Ý nghĩa biểu trưng của từ “xuân/ mùa xuân” trong ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975

Chủ Nhật, 16/05/2021 00:39

. NGUYỄN THỊ THÚY HÀ
 

Mùa xuân vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, khơi nguồn sáng tạo cho các nghệ sĩ, trở thành đề tài quen thuộc của thơ ca, nhạc, họa. Đứng trước vẻ đẹp của mùa xuân, mỗi nghệ sĩ đều có niềm rung cảm mãnh liệt, cách cảm nhận độc đáo, riêng biệt mang đậm dấu ấn cá nhân và thời đại. Chính vì thế, đề tài mùa xuân vốn quen thuộc nhưng không bao giờ cũ mà luôn luôn mới lạ, độc đáo, giàu tính sáng tạo. Điều đó được thể hiện rất rõ qua ca từ của ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Trong tri nhận của người phương Đông, con người và vũ trụ luôn tồn tại trong mối giao hòa, tương thích, có sự ảnh hưởng qua lại, chi phối lẫn nhau. Vì thế, người ta thường mượn quy luật vận động, phát triển của tự nhiên để biểu đạt quy luật vận động, phát triển của cuộc đời con người. Theo đó, quy luật tứ thời xuân - hạ - thu - đông thường được liên tưởng đến quy luật sinh - trưởng - lão - bệnh của con người. Mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm tương ứng với chữ sinh trong quy luật phát triển cuộc đời con người. Với những đặc tính tự nhiên đó, mùa xuân thường được liên tưởng đến sự sinh sôi, nảy nở, trạng thái rực rỡ, tươi đẹp của đời người.

Mùa xuân là sự bình hòa, trung tính của đông và hạ, mang vẻ đẹp ấm áp, dịu dàng, trong sáng; là mùa của sự hồi sinh, chuyển mình, căng tràn nhựa sống… Vì thế, trong thơ ca nghệ thuật, xuân/ mùa xuân thường được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng về sức sống hay tình yêu của tuổi trẻ… Trong ca từ của các ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, ngoài ý nghĩa biểu trưng quen thuộc trên, từ xuân/ mùa xuân còn được lâm thời sử dụng với những ý nghĩa biểu trưng rất riêng, mới lạ, độc đáo, phản ánh được cách tri nhận của con người trong những hoàn cảnh cụ thể của một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, tôi nhận thấy từ xuân, mùa xuân xuất hiện trong ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 mang một số nét nghĩa tượng trưng như sau:

Xuân/ mùa xuân biểu trưng cho sức sống của con người và đất nước

Nhắc đến mùa xuân, văn chương nghệ thuật nói chung, ca từ trong các ca khúc cách mạng nói riêng thường có sự liên tưởng đến sức sống mãnh liệt của con người, đất nước.

Với ý nghĩa biểu trưng này, trong ca từ của ca khúc cách mạng, từ xuân/ mùa xuân thường được kết hợp với các từ chỉ đặc điểm tươi xanh của thực vật tạo nên các kết hợp như xuân tươi, xuân thắm tươi… để biểu trưng cho sức sống đang trào dâng, trỗi dậy mạnh mẽ của con người trong chiến đấu: Đường xa chân đi vui bước/ Lòng xuân thêm bao thắm tươi (Nhạc rừng - Hoàng Việt), hay biểu trưng cho sức sống mới đang lên của đất nước Việt Nam từ khi có Đảng quang vinh: Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi (Đảng đã cho ta một mùa xuân - Phạm Tuyên), hay Mùa xuân tới nguồn sống đang sục sôi/ Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời (Việt Nam quê hương tôi - Đỗ Nhuận).

Ngoài ra, từ xuân/ mùa xuân còn được sử dụng trong những văn cảnh có sự xuất hiện của nhiều từ ngữ chỉ các tín hiệu đặc trưng, tiêu biểu, mang tính ước lệ của mùa xuân như: chim én, hoa mai, hoa đào, chồi non, lộc biếc, mưa xuân, gió xuân… Các hiện tượng đó của mùa xuân không tồn tại một cách đơn lẻ, riêng biệt mà luôn trong mối tương quan, giao hòa với nhau, tạo nên sức sống mãnh liệt cho thiên nhiên. Do vậy, ca từ của các ca khúc cách mạng 1945 - 1975 thường sử dụng kết hợp từ ngữ chỉ các hiện tượng tương ứng để diễn tả vẻ đẹp và sức sống mới của con người và đất nước: Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu/ Chim hót mừng mùa xuân thắng lợi/ Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi/ Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời (Xuân chiến khu - Xuân Hồng).

