Maryse Condé, “người khổng lồ” của văn học Pháp ngữ, qua đời ở tuổi 90

Thứ Tư, 10/04/2024 10:36

Suốt nhiều thập kỉ cầm bút, bà đã khám phá lịch sử và văn hóa các vùng Châu Phi, Tây Ấn và Châu Âu trong các tác phẩm được đánh giá cao, và luôn là người được đồn đoán sẽ trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn chương tiếp theo.

Những tác phẩm đậm dấu ấn

 Nhà văn Maryse Condé

Maryse Condé, nhà văn đến từ đảo quốc Guadeloupe thuộc vùng Caribe, người có những khám phá về chủng tộc, giới tính và chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới Pháp ngữ, người được yêu thích lâu năm cho giải Nobel Văn chương, đã qua đời hôm thứ Ba tại Apt, một thị trấn ở miền nam nước Pháp. Bà thọ 90 tuổi. Cái chết của bà đã được xác nhận bởi chồng - Richard Philcox, người đã dịch nhiều tác phẩm của bà sang tiếng Anh.

Sự nghiệp lẫy lừng của Condé bắt đầu với cuốn tiểu thuyết đầu tay Hérémakhonon (1976), ra đời đúng vào thời điểm then chốt khi khái niệm “văn học Pháp” vốn chỉ tập trung vào các tác phẩm kinh điển của các nhà văn trong nước giờ bắt đầu nhường chỗ cho khái niệm đa dạng về văn học Pháp ngữ, đến từ mọi nơi trong thế giới nói tiếng Pháp.

Sống ở Guadeloupe, Pháp, Tây Phi và Hoa Kì, Condé là người hiểu nhất việc trở thành “nhà văn của mọi nhà” là như thế nào. Bà viết đa dạng thể loại, từ hối kí đến sách ẩm thực, từ tiểu thuyết lấy bối cảnh Mali thế kỉ 18 cho đến Massachusetts thế kỉ 17… Sự hiện diện phong phú và đa dạng này khiến bà từ lâu được gọi là “người khổng lồ” của văn học Pháp ngữ.

Bà đã 2 lần lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker Quốc tế, vốn được trao cho các tiểu thuyết gia viết bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Sau khi giải Nobel Văn chương 2018 bị hủy do bê bối lạm dụng tình dục của một thành viên trong Ủy ban Văn học, bà đã nhận được Giải thưởng Học viện Mới (hay còn được gọi là Nobel thay thế), do một nhóm nhân vật văn hóa Thụy Điển tạo ra để thay thế tạm thời sự thiếu hụt trên. Bà là người đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng nhận được giải này.

Giống như những nhà văn Pháp ngữ khác quan tâm đến di sản của chủ nghĩa thực dân, Condé tập trung tác phẩm của mình vào các chủ điểm chính trị toàn diện, xem xét sự hình thành các bản sắc cá nhân và tập thể. Nhưng bà cũng có góc nhìn thận trọng, chậm rãi và đầy lí tính. Bà ủng hộ nền độc lập của châu Phi, nhưng cũng chỉ trích những nhà lãnh đạo sau này, cáo buộc họ tham nhũng và được tạo nên chỉ bởi những lời hứa suông. Bà tự hào gọi mình là một nhà văn da đen, nhưng cũng đồng thời chỉ trích chủ nghĩa liên châu Phi, bởi bà cho rằng chính phong trào này đã tái tạo sự phân biệt chủng tộc của người da trắng bằng cách quy giản tất cả người da đen về một danh tính duy nhất.

Phần lớn tác phẩm của bà đều có yếu tố lịch sử. Cuốn tiểu thuyết đột phá Segu (1984) của Condé bán được hơn 200.000 bản ở Pháp, kể lại cuộc đời của một cố vấn hoàng gia - người phải đối phó với những thách thức xâm lấn từ tôn giáo, thuộc địa hóa và buôn bán nô lệ trong sáu thập kỉ ở Đế quốc Bambara thuộc Tây Phi - nơi phát triển mạnh mẽ vào thế kỉ 18 và 19 nhưng đã sụp đổ dưới áp lực từ các nước châu Âu. Nó được tờ The New York Times ca ngợi là “cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất về người châu Phi da đen được xuất bản trong nhiều thập kỉ qua”.

Một trong số những cuốn sách yêu thích của bà khi còn nhỏ là Đồi gió hú, vì vậy vào năm 1995, Condé đã kể lại câu chuyện kinh điển nói trên bằng sáng tạo riêng, khi đặt Emily Brontë và tác phẩm này vào bối cảnh Cuba và Guadeloupe. Bà cũng làm điều tương tự với các tác phẩm khác, như Chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne và vở kịch The Crucible của Arthur Miller.

Kể từ đó, người ta cho rằng bà là ứng cử viên thường xuyên cho giải Nobel, dù bà tuyên bố không quan tâm đến kết quả - hoặc đến những cạm bẫy của thành công nói chung. Bà từng nói rằng: “Tôi bị thu hút bởi những người sẵn sàng bất tuân luật pháp và từ chối chấp nhận mệnh lệnh từ bất kì ai. Những người, giống như tôi, không tin vào của cải vật chất. Với họ tiền bạc chẳng là gì, sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc ô tô cũng chẳng là gì… Những người như vậy thường là bạn tôi.”

Hành trình trưởng thành

Là con út trong gia đình có 8 anh chị em, Maryse lớn lên trong một gia đình trưng lưu. Cha mẹ bà không cho phép bà tham dự các lễ hội đường phố trên đảo hoặc giao lưu với những người mà họ coi là thua sút về mặt xã hội. Điều này khiến bà không biết gì về những tác động tồi tệ nhất của chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc. Cha mẹ chưa bao giờ cho bà biết về chế độ nô lệ và khiến bà “tin rằng Pháp là nơi tốt nhất trên thế giới”. Bà bắt đầu viết từ khi còn nhỏ. Khi khoảng 12 tuổi, bà đã viết một vở kịch một màn như một món quà tặng mẹ nhân ngày sinh nhật. Nhưng sự thức tỉnh chính trị đã dần dần đến.

