Dòng chảy

Cẩm nang cơ bản của nữ quyền luận

Thứ Sáu, 03/06/2022 14:53

Nếu so với một trong hai tác phẩm được coi là đặt nền móng cho phong trào nữ quyền, bao gồm Giới tính thứ hai của Simone de Beauvoir và Bí ẩn nữ tính của Betty Friedman; thì Nữ quyền cho tất cả mọi người (Nxb Phụ Nữ Việt Nam ấn hành, Trần Ngọc Hiếu dịch) của bell hooks (chủ đích không viết hoa) có độ ngắn… đáng kinh ngạc, khi chỉ bằng khoảng 1/5 dung lượng của các tác phẩm kể trên.

Đáng nói đây là mục đích của chính tác giả, với mong muốn giúp nữ quyền luận trở nên phổ biến, để mọi người ở mọi giới tính, độ tuổi, trình độ đều có thể đọc được.

bell hooks (1952-2021) hay Gloria Jean Watkins, là một nhà nữ quyền cũng như nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mĩ gốc Phi. Bà hoạt động ở một lĩnh vực khá rộng, khi nghiên cứu văn chương cũng như là một tác giả sách, không chỉ cho người lớn mà cả thiếu nhi. Với mong muốn làm nên một tác phẩm cô đọng, tương đối dễ đọc, dễ hiểu, không nhiều thuật ngữ hàn lâm nhưng vẫn trung thực và sáng rõ; Nữ quyền cho tất cả mọi người ngay từ mặt ngữ nghĩa, đã cho thấy tham vọng tiếp cận, cũng như tuyên chiến với truyền thông chính mạch; về sự chống đối cũng như tính chất “cải lương” vẫn còn hiện diện trong chính phong trào nữ quyền.

PHONG TRÀO GIẢ HIỆU

Một trong những tham vọng mà bell hooks đặt ra trong cuốn sách này đó là phơi bày những gì còn tồn động trong các phong trào nữ quyền hiện đại. Đó là cái bóng, cũng như “cơ hội” chống phá góp phần đảm bảo cho xã hội gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng chiếm thế thượng phong. Ngay từ định nghĩa, bà đã khẳng định trọng tâm của phong trào nữ quyền là xóa bỏ cũng như chấm dứt các định kiến về giới, cũng như áp bức và bóc lột về giới; mà không đơn thuần là chỉ giành lại quyền lợi công bằng - bình đẳng như vốn vẫn nghĩ.

Tác giả, nhà hoạt động nữ quyền bell hooks (1952-2021)

Chính sự tiếp cận bề nổi, không sát sao đã gây nên những luồng tư tưởng muôn đời, về việc các nhà nữ quyền ghét đàn ông ra sao, rằng họ là bọn đồng tính nữ, họ khởi nghĩa để chiếm công ăn việc làm dù cho nam giới bây giờ tìm việc đầy khó khăn… Những sai lầm này đã biến nữ quyền thành phong trào chống lại nam giới, và có phần “nửa mùa” của các nhà tư tưởng “cải lương”.

Cũng như Betty Friedman trong Bí ẩn nữ tính, bell hooks khẳng định giải phóng phụ nữ phải gắn liền với bình đẳng giai cấp, trong một xã hội dường như quá thượng tôn da trắng. Đi sâu vào trong vấn đề, bell hooks đã cho thấy rằng phong trào nữ quyền của ngày hiện đại đang bị phân cực bởi các nhà tư tưởng “cải lương”, và mặt nào đó, họ đang chắn đường những nhà tư tưởng cách mạng.

Nếu các nhà tư tưởng cải lương chủ trương duy trì xã hội bất công, và mục đích tối thượng mà họ hướng tới chỉ là đòi hỏi một sự công bằng giữa hai giới tính nhị nguyên; thì đối với các nhà tư tưởng cách mạng, nữ quyền đòi hỏi một cuộc cải cách trật tự xã hội thật sự và phải sâu sắc, thế nhưng nghịch lí là nó thường bị “dìm” vào trong mạch chính, cũng như bị quy cho là kinh viện.

Sự xuất hiện của đối trọng “cải lương” là một trong những thách thức chính mà các phong trào nữ quyền cũng đang gặp phải. Đó là thứ nữ quyền cấp tiến bị phủ bóng dựa trên phong cách sống đầy hời hợt. Đó còn chính là kẻ thù bên trong, khi chủ nghĩa cơ hội ẩn nắp bởi chính phụ nữ cũng như nam giới. Biểu trưng rõ ràng nhất là tình chị em giả hiệu, khi họ không thể vượt qua những ranh giới về chủng tộc, giai cấp, cũng như không sẵn sàng từ bỏ quyền lực của mình để thống trị và bốc lột phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn.

Trong cuốn tiểu thuyết Truyện trẻ con nổi tiếng của mình, nữ văn sỹ A.S. Byatt đã tái khắc họa sự giả hiệu này vô cùng ấn tượng, khi những phụ nữ da màu “không thể chịu nổi” cách vận hành của người cùng giới da trắng trong hội Fabiens, khiến họ trở nên yếm thế và dần tách riêng thành một đối trọng. Cũng như bell hooks khẳng định, phong trào nữ quyền nếu không gạt bỏ tư tưởng thượng tôn da trằng thì sẽ không đào sâu đến được phong trào chống phân biệt chủng tộc cùng đi song hành.