Lời ca cho ta một bức tranh thiên nhiên với tiếng chim thánh thót rộn rã, vang vọng khắp núi rừng cộng với tiếng gió, tiếng lá vi vu tạo nên một bản hợp xướng âm thanh vui tươi, sôi động. Đặc biệt, tiếng chim hót như đánh thức mọi cảnh vật trỗi dậy, tạo nên sự tương tác, hiệu ứng dây chuyền: chim hót - gió đưa - cây lá vi vu - mai nở. Nhân tố trước tác động, làm biến đổi nhân tố sau, tạo nên một sự giao cảm, hòa quyện thắm thiết. Với sự tác động mang tính dây chuyền đó, bức tranh xuân ở chiến khu làm dịu lại, mềm đi cái khốc liệt ở chiến trường, khiến lòng người thêm vui vẻ, trẻ trung, yêu đời, lạc quan và tràn đầy sức sống.

Từ xuân/ mùa xuân trong ca từ của ca khúc cách mạng còn mang ý nghĩa biểu trưng cho sức sống, niềm vui đang dâng lên tràn trề, mãnh liệt trong lòng người tạo nên sức mạnh và bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến đấu: Lòng người đang độ mùa xuân, trào dâng niềm vui đánh Mĩ/ Dẫu hiểm nguy em không nề (Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Lư Nhất Vũ).

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, từ xuân/ mùa xuân được dùng với ý nghĩa biểu trưng cho sức sống, sự hồi sinh của quê hương, đất nước. Khi được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng này, từ xuân/ mùa xuân thường kết hợp với các từ ngữ chỉ đất nước, quê hương: đất nước như mùa xuân, xuân nước non, mùa xuân đồng quê, mùa xuân miền Nam, mùa xuân miền Bắc, mùa xuân thành phố, mùa xuân Việt Nam…: Đất nước ta như mùa xuân/ Đường dài giục ta mau bước tới/ Ta băng qua lửa đạn, tiến về những chiến trường (Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh - Văn Kí); Xuân nước non chứa chan bao tình thương, lòng ta ấm lửa tình nghĩa hậu phương/ Kìa em có nghe sóng người lên đường cùng chung sức giải phóng cho miền Nam; Ta chào mùa xuân đồng quê bừng khí thế/ Ta chào mùa xuân thành phố diệt Mĩ ngụy (Cùng hành quân giữa mùa xuân - Cẩm La).

Nếu như qua phương thức so sánh trực tiếp với mùa xuân, đất nước hiện lên với sức sống mới, tươi đẹp thì qua phương thức ẩn dụ, mùa xuân lại được sử dụng biểu trưng cho tương lai huy hoàng đang chờ đón, vẫy gọi chúng ta hành động theo tiếng gọi của non sông: Lời Tổ quốc đã ngân vang sông núi/ Thôi thúc quân đi mùa xuân đang vẫy gọi/ Đi ta đi! Kèn lệnh đã nổi lên rồi (Hành khúc thanh niên - Văn Dung).

Như vậy, từ xuân/ mùa xuân được sử dụng trong ca từ của các ca khúc cách mạng với ý nghĩa biểu trưng cho không chỉ sức sống của thiên nhiên, cảnh vật vốn là đặc trưng tiêu biểu của mùa xuân mà còn biểu trưng cho sức sống của con người, đất nước trong kháng chiến.

Xuân/ mùa xuân biểu trưng cho tuổi trẻ

Với tư cách là tính từ khi được chuyển loại, từ xuân thường được sử dụng trong văn chương với ý nghĩa là thuộc về tuổi trẻ, tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Nếu như mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm thì tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất, rực rỡ, huy hoàng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Vì thế, trong ca từ của các ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, từ xuân/ mùa xuân được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng cho tuổi trẻ - lứa tuổi căng tràn sức sống: sức thanh xuân, giàu nhiệt huyết và khát vọng. Ý nghĩa biểu trưng này được biểu hiện qua các cách kết hợp trực tiếp của từ xuân với từ chỉ tuổi tác như: tuổi xuân hay tuổi thanh xuân, lứa tuổi thanh xuân…

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, những phẩm chất của tuổi trẻ Việt Nam được phát huy cao độ nhất. Các chàng trai, cô gái sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho Tổ quốc thân yêu, cả trong chiến đấu: Các anh các chị/ Tuổi xuân đôi mươi/ Cánh tay luyện thép/ Đánh giặc đêm ngày (Chào sông Mã anh hùng - Xuân Giao) hay Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân cùng hiến dâng góp lửa diệt thù (Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Lư Nhất Vũ), và trong xây dựng đất nước: Đi ta đi lên! Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu (Hành khúc thanh niên - Văn Dung).

