Dòng chảy

Mễ Trì, lắng trong hương cốm

Chủ Nhật, 18/12/2022 13:23

Bút kí. NGUYỄN XUÂN THỦY

Năm 2018, tôi mua một căn nhà nhỏ tại Mễ Trì. Khi đó tôi đang sống ở Mễ Trì Hạ, nơi ngã ba phố Đồng Me giao với Mễ Trì Thượng. Khi dự định mua nhà, vợ tôi không muốn ở quá xa nơi ở cũ nên có “giao kèo”, chỉ nhà dọc phố Đồng Me mới mua. Tôi lần mò hỏi han, nhờ người làng giới thiệu mãi vẫn không có căn nhà nào vừa tiền, vừa ý mà lại đáp ứng được yêu cầu ấy. Cuối cùng, nhờ mò mẫm vào các diễn đàn bất động sản trên mạng tôi tình cờ tìm được một căn, tuy giá có cao hơn khả năng tài chính của chúng tôi khi đó nhưng tôi vẫn quyết định mua vì nhà ưng ý, vị trí lại rất gần nơi chúng tôi đang ở tạm. Căn nhà mới tuy thuộc Mễ Trì Thượng về địa giới hành chính nhưng nếu đi “cổng hậu” lại rất gần Mễ Trì Hạ, là khu vực tiếp giáp giữa hai làng. Thế là tôi thành cư dân của Mễ Trì Thượng, thuộc ngõ 112, con ngõ mà người làng vẫn quen gọi Ngõ Đình, vì ngõ đi vào đình làng Thượng. Sân đình rộng, vừa là chỗ gửi xe ô tô của cư dân khu vực, vừa có nhà văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động của dân cư trong khu vực. Tại khuôn viên đình còn có một nhà bia nhỏ ghi lại cuộc ném bom bằng B52 của đế quốc Mĩ vào Hà Nội, trong đó có những trận rải thảm trúng địa bàn Mễ Trì, tháng 12 năm 1972. Tôi vốn trưởng thành từ Quân chủng Phòng không - Không quân nên cũng khá quan tâm đến sự kiện ấy. Đã từng đi gặp gỡ các nhân chứng bộ đội tên lửa, pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, đã từng về Khâm Thiên viết bài về những thiệt hại do B52 Mĩ rải thảm dọc con phố này với những cảnh tượng thương tâm kinh hoàng nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu và cặn kẽ về những ngày B52 đánh vào Mễ Trì, dù đã về làm rể và sinh sống tại đây hơn chục năm, trong khi cuộc đối đầu với B52 ở đây cũng không kém phần khốc liệt, có đến gần một trăm người Mễ Trì đã ngã xuống trong sự kiện tang thương năm ấy. Giống như Khâm Thiên, mỗi năm, làng Mễ Trì vẫn có một cái giỗ chung cho những người thiệt mạng do B52 là ngày 14 tháng 11 âm lịch. Và chính tôi cũng không ngờ khu vực nhà mình chính là cái “rốn bom” của Mễ Trì những ngày tháng Chạp 50 năm trước.

Bia ghi nhớ sự kiện B52 đánh Mễ Trì tháng 12 năm 1972 và vỏ một quả bom được lưu giữ trong khuôn viên đình làng Mễ Trì Thượng.

Khi tôi hỏi về những ngày B52 đánh Mễ Trì, hóa ra bà hàng xóm đối diện nhà tôi qua con ngõ chưa đầy hai mét lại là một nhân chứng sống động. Chính bà năm xưa là cô gái tham gia đội cứu thương, đem bông băng đi cữu chữa cho các nạn nhân sau trận oanh kích, bà Nguyễn Thị Chinh, ở số nhà 20, ngõ 112/61, Mễ Trì Thượng. Bà Chinh cho biết, kề sát tường nhà tôi, nơi nhà một người hàng xóm khác đang ở, vốn là căn hầm trú ẩn bị bom đánh sập, bà cùng mọi người đã tìm cách đào bới để cứu người. Năm ấy hai người trú ẩn trong hầm đã bị chết ngạt. Ngoài ra bà đã bới đất đá tìm được một đứa bé bê bết bùn đất, đất lèn đầy mồm miệng khiến đứa bé tím tái, cô gái mười tám tuổi tham gia đội cứu thương là bà khi ấy phải dùng miệng hút sạch đất cát trong mũi, mồm đứa bé ra, cuối cùng đã cứu được sinh linh bé bỏng. Câu chuyện được bắt đầu như thế. Rồi tôi theo chân người hàng xóm ấy, cùng bà lần lại những trang sử một thời…

Chúng tôi đứng trò chuyện trước cửa hai nhà. Bà Chinh tiếp tục câu chuyện bằng cách chỉ tay ra cuối ngõ thông với Mễ Trì Hạ, nơi có hàng rau củ thi thoảng tôi vẫn chạy ra mua, đối diện một phản bán thịt lợn, kiểu chợ cóc phục vụ cư dân trong khu vực như hàng trăm, hàng nghìn ngõ ngách khác của Hà Nội, “nhiều lắm, mẹ ông bán rau kia cũng mất vì bom B52”. Và bà kể về cái chết ấy theo kiểu câu chuyện gần vị trí chúng tôi đứng trò chuyện nhất. Hóa ra người đàn ông lòng khòng ngày ngày vẫn nhặt mớ rau quả cà bán cho khách trước mắt tôi, chính mẹ ông cũng thiệt mạng trong đợt bom năm nào. Một cái chết thương tâm thi thể không toàn vẹn, như nhiều nạn nhân khác, bởi sức công phá quá lớn. Cái chết của mẹ ông gắn với một câu chuyện khá lạnh người tôi từng nghe khi về Mễ Trì sinh sống. Bom thả, người chết, trâu bò gà lợn trong làng cũng chết, thịt xương tơi tả khắp nơi. Sau trận bom, dân làng tổ chức cứu nạn, thu dọn chiến trường, xác người thì gom lại để làm ma, gà lợn, trâu bò thì nhặt nhạnh được ít thịt vụn nào gom lại để ăn cho đỡ phí. Buổi tối hôm ấy, người đàn ông cách nhà người phụ nữ nạn nhân mấy trăm mét trong khi dọn dẹp sau một trận oanh kích bắt được một “miếng thịt lợn”. Ông nhặt cho vào bát tô úp kín đấy để sáng mai nấu. Sáng hôm sau, ông mang bát đựng miếng thịt ra, lúc này mặt trời của một ngày mới đã lên, có đủ ánh sáng để mọi thứ tỏ tường, mở nắp đậy ra thì “miếng thịt lợn” đêm qua hiện nguyên hình là một mảng vú phụ nữ còn nguyên núm. Bây giờ tôi mới biết, mảng vú ấy chính là của mẹ ông lão bán rau đầu ngõ theo lời kể của bà Chinh. Sau 50 năm, ngay cả ông hàng xóm có sự nhầm lẫn rợn người khi xưa tuổi cao cũng đã ra đi lâu rồi. Những chuyện ấy người làng vẫn kể, tôi cũng đã nghe đây đó nhưng phải đến khi bà hàng xóm chỉ tận nơi thì tôi mới biết gốc tích các nhân vật. Tôi cũng không đi hỏi để xác minh lại chuyện này, vì chẳng để làm gì, nhưng nó, câu chuyện mà ngay cả khi kể lại cũng thấy có chút bất nhẫn ấy, đã như chiếc chìa khóa ám ảnh tôi mãi về những gì xảy ra nửa thế kỉ trước trên mảnh đất này.

