Những hình thức đấu tranh trong đối thoại chống chiến tranh của Bác Hồ

Thứ Năm, 22/04/2021 16:10

. NGUYỄN VIỆT HẢI
 

1. Hình thức đối thoại ngụ ngôn.

Với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa xôi, bóng gió có tính giáo dục bài học nhân sinh gì đó được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng cả phương Đông và phương Tây lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử…cũng đều là các nhà tư tưởng. Với tư cách là một nhà chính trị Bác Hồ cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào mục đích chính trị, có thể gọi đó là ngụ ngôn chính trị, mà nếu tìm hiểu sâu chúng ta phần nào hình dung được quá trình, phương pháp cách mạng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc một cách rất có chủ ý của Người.

Nửa đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một ngụ ngôn mà có lẽ không một lý luận nào hay hơn có thể thay thế: “Hiện nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già mà đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khoẻ ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già”[1]. Ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để Bác Hồ phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình…

Trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.

“Hỏi:…Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?

Trả lời:…Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu[2].

Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt “gây ra cuộc xung đột”. Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Cũng thật là thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.

Câu chuyện ngụ ngôn Kẻ cướp nói chuyện hòa bình đã lột tả rõ nhất hoàn cảnh nước ta bị giặc Mỹ xâm lược mà chúng lại vừa “ăn cướp vừa la làng”:“Câu chuyện rằng: Làng Xuân gồm có hai xóm, xóm Trong và xóm Ngoài.

Cả làng làm ăn rất vui vẻ. Bỗng một lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm xóm Trong. Chúng cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, hủy hoại ruộng vườn… Chúng mua chuộc mấy đứa bất lương trong xóm làm tay sai cho chúng. Vốn có truyền thống anh hùng, dân làng xóm Trong đã nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu.

Thấy không khuất phục được làng Xuân, lũ cướp một mặt thì kêu gào dân làng “bàn bạc cách giải quyết hòa bình”. Mặt khác lại ồ ạt đưa thêm bọn lâu la vào xóm Trong. Không mắc lừa mưu mô xỏ lá của lũ cướp, dân làng Xuân kiên quyết bảo chúng: “Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ xâm lược. Trước hết, chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển ”… Lũ cướp bèn kêu lên: “Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng Xuân không muốn!”[3].

Câu chuyện hết sức giản dị, chỉ là kể một câu chuyện trên dưới một trăm chữ về việc dân làng Xuân đánh cướp bảo vệ làng nhưng đọc lên thì ai cũng hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của nhân dân Việt Nam; bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá mà vô lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một khả năng khái quát, một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn, sâu sắc như thế!

2. Một hình thức nhại hiện đại.

2.1.Nhại lời nhân vật

“Ngày 10-6-1963, tổng Ken nói chuyện ở một trường đại học Mỹ. Đề mục bài nói chuyện là “chiến lược hoà bình”.Bài nói chuyện dài khoảng 6.000 chữ, mà y đã lặp đi lặp lại chữ “hoà bình" 92 lần.Tổng Ken nói những lời ngon ngọt như “mật rót vào tai”. Ví dụ:

“Mỹ kiên trì phấn đấu cho hoà bình...

“Mỹ sẵn sàng cùng bất kỳ chế độ nào trên quả đất thi đua hoà bình...

Vân vân và vân vân..., tổng Ken nói thì hay đấy, nhưng “ngôn bất cố hành”[4].

Tác giả triệt để sử dụng phép thống kê và nhại lại ngôn từ hoà bình mỹ miều của tổng Ken. Sự trống rỗng giả dối của ngôn từ mà “tổng Ken” dùng đã bị lời bình luận sắc sảo của tác giả lật tẩy làm trơ ra cái thực chất hiếu chiến phản hoà bình của tổng thống Mỹ: nói thì hay đấy nhưng hành động thì hoàn toàn trái ngược (ngôn bất cố hành).