Biết bao anh hùng tuổi trẻ đã chiến đấu kiên cường, đã ngã xuống vì tự do và độc lập của dân tộc. Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công những người con trung hiếu sống mãi tuổi hai mươi ấy: Sông núi đất nước ơn người anh hùng đã chết cho mùa sau/ Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời để chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước (Biết ơn chị Võ Thị Sáu - Nguyễn Đức Toàn).

Như vậy, từ xuân/ mùa xuân mang ý nghĩa biểu trưng cho tuổi trẻ đã làm nổi bật được sức mạnh, vai trò và sứ mệnh lịch sử của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc. Tuổi trẻ Việt Nam đã có mặt trên mọi trận tuyến, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng dù ở vị trí nào, và bất cứ khi nào, những chàng trai cô gái vẫn luôn luôn xung kích, đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, kể cả hi sinh xương máu, thân mình để chiến đấu giải phóng và dựng xây đất nước. Họ đã thực sự hành động đúng như lí tưởng, hào khí của thanh niên: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.

Xuân/ mùa xuân biểu trưng cho kháng chiến/ cách mạng

Thoạt tiên, chúng ta tưởng rằng ý nghĩa của từ mùa xuân và ý nghĩa của các từ chỉ kháng chiến/ cách mạng không có điểm gì tương đồng. Thế nhưng, có thể thấy rằng, mục đích của kháng chiến/ cách mạng là mang lại cho đất nước, cho nhân dân sự hồi sinh, sức sống mới với những giá trị tốt đẹp, nhân văn, cao cả. Điều này có thể nhận thấy rõ qua mục tiêu của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ trong suốt 30 năm lịch sử là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Như vậy, có thể nhận thấy bản chất của xuân/ mùa xuân tương đồng với bản chất của kháng chiến/ cách mạng. Qua khảo sát, tôi nhận thấy có nhiều lần từ xuân, mùa xuân được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng cho kháng chiến/ cách mạng. Đây là ý nghĩa biểu trưng mới lạ, độc đáo.

Trước hết, để biểu trưng cho kháng chiến/ cách mạng, trong ca từ của các ca khúc cách mạng, từ xuân/ mùa xuân kết hợp trực tiếp với các từ ngữ thuộc tiểu trường chiến tranh/ cách mạng như: chiến dịch mùa xuân, xuân chiến khu, xuân đấu tranh… Cách kết hợp độc đáo này trong ca từ là một phương thức lãng mạn hóa chiến tranh, tạo nên cảm hứng lãng mạn, lạc quan trong các ca khúc cách mạng: Lá còn xanh như anh đang còn trẻ/ Lá trên cành như anh trong toàn dân/ Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui/ Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân (Lá xanh - Hoàng Việt); Xuân đấu tranh tiền phương hay hậu tuyến/ Cùng hành quân đi giữa mùa xuân (Cùng hành quân giữa mùa xuân - Cẩm La).

Một trong những thành quả của kháng chiến/ cách mạng là chiến công, thắng lợi. Đó là kết quả ngọt ngào mà toàn thể quân dân ta luôn khao khát, mong chờ. Với sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện thực và cảm hứng lãng mạn, ca từ trong các ca khúc cách mạng đã sử dụng nhiều từ xuân/ mùa xuân theo nghĩa biểu trưng cho thắng lợi, vinh quang của kháng chiến/ cách mạng.

Với ý nghĩa biểu trưng này, từ xuân/ mùa xuân thường kết hợp trực tiếp với các từ thuộc tiểu trường chỉ chiến thắng: xuân đại thắng, xuân chiến thắng, xuân thắng lợi. Đặc biệt, những cách kết hợp này xuất hiện nhiều trong ca từ của các ca khúc cách mạng được sáng tác vào những năm 1968 đến đầu năm 1975, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược bắt đầu bước sang giai đoạn mới: tiến công và tổng tiến công, giành được những chiến công vang dội.

Năm 1968, trước chiến thắng của chiến dịch Mậu Thân, nhạc sĩ Hoàng Vân trong ca khúc Chào anh giải phóng quân mừng mùa xuân đại thắng đã vui mừng, ngất ngây đón chào chiến thắng: Chào bình minh đang rạng! Mừng mùa xuân đại thắng/ Chào anh giải phóng quân.

Đến năm 1971, cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới, khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp hơn, quân thù càng tàn bạo hơn nhưng trong ca khúc Cùng hành quân giữa mùa xuân, nhạc sĩ Cẩm La đã thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cháy bỏng, tinh thần lạc quan về chiến thắng, vinh quang của những người con đất Việt: Trên núi sông gấm hoa Việt Nam/ Mùa xuân thắng lợi giặc Mĩ sẽ phải tan/ Là khi có em giữa dòng người vô tận/ Lại nao nức xây đắp cho miền Nam.