Tất nhiên, lịch sử của một vùng đất thì còn dày và sâu hơn thế…

*

*      *

Từ xa xưa, Mễ Trì gồm các làng cổ tụ thành. Những cư dân đầu tiên đã đến đây khai phá đất đai, lập nên làng xóm. Ban đầu làng từng có tên gọi Anh Sơn. Theo giải thích của các bậc cao niên, Anh là hoa, Sơn là núi, Anh Sơn có nghĩa là Núi Hoa. Tên gọi Anh Sơn hiện vẫn còn lưu giữ trên cổng làng, khi Mễ Trì xây dựng các cổng làng mới, ba chữ Hán “Ạnh Sơn môn” vẫn được sử dụng. Một số di tích trong làng cũng còn lưu lại tên gọi này. Còn tên gọi Mễ Trì có xuất xứ gắn liền với nghề trồng lúa. Ở đồng làng Mễ Trì trước đây có một đầm nước lớn, rộng đến 40 mẫu, dân trong làng canh tác trên đầm, chỗ nước sâu thì trồng sen, còn chỗ nước nông xung quanh đầm thì trồng lúa theo dạng ruộng bậc thang cao dần vào trong. Gạo tám thơm của làng ngon nức tiếng. Tám thơm Mễ Trì xưa có nhiều loại: tám thơm, tám xoan, dự hương, dé canh… trong đó gạo tám thơm đứng đầu về độ thơm dẻo, thường được lựa chọn để tiến vua. Tiếng thơm đó lan truyền để loại gạo ấy được coi là một sản vật Hà Thành. Có hai câu thơ còn lưu truyền về sản vật các vùng miền trong đó nhắc đến gạo Mễ Trì lưu truyền mãi đến hôm nay: Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn. Người dân Mễ Trì có kinh nghiệm trồng lúa lâu năm, đã trở thành tập quán canh tác riêng của địa phương. Các cụ già trong làng kể lại rằng, ngày xưa, để có loại gạo tám thơm ngon, không lai tạp, người trồng lúa ở Mễ Trì phải rất kì công, từ chọn giống, cày cấy đến chăm sóc, thu hoạch. Ngay cả khi lúa đã chín, họ sẽ chờ ngày mưa để ra ruộng cắt lọc những bông lúa vỏ đỏ lẫn vào ruộng loại ra, vì khi trời mưa, vỏ lúa ướt mới dễ phân biệt màu sắc. Bởi thế, lúa thu hoạch sẽ cho ra loại gạo ngon đồng nhất, nghìn hạt như một. Để phục vụ cho việc cày sâu bừa kĩ, người dân Mễ Trì cũng chăm sóc trâu bò, nguồn sức kéo chủ lực rất chu đáo. Bà con thường đi xa hàng chục cây số cắt loại cỏ mật thơm về phơi khô dự trữ cho trâu bò ăn vào mùa đông giá rét. Sen nơi đầm nước rộng ấy được trồng lấy hương và lấy hạt. Và có lẽ sự kết hợp lá sen gói cốm non được làm từ nếp hương gặt trên những thửa ruộng bên đầm đã bắt nguồn từ ngày ấy, để đến hôm nay, thói quen này vẫn được duy trì như một nét văn hóa Hà Thành. Một gói cốm bán ra, trong lót lá giáy tươi để giữ ẩm, ngoài bọc lá sen thơm, buộc bằng đôi sợi rơm nếp vàng, sự kết hợp tuyệt vời đã lắng đọng, lọc sàng qua hàng trăm năm. Khách phương xa giở gói cốm thơm như bắt gặp một nét văn hóa, xao động cả cõi lòng.

Tên gọi Mễ Trì gắn liền với việc trồng cấy ra giống lúa tám thơm nức tiếng từ những ngày xưa ấy. Tương truyền, vào đầu thế kỉ XI, khi dân làng mang gạo tám thơm tiến vua, vua Lê Đại Hành thấy địa phương có giống gạo quý, thơm ngon bèn ban cho làng hai chữ Mễ Trì, Mễ có nghĩa là gạo, Trì có nghĩa là ao, đầm, Mễ Trì có nghĩa là Đầm Gạo để biểu thị về một ngôi làng có vùng đầm trồng ra loại gạo thơm ngon. Thật hay khi so với hai chữ Anh Sơn - Núi Hoa thì tên gọi Mễ Trì - Đầm Gạo vô cùng đăng đối. Đúng là Núi Hoa xưa còn vương hương thảo, Đầm Gạo nay mãi đậu tiếng thơm.

Theo năm tháng, người cứ thế sinh sôi, đất cứ thảo thơm cho hoa trái ngọt. Mễ Trì như một làng quê ven đô trù phú cung cấp những sản vật cho phố phường Hà Nội. Nhưng rồi đồng đất Mễ Trì cũng qua những cơn vật mình bởi cái mưa cái nắng. Nắng rà rã nắng, hồ xưa nay đã thành đồng, đồng khô cỏ cháy khắp một dải ngoại thành những năm 1957-1958. Miền Bắc vừa hòa bình, được vài năm, vụ chiêm năm ấy trời hạn kéo dài, các mương thủy lợi trơ đáy. Mễ Trì đã huy động nhân dân chung sức chung lòng chống hạn. Ao chuôm được nạo vét, giếng được đào khắp các cánh đồng Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, Phú Đô. Chiếc giếng được nhân dân đào trên cánh đồng Sung là to nhất, rộng nhất, sâu nhất dùng để lấy nước chống hạn. Nhờ nước từ chiếc giếng này Mễ Trì đã cứu được 40 mẫu mạ có nguy cơ chết vì khô héo, đảm bảo nước cho cày bừa làm ruộng và có đủ mạ cấy cho vụ chiêm năm 1958. Mễ Trì đã trở thành điểm sáng đi đầu trong công tác chống hạn khắp các vùng ngoại thành Hà Nội. Một hội nghị đầu bờ đã được tổ chức ngay tại Mễ Trì, với sự tham gia của đại diện các địa phương ngoại thành Hà Nội khác về học tập, xã phải làm hơn hai mươi mâm cỗ đãi khách. Khỏi phải nói tầm quan trọng của hội nghị ấy thế nào, khi đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và chỉ đạo, lấy mô hình của Mễ Trì làm gương và yêu cầu các địa phương khác noi theo, học tập để chống hạn trên toàn miền Bắc. Bác đã đi thăm cánh đồng Sung, cánh đồng Cửa Miếu, thị sát cách chống hạn cứu lúa của bà con Mễ Trì. Tại đình làng Mễ Trì Hạ, Bác đã nói chuyện với toàn thể nhân dân Mễ Trì và các đại biểu dự hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phát 3 huy hiệu của Người để dành tặng những người dân có công đầu trong chống hạn của Mễ Trì, sau đó các ông bà Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Tú và Lê Thị Tương đã được nhận huy hiệu cao quý này.

Thế rồi đồng đất Mễ Trì cũng trải những cơn sấm rền chớp giật. Ấy là những ngày Hà Nội đối mặt với thần sấm, con ma trong 12 ngày đêm bầu trời rực lửa. Trên cánh đồng Sung, bên chiếc giếng đào chống hạn năm xưa là trận địa pháo của lực lượng dân quân tự vệ. Chính trận địa này đã lập thành tích bắn rơi chiếc máy bay F4 mà đằng sau thành tích ấy vẫn còn những câu chuyện bây giờ mới kể.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1964, đế quốc Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Thời gian đầu máy bay đánh phá một số nơi, đến năm 1966 chúng cho máy bay tăng cường trinh sát và đánh phá các mục tiêu trên địa bàn Hà Nội. Mễ Trì được xác định là vị trí quan trọng, bởi trên địa bàn xã có Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam. Ngày ấy chưa có truyền hình nên Đài Tiếng nói Việt Nam là phương tiện truyền thông số một, đài phát sóng tại Mễ Trì phát trung và sóng ngắn, ngoài phục vụ cho toàn thể nhân dân Việt Nam hai miền Nam Bắc, các chương trình của đài còn phát ra nước ngoài, từ những nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc đến tận những nước xa xôi như Nhật Bản, các nước Châu Âu, thậm chí đến tận Cuba. Chính vì thế, để “bịt họng Cộng sản, đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá”, Tổng thống Mĩ Nixon khi ấy đã ra lệnh ném bom Hà Nội, trong đó có Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam đóng tại Mễ Trì.

