Niềm tự hào ở vùng đất thiêng Quảng Trị

Thứ Sáu, 27/01/2023 00:25

. THÁI PHÚC BÌNH

Vĩ tuyến 17 - khát vọng thống nhất

Từ xa xưa, Quảng Trị có vai trò quan trọng và có vị trí chiến lược trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là chiến trường ác liệt và vùng tranh chấp từ thời Lê - Mạc đến Trịnh - Nguyễn. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng “khói lửa”, liên tục phải chống trả những đợt tấn công hung hãn của quân xâm lược.

Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”, sáng 30/4/2022, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: XUÂN DIỆN

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được kí kết. Theo đó, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mĩ. Quảng Trị là nơi đế quốc Mĩ để lại bao đau thương, mất mát, nhất là người dân và LLVT Quảng Trị. Nơi đây, có những địa danh đi vào lịch sử như Thành cổ, Chiến khu Ba Lòng, Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, Cồn Tiên, Dốc Miếu...

Quảng Trị là tỉnh duy nhất phải chịu nỗi đau vô hạn, trực tiếp mang trên mình vết thương chia cắt đất nước. Bởi vậy, nhiệm vụ chống chia cắt, giữ vững sự thống nhất đất nước để hậu phương nối liền với tiền tuyến, hỗ trợ lẫn nhau chiến đấu và chiến thắng là nhiệm vụ hàng đầu của quân và dân tỉnh Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu đó, địa bàn tỉnh Quảng Trị càng trở nên đặc biệt quan trọng; Vĩnh Linh, Cồn Cỏ… đã trở thành viên kim cương chói ngời trên tuyến lửa đầu cầu giới tuyến 17.

Trong chiến tranh chống đế quốc Mĩ, các huyện Nam sông Bến Hải được Mĩ - ngụy chọn làm địa bàn trực tiếp chia cắt chiến lược, vừa phòng ngự ngăn chặn miền Bắc tấn công, vừa gây dựng bàn đạp để khi có thời cơ tấn công xâm lược miền Bắc. Vì vậy, Quảng Trị trở thành đầu cầu chiến lược quan trọng để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Đây là nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, nơi đụng đầu lịch sử của hai chế độ, nơi quyết chiến, điểm vô cùng ác liệt của chiến tranh... Vượt qua những khó khăn, gian khổ, mất mát và hi sinh, quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết keo sơn, vững chí bền lòng, ngoan cường dũng cảm, ra sức xây dựng thế và lực, càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành và chiến thắng… - Thượng tá Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tự hào về vùng đất thân yêu.

Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chuẩn bị thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: XUÂN DIỆN

Quyết tâm giữ mãi Thành cổ

Cách đây 50 năm trước, vùng đất Quảng Trị trở thành tâm điểm chú ý của bạn bè quốc tế, nhân dân cả nước ta hằng ngày dõi tin chiến sự ở đây. Để hiểu rõ hơn về sự kiện này, chúng tôi tới khu chung cư Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An gặp Thiếu tướng Cao Xuân Khuông. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 (mật danh K8), Tỉnh đội Quảng Trị. Khi nhắc về khoảng thời gian chiến đấu ở Quảng Trị, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông giọng xúc động: “Trong suốt thời gian chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hằng ngày, bọn địch tổ chức từ 4 đến 5 đợt tiến công quân ta, với sự chi viện của hàng trăm lượt máy bay B52, phản lực, pháo mặt đất từ phía sau bắn ra, pháo biển từ Cửa Việt bắn vào hàng vạn quả. Qua 81 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã loại được 26.000 tên địch, đánh thiệt hại 19 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, bắn rơi 200 máy bay, phá hủy hơn 300 xe quân sự và 230 pháo các loại. Về phía ta, do điều kiện quá ác liệt nên cũng bị tổn thất lớn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thương vong…”

Sau khi kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cấp trên cử một số cán bộ đại diện cho LLVT địa phương ra Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Thành phần đoàn gồm 3 đồng chí: Lê Quang Thúy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Sư đoàn 320; Lê Ích Thu, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 và Cao Xuân Khuông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị. “Đầu tháng 11/1972, chúng tôi ra đến Hà Nội, lần lượt báo cáo với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu 2 ngày, có các đồng chí Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Trần Sâm… Tiếp đó, chúng tôi báo cáo với lãnh đạo Quân ủy Trung ương một ngày do đồng chí Văn Tiến Dũng chủ trì. Và ngày 26/11/1972 báo cáo đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trước lúc về, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Phải rút kinh nghiệm để tìm ra cách đánh mới ở thành phố, thị xã, để chúng ta không chỉ giữ được 81 ngày đêm, mà phải giữ được 100 ngày, 1000 ngày và giữ được mãi mãi bất cứ thành phố, thị xã nào…” - Thiếu tướng Cao Xuân Khuông nhớ lại.

