Dòng chảy

Ra mắt tiểu thuyết viết về ngành tư pháp

Thứ Sáu, 10/06/2022 15:09

 Trong nền văn học Việt Nam không có nhiều tác phẩm viết về đề tài tư pháp, bởi đây là một lĩnh vực phức tạp, thậm chí là nguy hiểm, một người viết bình thường rất khó để có được tư liệu chính xác trong khi sự am hiểu về đề tài mình đang viết là bắt buộc đối với một nhà văn.

Vết dao ngược đêm trăng của nhà văn Dương Thanh Biểu đã đem đến cho bạn đọc một góc nhìn sâu, rộng, nhiều bất ngờ, bởi ông là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Sáng 10/6/2022 tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) tác phẩm đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn giới thiệu đến bạn đọc.

"Văn chương phải nói được điều gì đó và Dương Thanh Biểu qua văn chương đã nói được những yếu kém của ngành" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Vết dao ngược đêm trăng tái hiện cuộc đấu tranh cam go, khốc liệt giữa cái xấu và cái tốt, trắng và đen, chính nghĩa và phi nghĩa, cao thượng và thấp hèn. Và trên tất cả, tác phẩm mang đến sự nhân văn sâu sắc, hướng con người đến cái thiện dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Điều đáng nói là, tư pháp vốn là những câu chuyện mang đến sự khô khan, nguyên tắc nhưng nhà văn đã kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ văn chương và tư pháp để có được giọng văn logic, mềm mại, gây ấn tượng cả ở nội dung và nghệ thuật.

Chủ trì buổi giới thiệu sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn bày tỏ: Văn học Việt Nam gần đây đã phá vỡ ranh giới của các đề tài và nâng các đề tài lên. Tác phẩm này đã đem đến một hiện thực đầy rẫy sự nhiễu nhương nhưng đi tới cuối cùng vẫn là cái ác phải chịu khuất phục trước cái thiện. Trong chiến tranh ta nhìn thấy kẻ thù rất rõ nhưng trong hoà bình chúng ta không còn xác định rõ nữa, kẻ thù nằm đâu đó trong chúng ta và trong chính ta. Tác phẩm cho thấy một loại tội phạm bên ngoài chúng ta và một loại tội phạm bên trong ta, đó là sự sa ngã. Chỉ có hướng đến cái thiện và sự nhân văn chúng ta mới tìm thấy được. Đứng trước cái ác sự thách thức về nhân cách con người mới được đặt ở mức cao nhất. Nhà văn Dương Thanh Biểu đã đi đến tận cùng cái ác và mang nhân văn trùm lên tất cả.

Cái ác có thể hiển lộ có thể khuất lấp, cái đẹp cũng như vậy. Cuốn sách cảnh báo hiện thực chúng ta đang đối đầu và dự báo những điều có thể xảy ra. Những trang viết mang đầy tính hình sự nhưng cũng tha thiết khắc khoải về cái đẹp trong cuộc đời, trong con người. Nhà văn Dương Thanh Biểu là người có nhiều tư liệu nhưng ông đã lí giải con người, sự việc bằng giọng văn logic, cuốn hút và thoát ra được vai trò của người chép tư liệu. Ông chú trọng vào nghệ thuật diễn tả, trần thuật để nói đến thân phận con người, đề cao sự nhân ái, bao dung.

Là người đồng đội, là bạn chiến đấu cùng sư đoàn của nhà văn Dương Thanh Biểu năm xưa, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ: Đến nay, ba trong số chín tác phẩm văn học của Dương Thanh Biểu là viết về những năm tháng kháng chiến chống Mĩ: Một thời trận mạc, Nỗi niềm người lính, Từ cuộc chiến đến cuộc chiến và tập truyện ngắn Mãi là người lính. Năm tác phẩm còn lại thì có phần khác, ngòi bút tác giả rời quá khứ thời chiến để nhập thế cuộc đương thời. Song, ngẫm ra, lại không mấy khác, bởi vì văn chương của anh cũng tựa như cuộc đời của anh vẫn là ‘từ cuộc chiến đến cuộc chiến’, từ người lính trên chiến trường chống ngoại xâm đến mặt trận chống nội xâm và anh luôn tự nhận mình là người lính Cụ Hồ… Nhà văn đã kết hợp được rất tự nhiên, hợp lí và nhuần nhuyễn ngôn ngữ văn học với ngôn từ của pháp luật. Tình tiết, chi tiết của những vụ việc của anh vừa độc đáo, đặc sắc, rất đời, vừa chính xác, chuẩn mực khiến câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn một cách tự nhiên, không hề bị sa vào lối viết cố tình tạo gay cấn, không gượng gạo, lắp ghép.