Với nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo vệ Đài phát thanh, Mễ Trì đã nhận được sự quan tâm tương xứng Thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Những năm ấy Mễ Trì là một xã rộng, bao gồm các thôn Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ và Phú Đô, vì thế lực lượng dân quân cũng thuộc diện đông và mạnh. Dân số Mễ Trì khi ấy là 8.100 người thì lực lượng dân quân đã lên tới 850 người, tức là chiếm 11% dân số. Để đáp ứng yêu cầu đánh địch đổ bộ đường không, lực lượng dân quân Mễ Trì được trang bị một số vũ khí phòng không gồm 4 khẩu 14,5 li bốn nòng, 2 khẩu 14,5 li hai nòng, 4 khẩu 12,7 li; 2 khẩu trung liên; 8 khẩu tiểu liên; 8 khẩu 7,9 li; 133 súng trường K44. Xã có đài quan sát phòng không, mỗi thôn có một chòi quan sát, sẵn sàng báo động khi có tình huống. Các đội cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm cũng được thành lập trên cơ sở các đội sản xuất. Trận địa pháo của lực lượng dân quân Mễ Trì năm ấy được bố trí tại cánh đồng Sung, nơi trồng cấy ra thứ gạo tám thơm nức tiếng, nơi đã đem lại tên gọi Mễ Trì cho làng, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và biểu dương công tác chống hạn của địa phương. Khi đế quốc Mĩ đánh phá ra miền Bắc, ngày 17 tháng 7 năm 1966, cũng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đến toàn thể quốc dân đồng bào: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Lời hiệu triệu của Người đã nhanh chóng biến thành phương châm hành động của các địa phương.

Trận địa pháo nơi cánh đồng Sung của lực lượng dân quân Mễ Trì nhanh chóng được tổ chức lại quy củ. Nhiệm vụ của trận địa là cùng với các lực lượng phòng không khác bảo vệ Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có một số mục tiêu quan trọng cần bảo vệ và địch cũng dòm ngó, đó là Chùa Mễ Trì Hạ, nơi có căm hầm bí mật mà Huyện ủy Từ Liêm đóng; một đơn vị thông tin của Bộ Tư lệnh Pháo binh cũng đóng tại Mễ Trì; xưởng 49 của Bộ Tư lệnh Công binh chuyên sửa chữa các loại binh khí; chùa Thiên Trúc tại Mễ Trì Thượng là nơi cất giấu các trang bị phục vụ phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán vào làng.

Khẩu đội pháo tại trận địa pháo Đồng Sung của lực lượng dân quân Mễ Trì đã lập thành tích bắn rơi một máy bay F4 của Không quân Mĩ ngày 8/7/1972. (Ảnh tư liệu của phóng viên Phan Sang, thuộc TTXVN)

Chiến công của Trung đội dân quân Mễ Trì bắn rơi máy bay F4 ngày ấy đã được ghi nhận trong nhiều tài liệu. Lịch sử Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân, Lịch sử truyền thống của huyện Từ Liêm xưa cũng như những tài liệu của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều nói về chiến công ấy. Trong cuốn Lịch sử truyền thống và cách mạng của Đảng bộ Huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội đã ghi lại khá rõ về sự kiện. Theo đó, ngày 8/7/1972, hàng chục máy bay Mĩ ập đến ném bom Hà Nội, bom giội, tên lửa bắn xuống các khu vực Mai Dịch, Cổ Nhuế, Thượng Đình… chúng đã bị lực lượng phòng không Hà Nội bắn rơi 3 chiếc. Đến 10 giờ trưa địch rút, còi báo yên vang lên toàn thành phố, mọi hoạt động trở lại bình thường. Nhưng 15 phút sau máy bay địch lại bất ngờ xuất hiện. Chiếc F4 bay khá thấp, đúng vào hướng bắn của trận địa phòng không dân quân xã Mễ Trì. Trận địa có hai khẩu 14,5 li đang trực chiến do Xã đội phó Trần Ngọc Lam chỉ huy. Do phán đoán đường bay chính xác, bằng 29 viên đạn, dưới sự chỉ huy của Trung đội phó Trần Ngọc Lam, các chiến sĩ dân quân Mễ Trì đã bắn cháy chiếc F4. Đây là chiếc máy bay thứ 4 bị quân dân Hà Nội bắn rơi trong ngày và là chiếc thứ 301 bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô. Trung đội dân quân Mễ Trì sau đó đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Câu chuyện về những ngày đánh B52 tại Mễ Trì năm xưa đã đưa tôi đến nghĩa trang phường Mễ Trì - Phú Đô nằm ở góc đường Sa Đôi - Đại lộ Thăng Long để tìm một nhân vật quan trọng. Người đàn ông giữ vai trò quản trang hiện nay là một nhân chứng lịch sử. Ông chính là Trần Ngọc Lam, nguyên Xã đội phó Mễ Trì những ngày Hà Nội đỏ lửa. Ông Lam không khỏi bồi hồi khi nghe tôi gợi lại những câu chuyện chiến đấu bảo vệ quê hương 50 năm trước. Ông cho biết, đầu năm 1972, Mĩ quay trở lại gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện chủ trương của Thành phố Hà Nội, Mễ Trì đã nhanh chóng chuyển sang thời chiến. Hầm trú ẩn, hào giao thông được tu sửa, nạo vét, đào mới; các đội cứu thương, cứu hỏa, cứu sập được rà soát, chỉnh đốn. Lực lượng trực chiến phòng không lúc nào cũng có hai pháo thủ ngồi trực trên mâm pháo. Đến trước những ngày B52 đánh Hà Nội mọi thứ dường như đã sẵn sàng. “Trời tháng chạp năm ấy rét cắt da cắt thịt, tôi đi kiểm tra trực chiến thấy các cô nữ dân quân kê chăn bông lên ghế pháo để ngồi cho đỡ lạnh tôi đã bắt bỏ ra, vì như thế ảnh hưởng đến chiến đấu và cơ động”. Trung đội tổ chức huấn luyện cho các pháo thủ theo phương châm “giỏi một số, biết nhiều số, hướng tới pháo thủ toàn năng”, để ai cũng có thể vừa đảm nhiệm tốt số của minh vừa có thể thay thế vào vị trí của số khác khi tinh huống xảy ra. Nhớ lại trận địa pháo Giếng Đồng Sung năm ấy, ông Lam bảo, chúng tôi có tất cả 13 trận địa để phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam. Bình thường thì đóng ở Đồng Sung, nhưng tùy thuộc vào tình hình mà di chuyển đánh địch cho phù hợp. Đào đắp, xây dựng trận địa đã vất vả, mỗi lần cơ động chuyển trận địa còn vất vả hơn, đó là một sự cố gắng lớn bởi công việc di chuyển pháo rất nặng đòi hỏi có sức khỏe tốt, trong khi, trung đội pháo lại chủ yếu lại là các cô gái trẻ, vì đại đa số nam thanh niên đều nhập ngũ ra trận. “Tôi cũng đã nhập ngũ, vào một đơn vị của Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Xuân Đỉnh nhưng Huyện đội phó lên tận đơn vị đón về để duy trì lực lượng dân quân ở nhà”, ông Lam cho biết. Theo hiệp đồng và phân công nhiệm vụ, trận địa của ông trong 12 ngày đêm được giao tập trung đánh máy bay dẫn đường cho B52 thả bom vào Hà Nội. Ông đã cùng xã đội mở một đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu quan trọng, bảo vệ quê hương. Những khẩu hiệu được đơn vị kẻ và treo tại trận địa như “Quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đài, bảo vệ tiếng nói của Tổ quốc”; “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tất cả quyết tâm phối hợp với các đơn vị bộ đội tên lửa, pháo cao xạ tạo thành lưới lửa dày đặc bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Thế rồi đêm 18/12 định mệnh ấy, B52 đã vào Hà Nội. Cả Thành phố vang tiếng còi báo động. Người người, nhà nhà tổ chức xuống hầm trú ẩn, tổ chức chiến đấu. “Những ngày ấy tôi luôn có mặt ngoài trận địa, các khẩu đội trực chiến cũng vậy, ăn ngủ tại lán gần như 24/24”, ông Lam nói với chất giọng hào sảng, quả cảm dù đã ở độ lùi 50 năm. Đài phát sóng Mễ Trì là mục tiêu số một trong đánh phá của đế quốc Mĩ. Quyết tâm phá hủy trạm phát sóng, hòng chặn đứng Tiếng nói Việt Nam ra thế giới, đế quốc Mĩ đã không tiếc bom đạn “ưu ái” cho mục tiêu này. Ngay đêm 18/12, trong những đợt không kích đầu tiên chúng đã giội bom xuống khu vực Đài phát sóng Mễ Trì. Bom rơi trúng cột ăng ten, việc phát sóng bị gián đoạn. Nhưng nhờ có phương án chuẩn bị từ trước lập các trạm phát dự bị mà chỉ 9 phút sau, Tiếng nói Việt Nam lại tiếp tục vang lên tỏa khắp năm châu bốn biển, tố cáo tội ác của giặc Mĩ. Ngày 19/12/1972 đã đi vào lịch sử Mễ Trì như một ngày đau thương khi máy bay Mĩ tổ chức tấn công nhiều đợt, gần 5 giờ sáng, 11 rưỡi trưa và 23 giờ đêm. Khu vực Đài phát thanh và cả xã bị quần thảo đến một ngọn cỏ cũng không yên. Suốt những ngày sau đó, Đài phát sóng Mễ Trì còn hứng chịu nhiều đợt tấn công khác khiến các khu nhà bị sập, trang thiết bị phát sóng bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, nhiều quả bom cũng đã rơi chệch mục tiêu, trúng khu dân cư trong làng Mễ Trì gây thương vong lớn. Ngay từ loạt tấn công đầu tiên của máy bay Mĩ, trận địa pháo Đồng Sung nổ súng đánh địch. Rạng sáng ngày 19/12, 5 giờ kém 10 phút, còi báo động vang lên, ông Lam chỉ huy trung đội vào vị trí chiến đấu. Từng tốp F111 bay vào, sau đó là B52, qua ba loạt bắn, đến loạt thứ tư, ông Lam đang ở khẩu đội bên này chạy sang khẩu đội bên kia để động viên anh chị em thì nhằng nhằng trước mặt, ông chỉ kịp nhảy xuống hố chỉ huy bên cạnh. Một quả bom rơi trúng trận địa pháo của trung đội phòng không dân quân Mễ Trì, ngay sát hầm của ông Lam. Ông ngất đi không biết gì nữa. Dứt trận bom, khi ông được đồng đội bới tìm từ trong đống đổ nát của căn hầm, mở mắt nhìn, ông thấy một hố bom sâu hoắm cách hầm của mình chỉ hai mét.