Khi còn là một thiếu niên, bà đã đọc Black Shack Alley (1950), một cuốn tiểu thuyết bán tự truyện của Joseph Zobel kể về một cậu bé da đen nghèo ở Martinique - một vùng Caribe khác của Pháp. Cuốn sách đó đã tiết lộ cho bà những trải nghiệm mà hầu hết người dân Caribe da đen phải chịu đựng dưới chế độ thực dân.

Những tác phẩm nổi tiếng của Maryse Condé.

Ở tuổi 16, cha mẹ Condé gửi bà đến Paris để hoàn thành việc học. Họ nói với bà đây là thành phố của lí trí và công lí, nhưng thay vào đó bà lại thấy mình là đối tượng của sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Bà nói: “Khi đến Pháp học, tôi mới phát hiện ra định kiến ​​của mọi người. Những người ở đó cho rằng tôi thấp kém chỉ vì tôi là người da đen. Tôi phải chứng minh cho họ thấy tôi có thiên tư và màu da của tôi không quan trọng - điều quan trọng là bộ não và trái tim tôi.”

Bà tiếp tục theo học tại Sorbonne và hòa nhập với giới trí thức da đen của Paris. Năm 1959, bà gặp một diễn viên người Guinea, Mamadou Condé, và họ kết hôn một năm sau đó. Nhưng mối quan hệ này nhanh chóng rạn nứt. Bà từng thừa nhận đây là biện pháp để lấy lại địa vị của một bà mẹ đơn thân da đen, vì bà đã có thai trước đó. Sau đó Condé chuyển đến Bờ Biển Ngà, dành các thập kỉ tiếp theo ở nhiều quốc gia châu Phi khác nhau như Guinea, Senegal, Mali và Ghana, cùng với những nhân vật lớn như Che Guevera, Malcolm X, Julius Nyerere, Maya Angelou…

Trong 13 năm tiếp theo, bà sống lâu dài ở Guinea, Ghana và Senegal. Khu vực này đang trong giai đoạn giành độc lập và phi thực dân hóa, đồng thời thu hút các nhà tư tưởng và hoạt động chính trị từ nhiều cộng đồng người da đen hải ngoại. Khi tham gia vào đây, Condé đã nhận thức được những điều đầu tiên về các phong trào chính trị, thôi thúc bà viết ra tác phẩm hư cấu đầu tiên là một vở kịch, sau này sẽ đến tiểu thuyết Hérémakhonon, có nghĩa là Chờ đợi Hạnh phúc, bằng ngôn ngữ Tây Phi Malinke.

Mặc dù bà khẳng định đây không phải là tự truyện, nhưng Hérémakhonon kể câu chuyện về một người phụ nữ da đen giống hệt tác giả, người đến từ Guadeloupe, phải sống một thời gian ở Paris trước khi đến Châu Phi để nhận ra rằng địa lí không phải yếu tố quyết định nhân dạng của một con người. Condé nói rằng bà đợi cho đến khi gần 40 tuổi mới ra mắt tác phẩm vì “không tự tin vào bản thân và không dám giới thiệu tác phẩm của mình với thế giới bên ngoài”.

Không thể nói được ngôn ngữ địa phương và được cho là có thiện cảm với người Pháp, Condé phải vật lộn để tìm chỗ đứng của mình ở Châu Phi. Sau này bà nói: “Bây giờ tôi mới biết mình đã chuẩn bị tồi tệ đến mức nào khi đến Châu Phi. Tôi đã có một tầm nhìn rất lãng mạn và chưa chuẩn bị sẵn sàng cả về chính trị cũng như xã hội.” Bà bị buộc tội hoạt động lật đổ chính quyền ở Ghana và bị trục xuất đến London. Sau đó, bà trở lại Paris vào năm 1975 để nhận bằng tiến sĩ văn học tại Sorbonne.

Hôn nhân rạn nứt, bà bắt đầu mối quan hệ với Philcox. Vào năm 1982, hai người kết hôn. Bà giữ chức giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời giảng dạy tại Đại học Virginia và Đại học California, Los Angeles.

Condé và Philcox trở lại Guadeloupe vào năm 1986 và sống ở đó vài năm trước khi trở về Pháp để bà có thể điều trị căn bệnh thần kinh. Căn bệnh khiến bà không thể nhìn thấy. Bà đã viết 3 cuốn sách cuối cùng của mình, tất cả đều được xuất bản từ năm 2020, bằng cách đọc cho chồng viết từng chương sách một.

Bà lần đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn cho Giải Booker Quốc tế vào năm 2015 cho toàn bộ di sản. Bà lại lọt vào danh sách nói trên vào năm 2023 ở tuổi 89 tuổi cho cuốn cuối cùng - The Gospel According to the New World (tạm dịch: Phúc Âm của Thế Giới Mới) kể về một cậu bé da ngăm đen ở Martinique, người nhiều khả năng chính là con trai của Chúa.

Khi nhận giải Nobel thay thế, bà từng nói rằng: “Cho phép tôi chia sẻ nó với gia đình, bạn bè và trên hết là người dân Guadeloupe, những người sẽ rất vui mừng và cảm động khi thấy tôi nhận được giải thưởng này. Chúng ta là một đất nước nhỏ bé, chỉ được nhắc đến khi có bão, động đất và những tai ương. Bây giờ chúng ta có thể tự hào khi đã được công nhận vì một điều gì đó khác.”

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The New York Times và The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)