Dòng chảy  Văn nghệ

Ấn hành bản tiếng Việt tập truyện của nhà văn Nobel 1905

Thứ Tư, 14/11/2018 18:27

Logo VNQĐ Online mới Mới đây, Nhà xuất bản Phụ nữ đã ấn hành tập truyện Ở xứ vàng của Henryk Sienkiewicz do dịch giả Lê Bá Thự chuyển ngữ.

Henryk Sienkiewicz (1846 - 1916) là một trong những nhà văn Ba Lan nổi tiếng nhất cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Năm 1905, ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng Giải Nobel văn chương vì những cống hiến cả đời. Những tác phẩm tiêu biểu của H. Sienkiewicz có thể kể đến như: tiểu thuyết Namarne (Phí hoài), truyện ngắn Stary sługa (Người đầy tớ già), bộ ba tiểu thuyết Potop (Trận hồng thủy), Pan Wołodyjowski (Ngài Wolodyjowski) và Ogniem i mieczem (Bằng lửa và gươm), các tiểu thuyết Krzyżacy (Hiệp sĩ Thập tự), Bez dogmatu (Không có giáo điều), Rodzina Połanieckich (Gia đình Polanieckich)… H.Sienkiewicz cũng rất thành công trong lĩnh vực viết truyện cho thanh thiếu niên mà cuốn Trên sa mạc và trong rừng thẳm là đỉnh cao của thành công này. Thành công lớn nhất và cũng là đóng góp lớn nhất của H.Sienkiewicz đối với nền văn học Ba Lan và thế giới là các tiểu thuyết lịch sử, trong đó ông đề cao lòng nghĩa hiệp, tinh thần hy sinh vì độc lập tự do, giữ gìn giá trị và bản sắc dân tộc. Thông qua các tác phẩm văn học, báo chí và hoạt động xã hội của mình, H.Sienkiewicz đã thức tỉnh ý thức và lòng tự hào dân tộc, giáo dục tình yêu Tổ quốc.

 

Tập truyện Ở xứ vàng gồm 6 truyện vừa và ngắn do nhà văn đoạt giải Nobel 1905 viết về Hoa Kỳ và Ba Lan: Những nhầm lẫn khôi hài, Ở xứ vàng, Người gác đèn biển, Ánh sáng chốn u minh, Nhạc công đại phong cầm ở làng PoniklaNàng Thứ Ba.

Truyện Những nhầm lẫn khôi hài (1878) phản ánh cuộc sống cực kỳ phức tạp tại một thị trấn mới hình thành ở miền hoang sơ nước Mỹ, toàn dân tứ chiếng, tuy họ có nhiều sự hiểu nhầm đến độ khôi hài, nhưng rốt cuộc mọi chuyện đều suôn sẻ, ấm áp tình người và câu chuyện kết thúc có hậu. Năm 1967 điện ảnh Ba Lan đã cho trình làng bộ phim hài Những nhầm lẫn khôi hài, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của H.Sienkiewicz.

Trong truyện Ở xứ vàng (1880), thành phố Sacramento (Hoa Kỳ) cho thấy lịch sử hình thành và sự phát triển của thủ phủ của California, được xây dựng bởi bàn tay của dân trộm cướp và bọn người cặn bã xã hội, đủ mọi chủng tộc từ khắp thế giới, những kẻ chìm đắm trong “cơn sốt vàng” của vùng đất hoang vu, còn ngủ say, lúc bấy giờ chỉ toàn đàn ông sinh sống. Tác giả đã miêu tả một cách tài tình, sinh động, gợi cảm và vô cùng tinh tế cuộc sống của những con người đi tìm vận may, đi đào vàng, những con người ngoài việc uống rượu, cờ bạc, sát phạt và bắn giết lẫn nhau thì không biết làm gì khác. Dẫu vậy, ở nơi đó vẫn không thiếu tình yêu cao thượng mà mối tình giữa Rows, chàng trai thợ đào vàng với tiểu thư Mary lãng mạn và thích mạo hiểm là một một thí dụ. Ở xứ vàng là một truyện đậm chất nhân văn, nhiều kịch tính, lắm gian truân, khốc liệt, nhưng cũng đầy thơ mộng, với những áng văn hay, nhiều cảm xúc, làm say đắm lòng người.
 
Lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương của những người Ba Lan xa xứ, đi kiếm ăn nơi đất khách quê người được phản ánh thật cảm động trong kiệt tác Người gác đèn biển (1881) mà ông già Skawinski, người gác đèn biển trên một đảo nhỏ, nhân vật chính trong truyện, là một điển hình. Năm 1977 Người gác đèn biển được điện ảnh Ba Lan dựng thành phim truyện.

