Nghĩa tình giữa thời bình

Thứ Năm, 02/03/2023 11:26

. ĐINH XUÂN NGỌC
 

Nói đến các đoàn kinh tế - quốc phòng Quân khu 4 là nói đến những địa danh Sài Khao, Tén Tằn (Thanh Hóa), Nậm Càn, Na Ngoi (Nghệ An), Cuôi, Cu Vơ, Cù Bai (Quảng Trị), A Đớt, A Roàng, Nhâm (Thừa Thiên Huế)… Những địa danh mà chỉ nghe thôi đã thấy xa xôi, hiểm trở, nghìn trùng. Vậy mà, những người lính trên mặt trận kinh tế - quốc phòng của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn gác lại nỗi niềm riêng tư để hàng ngày, hàng giờ có mặt ở những nơi tận cùng biên giới, chung tay cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 cấp tặng dê giống cho bà con nhân dân vùng dự án Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh, Hướng Hoá, Quảng Trị

Hôm nay đây đến với những người lính Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, người đầu tiên chúng tôi gặp là Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Nông lâm 52. Anh có nước da ngăm đen, vui tính, dễ gần, trò chuyện chất phác nhưng ẩn chứa một trái tim nhiệt huyết. Anh Phong quê ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, một trong những người đầu tiên của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 hành quân lên đây, bổ những nhát cuốc đầu tiên khai phá miền Tây Quảng Trị, xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh. Từ đó đến nay, với quãng thời gian 20 năm, có lẽ, anh đã chứng kiến biết bao đổi thay của vùng đất này. Anh tâm sự: “Trong chiến tranh, dù đói cơm, nhạt muối nhưng đồng bào Vân Kiều nơi vùng đất Hướng Hóa luôn đồng cam cộng khổ, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cùng bộ đội đánh giặc. Chiến tranh qua đi, gieo rắc lên mảnh đất này nỗi đau mang tên bom mìn, chất độc da cam dioxin, đói nghèo, hủ tục, lạc hậu… Điều đó luôn thôi thúc tôi cùng đồng đội gắn bó để tri ân đất và người nơi đây. Để đồng bào thoát đói giảm nghèo, sự gian nan, khốc liệt chẳng kém chiến sĩ công an, biên phòng đánh án ma túy hay chống buôn lậu. Từ nói cho dân hiểu, làm cho dân tin rồi cầm tay chỉ việc và cuối cùng là thoát nghèo bền vững là cả một chặng đường kiên trì, kì công và bền bỉ.”

Bộ đội Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 trao quà tết tặng bà con nhân dân vùng dự án Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh, Hướng Hoá, Quảng Trị

Bản Cuôi là nơi mà chỉ vài năm trước đây thôi, khi tôi đến phải đi bộ gần một ngày trời, đường như sợi chỉ nhỏ vắt vẻo trên vách đá dựng đứng. Cuộc sống bị đảo lộn khi “cơn bão” vàng sa khoáng quét qua khiến đời sống bà con khổ cực trăm bề, nhất là khi mưa rừng, lũ tràn về… Trở lại Cuôi giờ đây, xe của đoàn chúng tôi bon bon trên tuyến đường dài hơn 10 cây số do “bộ đội 337” thi công chạy dọc theo dòng Sê Băng Hiêng. Thêm nữa là điện thắp sáng, công trình nước sạch. Anh Phong chia sẻ: “Chúng tôi kiên trì bám trụ vận động để bà con không bỏ nương, bỏ rẫy, phá rừng tìm vàng sa khoáng. Mưa dầm thấm lâu, bà con tin bộ đội, thêm nhiều thửa ruộng mới được khai phá, nhiều nương rẫy được khôi phục, mọi người lại gắn bó với cây ngô, cây lúa, trồng rừng. Cuôi đã hồi sinh.” Và hôm nay, khi thóc trong nhà luôn đầy bồ, câu chuyện về những người lính 337 đưa cây lúa nước lên đỉnh Trường Sơn vẫn được bà con kể mãi. Họ luôn biết ơn bộ đội, biết ơn dòng Sê Băng Hiêng ngàn đời nay vẫn miệt mài vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở mang về dòng nước mát lành, để dệt nên những mùa vàng ấm no cho dân bản.

