Dòng chảy

Để dòng chảy văn học chiến tranh và người lính được tiếp nối xứng đáng

Thứ Năm, 23/02/2023 11:55

Ngày 22/2, tại hội trường Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có buổi gặp gỡ trọng thị với các nhà văn viết về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng trong và ngoài quân đội.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì buổi gặp mặt. Dự buổi gặp mặt còn có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã trò chuyện thân tình với gần 50 nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình để hiểu sâu hơn về tình hình văn học hiện nay, đặc biệt là các sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính của các nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Quân đội và những nhà văn tâm huyết với đề tài này.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì buổi gặp mặt các nhà văn trong và ngoài Quân đội.

Với vai trò người đứng đầu Chi hội Nhà văn Quân đội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội có một vài báo cáo ngắn gọn về tình hình văn học đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng hiện nay. Đại tá Nguyễn Bình Phương nói, song hành với lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có các tác phẩm văn học đề tài chiến tranh và người lính với lực lượng sáng tác hùng hậu từ thời kì kháng chiến chống Pháp, thời kì kháng chiến chống Mĩ và thời kì sau năm 1975. Về bức tranh văn học đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng hiện nay, Đại tá Nguyễn Bình Phương nhìn nhận, có hai lực lượng viết văn chính đó là các nhà văn trải qua chiến tranh đã có những tác phẩm đứng lại trong văn học, lực lượng này vẫn đang tiếp tục mang tâm huyết của mình đóng góp và làm sáng dòng chảy văn học hôm nay. Một lực lượng nữa là các nhà văn trưởng thành sau hòa bình, là những người sáng tác trẻ mới trưởng thành do tình yêu với đề tài người lính hoặc do đặc thù công việc, các nhà văn vẫn đang tiếp tục gắn bó với đề tài chiến tranh cách mạng, đó là lực lượng viết nhiều về người chiến sĩ ngày hôm nay. Dòng văn học ấy xuất hiện ở cả trong văn xuôi, thơ và phê bình. Hai lực lượng viết trên có sự tiếp nối hết sức uyển chuyển giữa các thế hệ nhưng những người sáng tác về đề tài này hôm nay cũng đã tạo ra phong cách, điểm nhìn mới mẻ cho văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính.

Theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Bình Phương, về mảng đề tài này, trong đời sống văn học Việt Nam những năm gần đây, về văn xuôi nổi lên dòng văn học phi hư cấu gồm các ghi chép, bút kí hồi tưởng của những người từng trải qua chiến trận... giúp độc giả có cơ hội tiến gần hơn với diễn biến của chiến tranh thông qua những chạm khắc, tô vẽ và từ những hiện thực khác độc giả có quyền tiếp cận thông qua góc nhìn của mình với một góc độ mở trong văn học. Bên cạnh đó, dòng văn học hư cấu vẫn là chủ đạo, đã để lại kho tư liệu lớn để thế hệ sau tham khảo. Các dòng văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính diễn ra hết sức sôi động trong đời sống văn học với đa dạng phong phú điểm nhìn cách tiếp cận khác nhau tuy nhiên điều đáng nói là, dù cởi mở đến mấy đại đa số các tác phẩm khi xuất bản đều giữ vững phẩm chất của người lính, bản chất và sứ mệnh cao đẹp của Quân đội nhân dân, không làm thay đổi bản chất và ý nghĩa của các cuộc chiến tranh vệ quốc, dù có sinh động đến mấy không làm méo mó đi hình ảnh cao đẹp của người lính trong đời sống văn học, các tác phẩm đã thể hiện tính chân thiện mĩ của Bộ đội Cụ Hồ.

