Người cựu binh có tâm hồn đẹp và tấm lòng rộng mở

Thứ Năm, 07/04/2022 06:47

Năm 2020, thôn Phượng Hùng (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) được cấp trên đầu tư nâng cấp 2 tuyến đường liên thôn. Trong hai tuyến này thì tuyến đường chính dài 1,65km đã được trải bê tông cách nay gần hai chục năm, hiện đã xuống cấp, tuyến còn lại dài 1,3km vào xóm núi Hang Khay là tuyến đường đất, có đoạn chưa phải là đường, phải mở mới nối các đoạn đã có lại với nhau. Những đoạn đường đã có tuy cũng đã được rải bê tông nhưng hẹp và mỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đường đi ngoằn ngoèo, cây cối hai bên rậm rạp tràn cả ra đường. Tuy không mưa bùn, nắng bụi nhưng ổ gà, ổ trâu trong các đoạn đường bê tông đứt gãy rất khó đi. Các hộ xóm núi Hang Khay của thôn Phượng Hùng rất vất vả trong việc đi lại.

Được tin có dự án nâng cấp, mở đường, bà con dân thôn Phượng Hùng phấn khởi lắm. Tuy nhiên, khi được lãnh đạo xã, chi bộ thôn trình bản vẽ thiết kế, nhiều hộ trên hai tuyến đó rất băn khoăn. Đặc biệt, khi phóng tuyến, mở rộng đường, nắn các khúc cong cua, bị mất đất vườn, phải tháo dỡ các công trình thì nhiều nhà tâm tư lắm. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, trên chỉ đầu tư cho đường, làng phải có mặt bằng để cho đơn vị thi công, đất đai công trình của nhà dân nếu bị ảnh hưởng thì không được bồi thường, nếu có thì vẫn là dân làng góp lại hỗ trợ cho gia chủ phần nào. Đây là bài toán khó cho cấp ủy chi bộ Phượng Hùng. Thôn lấy đâu ra ngân sách để lo khâu giải phóng mặt bằng?

Cái khó ló cái khôn. Kinh nghiệm dựa vào dân, lấy dân làm gốc được cấp ủy, chi bộ thôn vận dụng trong triển khai làm đường. Chi ủy chi bộ thôn đã họp dân, họp các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền vận động. Thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, các đoàn thể vào cuộc phát động phong trào hiến đất làm đường, khơi dậy truyền thống đoàn kết, bất khuất kiên cường của quê hương Đoan Hùng trong kháng chiến, trong đó phát huy vai trò của các cán bộ đảng viên, cựu chiến binh.

Một trong những thuận lợi của phong trào hiến đất làm đường phải kể đến gương tiên phong của cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng. Nhà anh Lưỡng cũng là 1 trong 9 hộ của xóm Hang Khay, nơi được thụ hưởng dự án tuyến đường bê tông mới nối các đoạn lại với nhau. Vì là xóm núi, cả đoạn dài 600m chỉ có 9 hộ này, đường mở từ 2,5m lên 5,5m (trong đó mặt bê tông 4,0m, hai bên lề 1,5 m), cộng với rãnh khoảng một mét mỗi bên nữa nên các hộ mất rất nhiều đất vườn. Hộ nào nằm vào khúc cong cua phải nắn đường thì còn mất đất nhiều hơn nữa. Nhà cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng nằm trong diện phải giải tỏa nhiều nhất, bằng 1/3 tổng số diện tích của các hộ, lại phải nắn cua qua ao xây và vườn, đường còn chạy qua bức tường rào cao gần hai mét, dài cả trăm mét của gia đình. Tính cụ thể thì gia đình anh Lưỡng phải mất gần 700 mét vuông đất vườn và ao. Trong khi đó thì giá đất lại đang lên, nhiều hộ đã bán bốn, năm trăm triệu một thổ trong làng, những vị trí tốt thì phải tới cả tỉ. Giờ làm đường, đơn vị thi công, lãnh đạo xã thôn cùng dân làng trông cả vào anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc cùng vợ, cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng quyết định hiến đất và chịu tất cả những thiệt hại đó để cho làng xã mở đường.

Cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng. Ảnh: ĐXT

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Lê Đức Lưỡng thừa hưởng dòng máu này của cha anh mình. Bố đẻ và cả bố vợ anh đều là bộ đội chống Pháp, đều là lãnh đạo tiền bối đưa đoàn khai hoang quê Đan Phượng, Hà Tây cũ lên lập làng mới ở Đoan Hùng. Anh cả anh là liệt sĩ chống Mĩ. Anh kế tiếp anh là sĩ quan quân đội, từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bản thân anh cũng 5 năm trong quân ngũ những năm 80 của thế kỉ trước đóng chốt trên biên giới phía Bắc. Sau khi xuất ngũ trở về, Lê Đức Lưỡng bắt tay vào khôi phục kinh tế gia đình, cùng dân làng xây dựng quê hương. Vượt khó đi lên, vợ chồng anh đã làm được nhà mái bằng, thiết kế được khu vườn quy củ, gọn gàng, đẹp mắt. Kinh tế đời sống gia đình đang ổn định, phát triển thì vợ anh mắc trọng bệnh bỏ anh đi ở tuổi 32. Anh đứng vậy chèo lái gia đình, nuôi các con ăn học rồi dựng vợ, gả chồng cho ba đứa con của người vợ trước. Mãi sau đó, Lê Đức Lưỡng mới tục huyền với người vợ bây giờ và có thêm một cháu gái nữa.

Dân làng Phượng Hùng không ai lạ gì đức tính chịu khó, lam làm của vợ chồng cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng. Anh chị cặm cụi ngày đêm làm vườn, làm ruộng, chợ búa, chăn nuôi để không ngừng vượt khó vươn lên. Ngoài căn nhà đang ở, anh đã xây được thêm một ngôi nhà cấp 4 bốn gian nữa và tách ra ở riêng, dành nhà mái bằng và khu vườn đẹp đã xây tường rào bao quanh cho vợ chồng con trai. Vợ chồng anh khai phá cải tạo khu mới, liền với khu nhà cũ, vườn bưởi, vườn rau quy củ, đào và xây 2 cái ao liền nhau rộng mỗi cái gần 2 sào dự định sẽ nuôi thả ba ba. Anh lại xây tiếp tường rào vườn, nuôi lợn và nuôi vịt. Việc làm ăn cũng lúc nọ lúc kia, có năm, đàn vịt hàng trăm con của anh cung cấp hàng ngàn quả trứng cho thị trường, cũng có năm anh trắng tay vì dịch bệnh gia súc gia cầm. Dù vậy, Lê Đức Lưỡng vẫn kiên trì với ruộng vườn, chăn nuôi. Anh đã sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt trong gia đình như xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy công cụ các loại…

Con đường mới dẫn vào xóm Hang Khay. Ảnh: ĐXT

Đang yên lành phát triển như vậy thì đường mới về xóm. Con đường này sẽ được mở rộng, nắn thẳng, trải bê tông phẳng lì. Với xóm làng thì đó là như mơ, nhưng với anh thì nó lại phá hỏng hết quy hoạch. Các công trình vợ chồng anh gây dựng trong bao năm sẽ phải tháo dỡ, san lấp. Không băn khoăn suy tư mới là lạ. Tuy nhiên, trước cái lợi lâu dài cho xóm làng, cả cho anh và con cháu anh nữa, Lê Đức Lưỡng đã chấp nhận hi sinh, chấp nhận thiệt thòi.

Hôm máy múc, máy cẩu đến thi công đoạn đường 200 mét đường qua nhà 2 bố con anh, nhìn bức tường rào cả trăm mét bị phá dỡ, cái ao xây bị lấp, cây cối bị đốn hạ, tất cả ngổn ngang, bề bộn, mọi người ai nấy đều xót xa tiếc rẻ bao công sức của gia đình anh chị. Bao giờ cho lại được như cũ? Trong khi đó, vợ chồng anh Lê Đức Lưỡng chỉ cặm cụi theo máy thu dọn tài sản, nhặt tận dụng những viên gạch tường rào còn dùng được xếp gọn, chặt xếp củi cây, rào tạm lại khu vườn.

Mọi việc xong xuôi, đường mới rộng gấp hai lần đường cũ, đỡ cong cua gấp khúc hơn, bê tổng trải dày, láng bóng trông rất đẹp. Tha hồ rộng rãi, phẳng phiu cho xe đi. Mọi người đều phấn khởi. Phượng Hùng cũng là thôn đầu tiên của xã bê tông hóa gần hết các đường làng, ngõ xóm, trong đó có con đường dẫn vào Hang Khay này.