Ông Trần Ngọc Lam cầm cờ chỉ huy khẩu đội huấn luyện chiến đấu năm 1972. (Ảnh tư liệu của phóng viên Phan Sang, thuộc TTXVN)

Ông Lam được đưa đi bệnh viện cấp cứu, trận địa bị bom đánh, vũ khí khí tài bị hư hỏng nặng, hai khẩu 14,5 li bị không chiến đấu được nữa. Trận bom ấy trung đội phòng không hi sinh 5 người, gồm các đồng chí Lê Văn Thông, pháo thủ số 1; Nguyễn Thị Ngọc, pháo thủ số 2; Nguyễn Thị Nguyệt, pháo thủ số 3; Đỗ Thị Thặng, pháo thủ số 4. Thấy máy bay địch đánh phá ác liệt, Xã đội trưởng Ngô Duy Cương từ trong làng chạy lên trận địa nắm tình hình, đến sân kho cũng bị mảnh bom văng trúng đầu và hi sinh. Còn ông Lam và các pháo thủ Tạ Đắc Nhường, Nguyễn Thạch Cửu, Nguyễn Tiến Gạch bị bom vùi và chịu sức ép phải cấp cứu. Vài ngày sau, khi từ viện trở về, ông Lam tiếp tục ra ngay trận địa. Một không khí ắng lặng đến ghê người bao trùm cảnh vật. Lúc ấy Mễ Trì đã bị đánh bom tổn thất nặng nề, 3 vệt bom đã giội vào làng cày xới khu vực bán kính chỉ 2-3 cây số vuông khiến nhiều người dân và nhà cửa, tài sản bị phá hủy. Ông Lam đi ra trận địa, giữa trưa mà không gian trầm lắng như nửa đêm, không một tiếng động nhỏ, kể cả tiếng côn trùng. Ông nhìn thấy một đàn gà đang kiếm ăn gần một đám mạ, bỗng còi báo động phòng không lại nổi lên, đàn gà ngay lập tức chạy vào khu lán trại đã bị sập tìm nơi trú ẩn như một thói quen đã được rèn luyện. Xã đội trưởng đã hi sinh, ông Lam được bổ nhiệm thay thế ngay để tiếp tục chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ xã chiến đấu. Ông cho củng cố lại lực lượng, 2 khẩu 14,5 li bị hỏng được thay thế bằng 2 khẩu 12,7 li để tiếp tục chiến đấu. Những ngày tiếp đó, không sợ nguy hiểm, trong tiết trời tháng chạp rét như cắt, mỗi đợt B52 vào Hà Nội lực lượng dân quân tự vệ Mễ Trì vẫn kiên cường bám vị trí chiến đấu.

*

*      *

Tìm hiểu về sự kiện 12 ngày đêm B52 đánh Hà Nội tôi được Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Nguyễn Thế Đô và cán bộ phụ trách văn hóa Đỗ Tuấn Anh cung cấp một số tư liệu. Theo số liệu tổng kết chiến tranh, trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, giặc Mĩ đã ném xuống địa bàn xã Mễ Trì tổng số 2.597 quả bom các loại. Điều đáng nói là số bom đạn mà chúng ném xuống cả huyện Từ Liêm là 2.876 quả, như vậy Mễ Trì đã hứng gần hết số bom ném xuống huyện nhà. Trong số đó đã có 49 quả bom rơi vào khu dân cư giết hại 84 người, gồm 47 nam, 37 nữ. Đau lòng hơn, trong số đó có 22 cụ già, 33 trẻ em, gần 10 gia đình bị chết gần hết, chỉ còn một, hai người. Bom Mĩ cũng làm bị thương 54 người dân, phá hủy hoàn toàn 68 ngôi nhà ngói, 211 ngôi nhà tranh; 188 ngôi nhà bị sập, nhiều đình chùa, miếu mạo bị bom đạn làm hư hỏng, đồng ruộng bị cày xới, hoa màu bị chôn vùi, trâu bò, lợn gà bị chết tan tác.

Những con số trên giấy ấy hoàn toàn có thể kiểm định ở hiện tại sau độ lùi 50 năm khi tôi cùng bà Nguyễn Thị Chinh đi thực địa, gặp lại những nhân chứng khi xưa.