Hướng tới kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Chi hội nhà văn Quân đội hiện đang thực hiện hai bộ sách lớn, một bộ là tuyển tập tác phẩm của nhà văn quân đội và một bộ là tuyển thơ văn trên Văn nghệ Quân đội từ năm 1957, là năm Tổng cục Chính trị cho ra đời tạp chí văn chương của Quân đội, từ đó đến nay vẫn giữ vững là diễn đàn văn học hàng đầu của cả nước, nơi giới thiệu những sáng tác chất lượng của các nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình của Việt Nam. Nhìn vào các bộ sách đó sẽ cho một hình dung về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ từ thuở là anh Vệ quốc quân hôm qua đến người chiến sĩ Quân đội nhân dân hôm nay, sẽ thấy một hình tượng người lính đầy đủ trong văn học. 

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá cao vai trò của các nhà văn quân đội tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ các nhà văn trong và ngoài Quân đội đã dành tình yêu và cảm hứng sáng tạo cho đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng suốt thời gian qua, góp phần xây dựng đời sống văn hoá trong sáng, lành mạnh trong Quân đội, làm giàu đời sống tinh thần cho bộ đội và nhân dân. Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định, Tổng cục Chính trị luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của các văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội dành tâm huyết cho đề tài chiến tranh và người lính. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận và anh chị em văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận ấy, thời gian qua, các nhà văn đã giữ vững và phát huy rất tốt truyền thống của những thế hệ đi trước với những thành tựu mới, đóng góp mới. Trong những lúc gian lao nhất, cam khổ nhất, ác liệt nhất, các nhà văn đã có mặt, đã lên tiếng, đã có những tác phẩm động viên kịp thời người chiến sĩ, đã phản ánh, tôn vinh kịp thời những phẩm chất anh dũng quả cảm cũng như những hi sinh mất mát của người lính tới bạn đọc cả nước để mọi người cùng thấu hiểu và sát cánh. Đặc biệt, các nhà văn quân đội đã trở thành trụ cột của văn học cách mạng với nhiều tên tuổi lớn. Truyền thống ấy cần được phát huy, được làm giàu lên, dày dặn lên trong thời kì mới. Người chiến sĩ hôm nay cũng trải qua nhiều vất vả, thời bình nhưng máu người lính vẫn đổ xuống, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mong muốn các nhà văn gạo cội bằng tài năng và tâm huyết của mình hãy kết nối, truyền lửa cho các nhà văn trẻ tiếp tục cống hiến viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, để dòng chảy ấy được tiếp nối không ngừng. Trách nhiệm của các nhà văn quân đội hôm nay là tiếp tục góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của nhà văn áo lính cũng như lan toả những giá trị nhân văn trong toàn xã hội, để có những tác phẩm xứng tầm thời đại, những tác phẩm ghi dấu ấn của hôm nay.

Đại tá nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội,  Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội trình bày đánh giá và phương hướng của Chi hội trong thời gian tới.

Có thể nói, nòng cốt của lực lượng sáng tác đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng chính là những nhà văn áo lính. Nói về vai trò của Chi hội Nhà văn Quân đội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, Chi hội Nhà văn Quân đội nằm trong hệ thống chi hội, liên chi hội của Hội Nhà văn Việt Nam, hoạt động theo điều lệ của các hội văn học nghệ thuật. Hội có gần 50 thành viên trong đó có quá nửa các nhà văn đã có tuổi, các nhà văn trưởng thành trong chiến tranh và có nhiều thành tựu. Số thành viên trưởng thành trong thời bình phần lớn còn tại ngũ, các thành viên này làm việc chủ yếu trong cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và một số cơ quan, đơn vị khác. Đa phần các thành viên trong Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Quân đội làm kiêm nhiệm nhiệm vụ mà không phải những người chuyên trách dẫn tới có sự hạn chế về thời gian, trí tuệ dành cho các hoạt động của Chi hội. Tuy vậy việc kiêm nghiệm cũng có sự thuận lợi, trên cương vị công tác của mình các thành viên Ban Chấp hành đã vận dụng linh hoạt để anh em có hoạt động thường niên như tham dự các trại sáng tác, đi thực tế cơ sở... Qua những hoạt động đó tạo điều kiện cho các nhà văn trong Chi hội có điều kiện thời gian để hoàn chỉnh tác phẩm hay tích lũy tư liệu sáng tác. Rất nhiều những tác phẩm đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương... đã được ra đời như thế.