“Trước sự kiện đó, thì xuất hiện những người “từ thiện” (như Liên hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những sứ giả hoà bình). Họ bảo người chủ nhà bị nạn rằng: Này bạn, chúng tôi thương hại anh. Song kẻ địch của anh cũng có lòng tốt. Anh xem, họ muốn hoà bình với anh. Với lòng nhân từ, họ bàn với anh chấm dứt chiến đấu và cùng họ thương lượng cách xử trí các việc trong nhà anh. Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh. Anh có thể bàn bạc với họ mà không cần đến vũ lực. Anh hãy thương lượng với họ một cách êm ái đi!

Chúng tôi biết rằng anh đòi các ông ấy trước hết phải ra khỏi nhà anh. Nhưng anh phải hiểu rằng các ông ấy không thể làm theo sự yêu cầu quá đáng của anh nếu không có cái gì bảo đảm, ví dụ anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó...

Bất kỳ nước nào cũng không có những pháp luật và tập quán cho phép một sự “hoà giải” như thế và cho phép lũ ăn cướp “đàm phán” việc chấm dứt xâm lược, phân phối của cải, thậm chí định đoạt số phận của nạn nhân...”[5].

Những chữ in nghiêng là giọng nhân vật, tức giọng những người từ thiện bị nhại trong giọng người kể. Những người “từ thiện” ấy là những ai? Là Liên hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những “sứ giả hoà bình”! Là những sứ giả hoà bình mà giọng lưỡi lại đi ngược lại hoà bình với những lập luận hết sức mâu thuẫn: chúng tôi thương hại anh… Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh … anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó…Những mâu thuẫn này đó bị tác giả vạch trần một cách đanh thép ở phần bình luận: “Bất kỳ nước nào cũng không có những pháp luật và tập quán cho phép một sự “hoà giải” như thế và cho phép lũ ăn cướp “đàm phán” việc chấm dứt xâm lược, phân phối của cải, thậm chí định đoạt số phận của nạn nhân”

Trong bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ được Bác viết ngày 12-5-1954 cũng sử dụng nghệ thuật nhại lời nhân vật để mỉa chính nhân vật: “Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava/ Thật là mạnh dạn và tài hoa/ Phen này Việt Minh phải biết tay/ Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay”. Đối tượng mỉa là quân Pháp: khoe khoang, khoác loác; mù quáng tin vào một “kế hoạch Nava”; coi thường đối phương; bợ đỡ “quan thầy”.

Tiếng cười còn dí dỏm hơn khi tác giả nhại cả ý nghĩ trong giấc mơ “chiến thắng” của quân giặc: “13 tháng 3 ta tấn công/ Giặc còn ở trong giấc mơ nồng/: “Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/ Máy bay cao cao, xe tăng thấp/ Lại có Nava cùng Cônhi/ Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy/ Chúng mình chuyến này nhất định thắng/ Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.Giấc mơ thì có nghĩa ảo, không thật, những ý nghĩ trong “giấc mơ nồng” này càng hão huyền, ngộ nghĩnh. Hão huyền ở chỗ tin vào “thầy Mỹ”, tin vào “tướng giỏi nắm chỉ huy”; ngộ nghĩnh bởi những hình ảnh tưởng tượng trong giấc mơ cũng buồn cười: “Máy bay cao cao, xe tăng thấp”. Câu thơ cấu trúc theo lối tương phản cao thấp kết hợp với tính từ cao được nhại lại diễn tả những hình ảnh không đều, chập chờn, hư thực; còn đối phương “ắt thua chạy quýnh cẳng”. Đúng là một tưởng tượng trong cơn mơ phi thực tế!

2.2. Nhại tin tức báo chí, công luận, dư luận

“- Báo Nhật đăng tin: Mỹ mới đặt mua ở Nhật 40 vạn cái bao đựng xác chết bằng chất dẻo để dùng cho quân đội xâm lược Mỹ ở Việt Nam. Thế là tạm đủ. Đó là tin thứ nhất.