Đặc biệt, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân 1975 giành thắng lợi hoàn toàn, Tổ quốc ta được thống nhất thì chính mùa xuân cũng được ca từ sử dụng theo phương thức hoán dụ để biểu trưng cho chiến thắng của dân tộc. Chúng ta đón chào mùa xuân cũng là đón chào chiến thắng vẻ vang với niềm vui sướng hân hoan: Chào mùa xuân chiến thắng khắp nước đang tưng bừng/ Cả miền Nam miền Bắc, tay súng đang sẵn sàng cùng vùng lên (Bão nổi lên rồi - Trọng Đăng); Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/ Mùa xuân về rợp bóng cờ bay/…/ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/ Ôi, đẹp biết bao, biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao/ Qua hết rồi những năm thương đau… (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - Xuân Hồng).

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân của đất trời, cũng là chiến công toàn thắng, đất nước được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Cùng chung cảm hứng đó, trong Bài ca thống nhất, nhạc sĩ Võ Văn Di cũng sử dụng từ xuân theo phương thức hoán dụ để chỉ chiến thắng: Một mùa đông giá băng vừa tan/ Bạn mình ơi đón vui xuân về hân hoan/ Biển trời xuân sang/ Bắc Nam sum họp một giờ đông vui tưng bừng. Xuân - chiến thắng đã mang đến không khí tưng bừng, rộn rã, niềm vui bất tận lan tỏa, bao trùm toàn bộ không gian đất nước.

Ngoài ra, trong ca từ của các ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, tôi nhận thấy từ xuân/ mùa xuân còn được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng cho thời gian kháng chiến/ cách mạng. Ý nghĩa biểu trưng này có cơ sở từ nghĩa thứ hai của từ xuân (dùng để tính thời gian). Với ý nghĩa biểu trưng này, từ xuân/ mùa xuân thường được sử dụng theo phương thức hoán dụ, kết hợp ở phía trước nó từ những có ý nghĩa chỉ số lượng nhiều không xác định: những mùa xuân. Mỗi xuân/ mùa xuân tương ứng với một năm nhưng khi kết hợp với từ những, nó biểu trưng cho một khoảng thời gian ước chừng một số năm tháng trong quá khứ, hiện tại hay tương lai của cách mạng, kháng chiến.

Có trường hợp, xuân/ mùa xuân biểu trưng cho thời gian hiện tại, là giai đoạn kháng chiến gian lao vất vả nhưng tràn đầy khí thế, chứa chan niềm tin, hi vọng: Ơi! Những mùa xuân đẹp nhất/ Trên đường kháng chiến hoa nở sáng rừng (Người chiến sĩ ấy - Hoàng Vân). Có khi, xuân/ mùa xuân lại biểu trưng cho thời gian tương lai, là thời gian giả định, gắn liền với khát vọng, ước mơ về một đất nước tươi đẹp, rạng rỡ, hạnh phúc: Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng (Bài ca hi vọng - Văn Ký).

Xuân/ mùa xuân biểu trưng cho niềm vui, hạnh phúc

Một trong những nghĩa chuyển của từ xuân là biểu hiện tình cảm, nhưng là tình cảm lứa đôi riêng tư. Song, trong điều kiện đất nước có chiến tranh, mọi tình cảm riêng tư ít được đề cập đến và thường được lồng trong tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, không khó hiểu khi trong ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 mà tôi khảo sát, chỉ một đôi lần, từ xuân được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng cho tình yêu đôi lứa nhưng được lồng trong tình yêu đất nước: Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say/…/ Vẫn mang tình em mùa xuân rực rỡ/ Náo nức lòng trai ngày đi biển xa (Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn).

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sống dâng trào, của sự tròn đầy viên mãn. Đối với dân tộc ta, trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc đầy đau thương, mất mát, hi sinh, thì không có gì quý hơn, đáng đợi chờ, khao khát hơn là chiến thắng, tự do, hạnh phúc. Vì thế, các nhạc sĩ đã dùng từ xuân/ mùa xuân với ý nghĩa biểu trưng cho chiến thắng, tự do, hạnh phúc; dùng cảm giác rạo rực và mê say của thiên nhiên khi đón chào mùa xuân để diễn tả cảm giác ngất ngây, hạnh phúc đến tột đỉnh của con người trước chiến thắng và tự do. Đó thực sự là những sáng tạo độc đáo, đắc địa của các nhạc sĩ trong việc sử dụng từ ngữ.

N.T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)