Các nhà văn trong Chi hội đã ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia vào hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Các thành viên trong Chi hội dù sống trong môi trường dân chủ nhưng đa phần vẫn giữ được khí phách, sự nghiêm túc của mình, phát ngôn luôn chuẩn mực, không có hội viên nào phát ngôn gây dư luận trái chiều đi ngược với đường hướng quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, không có nhà văn nào có sáng tác đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong thời gian tới, Chi hội Nhà văn Quân đội sẽ cố gắng vận dụng trong điều kiện thực tế nhiều hơn để các thành viên trong Chi hội có nhiều hoạt động nghề nghiệp hữu ích hơn nữa; Chi hội cũng sẽ hoàn thành bộ sách Tuyển tập Nhà văn Quân đội và tuyển tập tác phẩm thơ văn về người lính có tên Người chiến sĩ ấy. Những công trình đồ sộ đó sẽ là sự tri ân của lực lượng sáng tác trong Quân đội với những người lính nhân dịp kỉ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ cảm xúc của mình tại buổi gặp mặt.

Được mời phát biểu tại cuộc gặp mặt, Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tạp Tạp chí Văn nghệ Quân đội bùi ngùi bày tỏ, rất lâu rồi ông mới trở lại căn phòng quen thuộc đã gắn bó với nhiều thế hệ các nhà văn kháng chiến như ông tại địa chỉ quen thuộc số 4, Lý Nam Đế. Ông nói rằng, các nhà văn quân đội luôn được thủ trưởng Tổng cục Chính trị các thời kì dành cho sự quan tâm đặc biệt, tạo những điều kiện đặc biệt để hoàn thành trọng trách, sứ mệnh rất đặc thù của Quân đội, và cuộc gặp gỡ đầu năm hôm nay cũng chính là sự kiện đặc biệt thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục Chính trị hôm nay với đội ngũ sáng tác văn chương quân đội. Cựu Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tâm sự, hơn 40 năm gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gắn bó với đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, ông cũng như nhiều nhà văn cao tuổi trong cuộc gặp mặt rất mừng khi thấy Tạp chí Văn nghệ Quân đội không ngừng phát triển, giữ được vị trí là tờ tạp chí văn chương hàng đầu của cả nước. Ông rất mừng vì thế hệ các nhà văn quân đội đã có một đội ngũ kế cận xứng đáng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự khâm phục trước những gì các nhà văn áo lính đã làm được.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cho rằng lực lượng viết văn Quân đội đã mang đến sự khác biệt cho nền văn học Việt Nam. Trên thế giới chỉ có Việt Nam và trước đây là Liên Xô có đội ngũ đông đảo những nhà văn áo lính, những người lính viết văn, song hành cùng các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Ở Việt Nam, những người sáng tác văn học từ năm 1945 đến nay cơ bản đều là người của Quân đội, đây là lịch sử hết sức thực tế cũng là niềm kiêu hãnh của nền văn học nước nhà. Nhiều người lính khi bước vào mặt trận bảo vệ Tổ quốc đã trở thành nhà văn và cũng có rất nhiều nhà văn bước vào cuộc chiến tranh và trở thành người lính. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong chiến tranh, sự hòa trộn phẩm chất, tính cách, ý chí khát vọng của người lính và tính nghệ sĩ của nhà văn đã làm lên sự khác biệt của văn chương Việt Nam. "Xuất phát là một người đọc, bây giờ là người điều hành Hội nhà văn Việt Nam tôi thay mặt những người làm văn chương tỏ lòng biết ơn đến Quân đội đã sinh ra những người lính anh hùng, sinh ra những nhà văn, nhà thơ lớn trong 2 cuộc kháng chiến và họ là chủ nhân, là người thiết kế ra nền văn học hiện nay để chúng ta hưởng thụ", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại cuộc gặp. Về sứ mệnh văn học của các nhà văn quân đội hôm nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: Trong chiến tranh nhà văn quân đội có kẻ thù trước mặt là kẻ thù xâm lược, trong hòa bình các nhà văn có nhiều kẻ thù hơn đó là sự độc ác, vô cảm, thói tham lam, vị kỉ... Các nhà văn quân đội đông đảo trong cả nước đã đi qua cuộc chiến tranh với nhiều thử thách về cái chết, ngày nay họ lại tiếp tục đi trên hành trình mang lại giá trị về đức hạnh, về văn hóa bằng những trang văn của mình