Có thể nói, từng nương ngô, ruộng lúa, rẫy cà phê, rừng bời lời nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu, của những người lính đi đuổi đói nghèo, nhưng trong họ có những nỗi niềm sâu kín mà không phải ai cũng hiểu. Cũng bên dòng sông Sê Băng Hiêng, tôi gặp Thiếu tá Lầu Bá Thông, Đội trưởng Đội sản xuất 3. Anh là người H’Mông quê ở Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An đã có vợ và hai con. Với người lính, hậu phương quan trọng biết bao, nhưng với anh Thông có thời điểm tưởng chừng hậu phương ấy không đứng vững khi cậu con trai mới 2 tuổi của anh không may qua đời. Cú sốc quá lớn khiến vợ anh bị trầm cảm nặng, anh vừa làm nhiệm vụ ở đơn vị, đồng thời phải thường xuyên động viên vợ, con vượt qua cú sốc ấy. Hôm nào anh cũng gọi điện về để chuyện trò với cô con gái nhỏ nay đã lên lớp 6 và vợ. Vợ chồng xa nhau (anh ở Quảng Trị, chị ở Nghệ An), nên chỉ có chiếc điện thoại là cây cầu nối gần lại. Giọng anh trầm xuống: “Hai chị em nó quấn quýt nhau lắm, giờ thì chỉ mong sao cháu cứng cáp để mẹ nó vững lòng. Được sự quan tâm của cấp trên, vợ chồng mình đang cố gắng cho cháu nó có chị có em.”

Bộ đội Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 giúp bà con nhân dân vùng dự án Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị dựng lại nhà ở bị sập do lũ quét

Tôi mỉm cười nhìn anh mà thấy nước mắt mình như chực trào ra, chỉ mong sao niềm vui nho nhỏ ấy bừng sáng nơi núi rừng heo hút này.

Còn nhớ những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2018. Mưa tuôn đổ tưởng như không ngớt xuống mảnh đất Mường Lát (Thanh Hóa) nơi thượng nguồn sông Mã. Điện mất, sấm chớp ì ùng, vạch ngang bầu trời vần vũ như chiếc chảo đen kịt khổng lồ úp sùm sụp xuống núi rừng. Những người lính Đoàn kinh tế - quốc phòng 5 tốp này, tốp khác lao vào màn đêm mưa gió giúp dân… Trận mưa lũ lịch sử đó khiến Mường Lát bị cô lập gần tháng trời. Bộ đội Đoàn 5 chia thành nhiều tốp lội bộ, sục bùn đến với bà con. Càng trong cơn hoạn nạn, tình quân dân càng được thể hiện. Thời điểm khó khăn nhất, những người bám trụ kiên cường, hết mình vì nhân dân vẫn là các anh. Trước dòng sông Mã dữ dằn, cuộn chảy, trở về đúng với bản chất của con ngựa bất kham tung bờm bay xuống hạ nguồn, các anh nhỏ bé biết nhường nào nhưng vẫn ngược lên, xuôi xuống cứu dân thoát khỏi thủy thần.

Bộ đội DĐoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân gặt lúa

Bản Poọng, xã Tam Chung tan hoang do mưa lũ, hình ảnh Đại tá Lê Thế Soái, người Đoàn trưởng quần ống cao, ống thấp, gương mặt phờ phạc vì mấy đêm mất ngủ bám trụ giúp dân luôn in đậm trong tâm trí bà con. Ông Vi Văn Lừn, người dân bản Poọng nhớ lại: “Quá khủng khiếp. Đang đêm bỗng đâu đất đá đổ ầm ầm, người già, trẻ em khóc thét khắp bản. Chỉ nháy mắt, 5 căn nhà ngập trong bùn đất. Dân bản chạy ra cũng không được, chạy vào núi cũng không xong. May sao, bộ đội Đoàn 5 cắt đường, băng rừng, đến đây vật lộn với lũ dữ cứu sống chúng tôi.”

Khi tôi gọi điện thoại gặp Đại tá Lê Thế Soái, hỏi tình hình bà con hiện nay, anh phấn khởi thông báo: “Nhờ sự chung tay, góp sức của mọi người, Mường Lát đã hồi sinh.” Bộ đội kinh tế - quốc phòng là thế, ở đâu gian khổ nhất là họ có mặt, khi những đống bùn đất chất quá đầu người vơi đi cũng là lúc các anh lại lên đường đến nơi dựng lại nhà mới cho bà con, chỉ lòng dân như một chứng nhân là ở lại.

Trước khi chia tay, niềm vui của tôi lại càng nhân lên khi được Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn kinh tế - quốc phòng 92, thông tin, có thêm những con đường mới nơi thung lũng Asho (A Lưới, Thừa Thiên Huế) do đoàn thi công đã đưa vào sử dụng. Thung lũng Asho - “vùng đất chết” vì chất độc da cam của đế quốc Mĩ rải xuống trong chiến tranh - đang khởi sắc từng ngày.

Đ.X.N

VNQD
Thống kê