Ở số nhà 45, ngõ 230, phố Mễ Trì Thượng là gia đình bà Đỗ Thị Thảo, sinh năm 1954. Từ chỗ nhà bà Thảo đến nhà tôi, tính đường chim bay chỉ chừng trăm mét. Bà Chinh sau một hồi cân nhắc, vì có quá nhiều nhân chứng, bà phải tính xem gặp ai sẽ nhớ được nhiều chuyện nhất, đã dẫn tôi qua gặp người phụ nữ này khi chỉ còn mươi ngày là đến ngày giỗ trận, cũng là ngày giỗ của các nạn nhân chết do B52 oanh tạc vào Mễ Trì 50 năm trước. Bà Thảo năm ấy là cô gái 19 tuổi, đang làm thư kí đội sản xuất. Buổi tối ngày 18/12 cô xuống nhà ông tổ trưởng để chấm công điểm cho những người đi lao động. Sau đó cô ở lại nhà ông Nguyễn Khắc Đơ, tổ trưởng ở xóm 2 giã gạo đỡ vợ ông mãi đến hơn 9 giờ tối mới về. Lên giường nằm, đang mơ màng trong giấc ngủ thì có còi báo động, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo, máy bay địch cách Hà Nội 70 km, rồi 50 km. Cả gia đình tìm nơi trú ẩn. Gia đình Thảo rất đông người nên không đủ chỗ trú, phải chia ra các hướng khác nhau. Ông Đỗ Quang Thu, bố của Thảo ngày ấy là công an thuộc Quận Ba Đình, đang đi sơ tán cùng cơ quan, còn ở nhà là hơn chục mẹ con, bà cháu quây quần trong gia đình lớn. Anh trai cả của Thảo đã lấy vợ, có 4 người con nhưng vẫn ở cùng gia đình. Sau tiếng còi báo động, nhường hầm trú ẩn cho bà, mẹ và anh chị cùng các cháu, Thảo cùng cậu em trai chạy ra đường, Thảo chạy vào nhà bà Chuyển, cách nhà cô tầm 200 mét trú nhờ dưới hầm của gia đình, còn em trai cô chạy đến nhà cụ Tăng Ế. Ở nhà còn lại bà nội, mẹ, 3 người em của cô và gia đình người anh cả trú ở hầm trước hiên nhà. Khi bom đánh trúng khu vực, căn hầm nơi Thảo trú ẩn cùng gia đình bà Chuyển bị sập, Thảo đã bới đất cát cứu 5 năm mẹ con bà ra, sau đó cô bế một đứa bé con chủ nhà chạy ra phía Ao Khoang tránh bom, định bụng sẽ lội qua ao để sang dãy hầm phía bờ bên kia nhưng chỗ nước ấy bom vừa thả xuống, trời tháng chạp rét căm căm mà nước ao bỏng rát không sao lội qua được. Cô bèn chạy xuôi về hướng Đồng Me để sang Mễ Trì Hạ thì đường bị chặn, dân quân thông báo có bom rơi xuống chưa nổ nên không được đi qua, Thảo lại vòng lên phía Vườn Cam, sang Đồng Vườn khu vực thôn Phú Đô và vòng ra phía Đồng Sung. Đây là nơi có trận địa pháo của dân quân Mễ Trì. Lúc này trời đã sáng, một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt cô gái trẻ. Trận địa pháo trúng bom tan tác, những ống xương, dẻ xương người bị tuốt hết thịt văng khắp mặt ruộng. Cô nhận ra vài ống xương chân rất dài, chắc hẳn của anh Lê Văn Thông, là người pháo thủ cao lớn trực ở trận địa pháo để bắn máy bay Mĩ. Đúng lúc đó, bố cô là ông Đỗ Quang Thu từ nơi sơ tán về đến làng, đơn vị nghe tin B52 Mĩ thả bom vào Mễ Trì đã cho xe đưa ông về. Hai bố con Thảo tìm về nhà thì ngôi nhà ngói bốn gian đã bị san phẳng thành một đống gạch đá vụn nát. Quả bom rơi trúng gian đầu tiên tạo thành hố sâu hoẳm. Thi thể những người thân được chính quyền và các tổ chức đoàn thể thu gom quây lại một góc. Cả gia đình đông đúc chỉ còn lại bố, mẹ Thảo, một người chị đã đi lấy chồng không ở nhà và hai chị em cô còn sống, còn lại 10 người là bà nội, gia đình người anh cả gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, hai người em gái, một người em trai của cô đều đã chết. Gia sản còn sót lại vẻn vẹn chiếc xe đạp Phượng Hoàng dựng ngoài sân giờ đã vẹo vọ, gầy lìa ghi đông, vài tờ tiền cháy xém bay lả tả trong gió mùa đông se sắt.

Sau 50 năm, cô gái Đỗ Thị Thảo 19 tuổi khi xưa giờ đã là bà Thảo 69 tuổi ngồi kể với tôi về những ngày xưa đau thương trong tiếng chày giã cốm đều đều vọng sang từ nhà hàng xóm. Tôi hỏi bà và gia đình đã sống thế nào sau sự kiện bi thảm đó. Bà Thảo trầm ngâm. Ông Nguyễn Đăng Tiền là chồng bà ngồi cạnh đỡ lời vợ. Vốn là một người đồng đội cùng công tác với bố vợ, lại là người cùng làng, sau sự kiện đau thương ấy ông tìm hiểu và đến với bà Thảo, hai ông bà tổ chức lễ cưới năm 1975. Ngôi nhà của ông bà cũng liền kề ngay đình làng, nơi có ngôi nhà của bố mẹ đẻ khi xưa. Ông Tiền nhớ lại, bố của bà Thảo, sau đại tang của gia đình, vì suy nghĩ quá nhiều mặt đen sạm lại như trát một lớp muội tro. Còn mẹ của bà Thảo, cứ về đứng trước mảnh đất bị bom cày xới, nơi là ngôi nhà xưa là lại lăn ra ngất. Với bà Thảo, suốt từ đó cho đến tận bây giờ, dù đang thức hay đang ngủ, trong nhà cao cửa rộng, cứ mỗi khi trời mưa to, có sấm chớp, bà vẫn vùng dậy chạy vào nhà vệ sinh, bịt chặt tai và ẩn nấp trong đó cho đến khi hết mưa, hết sấm mới ra. Vẫn biết mọi thứ đã lùi xa, nhưng sống trong những ngày bình yên đến mấy chục năm rồi thì vết thương tinh thần nơi bà đã mãi mãi không bao giờ chữa khỏi. Trước mắt bà vẫn là những chớp lửa nhằng nhịt, vẫn là tiếng máy bay gầm rú, vẫn là những vành khăn trắng phủ kín làng và những tiếng gào khóc, những giọt nước mắt lặng lẽ khi những người thân ra đi mãi mãi. Sau câu chuyện với chúng tôi bà lại đi ăn giỗ, vài ngày nữa thôi là lại đến ngày giỗ trận, trong đó có ngày giỗ chung của 10 người thân trong gia đình bà.