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công an, nguyên Tổng biên tập Báo Công an nhân dân tại cuộc gặp đã đưa ra nhận xét, lực lượng sáng tác văn học có xuất thân từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và người lính có những đóng góp khá dày dặn. Ông nói vui thời kì khi ông còn làm Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Ban lãnh đạo có 5 người thì 4 người xuất thân từ Quân đội nên đề tài chiến tranh cách mạng rất gần gũi với những người làm báo công an. "Mỗi khi có các sự kiện văn học nghệ thuật của ngành chúng tôi đều học cách làm và mô hình của Quân đội và các cuộc thi văn học chúng tôi đều mời người của Quân đội tham gia Ban Chung khảo", ông nói. Nói về cá nhân, Trung tướng tự hào rằng ông đã có nhiều tác phẩm đề tài Chiến tranh cách mạng nhận được giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Ông cũng mong muốn Tổng cục Chính trị tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa để mảng đề tài này phát triển sâu rộng hơn trong tương lai.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lí luân phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ cảm xúc trong buổi gặp mặt.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lí luân phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ cảm xúc khi 48 năm trước ông đã công tác tại Phòng Văn hóa văn nghệ tại số 4, Lý Nam Đế. Ông chia sẻ, 55 năm qua ông vẫn theo dõi mảng văn học đề tài chiến tranh và người lính. Giáo sư mong muốn Tổng cục Chính trị có những quyết sách và đầu tư bền vững lâu dài cho sự phát triển văn hóa văn nghệ, tạo sức mạnh nội sinh để tiếp tục khẳng định dòng văn học chiến tranh và người lính phát triển, khẳng định vai trò của đội ngũ viết văn quân đội hùng hậu, tiếp nối những trang vàng truyền thống.

Nhà thơ Phạm Thị Vân Anh chia sẻ những việc làm thực tế tại BTL Bộ đội Biên phòng trong việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác văn học đề tài Chiến tranh cách mạng và người lính.

Tại cuộc gặp, nhà thơ Phạm Thị Vân Anh, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội có những góp ý để nâng cao số lượng cũng như chất lượng các sáng tác văn học, nhất là các sáng tác về đề tài về chiến tranh và người lính hôm nay. Chị cho rằng cần có nhiều giải pháp về nhân lực, cũng như các cơ chế đãi ngộ đặc biệt với các nhà văn để tạo đột phá mới phát huy sức mạnh và giá trị của người quân nhân thời đại mới. Trong những năm qua, không có nhiều tác giả viết văn trong Quân đội xuất hiện một phần là do các cây viết khi chập chững bước vào nghề chưa nhận được sự động viên khích lệ của thủ trưởng đơn vị và các cơ quan truyền thông nên nhiều tác giả nản chí và từ bỏ. Bằng thực tiễn phát hiện và bồi dưỡng đãi ngộ hợp lí những người viết tại đơn vị, lực lượng Biên phòng nơi chị công tác đã phát hiện được hàng chục hạt nhân văn chương tốt.

Cuộc gặp mặt đã diễn ra trong không khí chân tình, ấm áp và cầu thị. Các nhà văn gắn bó với đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng đã có dịp cùng ngồi lại để trao đổi về đề tài tâm huyết, nhìn lại những gì đã làm cũng như có sự kết nối các thế hệ để hi vọng về những tác phẩm đạt chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật trong thời gian tới.

Một số hình ảnh các nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình tại buổi gặp gỡ đầu xuân 2023:

THÀNH DUY thực hiện
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)