Xuyên suốt Vết dao ngược đêm trăng là cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Những câu chuyện xảy ra trong đời sống xung quanh chúng ta với sự khốc liệt, cam go, phức tạp. Những cán bộ kiểm sát phải làm sao để bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống lại cái sai trước những tác động nhiều chiều, trước lợi ích, cám dỗ, đe dọa, mưu mô, thủ đoạn… Không chỉ là đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà ở đó còn là bản lĩnh, đạo đức và sự quyết tâm đi đến tận cùng để tìm ra lẽ phải. Nhà văn Dương Thanh Biểu đã khéo léo tránh được sự khô khan, chồng chéo của tư liệu, pháp lí. Đồng thời ông cũng tránh thu hút công chúng bằng sự ồn ào, giật gân, hướng đến một tác phẩm văn chương mang đậm hơi thở của hiện thực.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận định: Tác phẩm Vết dao ngược đêm trăng hấp dẫn và thu hút người đọc từ đầu đến cuối với cách dàn dựng, bố cục không làm rối bạn đọc mà rất mạch lạc, sáng rõ. Qua tác phẩm ta thấy cái tốt đẹp không bao giờ mất đi, trái lại nó luôn được gìn giữ, bảo tồn và nảy nở trong cuộc sống. Chính đó là nền tảng để xây dựng xã hội nhân văn, công bằng, giàu lòng trắc ẩn, vị tha. Thông điệp ấy xuyên suốt tác phẩm, chi phối đến cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và cả cảm xúc của tác giả.

Là người có gần 40 năm gắn bó với nghề kiểm sát kết hợp với khả năng văn chương của mình nhà văn Dương Thanh Biểu đã rất khéo léo xây dựng hai tuyến nhân vật phản diện và chính diện. Sự đối lập trong nội tâm, tính cách, ứng xử của các nhân vật đã dẫn dắt người đọc đến những tình huống gay cấn, éo le, căng thẳng.

Trung tướng Phạm Văn Các, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an phát biểu: “Đọc Vết dao ngược đêm trăng tôi nhận ra ngay đây là tấm gương phản chiếu cuộc đời tác giả. Bản thân tôi có thời gian dài công tác gắn bó với nhà văn Dương Thanh Biểu, các sự kiện và con người được tác phẩm tái hiện mang hình bóng của chúng tôi, những người làm nhiệm vụ điều tra, truy tố và xét xử. Khi anh Dương Thanh Biểu là kiểm sát viên và tôi là điều tra viên được giao giải quyết nhiều vụ án lớn, có vụ liên quan đến nhiều địa phương trong cả nước, có vụ liên quan đến tiêu cực trong nội bộ các cơ quan tư pháp nhưng đều được anh em tôi giải quyết chính xác. Đằng sau những khó khăn gian khổ của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm là những bài học bổ ích cho các cán bộ thực thi công lí. Đó là những bài học về đạo đức, nghề nghiệp, bài học cẩn trọng, tỉnh táo trước những cạm bẫy cuộc đời…”

Văn chương là sự hư cấu nhưng chất liệu của văn chương chính từ đời sống, từ hiện thực sinh động xung quanh chúng ta và trong chính đời sống của chúng ta. Vết dao ngược đêm trăng được viết dưới ngòi bút của một nhà văn làm tư pháp nên hiện thực khốc liệt và hư cấu văn chương dường như đã trở nên đan xen hòa quyện vào nhau để đem đến cho bạn đọc một bức tranh hiện thực nhưng cũng mang đầy tính nghệ thuật. Và nghệ thuật ấy sẽ phản chiếu lại hiện thực để chúng ta nhận ra những giá trị của lẽ phải, của nhân văn mà tác phẩm gửi gắm.

Tác giả cuốn sách, nhà văn Dương Thanh Biểu, từ đầu đến cuối buổi giới thiệu sách ông chỉ lặng lẽ chăm chú lắng nghe mọi ý kiến, nhận định. Sau cùng, khi được mời phát biểu ông chỉ nhỏ nhẹ nói: “Tôi muốn đưa những câu chuyện như thế này ra đời sống. Mỗi tổ chức mỗi lĩnh vực đều có ưu điểm và khuyết điểm. Tôi muốn tái hiện tất cả để các cơ quan đổi mới phù hợp hơn, trong sáng hơn.”

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)