Các truyện Ánh sáng chốn u minhNhạc công đại phong cầm ở làng Ponikla (1893) đưa người đọc vào lãnh địa của giới văn nghệ sĩ Ba Lan những năm cực kỳ cam go, sống nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng vẫn say mê, vẫn đam mê, vẫn lao động hết mình vì nghệ thuật. Và chính nghệ thuật đã cứu họ.

Nàng Thứ Ba (1888) được xem là tiểu thuyết mỏng 100 trang, viết về cuộc sống lên bổng xuống trầm của giới hoạ sĩ Ba Lan ngày trước. Hai họa sĩ Swiatecki và Magorski là hai nhân vật chính của tác phẩm này. Họ là những họa sĩ có tài song phải chịu cảnh “sống mòn” trong nghèo túng, đến tiền thuê nhà cũng không có mà trả, phải tìm mọi cách trốn tránh, khất lần. Họa sĩ Swiatecki có sở trường vẽ những bức tranh về chết chóc: Người xác, Người xác lớn, Người xác bé. Họa sĩ Magorski đã đính hôn với nàng Kazia Suslowska, con nhà thuộc tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, nghe theo lời xúi bẩy của cha mẹ, Kazia đã hoàn trả lại nhẫn đã trao, rút lại lời đính ước. Vì theo họ, Magorski nghèo rớt mồng tơi, không môn đăng hộ đối... Nhưng khi bức tranh Những người Do Thái trên bờ Babilon của Magorski được thưởng huy chương vàng tại Salon Paris, điều gắn liền với danh thơm và tiền tài của chàng họa sĩ nghèo này, thì mọi thứ đổi thay. Nhiều nhà phê bình văn học và người đọc lấy làm ngạc nhiên về tác phẩm văn học này. Một thứ văn phong hoàn toàn khác, một giọng điệu hoàn toàn khác, so với các tiểu thuyết và truyện ngắn, truyện vừa ông viết trước đó. Thủ pháp giễu nhại được nhà văn sử dụng rất hiệu quả. Tính trào lộng, tiếng cười nhạo báng nhằm vào giới thượng lưu, cùng lối sống dị thường của giới nghệ sĩ lắm tài nhiều tật gây hứng thú và nhiều cảm xúc cho người đọc. Những triết lý nghệ thuật, nhất là những triết lý về nghệ thuật hội họa, cho thấy quan điểm nghệ thuật cách tân, khoáng đạt và nhân văn của Henryk Sienkiewicz thời đó.

 

Cho tới nay Henryk Sienkiewicz là nhà văn vô địch Ba Lan về số lần cũng như số lượng sách được tái bản ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng trong thời gian từ năm 1945 đến 1961 các tác phẩm của H. Sienkiewicz đã 313 lần được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, nhiều tác phẩm được đưa lên sân khấu và màn ảnh, đưa vào giảng dạy trong nhà trường, là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu. Năm 1913 lần đầu tiên Quo vadis được dựng thành phim ở Italia và từ đó đến nay đã trên chục lần bộ tiểu thuyết này được chuyển thể, đưa lên màn ảnh. Đầu năm 1999 ngành điện ảnh Ba Lan đã hoàn thành bộ phim Bằng lửa và gươm, dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của ông. Đây là bộ phim hoành tráng, công phu và tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh Ba Lan cho đến thời điểm đó. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử bộ ba của H. Sienkiewicz, gồm Bằng lửa và gươm, Trận hồng thủyNgài Wołodyjowski đã được đưa lên mà ảnh, trọn bộ cả ba quyển.

Ngày 18 tháng 12 năm 2015, Thượng viện Ba Lan đã thông qua nghị quyết lấy năm 2016, năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của Henryk Sienkiewicz làm Năm Henryk Sienkiewicz. Thông qua nghị quyết này, Thượng viện Ba Lan muốn tôn vinh và tưởng niệm trọng thể một người Ba Lan vĩ đại với những tư tưởng lớn được thể hiện trong các tác phẩm của mình, đó là lòng yêu nước, giữ gìn bản sắc và các giá trị Ba Lan truyền thống.

Dịch giả Lê Bá Thự là người chuyên chuyển ngữ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan sang tiếng Việt, được mệnh danh là “người tình say đắm của văn học Ba Lan”, sứ giả văn hoá Ba Lan - Việt Nam. Dịch giả Lê Bá Thự được Tổng thống nước Cộng hoà Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng Cộng hoà Ba Lan lần thứ nhất năm 2012 và lần thứ hai năm 2017.   

THIỀU QUANG (tổng hợp)
 
                                                                          
 
 
 
 
 
 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)