- Quốc hội Mỹ vừa quyết định: khi những lính Hoa Kỳ trở về Mỹ, chúng sẽ được quyền ưu tiên có việc làm, có phòng ở và được cấp thuốc men khi đau ốm. Những tên lính nào đã được dùng bao bằng chất dẻo, thì thôi. Đó là tin thứ hai.

- Vợ Tổng thống Philíppin là Macô phu nhân đã hứa với tổng Zoon, bà ta sẵn sàng cho cậu con trai bảy tuổi của bà sang để giúp thêm lực lượng cho quân đội xâm lược Mỹ ở Việt Nam. Đó là tin thứ ba...”[6].

Tin thứ nhất được nhại từ báo Nhật vừa để nói lên một sự thật: Mỹ đã, đang thua thảm hại ở Việt Nam, đồng thời để mỉa tâm lý thua trận của Mỹ: “mới đặt mua ở Nhật 40 vạn cái bao đựng xác chết”.Tin thứ hai mỉa mai sự thận trọng quá thừa của Quốc hội Mỹ: “những tên lính nào đã được dùng bao bằng chất dẻo, thì thôi”, nghĩa là tên nào chết rồi thì không được “ưu tiên” nữa!!! Tin thứ ba mỉa mai không chỉ vợ Tổng thống Philíppin là Macô phu nhân với tổng Zoon mà còn mỉa mai cả quân đội Mỹ chẳng qua cũng chỉ là trò trẻ con.

2.3. Hình thức nhại âm, lái âm.

Hình thức này được Bác Hồ sử dụng rộng rãi hơn trong khi phiên âm tên các nhân vật bị mỉa sang âm tiếng Việt: “Nghe vậy, cựu Tổng thống Mỹ tên là Táp nói: “Nên dùng lính ngoại quốc đi đánh, dù tốn kém một chút cũng còn rẻ hơn dùng lính Mỹ, và người Mỹ đỡ phải chết”, (20-5-51).

Tướng Mặt Ác-tệ nói: “một viên đạn may ra chỉ giết một người Trung Quốc, một băng súng máy giết được 10 người... Nếu phá hoại cơ quan lương thực, thì có thể làm cho 50 triệu người chết đói trong một lúc”.

Tên Kinhxlây (Kingsley) nhận rằng: từ ngày Mỹ đổ bộ đến nay, hơn 3 triệu người Triều Tiên tan nhà nát cửa, và hơn 1 triệu người chết vì bom đạn”[7]. Đoạn trích này trong bài viết Đạo đức của Mỹ in báo Nhân dân số 12 ngày 14-6-1951, tác giả ký tên C.B. Ở thời điểm này, Tổng thống Mỹ là Harry S.Truman, Tổng thống thứ 33 của n­ước Mỹ. Trong bài viết Bác gọi "cựu Tổng thống Mỹ là Táp" thì Táp, âm thuần Việt gợi nên cái gì thô tục (ba táp). Mặt Ác-tệ tức Mác Áctơ là cách gọi nhái âm gợi về cái mặt ác, khó gần. Còn Kinhxlây thì bản thân vỏ ngữ âm đã gợi nên sự kinh sợ. Những cái tên này rất phù hợp với ngữ cảnh nội dung nói về sự độc ác của các nhân vật đáng lên án.

Ở một bài báo Bác Hồ nhại âm tên các nhân vật “tai to mặt lớn” của Mỹ : “Khi “Hắcín” sang làm tư lệnh ở Sài Gòn...”; “Cábỏlọt” sang làm “đại sứ” …”[8].Hắcín tức Hakin, mà hắcín thì luôn gợi ra cái gì đó đen đúa, bẩn, nhớp nháp. Cábỏlọt tức Cabốt Lốt, cábỏlọt thì thông tục, buồn cười, không còn gì là tư cách “đại sứ”.