Bà Chinh lại tiếp tục dẫn tôi đến nhà ông Nguyễn Khắc Hiền, cậu bé sơ tán cùng gia đình bà năm xưa. Hiện nay ông Hiền sống tại số nhà 100, phố Mễ Trì Thượng, chỉ cách ngõ 112 chưa đến chục số nhà. Gia đình ông cũng là một trong những gia đình thiệt hại nặng về người. Năm ấy, nhà cậu bé Hiền ở đối diện nhà chị Thảo trong con ngõ nhỏ rộng chừng 2 mét, là ngõ 112, Mễ Trì Thượng bây giờ. Nối liền phía sau nhà cậu chính là nhà chị Chinh. Rạng sáng ngày 19 tháng 12, khi có còi báo động, như thông lệ, cả gia đình cậu cũng chia nhau tìm nơi trú ẩn. Cậu bé Hiền sang nhà chú ở bên cạnh, cùng gia đình chú chui vào bể nước trước sân ẩn nấp, trú cùng còn có bà chị dâu họ của cậu trên tay bế đứa con trai mới được một tháng tuổi. Tại nhà, mẹ cùng các anh chị em của Hiền cũng chui vào bể nước nhà mình. Ai ngờ lần trú ẩn đó hoàn toàn không giống những lần trú ẩn trước. Khi quả bom rơi trúng nhà chị Thảo đã san phẳng mọi thứ, những nhà đối diện cũng chịu sức tàn phá khủng khiếp vì khoảng cách rất gần. Nắp bể nước mà Hiền cùng những người khác trú bị thổi bay trong sự kinh hoàng của mọi người. Ai nấy tiếp tục chạy tìm chỗ trú ẩn. Cậu bé Hiền chạy về phía Ao Khoang và lội qua ao để sang bên kia, nơi có bờ ao rộng trồng dừa, có những hầm tăng xê đào làm nơi trú ẩn để nấp cùng dân làng. Sau đó tất cả dồn ra cánh đồng và tìm đường đi sơ tán cùng nhau. Hiền đi sơ tán cùng gia đình người chú là Nguyễn Khắc Ất về làng Sấu Giá, thuộc khu vực Yên Sở, được gửi vào gia đình chị Chinh, vì nhà Chinh có bà ngoại ở đó. Mấy hôm sau, khi ông Nguyễn Khắc Mão là bố Hiền lên đón cậu về thì cậu mới biết tin gia đình mình có 5 người chết. Quả bom rơi xuống ngõ 112 ấy đã cướp đi bà Nguyễn Thị Thứ là mẹ của Hiền, anh Nguyễn Khắc Phương là anh trai của cậu vừa đi bộ đội về, chị Nguyễn Thị Liên là chị gái cậu, hai em Nguyễn Khắc Sơn và Nguyễn Khắc Hải là hai người em trai của cậu. Mẹ của Hiền bị bom đánh xé làm đôi, còn các anh chị em trú trong bể nước bị sập cộng với chịu sức ép lớn của bom đã cướp đi sự sống. Bên cạnh đó, gia đình ông Nguyễn Khắc Đam, là gia đình có người chị dâu họ của Hiền bế đứa con một tháng tuổi trú bom cùng, bố mẹ ông là ông bà Ba Thá cũng bị bom giội tan tác, người ta không tìm thấy một chút di cốt gì của ông cụ, còn bà thì dân làng sau đó tìm thấy hai cẳng chân văng xa cách đó mấy nhà. Đó cũng là tình trạng chung của những người bị thiệt mạng vì bom B52 ở Mễ Trì, có người không tìm được thân thể, có người tìm được một vài bộ phận, có người phải căn cứ vào bộ phận phân biệt giới tính còn lại mới xác định được là nam hay nữ, những mảnh thi thể văng khắp nơi, lên các mái nhà, bụi tre gây nên cảnh tượng kinh hoàng, có thi thể bị vùi lấp mãi 28 ngày sau mới được tìm thấy. Dưới sức ép của bom, những chiếc cối đá nặng đã bay văng qua mấy nóc nhà, xoong nồi, mâm ăn cơm bằng kim loại, thậm chí đinh đồng lư hương trên ban thờ bằng đồng cũng bị nung chảy…

Ông Nguyễn Khắc Hiền (cùng con trai và cháu nội) kể về những mất mát của gia đình khi B52 thả bom vào Mễ Trì 50 năm trước. 

Bà Đỗ Thị Thảo cho biết, ám ảnh vì bom đạn chết chóc, và sự ra đi của các con, bố mẹ bà đã không dám dựng lại nhà ở khu đất cũ nữa. Phần vì không chịu nổi sự gợi nhớ đau thương, phần vì 4 gian nhà ngói đã bị san phẳng, gia đình bà phải đi ở nhờ nhà bà dì một thời gian, sau đó xin xã cấp cho mảnh đất mới ở gần trại chăn nuôi và làm nhà mới ở đó. Khu đất cũ của gia đình bà sau này gia đình ông bà Lâm - Toàn về ở. Còn gia đình ông Nguyễn Khắc Hiền, mẹ và các anh chị em mất, ba bố con ông đón ông bà nội về ở cùng, sau đó bố ông tục huyền, cưới người vợ mới và sinh thêm được ba người con. Mảnh đất có ngôi nhà gắn với những kỉ niệm về trận bom của gia đình khi xưa hiện anh Nguyễn Khắc Giang, là người em cùng cha khác mẹ với ông Hiền ở. Còn ông, khi trưởng thành và lập gia đình đã lên ở mảnh đất có ngôi nhà hiện tại. Liền kề nhà cũ của ông Hiền khi xưa là nhà ông Đam, hiện nay người ở là người cháu của ông bà, anh Nguyễn Khắc Nam, chính là cậu bé khi bom đánh mới một tháng tuổi được mẹ bế trú ẩn cùng trong bể nước với ông Nguyễn Khắc Hiền ngày ấy.

Theo chân bà Nguyễn Thị Chinh dạo quanh những ngõ xóm đường làng của Mễ Trì Thượng hôm nay đã cho tôi một hình dung về những ngày khói lửa tưởng đã lùi xa nhưng cũng thật gần, gần đến mức có thể chạm vào được. Với bà, những kỉ niệm như mới hôm qua. Bà vẫn còn nhớ như in những ngày tham gia cứu thương giúp đỡ những người gặp nạn trong làng. Sau này bà đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng bằng khen về những đóng góp trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, chiếc bằng gửi về địa phương, lưu lạc mãi mới đến tay bà. Mỗi người dân Mễ Trì đều mang trong mình một phần kí ức B52, tuy rằng không phải lúc nào cũng đem ra kể nhưng khi đã chạm vào nó thì mở ra cả một miền hồi nhớ quặn lòng. Đã có những cụ già ra đi không chờ trời gọi, đã có những nam nữ thanh niên mãi mãi tuổi đôi mươi, đã có những em bé bị cướp đi tuổi thơ, mãi mãi không trở thành người lớn. Bà Đỗ Thị Thảo kể rằng, năm nào bà cũng xuống nhà em trai ăn giỗ, đó là cái giỗ chung của bà nội, hai vợ chồng ông anh cả cùng bốn đứa con của họ và ba người em ruột của bà. Có một năm bà nằm mơ thấy các em về bảo, “chị xuống mà chả mua cho chúng em cái kẹo nào”, bà mới giật mình sực nhớ ra, những đồ lễ cho người chết thường là hoa trái, vàng mã chung, còn trẻ em bao giờ cũng thích kẹo, nên dù bà đã gần bảy mươi rồi nhưng những người em, người cháu của bà, qua mấy mươi năm vẫn là những đứa trẻ, vì thế chúng đòi kẹo là phải. Từ đó, năm nào xuống giỗ bà cũng mua một ít kẹo dành cho trẻ con, đồ lễ, quần áo bà cũng chú ý mua cả những kiểu mẫu của con trẻ. Nói về những đau thương mất mát ấy, dù 50 năm đã trôi qua nhưng bao nhiêu cũng vẫn là không đủ. Chỉ có những gia đình có người thân mất mới thấm thía những tổn thất ấy. Bà Thảo kể rằng, cô cháu ngoại của bà khi học lịch sử địa phương ở trường, nghe cô giáo giảng về sự kiện 12 ngày đêm B52 đánh Hà Nội đã bảo các bạn, cô giáo giảng không hay bằng bà ngoại tớ kể. Cô bé đâu biết rằng, để “kể hay” được câu chuyện lịch sử ấy bà của cô đã phải trải qua những gì.

