Dòng chảy

Nghệ thuật là những giá trị còn lại

Thứ Năm, 22/12/2022 09:53

 Phù thế là không gian nghệ thuật - văn hóa của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức được trưng bày tại Tầng 2 - Trung tâm Thương mại Mipec Long Biên, số 2 Long Biên, Hà Nội. Với hơn 100 bức tranh được thực hiện trên nhiều chất liệu, được trưng bày, sắp đặt trong không gian tái hiện lại không khí văn hóa Việt. Ở đó vừa có những dấu ấn của những giá trị truyền thống, vừa có những sắp đặt mang tinh thần đương đại.

Triển lãm mang đến sự độc đáo và ấn tượng cho công chúng trước hết bởi không gian nghệ thuật mà họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã dày công sáng tạo. Đó là một không gian mang bản sắc Việt với cổng vào mô phỏng cánh cổng làng quê ở Bắc Bộ, phía trong là gian nhà gỗ, bàn trà… những chi tiết này nhắc chúng ta nhớ về những giá trị bền vững theo thời gian và thời cuộc. Những tác phẩm hội họa của họa sĩ được sắp đặt trong một không gian mang tính sắp đặt nhưng cũng rất tự nhiên, tạo ra một không gian nghệ thuật, một đời sống nghệ thuật riêng biệt.

Những tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức phác thảo ý tưởng năm 2018-2019. Từ tháng tư năm nay thì ông thực hiện những phác thảo đó một cách hoàn chỉnh và ông nghĩ đến một triển lãm cá nhân.

Chia sẻ về triển lãm Phù thế, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết: Đó là những tác phẩm được vẽ theo tinh thần của cá nhân. Tinh thần cá nhân mình vẽ ra thế nào thì gọi tên thế đó. Những tác phẩm của ông ở triển lãm này mang tính chất bồng bềnh, không chắc chắn, không cố định. Ông dựng ngôi nhà, treo tranh theo tinh thần “phù thế”. Phù thế là một quan niệm sống theo tinh thần Đạo Lão. Phù thế là từ chối những thực tế để lựa chọn sự tự nhiên, sự phù du, và dần dần điều này thành lối sống. Lối sống ấy ngày càng được bồi đắp thành một tinh thần sống, quan niệm sống...

Có người quan niệm hoạ sĩ nên vẽ hàng ngày để có được sự chuyên nghiệp, người thì đợi có cảm xúc mới vẽ, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng vẽ là đi tìm sự cân bằng. Ông không có những đề tài định sẵn, ông vẽ như sự giải thoát, cân bằng chính tâm hồn và cuộc sống của mình. Ông vẽ trong lúc thấy hoang mang một chút, vô nghĩa một chút, khi thấy đời sống mất cân bằng và nhận ra con người là cao cả… Từ đó vỡ ra những cảm xúc, ý tưởng để đưa vào tác phẩm. Ông để mọi thứ kéo mình đi và ông cũng đẩy mọi thứ đi theo sự tự nhiên ấy. Bộ tranh triển lãm lần này ông có ý tưởng và phác thảo trong giai đoạn dịch bệnh Covid đang ở vào những lúc căng thẳng nhất. Lúc đó ông suy nghĩ nhiều về con người và thấy có những sự ích kỉ, vô nghĩa ở xung quanh. Ông muốn trở về với số không, không là gì cả sau tất cả mọi thứ. Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng cảm thấy các nghệ sĩ vẫn quan tâm đến giá trị của mình nhiều hơn giá trị của xã hội, nên cần phải có sự cân bằng, vô thức khi sáng tạo. Ông không lên án, không phê phán điều gì qua tác phẩm của mình bởi ông quan niệm, có thể có những điều đúng với người này nhưng sai với người khác, mọi nguyên nhân của mâu thuẫn, xung đột đều là sự tranh đúng, háo danh. Lùi lại phía sau để nhìn lại toàn bộ mà quên mất tấm lòng mới là quan trọng. “Hãy sống đúng thôi, bằng cách lắng nghe mình. Nghệ thuật cũng là tự lắng nghe mình”, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh.

Với hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, cuộc sống và nghệ thuật có những sự nhất quán: Thản nhiên đón nhận mọi thứ, bình thản trước những xung đột về quan điểm. Ông cho rằng, trước đây đã có một nền nghệ thuật đầy tính áp chế, đầy tính quy ước. Tại sao chúng ta không để cho mọi xu thế cùng chung sống, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải tự trưởng thành. Điều này sẽ bảo vệ và khuyến khích tính cá nhân cao, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật…

Là một nghệ sĩ đa tài, bên cạnh hội hoạ ông còn làm phim cũng như tham gia vào lĩnh vực điện ảnh nên ông đã lấy ngôn ngữ của điện ảnh để đưa vào hội hoạ. Điện ảnh bao giờ cũng có nội dung, không gian, bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, tiếng động, sự chuyển đổi chuyển dịch… Song song với triển lãm tranh, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc đặc sắc với một số loại hình âm nhạc truyền thống như: Ca trù, chầu văn, quan họ, chèo, tuồng. Ông quan niệm đó là những giá trị văn hoá gốc, văn hoá tự thân, bản sắc của người Việt. Ông tâm sự: Khi trải nghiệm đến một mức nào đó ta sẽ thấy rất nhiều giá trị mà chúng ta vốn xem nhẹ thậm chí là bài xích thì nó lại là một giá trị không thay đổi được, nó có lí do tồn tại của nó.

Một buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong khuôn khổ triển lãm Phù thế.

Phù thế nói lên nhiều điều nhưng cũng ở đó ta thấy được sự tự tại, thản nhiên, không-gì-cả. Không gian ấy có sự hỗ trợ của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng trên tất cả, đó là tư tưởng của người tạo ra nó. Xuyên suốt câu chuyện của không gian Phù thế chính là quan niệm của hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức: cái còn lại của nghệ thuật là giá trị thẩm mĩ, giá trị cá nhân và giá trị ứng dụng. Và nghệ thuật chính là những giá trị còn lại, sau tất cả…

Triển lãm Phù thế kéo dài đến ngày 25/12/2022 tại tầng 2 -Trung tâm Thương mại Mipec Long Biên, số 2 Long Biên, Hà Nội.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)