Ngày 6/12/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cuộc đời và sự nghiệp. Hội thảo nhằm tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhà văn trong dòng chảy văn học Việt Nam. Đây cũng là dịp gắn kết các nhà văn và độc giả, qua đó làm sâu đậm tình yêu văn chương trong mỗi người và tiếp thêm động lực sáng tác cho các tác giả.
Nguyễn Quang Sáng được biết đến là nhà văn có lối viết mang đậm chất Nam Bộ. Giọng văn của ông mộc mạc, hồn hậu, tự nhiên nhưng có chiều sâu như chính tính cách của đất và người Nam Bộ. Nhắc đến Nguyễn Quang Sáng là nhắc đến những tác phẩm gắn bó với bạn đọc như Chiếc lược ngà, Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Trải qua thời gian, lịch sử, văn học Việt Nam hiện đại đã có nhiều đổi mới, nhiều dòng chảy khác nhưng các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn in đậm trong lòng các thế hệ bạn đọc và giá trị nhân văn của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị.
Tại Hội thảo, PGS-TS Võ Văn Nhơn phát biểu: “Chiều sâu trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng thể hiện ở chỗ, ông rất quan tâm đến những tình cảm sâu lắng, giàu giá trị nhân bản như tình cha con, tình mẹ con, tình vợ chồng. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của ông, nếu xử lí non tay sẽ dễ trở thành một tác phẩm minh họa đơn giản cho những bi kịch của chiến tranh, nhưng qua tay ông, tác phẩm đã đạt đến một chiều sâu nhân văn cao cả, vì thế đã lay động bao trái tim bạn đọc”.
PGS-TS Bùi Thanh Truyền cũng cho rằng, “Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn Nam Bộ tiêu biểu mà cuộc đời và văn nghiệp đều gắn bó với mảnh đất phương Nam giàu bản sắc. Tác phẩm của ông nói nhiều về những yếu tố văn hóa nhưng lại không hề nhàm chán mà luôn cuốn hút. Một cách tự nhiên mà đầy hiệu quả nghệ thuật, nhà văn đã thổi cái hồn Nam Bộ vào từng câu chữ, làm cho đất và người cực Nam xa xôi của Tổ quốc trở nên thân thương hơn, gần gũi hơn với mỗi người dân đất Việt”.
Được ví như "cây đại thụ" của văn học Nam Bộ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang đến văn đàn một phẩm chất đậm đặc Nam Bộ không dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên mà được ông thể hiện rõ nét hơn qua ngôn ngữ và tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Đọc văn ông, dễ dàng mường tượng một không gian Nam Bộ với đầy đủ sự cởi mở, sự thân thiện, sự hào hiệp, sự bao dung...
Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, trong bài phát biểu tại Hội thảo đã chia sẻ: "Nghĩ và nhớ về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chúng ta có thể vẫn hình dung một nhà văn thấp đậm có lối sống ngang tàng và phóng túng. Thế nhưng, trong tác phẩm của ông thì khác hẳn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chặt chẽ về cấu trúc và tỉ mỉ về chi tiết. Sự độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là ông nhìn ra vẻ đẹp bất ngờ ẩn giấu bên trong những con người nhỏ bé và lầm lũi. Họ chịu đựng những thiệt thòi một cách nhẹ nhàng, họ gánh vác những mất mát một cách ung dung để họ được làm chủ chính mình, được cống hiến cho quê hương".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (còn có bút danh là Nguyễn Sáng), từng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM (1981-2000), Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Bằng những đóng góp của mình, vào năm 2000, ông đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
HỮU SƠN
VNQD