*

*      *

Người Mễ Trì vốn tính cương cường. Sử sách còn ghi, vào cuối thế kỉ XIX, nghĩa quân Tự So lập căn cứ chống Pháp ở Mễ Trì, con em trong làng tham gia khá đông. Nhiều tổ chức yêu nước chống Pháp đã được hình thành và hoạt động ở đây. Vào một ngày, cũng tháng 12, năm 1883, nghĩa quân Tự So bắt một toán quân Pháp và tay sai đang áp tải một con voi, con voi này do tuần phủ Ninh Bình gửi ra biếu tên công sứ Pháp ở Hà Nội. Tên công sứ đã nổi giận cử tên đô đốc Hà Nội Đặng Văn Tại đem quân về Mễ Trì truy bắt nghĩa quân Tự So. Đặng Văn Tại về làng bắt các cụ già phải nộp những người bắt voi của nước Pháp, nếu không sẽ triệt hạ cả làng. Không được đáp ứng, bọn chúng đánh các cụ già và cho lính bắn vào dân làng. Căm phẫn trước hành động ấy, dân làng Mễ Trì đã dùng gậy gộc, gạch đá tấn công lại quân Pháp và tay sai. Một số thanh niên làng có võ đã lôi Đặng Văn Tại từ trên ngựa xuống đấm chết ngay tại chỗ. Một số tên đã bị giết. Đám lính Pháp và tay sai rút chạy tán loạn. Phong trào yêu nước chống Pháp từ đó lại càng lên cao. Tính cương cường ấy lại được thể hiện ở một câu chuyện trong chiến tranh chống Mĩ sau này ở trung đội dân quân trực chiến bắn máy bay Mĩ mà người phụ trách trực tiếp là ông Trần Ngọc Lam, nay là ông già quản trang 75 tuổi mà tôi đã gặp.

Ông Trần Ngọc Lam bên bức ảnh lịch sử. 

Đến nhà ông Lam tại số nhà 30, ngõ 82, tổ 3, phường Phú Đô, tôi nhận ra bức ảnh khẩu đội 14,5 li của Trung đội pháo Đồng Sung in trong nhiều cuốn sử được treo trên tường. Bức ảnh do phóng viên Phan Sang của Thông tấn xã Việt Nam chụp được ông phóng to treo trang trọng với chú thích “Xã đội phó Trần Ngọc Lam chỉ huy bắn rơi máy bay F4 ngày 8/7/1972”. Ông Lam rưng rưng nói, chiếc áo kẻ tôi mặc trong ảnh chính là chiếc áo tôi mượn của pháo thủ Lê Văn Thông để chụp ảnh, hôm Thông hi sinh anh ấy mặc đúng chiếc áo đó. Còn một câu chuyện phía sau việc bắn rơi chiếc F4 mà đến giờ người cựu Xã đội phó mới tiết lộ cho thấy sự cương cường của những người Mễ Trì hậu thế. Ấy là việc ông đã đề nghị với huyện đội phó cho trực bắn máy bay tầm thấp sau khi thành phố có còi báo yên. Là bởi, quan sát thực tế chiến đấu, ông thấy sau mỗi trận oanh kích, khi máy bay ném bom địch đã rút và mọi thứ trở về bình thường thì sẽ có máy bay bay vào trinh sát kết quả của trận đánh. Nắm được quy luật này, ông đề nghị được trực để đón lõng hòng tiêu diệt. Huyện đội phó Huyện đội Từ Liêm Trần Hoài Long dù không chính thức đồng ý nhưng bảo ông cứ làm, ông Long bảo làm thế là trái với chỉ đạo của trên, trên mà biết dễ bị kỉ luật. Một lí do nữa, theo như ông nói, đó là lưới lửa phòng không Hà Nội ngày ấy cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ dày đặc, máy bay bị bắn cháy nhiều khi không biết của đơn vị nào, được trên công nhận theo kiểu chia thành tích, được công nhận đấy mà chẳng biết có đích xác là đơn vị mình bắn hay không. Vậy nên ông quyết tâm xin “bắn ngoai giờ” để làm cho ra môn ra khoai. Và kết quả của trận đánh ngày 8/7/1972 là từ những tính toán đó, chiếc F4 bị bắn rơi bởi những pháo thủ giỏi nhất của trận địa pháo Đồng Sung do ông bố trí trực, khi các đơn vị khác đã về trạng thái bình thường, như vậy thành tích của đơn vị là “100% chính chủ”. Ông Lam khẳng định điều này có ông Trần Hoài Long làm chứng. Ông cho biết, ông Long sau này chuyển về Ban Viết sử của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trước khi nghỉ hưu. “Hiện ông ấy vẫn còn sống, tôi cho anh số điện thoại anh hỏi ông ấy”, ông Lam nói và giở điện thoại đọc cho tôi số của ông Trần Hoài Long như một sự khẳng quyết. Chiều lòng ông tôi có ghi lại số điện thoại nhưng cho đến khi viết bài này, tôi vẫn không làm cái việc “xác minh lịch sử” bằng cách gọi điện cho ông Long để hỏi về câu chuyện. Dù sao lịch sử cũng đã lùi xa, và những gì các ông cống hiến cho đất nước, quê hương đã được trân trọng ghi nhận, chẳng cần phải làm rõ một điều không cần thiết. Trên tường nhà ông Lam còn nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, nổi bật trong số đó là tấm huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Giữ cương vị Xã đội trưởng Mễ Trì từ 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đến năm 1989 ông lại được cử sang làm Trưởng Công an xã cho đến khi nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi ông vẫn tham gia công tác của địa phương, trong hội cựu chiến binh. Giờ đây, ở tuổi 75 ông vẫn đảm đương vị trí quản trang giúp cho địa phương một phần công việc nhiều vất vả, độc hại.

Đồng đất Mễ Trì đã trải qua những thăng trầm của lịch sử. Qua tất thảy những đau thương, mất mát giờ đây còn lại vẫn là hương cốm thơm lan tỏa trong các ngõ xóm đường làng. Những người hàng xóm của tôi vẫn ngày ngày đem cốm tỏa đi các chợ trong thành phố bán mua, đi chợ về lại đem rơm ngồi trước nhà bện thành những chiếc chổi xinh xắn quyện sánh hương đồng. Bà Chinh, bà hàng xóm đối diện nhà tôi, người đồng hành với tôi lật giở nhưng trang sử về những ngày B52 đánh vào Hà Nội, thi thoảng vẫn mang vài con rơm ra trước nhà ngồi bện chổi. Chính những con rơm như thế đã kết nên những chiếc mũ rơm chống đạn cho toàn dân đội trong những năm chiến tranh, giờ đây rơm không dùng để bện mũ nữa, những chiếc mũ chỉ còn lại trong những bức ảnh lịch sử như bức ảnh trên tường nhà ông Lam và nhiều cựu dân quân Mễ Trì khác.

Cùng với những thành tích trong sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, xã Mễ Trì đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kì chống Mĩ. Tại khu vực là trận địa pháo trên cánh đồng Sung năm xưa, ngày 18/1/2016 UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định tổ chức gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến Trận địa pháo Giếng Đồng Sung, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ngõ 112, trong đình từ lâu làng đã dựng bia ghi dấu tội ác của đế quốc Mĩ trong 12 ngày đêm oanh tạc Hà Nội, đã cướp đi sinh mạng của gần một trăm người con Mễ Trì, cùng với đó là vỏ một quả bom trong số 64 quả bom nổ chậm hoặc chưa nổ thả xuống Mễ Trì, sau đó bộ đội công binh và dân quân thu gom, xử lí, được giữ lại trưng bày như một chứng tích của tội ác.