Để tìm hiểu thêm nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, chúng tôi tới phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội để nghe nghe Thiếu tướng Giang Văn Thành kể chuyện thời chiến. Thiếu tướng Giang Văn Thành, Anh hùng LLVT nhân dân, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, giọng phấn khởi, xúc động: “Đầu năm 1972, tôi là chiến sĩ Tiểu đội Hỏa lực thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Ngày 17/11/1972, lúc đó tôi là trung sĩ được cấp trên chỉ định giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Trong suốt quá trình chiến đấu, chúng tôi nhận được sự yêu thương, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân, bộ đội địa phương, nhất là việc dẫn đường, giúp chúng tôi cứu chữa thương binh và làm công tác tử sĩ…”

Lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị diễu hành qua Kì đài Hiền Lương

“Đêm hoa đăng” tri ân anh hùng liệt sĩ

Dòng sông Thạch Hãn là nơi đã đi vào huyền thoại, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Cách đây 50 năm, để vào được Thành cổ Quảng Trị chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ và du kích của ta đã phải dàn hàng ngang bơi qua sông Thạch Hãn dưới làn bom dày đặc của kẻ thù. Trong đó có rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông và dòng Thạch Hãn đã trở thành “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”.

Dòng sông Thạch Hãn hôm nay dường như không còn vết tích của chiến tranh cách đây 50 năm. Hai bên bờ sông xanh ngút ngàn ngô, lúa. Thị xã Quảng Trị bên bờ sông đang từng bước đổi thay vươn cao, phát triển từng ngày. Thế nhưng, qua tiếp xúc với nhiều người dân bên bờ Thạch Hãn, chúng tôi vẫn cảm nhận được cái đau thương, mất mát từ chiến tranh vẫn còn đó.

Để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vùng đất thiêng Quảng Trị nói chung và dòng sông Thạch Hãn nói riêng, cách đây 10 năm, nơi đây khởi phát chương trình “Đêm hoa đăng”. Trung tá Hà Huy Công, Chính trị viên phó Ban CHQS thị xã Quảng Trị nhớ lại: “Chương trình Đêm hoa đăng khởi nguồn ý tưởng tổ chức vào năm 2012, đã trở thành hoạt động thường xuyên hàng tháng vào tối ngày 14 Âm lịch để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ngày 14/4/2022 (nhằm ngày 14/3 năm Nhâm Dần), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND thị xã Quảng Trị, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, LLVT trên địa bàn tổ chức chương trình Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Thông lệ, từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ ngày 14 Âm lịch tại hai bờ bắc và nam sông Thạch Hãn, cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề cùng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đến đây để chờ thời khắc thả hoa đăng. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào được tham gia, đồng hành các chương trình Đêm hoa đăng hay Lễ hội hoa đăng.”

Nhân dịp 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra chuỗi hoạt động kỉ niệm 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022) và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Đặc biệt, sáng 30/4/2022, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, diễn ra lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” - Trung tá Trần Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, cho hay.

Cùng chung cảm xúc ấy, Trung úy Nguyễn Sĩ Đan, Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị), chia sẻ: “Năm nay, lễ thượng cờ Thống nhất non sông được tổ chức trang trọng hơn, quy mô lớn hơn, hoành tránh hơn và rất đông người dân tham dự hơn so với những năm trước. Mỗi lần nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, chúng tôi thấy lâng lâng, xúc động và rất tự hào được học tập, công tác, rèn luyện ở vùng đất thiêng Quảng Trị anh hùng…”

Ai đến vùng đất thiêng Quảng Trị hôm nay, đều cảm nhận nơi đây thắm đậm tình đất, tình người. Bên dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, bất chợt tai tôi văng vẳng những câu thơ “xuất thần” của cựu chiến sĩ Thành cổ Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...

T.P.B

VNQD
Thống kê