Không chỉ riêng về vấn đề giới, bell hooks cũng đặt ra một góc nhìn thú vị về mặt chính trị, với chủ nghĩa da trắng tân thực dân giờ đây đặt để phụ nữ yếm thế lại phía đằng sau. Khi nói về những hạn chế nữ quyền như nạn mãi dâm ở Thái Lan hay khăn che mặt ở Trung Đông… người ta thường không nhìn xa theo kiểu tác hại của nó đối với sức khỏe cũng như văn hóa; mà phần lớn chỉ coi những vấn đề này theo tính địa phương. Từ đây, vấn đề về sự phân cách địa vị đã hiện hình ra, khi phụ nữ Mĩ dường như luôn được ngầm hiểu sẽ là lực lượng lãnh đạo giải phóng phụ nữ ở thế giới thứ ba. Cũng như sắc tộc, điều này vẫn là thực tế còn đang tồn tại hiện nay của phong trào nữ quyền.

Trong chương về việc làm rõ định kiến giới, bell hooks cũng đã nhấn mạnh vai trò của nam giới, rằng một khi họ không tham gia thì phong trào nữ quyền sẽ không bao giờ có thể thành công. Điều đó rõ ràng là được cải thiện hàng ngày, hàng giờ; khi ngày càng có nhiều nam giới đi theo đường hướng triệt tiêu định kiến giới, đem lại tự do cho người phụ nữ. Tuy nhiên cũng không tránh được chủ nghĩa cơ hội, mà cũng như vị thế thượng đẳng của phụ nữ; sự giả hiệu vẫn còn tồn tại,khi phong trào nam giới trong nữ quyền trung thành duy với mục đích giành lại một sự công bằng, mà không quan tâm đến các vấn đề về giới nói chung, từ đó khả thể thay thế là sự “nữ tính hóa” nam giới.

MỘT GÓC NHÌN MỚI

Tuy đã cho thấy được những hạn chế của phong trào nữ quyền đương đại, thế nhưng bell hooks cũng không quên đặt ra hướng đi cho các phong trào sắp tới đây, nhằm làm dày hơn nữa khiên chống cho những chỉ trích của truyền thông chính mạch, của định kiến giới chưa được hiểu đúng; cũng như tính cục bộ hóa của các tư tưởng nữ quyền luận.

Theo đó bell hooks kêu gọi các nhà tư tưởng đến gần hơn nữa với nhóm mạch chính, với đông đảo người đọc; khi cũng như Nữ quyền cho tất cả mọi người, rất ít và dường như chưa có tác phẩm nào có sự phổ biến rộng rãi ở trong công chúng. Bà nói: “Nếu ta không hành động để tạo ra một phong trào rộng rãi, đem giáo dục nữ quyền đến với mọi người, cả nữ giới và cả nam giới, lý thuyết và thực thành thì nữ quyền sẽ luôn bị làm xói mòn bởi những thông tin tiêu cực mà phần lớn truyền thông đại chúng chính mạch tạo nên”.

Tác phẩm Nữ quyền cho tất cả mọi người do Nxb Phụ Nữ Việt Nam ấn hành, Trần Ngọc Hiếu dịch.

Nữ quyền cho tất cả mọi người cũng phá bỏ một cách hoàn toàn định kiến về những tư tưởng thời đại, cho rằng nữ quyền luận phải gắn với kinh tế, chính trị, xã hội. bell hooks trong tác phẩm này không ít lần sử dụng tính chất cá nhân, để viết về những vấn đề bạo lực, giới tính cũng như tình yêu, tâm linh trong các vấn đề nữ giới. Nữ quyền ẩn sâu trong những vấn đề thường thấy hàng ngày, nó xuất phát từ những góc nhìn bình dị dựa trên triệt tiêu định kiến giới, và nếu tư tưởng gia trưởng chưa thôi nắm giữ một vị trí tích cực, thì khúc khải hoàn của nữ quyền luận dường như vẫn còn xa rời và chưa hoàn toàn được giải quyết một cách toàn diện.

Ở các chương cuối, bell hooks cũng nhấn mạnh hơn cốt lõi của nữ quyền luận thực chất là tình yêu, sự đồng cảm hướng tới tự do, thông qua giảm thiểu các vị thế độc tôn, trịch thượng; tôn trọng khác biệt cũng như chấp nhận sự đa dạng. Đó là một sự gắn kết giữa người với người bằng tình yêu thương, là con đường nhanh nhất để hiểu nữ quyền, các phong trào phụ nữ một cách đúng đắn, không thiên kiến, không “cải lương” và là nó nhất.

*

Nữ quyền cho tất cả mọi người là cuốn sách nhỏ, thế nhưng ẩn chứa sức mạnh vô song về những vấn đề được nghiên cứu kỹ, đi sâu vào trong bản chất và không khoan nhượng. Kết hợp được tính cá nhân cũng như các góc nhìn từ những nghiên cứu sâu rộng, bell hooks đã định nghĩa lại một cách cần thiết về nữ quyền, phong trào nữ quyền; cũng như xóa bỏ định kiến đang còn tồn tại về vấn đề này. Một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu và dành cho tất cả mọi người.

THUẬN NGÔ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)