Mừng vì con đường mới nhưng anh chị cũng không khỏi ngẩn ngơ khi nhìn khu vườn tan hoang chia cắt. Là chiến sĩ công binh trở về, kinh nghiệm những năm quân ngũ đổ đúc bê tông, xây hầm trên biên giới, Lê Đức Lưỡng bắt tay vào cuộc chiến mới củng cố lại khu vườn. Việc đầu tiên sau khi có đường mới là anh xây dựng lại hệ thống tường rào. Chưa có điều kiện xây lại toàn bộ thì rào cột bê tông, chăng lưới thép B40 hoặc dây thép gai. Một mình anh chở từng bao xi măng, mua sắt thép, cát sỏi đổ dần mỗi ngày được 85 cột bê tông cao 1,7m. Trong khi chờ cột cứng, anh quay sang xây tường rào trước cửa nhà cũ. Xây xong tường rào chính thì quay lại xây chân tường rào phụ. Không có tiền thuê thợ, cả tháng trời vợ chồng anh cứ cặm cụi tự làm, tự xây. Cùng với đó là san lấp ao vườn, nạo vét cống rãnh… Cuối cùng, tất cả cũng đã quy củ trở lại.

Nhìn con đường bê tông và hàng rào mới nhà mình, Lê Đức Lưỡng ưng ý lắm. Anh nảy ra ý định: Phải làm cho đoạn đường này đẹp hơn nữa. Lề hai bên đường để đất không thế kia, mai này cỏ mọc nhôm nhoam trông xấu lắm. Lúc đó phải mất công phát dọn thì cũng chỉ quang sạch được ít ngày thôi. Vậy nên, mình sẽ láng vữa bê tông lên đó, cách ba, bốn mét lại để một ô trống vòng tròn để trồng cây cảnh, cây hoa thì sạch đẹp hơn. Nghĩ vậy, anh bàn với vợ và được chị nhà đồng ý ngay. Thế là hai vợ chồng anh tiếp tục cặm cụi gạt phẳng lề đường, làm lại rãnh đường. Như vậy vừa giữ được tường rào vườn nhà, vừa thoát được nước không làm hỏng đường.

Cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng bên con đường mới khang trang.  Ảnh: ĐXT

Không có tiền, Lê Đức Lưỡng tính chuyện làm dần. Vợ anh chạy chợ bán mớ rau, con gà, được chục nào chị lại đưa cho anh ra quán lấy xi, mua sỏi cát về. Đúng thời gian đại dịch Covid bùng phát, dịch tả lợn châu Phi lan rộng, đàn lợn của anh cũng ra đi. Bán tống bán táng lũ lợn, anh chuyển số tiền đó sang trả nợ xi sắt, quyết làm cho xong tường rào, đường hoa. Mấy tháng trời, lúc nào cũng thấy anh lụi cụi một mình tay dao, tay thước trên đường. Vợ anh thì sáng đi chợ, chiều về giúp chồng. Cả hai cùng say sưa xi vữa, cán láng chia ô, làm đẹp con đường. Năm mươi triệu vợ chồng anh bỏ ra để làm những việc đó. Bây giờ đoạn đường qua nhà anh trở thành đoạn đường đẹp nhất làng với những cây cảnh được cắt tỉa tạo dáng, nhiều loại cây hoa khoe sắc màu rực rỡ.

Không chỉ làm đẹp đoạn đường qua nhà mình, anh còn vận động bà con trong xóm làm đẹp cho cả tuyến đường dài. Cuối năm vừa rồi, anh cùng với mấy người nữa bỏ tiền ra mua xi cát sỏi để láng và trồng hoa nốt đoạn đường đầu trổ cách nhà anh mấy trăm mét. Các hộ trong xóm theo mô hình này cũng làm theo, vậy là toàn tuyến đường mới đã được láng thêm lề, trồng hoa và cây cảnh nhìn rất đẹp mắt, không chỉ là đường giao thông mà còn là một điểm nhấn về cảnh quan ở khu vực xóm núi.

Dân làng Phượng Hùng ai cũng tấm tắc ngợi khen cựu chiến binh Lê Đức Lưỡng, người có tấm lòng vàng và một tâm hồn đẹp, đúng bản chất Bộ đội Cụ Hồ.

ĐỖ XUÂN THU

 

VNQD
Thống kê