Diệp Minh Tuyền, giữa nhạc và thơ

Thứ Sáu, 07/05/2021 10:36

. MÃ GIANG LÂN
 

Bây giờ mới viết về Diệp Minh Tuyền với tôi là một sự đáng trách. Bởi chúng tôi là bạn của nhau từ năm 1961 khi cùng là sinh viên Ngữ văn K6, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Tuyền vĩnh biệt chúng tôi, vĩnh biệt mọi người đã hơn hai mươi năm. Đêm nay trời có dịu chút ít, ngoài hành lang gió nam lay nhẹ mấy cánh lá vạn niên thanh, tôi lặng lẽ chìm vào không gian, thời gian những ngày sôi nổi như đang lẩn khuất đâu đây.

Diệp Minh Tuyền vóc dáng mảnh khảnh, luôn cười vui, đầy nhiệt huyết, lúc nào cũng nhẩm hát một giai điệu gì đó. Mùa hè năm 1964 là một mùa hè đặc biệt. Không khí có gì như trang nghiêm, ấp ủ những điều hệ trọng. Chúng tôi thường nghe nhiều những câu chuyện chiến trường, đi B, trở về quê hương chiến đấu, cơ quan cử người đến xin sinh viên mới tốt nghiệp... Nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) được đặc cách tốt nghiệp khoa Ngữ văn đã trở lại miền Nam, một vài thầy giáo cũng đã lên đường. Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), giảng viên trẻ khoa Sử, được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng anh xin trở về quê hương chiến đấu. Sinh viên hồi đó chưa nhiều nên dù học văn hay sử đều biết nhau thân nhau. Tôi vẫn nhớ Ca Lê Hiến dáng cao, mắt sáng, nhẹ nhàng đi dưới những tán cây phượng trong kí túc xá Láng thật thanh thản.

Diệp Minh Tuyền và Ca Lê Hiến là một cặp bài trùng. Học sử, Ca Lê Hiến bừng sáng với những bài thơ chiến đấu, tình yêu lí tưởng, đất nước quê hương. Học văn, Diệp Minh Tuyền thành danh với năm tập thơ Mùa nước nổi (1972), Đêm châu thổ (1975), Con đường có lá me bay (1987), Tình ca nơi cuối đất (1991), Hòa âm đỏ (1997), một tập lí luận phê bình Đổi mới đích thực văn học (1996) và hàng trăm ca khúc.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp năm 1965, Tuyền về công tác ở Ban Lí luận phê bình, Viện Văn học. Rồi để thỏa nguyện sáng tác và cũng là tình yêu, trách nhiệm với quê hương, năm 1968, anh xung phong đi B. Bạn bè ngạc nhiên, băn khoăn: “Nó vượt Trường Sơn thế nào được với cái thân hình gầy gò ấy?” Thế mà anh đã vượt Trường Sơn, trở về Nam và mong gặp lại Ca Lê Hiến đã về trước anh hai năm. Nhưng anh không còn gặp lại người bạn thân thiết của mình, Ca Lê Hiến đã hi sinh trong đợt xuống đường Tết Mậu Thân trước đó không lâu.

Tuyền đi, tôi viết bài thơ Sáng hôm nay, đề tặng D.M.T., sau đó in trên báo Văn nghệ (số ra ngày 12/6/1970): Tôi nhớ bạn ra đi một sáng/ Như sáng hôm nay/ Có tên lửa vạch đường bay ngang trời xanh rộng/ Cây bên đường đâm chồi hi vọng/ Nắng long lanh/…/Nơi bạn đến là xứ sở niềm tin và chiến thắng/ Khẩu súng trường thức tỉnh những trời xa/ Chắc đêm qua/ Có thêm người muốn cùng ta chiến đấu/ Có thêm người muốn thành người Việt Nam/ Sáng hôm nay phố trải rộng trang vui/ Người đi như những dòng tin chiến thắng.

