Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á”

Thứ Sáu, 06/09/2019 12:20

Trong hai ngày 5-6/9/2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Quốc lập Thành Công và Trường Đại học Quốc lập Kim Môn (Đài Loan) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á”.

Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Hội thảo có sự hiện diện của ông Hứa Huy Hoàng - Trưởng phòng Khoa học, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội; GS Lâm Tùng Nhất (Chung-I Lin) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc lập Thành Công; GS Trần Ích Nguyên (Chen Yi Yuan) - Đại học Quốc lập Thành Công, Viện trưởng Học viện Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc lập Kim Môn; GS Vu Quân Phương - Giáo sư danh dự Trường Đại học Columbia, Hoa Kì, Viện sĩ Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan; GS, TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS, TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; đông đảo nhà khoa học đến từ các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu danh tiếng của Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kì, Hàn Quốc, Myanmar, Malaysia, Singapore…

Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần là những tín ngưỡng tồn tại phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Myanmar, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… Các tín ngưỡng này góp phần thể hiện sự chia sẻ về niềm tin, tôn giáo, phong tục, tập quán… của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Là những tín ngưỡng phổ biến, nhưng nhận thức về các tín ngưỡng đó, vai trò và ảnh hưởng của các tín ngưỡng với các xã hội châu Á nhìn nhận trên các chiều kích không gian, thời gian và các vòng ảnh hưởng... cũng có nhiều luận giải, quan điểm khác nhau. Việc nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều học giả Việt Nam, khu vực và thế giới. Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á” hướng đến cung cấp các thông tin khoa học và đem lại góc nhìn so sánh về tín ngưỡng quan trọng này ở khu vực.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh:

“Tại Hội thảo này, hi vọng rằng, các tham luận và ý kiến trao đổi sẽ làm rõ thêm những điểm tương đồng và dị biệt về tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á; đưa ra các luận cứ, thông tin khoa học xác thực, sâu sắc về tư tưởng, triết lí, triết luận, giá trị nhân văn, lòng khoan dung, năng lực nhập thế và khả năng hòa biến của các tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống của các dân tộc châu Á.

Các hoạt động khoa học, giao lưu học thuật như Hội thảo khoa học quốc tế này thực sự là cơ hội quý để các giảng viên, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế chia sẻ tri thức, công bố những kết quả, thành tựu nghiên cứu mới về một chủ đề khoa học tương đối khó nhưng hết sức sinh động trong đời sống xã hội, văn hóa của các dân tộc châu Á chúng ta.

Trong những thập niên qua, nhiều nhà khoa học khu vực và thế giới đã nêu ra, luận bàn về các “giá trị châu Á” trong lịch sử và xã hội đương đại. Có thể cho rằng, cùng với những yếu tố tự nhiên và tác động của môi trường sinh thái thì cơ sở kinh tế, đặc tính xã hội và đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng là những nhân tố cốt yếu định thành nên các giá trị châu Á độc đáo, nhân văn, sâu sắc. Các giá trị đó hình thành trong lịch sử, được lọc chọn qua thời gian và đang được phát huy trong xã hội công nghiệp mới”.

Trong thời gian 2 ngày, gồm 3 phiên làm việc được chia thành nhiều tiểu ban, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Trung, với 29 báo cáo (trong đó có 11 báo cáo của các học giả quốc tế và 18 báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam), Hội thảo đi sâu thảo luận các khía cạnh khác nhau về tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, dưới các góc độ chuyên ngành và liên ngành như văn học, sử học, văn hóa học, tôn giáo học, khu vực học… Các truyền thuyết về Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, Lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, Các di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á, Việc thực hành tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á… là các chủ đề thu hút nhiều hơn cả sự quan tâm chú ý, thảo luận của giới chuyên môn và những người tham dự Hội thảo.

Bên cạnh các phiên làm việc tại hội trường, Hội thảo còn có các hoạt động giao lưu, thưởng thức văn hóa, văn nghệ Việt Nam, khảo sát văn hóa dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần tại một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Hà Nội.

HUY LÊ

 

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)