Thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Bảy, 23/04/2022 00:54

. PHAN VĂN CẤP


Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thế giới. Sự phát triển đột phá của khoa học và công nghệ đã tác động và làm thay đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Điều này mang lại những thời cơ nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với Quân đội. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Quân đội cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đủ về số lượng và có chất lượng cao. Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, coi đây là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cách mạng, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện trong nghị quyết các kỳ đại hội Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(1).

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết của Đảng đề ra nhiều giải pháp để thu hút, trọng dụng nhân tài vào phục vụ trong Quân đội. Những nhân tài đã tích cực học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trở thành những anh hùng dân tộc, tướng lĩnh, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, sĩ quan cao cấp, có cống hiến to lớn trên mọi lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, để đáp ứng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên chất lượng cao. Vì vậy, việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội luôn mang tính cấp thiết và tính cấp thiết ấy cần phải được tiến hành từ những biện pháp cụ thể.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, việc tuyển chọn con người vào phục vụ lâu dài trong Quân đội phải thu hút được đông đảo các đối tượng tham gia; những đối tượng này có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là học sinh có học lực khá, giỏi, xuất sắc, đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế; có tài năng, năng khiếu, có thể lực, trí tuệ nổi trội... Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, nắm chắc các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển chọn, tuyển sinh quân sự của Bộ Quốc phòng; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đồng thời, tạo sự thống nhất các khâu, các bước trong tuyển chọn; chủ động trong xây dựng kế hoạch, tổ chức tạo nguồn, xét duyệt đối tượng, thực hiện đúng quy trình, điều kiện, tiêu chí. Để thu hút được nhân tài các nhà trường quân đội phải có môi trường, điều kiện đăng kí và tổ chức thi tuyển thuận lợi, chặt chẽ; cơ sở vật chất bảo đảm tốt; có môi trường sư phạm quân sự khoa học, lành mạnh, học viên tốt nghiệp có trình độ tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, có sự phát triển. Qua đó, làm cho họ tin tưởng vào tương lai khi lựa chọn vào phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Ngoài việc làm tốt công tác tuyển chọn, việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài quân sự còn phụ thuộc nhiều yếu tố.Trong đó, giáo dục đạo đức, xây dựng bản lĩnh và truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện kĩ năng, phổ biến kinh nghiệm ở các nhà trường quân đội là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Do vậy, cần nghiên cứu, quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội hợp lí. Ngoài đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các nhà trường quân đội cần chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; nghiên cứu việc tổ chức các lớp tài năng trẻ trong các nhà trường quân đội. Cần thực hiện tốt việc đào tạo gắn với sử dụng cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ luôn tâm huyết với nghề, phát triển đúng hướng; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ thực sự có tài năng, nhất là tài năng trẻ. Chủ động luân chuyển, điều động cán bộ theo quy hoạch, đảm bảo thực hiện tốt việc kết hợp giữa lí thuyết với thực hành, giữa giáo dục, đào tạo ở nhà trường với bồi dưỡng, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, tạo điều kiện để nhân tài được thử thách, trưởng thành vững chắc. Đồng thời, phải bố trí, sử dụng phù hợp với sở trường, thiên hướng phát triển của nhân tài.

Môi trường, điều kiện làm việc luôn là “cái nôi” nuôi dưỡng và phát huy tài năng, trí tuệ của con người. Để nhân tài có điều kiện vươn lên tiếp thu, làm chủ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề quan trọng không chỉ coi trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật hiện đại mà cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề con người. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường phải quan tâm xây dựng lòng say mê, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của các lực lượng; bằng nhiều biện pháp tăng cường đưa họ vào các hoạt động thực tiễn ở các môi trường khác nhau để bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy vai trò, khả năng của mình. Luôn quan tâm xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong các hoạt động; coi trọng việc tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý giỏi nhằm tôn trọng, khuyến khích và phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của họ. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng kĩ thuật, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, để nhân tài có điều kiện học tập, vươn lên tiếp thu và ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích họ tự nghiên cứu, sáng tạo ra các phần mềm, các loại vũ khí, trang bị kĩ thuật phục vụ cho quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Lao động của Quân đội là lao động đặc biệt, các hoạt động của bộ đội thường diễn ra trong môi trường khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Trong khi đó, cuộc cách mạng 4.0, đặt ra những yêu cầu cao hơn trong huấn luyện, đào tạo, sử dụng những loại vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại; đòi hỏi sức khỏe, trình độ, năng lực của bộ đội ở đẳng cấp cao hơn, phải những người có trình độ, năng lực nổi trội mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, phải có chế độ chính sách đãi ngộ tốt, thỏa đáng mới thu hút được nhân tài vào công tác trong môi trường Quân đội. Vì vậy, để thu hút những nhân tài phục vụ lâu dài trong Quân đội thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu báo cáo Bộ Quốc phòng, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tuyển chọn, đào tạo, sử dụng nhân tài vào công tác trong Quân đội; xây dựng các tiêu chí cụ thể và theo dõi, quản lí nhân tài quân sự một cách khoa học, quan tâm xứng đáng với sự cống hiến của họ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được khai thác triệt để vào việc hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trang bị kĩ thuật. Sự xuất hiện của các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh sẽ làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh; không gian, thời gian, nghệ thuật tác chiến và kể cả ranh giới tiến công, phòng ngự. Tiếp cận cuộc cách mạng này sẽ cho phép rút ngắn khoảng cách khoa học quân sự nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đều có thể ứng dụng và làm thay đổi một cách căn bản về quan điểm, cách thức tổ chức hoạt động quân sự. Các công nghệ trọng điểm, như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, vật liệu mới, internet kết nối vạn vật, năng lượng tái tạo, in 3D… đều có thể được ứng dụng trong các hoạt động quân sự. Điều đó đặt ra cho chúng ta không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học quân sự. Có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học vào làm việc ở các trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học, nghệ thuật quân sự, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, nuôi dưỡng tài năng của Quân đội trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách đặt ra trong xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bởi vậy, thu hút, trọng dụng nhân tài một cách hợp lí, hiệu quả là cách tạo điều kiện tốt nhất để những người tài có cơ hội đóng góp cho Quân đội và đất nước. Trong thời đại cách mạng 4.0, việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết nhằm xây dựng đội ngũ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.

P.V.C

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr.157-158.

VNQD
Thống kê