Bạn bè luôn nghe ngóng tin tức, đón nhận những sáng tác mới của Tuyền. Tuyền từng nói: “Tôi bắt đầu làm thơ với sự động viên khuyến khích của Ca Lê Hiến, người bạn thân của tôi đồng thời cũng là nhà thơ trẻ đã bắt đầu nổi tiếng ở Hà Nội. Và Tết năm 1962, bài thơ của tôi đầu tiên được đăng báo Phụ nữ Việt Nam số Xuân. Thế là ngay từ hồi đó, tôi vừa làm thơ vừa chơi nhạc.” Từ chiến trường, thơ Tuyền trở ra, xuất hiện trên các báo chí miền Bắc. Năm 1972, tập thơ đầu Mùa nước nổi của anh xuất hiện. Tập thơ gồm những bài viết trong hai năm 1969-1970 thể hiện một bút lực dồi dào, một năng lực sáng tạo phong phú cùng với những bản nhạc, ca từ của anh. Các bài thơ ở đây cũng như những bài thơ viết trong những ngày tháng chiến tranh tiếp theo đều trẻ khỏe, mượt mà, tin yêu lạc quan như bài Một đêm văn công giữa rừng: Sân khấu nổi giữa rừng xanh bát ngát/ Lá trên cành vàng rực ánh đèn đêm/ Tiếng đại bác giữ nhịp cho tiếng hát/ Tiếng bom rền như nốt nhạc trầm sâu/…/ Anh bỗng thấy lòng mình yên tĩnh lạ/ Sau phút giây căng thẳng chốn chiến trường, hay bài Một đêm đồng bằng: Đêm đồng bằng giữa mùa Tổng tấn công/ Chẳng nơi đâu có phút giây im lặng/ Đồn giặc treo bàng hoàng pháo sáng/ Bốn phương trời tiếng súng gầm vang/ Đêm đồng bằng là đêm lập chiến công(1).

Tuyền xúc động trước những tấm gương hi sinh bình thản, những đồng chí, đồng đội chịu đựng gian khổ khắc nghiệt, những người tù từ Côn Đảo trở về, ngôi làng mới lập cuộc sống đang hồi sinh... Tuyền viết nhiều về những cô gái xe thồ vận tải, các em giao liên với tấm lòng cảm thông thương cảm. Lời thơ anh không giấu nổi tự hào, sảng khoái, âm vang như những khúc ca: Một tăng một võng thành nhà/ Một đêm binh trạm thành ga tâm tình/ Gà rừng gáy gọi bình minh/ Lại ba lô lại “hành trình Trường Sơn” (Đường xuyên Trường Sơn); Trận địa săn tàu nằm bên bờ sông/ Dưới rặng cây bần/ Đong đưa quả chín/ Vài bụi cóc kèn ô rô che kín/ Con cá thòi lòi/ Thập thò hang nong/ Khi nước lớn lên khỏa dấu chân còng/ Ăn trái bần chua đợi tàu giặc đến/ Giá không có chiếc “đầm già” đang liệng/ Ta bảo đây là bờ sông tuổi thơ (Trận địa bờ sông).

Thơ Tuyền ít ghi lại những phút giây căng thẳng dữ dội ở chiến trường. Anh thiên về nắm bắt những chi tiết chân thực hàng ngày và diễn đạt bằng một ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Sau hòa bình 1975, thêm những trải nghiệm trong cuộc sống, thơ anh sâu sắc đằm thắm hơn. Vẫn chất trữ tình quen thuộc, đến đây hồn thơ thêm nồng nàn đắm đuối: Mùa thu đến mùa thu đi là hết/ Lá vàng rơi lá vàng mãi xa cành/ Còn ta đến mãi bên nhau đến chết/ Nên tình yêu mãi mãi vẫn còn xanh (Dường như mùa thu).