*

*      *

Con phố Đồng Me kéo dài qua ngõ nhà tôi về hướng Mễ Trì Hạ chính là địa danh Ao Khoang xưa. Nơi 50 năm trước những vệt bom đã rải dọc ao này. Bây giờ ao đã lấp, con ngõ dọc ao nối Đồng Me với đường Đỗ Đức Dục - Miếu Đầm, tuyến đường bao viền quanh Trung tâm hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội và Khách sạn Marriott. Ở đây đang hiện hình một con đường mới, thay vì đường nhỏ và ngõ hẹp sẽ là đường đôi rộng 64 mét đang được thi công kết nối thẳng từ đường Mễ Trì tới vòng cua khách sạn Marriott. Qua cầu vượt Mễ Trì - Trung Văn, bên kia Đại lộ Thăng Long là khu vực Đài Phát sóng Tiếng nói Việt Nam mà dân vẫn quen gọi là Đài phát thanh Mễ Trì, là mục tiêu đánh phá chính của máy bay Mĩ năm ấy. Khách sạn Marriott được xây dựng cùng Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khách sạn này có phòng dành cho nguyên thủ quốc gia sang trọng bậc nhất, căn phòng có tổng diện tích 320 mét vuông, chia thành 8 phòng khác nhau, trong đó, phòng khách chiếm gần một nửa tổng diện tích sử dụng chung, là nơi tiếp khách, họp bàn khi cần thiết, có hệ thống cửa kính lớn với view nhìn ra toàn thành phố. Căn phòng này từng đón các vị khách quốc tế quan trọng, trong đó có tới hai đời tổng thống Mĩ từng ở. Năm 2016, Tổng thống Mĩ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam đã lưu trú tại đây. Có một sự bất ngờ là trước khi rời Việt Nam vị tổng thống đã dành thời gian ghé thăm làng cốm Mễ Trì, ghi hình với đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain của kênh truyền hình CNN một chương trình về ẩm thực tại ngã ba phố Đồng Me - Mễ Trì Thượng, ngay tại quán trà đá của gia đình nhà vợ tôi, ông đã trú mưa dưới mái hiên nơi gia đình tôi ở khá lâu. Sau đó ba năm, năm 2019, Tổng thống Donald Trump khi sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mĩ - Triều cũng ở khách sạn này. Không biết có ai nói với hai vị tổng thống nước Mĩ rằng, nơi ngài lưu trú khi ở Việt Nam, và ngôi làng nơi ngài đang đứng nói chuyện chính là nơi năm xưa đã hứng những quả bom do B52 Mĩ trút xuống trước khi người Mĩ rút khỏi Việt Nam? Quan hệ Việt - Mĩ 50 năm sau sự kiện tháng Chạp năm 1972 đã bước sang những trang của hòa bình - hữu nghị - cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Lịch sử đã lật sang những trang mà những con người ở thì hiện tại trong quá khứ không ai ngờ tới, dù những gì đã diễn ra chẳng thể nào thay đổi.

Tổng thống Mĩ Barack Obama chụp ảnh với những người dân Mễ Trì trước quán trà đá, tháng 5 năm 2016. Ảnh: NLĐ

Cánh đồng có đầm nước rộng lớn trồng sen và lúa nổi tiếng trong truyền thuyết khi xưa sau này Nhà nước lấy để xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khi lên phương án xây dựng, ngôi miếu có tên gọi Miếu Đầm vẫn được giữ lại bảo tồn trong khuôn viên rộng lớn ấy. Tên gọi Miếu Đầm cũng được đặt cho con đường ven Trung tâm Hội nghị. Do tốc độ đô thị hóa, những cánh đồng Mễ Trì xưa dần dần thành đất ở, đất dự án. Ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trên địa bàn Mễ Trì còn nhiều công trình quan trọng. Bìa làng về phía Tây là trụ sở mới của Bộ Ngoại giao, chếch về phía Bắc là Cung hữu nghị Việt - Trung, nhiều khối nhà cao tầng của các khu đô thị hiện đại đã mọc lên xung quanh làng. Khu vực Đài phát sóng Mễ Trì giờ đây vây quanh cũng là những khu dân cư mới sang trọng, hiện đại. Cũng như vùng trồng đào của Hà Nội phần nhiều đã dời về các địa phương lân cận, thì vùng lúa của Mễ Trì cũng vậy, ruộng đồng đã lùi ra xa. Không còn ruộng để trồng lúa lấy nguyên liệu làm cốm với số lượng lớn người dân Mễ Trì đã đặt đặt cấy lúa ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, nhưng việc lo nguyên liệu đầu vào không phải là mua đứt bán đoạn mà là một quá trình. Dân làm cốm đã cẩn thận về tận nơi trồng lúa, đặt giống lúa chất lượng, và mua theo từng ruộng. Tức là việc mua bán diễn ra ngay tại đầu bờ chứ không ngồi một chỗ chờ hàng về kiểm đếm kiểu phó thác cho người trồng cấy. Sau kiểm tra chất lượng, lúa nếp mới được gặt và chuyên chở nguyên bó về làng để sơ chế, thóc non thì làm cốm, rơm thì bện chổi. Bởi thế, dù không còn vùng trồng lúa thì vào mùa, khắp các ngõ xóm Mễ Trì vẫn rộn ràng tiếng tuốt lúa, cảnh rút rơm, rang cốm, giã cốm, xay xẩy giần sang... Mùi rơm, mùi nếp, mùi hun trấu thơm ngọt một khoảng trời. Mấy năm trước khi nổi lên vấn đề dùng màu thực phẩm nhuộm xanh cốm ở làng Vòng, thì cốm Mễ Trì vẫn được đánh giá là cốm sạch. Sự việc đó cũng như một lời nhắc nhở để người làm nghề quyết giữ hương sắc mộc cho cốm, đảm bảo chất lượng sức khỏe và an toàn là hàng đầu. Câu lạc bộ nghề cốm đã ra đời để gắn kết các hộ làm cốm, những mong có một tiếng nói chung trong việc duy trì làng nghề trong những đặc điểm của xã hội hiện đại, không gian làng quê hiện đại hôm nay.

Thế nên, dọc ngõ nhỏ nhà tôi ở, vào mùa, hương cốm vẫn thoảng bay trong gió, vẫn nghe tiếng giã cốm đều đều từ vài hộ giữ nghề, dù có những tranh luận về tiếng ồn và ảnh hưởng trong khu dân cư. Ruông không còn nhưng một số người dân Mễ Trì vẫn thương nhớ những ngày làm bạn với đồng đất bằng những cách rất riêng. Có bữa tôi đi làm về gặp bác hàng xóm sau nhà gánh hai thúng lúa kĩu kịt, thấy lạ tôi bèn hỏi, thì ra bác gánh lúa của nhà đi xát thành gạo, một việc tôi từng làm vài chục năm trước, khi còn ở quê nhà. Nhưng gặp cảnh này ở đây và bây giờ thì cũng là một sự lạ. Hỏi ra mới biết, tuy những cánh đồng Mễ Trì năm xưa giờ đây đa phần đã biến thành những cánh đồng cao ốc theo những cách khác nhau, nhưng cũng còn những mảnh đất dự án, đất quy hoạch dù đã thu hồi, đã hoặc chưa đền bù cho dân nhưng chưa xây dựng, dân vẫn có thể tranh thủ canh tác, cấy cày được ngày nào hay ngày ấy. Và hai thúng lúa mà tôi bắt gặp trên vai bác hàng xóm là kết quả từ những thửa ruộng dạng này. Bao quanh Mễ Trì là những thành lũy cao ốc, nhưng len lỏi trong đó vẫn là những hương xưa. Mễ Trì hôm nay, trong những rộn rạo của quá trình đô thị hóa, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, mọi ngõ ngách đều chen lên những căn nhà cao thấp, cảm tưởng đến không còn chỗ cho đất thở, khi mà số người tạm cư vượt trội hơn gấp mấy người làng thì vẫn còn đó một dòng chảy âm thầm của lịch sử. Lắng trong hương cốm vẫn cảm nhận thấy những tiếng cựa mình của đất…

Mễ Trì, tháng 12 năm 2022

N.X.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)