“Vì Mỹ yếu cho nên phải đưa thêm lính Mỹ và phải nhờ lính của bọn Pakxuixi”[9]. Pakxuixi tức Pắc Chung Hi. Pakxuixi thì vừa khó nghe vừa gợi ở người đọc liên tưởng về những sự xui xẻo (xui), thông tục, tầm thường (xi đái).

“Để hòng cứu vãn tình hình tuyệt vọng đó, hôm 21-2-1964 tổng Giôn đe doạ "Bắc tiến". Hồi tháng 3, Mặt - nạ (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) sang Sài Gòn hứa “tổng viện trợ” cho bọn Khánh - Hoàn. Bọn này thì hứa với Mỹ “tổng động viên” để đẩy mạnh chiến tranh, đồng thời chúng đi cầu cứu với bọn Phumi ở Lào và bọn Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan! Đến tháng 4, Định-rút (Bộ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara bị Bác giễu chỉ là một thứ mặt nạ thậm chí là Mặtnạmara[10]. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bị nhại thành Định – rút (Đin Raxcơ)[11]. Tên nhân vật nhưng bị lái âm nên gợi liên tưởng đến một hành vi định rút tức có ý định rút lui. Tiếng cười bật ra: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ có ý định rút lui, có tâm lý rút lui.

“Cái tấn tuồng hoà bình giả dối của tổng Zoon đã thất bại ê chề.

Cái trò hề hội nghị Ônôlubù cũng bị hoàn toàn phá sản...”[12].

“Trả lời các nhà báo, tướng giặc Vétmỡlợn phải ấp úng thừa nhận rằng… máy bay bị mất đã lên cao một cách khác thường”[13].

Tổng thống Mỹ Giônxơn bị gọi tắt là tổng Giôn, bị nhại âm thành tổng Zoon, tiếng Việt đọc là run, run sợ. Tướng Oétmolen từng nổi danh: Tham mưu trưởng Học viện Quân sự Mỹ, Tư lệnh sư đoàn bay 187,…Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ mà bị hạ bệ thảm hại thành kẻ bất tài chỉ quen với những việc thông tục nhất: Vétmòlên (gợi về những công việc bình thường, tầm thường như đánh dậm, mò cua bắt ốc), Vétmỡlợn (hành vi dân dã). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắcnamara bị nhại thành Mặtnạmara tạo ở người đọc liên tưởng về chiếc mặt-nạ và con ma. Mỉa mai cái trò hề hoà bình giả dối, tính chất không nghiêm túc, thiếu đứng đắn của hội nghị Hônôlulu, Bác Hồ đã gọi nó là hội nghị Ônôlubù. Nhóm âm tiết này gần với thành ngữ tiếng Việt bù lu bù loa chỉ hiện tượng do một hoặc nhiều người tạo ra âm thanh om sòm, hỗn độn mất trật tự để gây chú ý.

“Vợ Tổng thống Philíppin là Macô phu nhân đã hứa với tổng Zoon, bà ta sẵn sàng cho cậu con trai bảy tuổi của bà sang để giúp thêm lực lượng cho quân đội xâm lược Mỹ ở Việt Nam”[14]. Macô trong tiếng Việt chỉ kẻ xấu thường làm những chuyện ma đưa lối quỷ dẫn đường. Tác giả lái âm thật tài tình về mặt hình thức vỏ ngữ âm vừa nêu được bản chất xấu: nịnh bợ (tổng Zoon), nhẫn tâm (đưa con trai mới bảy tuổi vào chỗ chết) của Macô phu nhân.

N.V.H


[1] Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu – Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tr 60.

[2] Trả lời vào tháng 5-1947. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quóc gia 2011, tr 160.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 690.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 131.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 45.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 56.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr95.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 348, 349.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 506.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 8.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 316.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập15. Sđd, tr 108.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 157.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 56.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)