng, bão tố... Trong Eagles Nest (1957), một kẻ hoang tưởng kém may mắn bắt chuyến tàu từ một thành phố trong “bị bủa vây bởi sương giá” để đến một nơi dưới “mặt trời chói chang”, nơi mọi thứ đều “khô cằn, vô nhân đạo, to lớn, nguyên sơ, giống như một cảnh trong phim kinh dị nào đó”.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kavan, Băng (1967), cũng bám theo motif nói trên. Câu chuyện lặp đi lặp lại theo thời gian, mô tả nỗi ám ảnh của một người đàn ông theo dõi một “cô gái trẻ” mỏng manh, tóc vàng, xuyên qua một khung cảnh khải huyền, hầu như không thể sinh sống được. Những tai họa địa chính trị mơ hồ, bao gồm vụ nổ hạt nhân mở ra một kỉ băng hà mới cũng được nhắc đến.

Cuộc hôn nhân đầu tiên đầy tai họa kéo dài vài năm của Kavan dẫn đến một cậu con trai tên Bryan. Vào mùa hè năm 1925, khi đi du lịch Pháp, bà đã gặp Stuart Edmonds, một nghệ sĩ người Anh. Năm 1928, họ kết hôn và định cư ở vùng nông thôn nước Anh. Khi con gái nhỏ Margaret của họ qua đời, cả hai đã nhận nuôi một bé gái khác tên là Susanna. Người ta cho rằng Ferguson giữ quyền giám hộ Bryan và cậu bé có lẽ đã được đưa vào trường nội trú, nhưng cũng thường đến thăm Kavan vào dịp nghỉ lễ. Cả Kavan và Edmonds đều vẽ tranh - bà cũng là một nghệ sĩ tài năng ở lĩnh vực này, từ đó bà viết và vẽ rất nhiều.

Đắm mình trong thế giới siêu thực

Từ năm 1929 đến năm 1937, Kavan đã xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết nói về cuộc sống gia đình lệch chuẩn ở Anh dưới tên thật từ thời con gái là Helen Ferguson. Các nhà phê bình nhận thấy giọng văn của bà thông minh nhưng buồn bã, có chút gì đó nhuốm màu DH Lawrence. Bà chỉ đạt được thành công thương mại nhỏ ở nước Anh.

Tiểu thuyết Băng của Anna Kavan.

Vào những năm cuối tuổi 30, khi mối quan hệ của bà với Edmonds dần dần rạn nứt, bà đã bị suy nhược thần kinh và cố gắng tự sát. Bà từng dành thời gian ở một bệnh viện tâm thần tại Thụy Sĩ và ngay sau đó bắt đầu xuất bản với tên Anna Kavan - nhân vật nữ chính trong 2 cuốn tiểu thuyết trước đây là Let Me Alone (1930) và A Stranger Still ( 1935). Trong quãng đời này, Kavan hướng đến phong cách văn học thiên về ảo giác, thử nghiệm, chìm đắm trong sự diệt vong với thứ văn xuôi nghiêm cẩn cũng như khả năng kiểm soát súc tích.

Song song cùng đó, Kavan cũng ngày càng phụ thuộc hơn vào ma túy, và chấp nhận nó như một phần không thể thiếu cho sự tồn tại của mình. Người kể chuyện trong cuốn High in the Mountains từng lập luận rằng không giống như “những thói quen kinh tởm” như hút thuốc hay uống rượu, những gì mình làm “không bao giờ ảnh hưởng đến ai. “Tôi không cư xử theo cách đáng xấu hổ. Và thứ bột ấy thì không ghê tởm, nó sáng bóng, lấp lánh với những tinh thể óng ánh như là tuyết vậy.” Trong thời kì này ở Anh, việc mua heroin nguyên chất trên thị trường chợ đen tương đối đơn giản. Và nếu ai đó đăng kí là một người nghiện, như Kavan cuối cùng đã làm, thì việc bác sĩ kê đơn để duy trì liều lượng là hợp pháp. Nhờ đó cuộc sống bề ngoài bình thường của bà đã được duy trì.

Thế nhưng heroin không phải lúc nào cũng là giải pháp, và Kavan vẫn bị những cơn thôi thúc tự sát định kì chi phối. Điều này ngày càng trầm trọng sau khi bạn thân và cũng là người kê đơn heroin cho bà - bác sĩ tâm thần người Đức Karl Theodor Bluth - qua đời vào năm 1964. Nó cũng đi kèm những tồi tệ khác là khi con trai của Kavan, Bryan, bị giết khi đang làm lính nhảy dù vào năm 1944. Lúc đó anh mới 21 tuổi. Tệ hơn nữa, Edmonds, với lí do vợ cũ có tinh thần bất ổn, đã từ chối cho bà tiếp cận con gái. Việc này thêm một lần nữa gợi lại tuổi thơ bất hạnh mà bà phải chịu dưới sự lạnh lùng của cha mẹ mình.

Năm 1956, một chủ hiệu sách đã giới thiệu Kavan với Peter Owen, người ủng hộ những nhà văn không được ưa chuộng và bị coi là khó đọc. Ở tuổi 66, Kavan xuất bản cuốn Băng. Đó là thành công quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà. Nhà văn Brian Aldiss đã trao giải Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất năm 1967 cho nó và gọi Kavan là “người thừa kế của De Quincey và là em gái của Kafka”. Sự công nhận đã đến đúng lúc. Năm sau, Kavan lên cơn đau tim và qua đời một mình tại nhà riêng ở Kensington. Theo cảnh sát, trong nhà bà có “số heroin đủ giết cả con phố”. Sở dĩ xảy ra điều này là bởi Kavan kinh hoàng trước các chính sách mới của chính phủ giúp đưa người nghiện đến các trại cai nghiện, nên đã tích trữ nguồn thuốc nói trên.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thời điểm ghi nhận những đóng góp to lớn của Anna Kavan chỉ vừa mới đến. Gần đây sau rất nhiều năm, cuốn tiểu thuyết Băng đã được phát hành trở lại. Vào thời điểm này nó mới gặt hái được những thành công và được ca ngợi bởi giới báo chí và lứa độc giả mới. Đối với những người hâm mộ coi cuộc đời Kavan là trung tâm cho sự cuốn hút của bà, thì một nhà văn giàu trí tưởng tượng, người có cốt truyện kết hợp liền mạch giữa sự sáng tạo và thế giới thực, giữa quá khứ và tương lai, giữa sự sống và cái chết... đang dần được nhìn nhận đúng.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài viết của Emma Garman trên The Paris Review.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)