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với nhà thơ, chiến tranh vẫn còn âm ỉ, nhức buốt hàng ngày. Bệnh tật, thương tật vẫn hành hạ Tuyền và vợ Tuyền - chị Bửu Lan, nữ biệt động Sài Gòn, bị bắt bị tù đày Côn Đảo. Nên Diệp Minh Tuyền tâm niệm: Có thể nào đánh đổi những câu thơ/ Đã thấm máu một thời dữ dội/ Giá máu đắt chẳng gì sánh nổi/ Chẳng thể nào đo đếm cân đong (Máu và thơ).

Cùng với thơ, Diệp Minh Tuyền làm giàu có mình bằng những ca khúc. Nhiều bài thơ của Tuyền được phổ nhạc và Tuyền cũng viết lời cho nhạc của các nhạc sĩ khác. Từ đầu thời sinh viên, khi cả lớp đi lao động ở nông trường Đồng Giao, anh đã sáng tác bài hát Trên nông trường cà phê. Tuyền được giao cây phong cầm của khoa Văn, khoa Sử ở kí túc xá Láng, thường xuyên đệm đàn cho các buổi liên hoan văn nghệ của sinh viên. Sôi nổi và say mê. Khi vượt Trường Sơn năm 1968 về Nam, anh còn đem theo cây đàn ghita và với cây đàn này anh viết bài Người giao liên Trường Sơn, bài hát được phát trên Đài phát thanh Giải phóng với tên tác giả Thanh Tuyền.

Rời rừng già Tây Ninh hơn tám năm rét rừng đói cơm thiếu muối, Diệp Minh Tuyền trở về Sài Gòn, hòa vào không khí âm nhạc sôi động lúc ấy, hoạt động không mệt mỏi, vừa làm quản lí (Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tờ Sóng nhạc) vừa miệt mài sáng tác. Chúng ta dễ nhận ra những ca từ của anh đều là thơ: Ngọn sóng nào đưa em bồng bềnh/ Ngọn sóng nào đùa anh bãi cát/ Mặt trời nào hôn ta rát mặt/ Cuộc tình nào ru ta nhẹ tênh (Mùa hè thiếu nữ, nhạc Hoàng Hiệp). Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Tôi còn nhớ vào cuối năm 1979, khi giới nhạc chúng tôi đang chuẩn bị sáng tác phục vụ cho kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng đầu 1980, tôi có dịp gặp Tuyền để trao đổi những trăn trở của mình khi viết về đề tài này… Trước lúc tôi trở về Hà Nội, Tuyền gửi cho tôi một bài thơ lục bát gồm hai khổ (mỗi khổ bốn cặp lục bát) với tựa đề Màu cờ tôi yêu. Ngồi trên máy bay, đọc bài thơ, tự nhiên vang lên trong tôi một giai điệu vừa tha thiết vừa sâu lắng. Bài hát đã nhanh chóng được hoàn thành và đầu năm 1980 đã được dàn dựng và phổ biến rộng rãi”.

Nhiều bài thơ của Tuyền tươi tắn mượt mà trong nhịp thơ năm chữ, lục bát đã được các nhạc sĩ phổ nhạc như Con đường có lá me bay: Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về, hay Mùa chim én bay: Khi gió đồng ngát thơm/ Rợp trời chim én liệng/…/ Cây nẩy đầy chồi xanh/ Mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh/ Dịu dàng như cơn gió/ Và lòng anh để ngỏ/ Cho tình em mơn man (nhạc Hoàng Hiệp), Tình yêu thì thầm: Tôi có một mối tình/ Trẻ trung như tiếng hát/ Tôi có một mối tình/ Như dòng sông êm mát (nhạc Phan Huỳnh Điểu)...

Các ca khúc của Tuyền có sự gắn kết giữa thơ và nhạc, nhạc thoát thai từ thơ, thơ trước nhạc sau, nhịp thơ gợi hứng cho giai điệu nhạc. Anh biết tuổi trẻ đang đòi tình ca, những giai điệu êm đềm hơn, lời ca giàu chất thơ hơn. Như thế chính đáng và hợp với “gu” của anh. Anh viết Tình biển và làm thơ lục bát trước: Vừng hồng lấp lánh biển đêm/ Nhấp nhô làn sóng nước hiền hòa xanh/ Biển trời ai họa thành tranh/ Sáng ngàn năm vẫn sắc thanh thiên này. Anh phổ nhạc trên lời ca ấy. Có trường hợp nhạc gợi nhịp điệu, tiết tấu cho thơ. Bài ca tạm biệt được lớp trẻ rất yêu thích. Một bài ca lứa đôi. Tuyền bộc lộ: “Nhân một buổi chiều tôi thả bộ tà tà trên vỉa hè đến Câu lạc bộ Lao động, đột nhiên xuất hiện một chủ đề âm nhạc: Mi mi-mi mi-si si. Tôi chộp ngay lấy nó, vừa đi đường vừa phát triển cho xong bài hát. Tôi cố nhớ và khi về đến nhà ngồi lên đàn thì coi như tôi đã viết xong bài nhạc. Ngay đêm đó tôi ngồi viết luôn ba lời của bài hát:

Lời 1: Chưa yên vui cho trọn ngày

Áo lính lại khoác vào ngay

Lời 2: Chia tay trong đêm mùa hè

Gió nói gì với hàng me

Lời 3: Chia tay trong đêm Sài Gòn

Phố xá tràn ánh đèn đêm.”

Thật khó tách rời mà là tương giao gắn kết cộng hưởng giữa thơ và nhạc của Tuyền. Có thể lẩy thêm ca từ một vài ca khúc của Tuyền đậm chất thơ, là thơ: Hạnh phúc trên đời đâu dễ tìm/ Cầm súng anh nguyện xin giữ gìn/…/ Hạnh phúc một thời anh kiếm tìm/ Hạnh phúc một đời xin giữ gìn (Chỉ một mình em); Tuổi vừa tròn mười bảy/ Xiết đẹp bao mộng mơ/ Cửa trường sắp rời xa/ Cửa đời đang rộng mở (Hát với tuổi 17)... Ngay cả những khi viết về người lính, âm nhạc của Tuyền vẫn rất thơ, rất rộn ràng: Đường dài hành quân xa/ Đi khắp non sông nhà/ Ngày ngày quàng trên vai/ Ba lô và cây súng (Bài ca người lính). Hát mãi khúc quân hành, bài hát trở thành “bài hát cửa miệng” của các chiến sĩ ở những tụ điểm ca nhạc, ở các hội diễn nghệ thuật quân đội, giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang năm 1995, có ca từ thật thơ, thật trẻ trung mà hào hùng: Mãi mãi lòng chúng ta/ Ca bài ca người lính/ Mãi mãi lòng chúng ta/ Vẫn hát khúc quân hành ca.

Có thể nói, Tuyền có ý thức đưa thơ vào nhạc, đưa nhạc vào thơ. Và thực sự có hiệu quả ấn tượng. Quần chúng yêu nhạc yêu nhiều ca khúc của anh: Nếu em là bờ xa, Bài ca thành phố ban chiều, Cánh hoa lưu li, Bài ca người lính, Bài ca tạm biệt…, và nhất là Hát mãi khúc quân hành, một sáng tác đỉnh cao của anh.

Nói đến Diệp Minh Tuyền là nói đến một chủ thể thơ - nhạc. Và còn rộng hơn, đầy đủ hơn như nơi lời tựa Diệp Minh Tuyền toàn tập, Mai Quốc Liên khẳng định:

“Diệp Minh Tuyền, nhà thơ

Diệp Minh Tuyền, nhạc sĩ

Diệp Minh Tuyền, cây bút chính luận phê bình văn học

Diệp Minh Tuyền, một chiến sĩ theo đúng nghĩa đen của từ”.

M.G.L

-------

1. Các trích dẫn trong bài đều từ sách Diệp Minh Tuyền toàn tập, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)