"Phách lạc hồn xiêu": Tiếng chuông nhân - quả

Thứ Hai, 06/06/2016 08:45
.PHÙNG VĂN KHAI

chu phoong arial moi copy - Vũ Huy Anh có một cách đi riêng trong tiểu thuyết. Không những riêng ở đề tài, ở cách thể hiện mà chính yếu là điểm nhìn của nhà tiểu thuyết này luôn khác biệt với người viết đồng thời. Một điểm nữa, anh luôn khác chính mình. Đến cuốn Phách lạc hồn xiêu – NXB Hội Nhà văn năm 2015 ta càng thấy rõ điều đó.

Vũ Huy Anh đã sớm cho thấy sự khác biệt từ loạt tiểu thuyết đầu những năm tám mươi, chín mươi của anh. Đó là: Cuộc đời bên ngoài (1984); Trái cấm vườn địa đàng (1986); Bến bờ xa lạ (1989); Tìm lại tình yêu (1990); Sa ngã (1992); Người đẹp trước nhà (1994)… và đặc biệt gần đây là Trăm năm thoáng chốc (2012); Phách lạc hồn xiêu (2015).

 
phach lac hon xieu

Dễ nhận thấy một điều, Vũ Huy Anh khác biệt nhưng luôn đồng nhất với chính mình. Với lối tự sự nội tâm, ít nhân vật, ít đối thoại, xung đột luôn được kiểm soát bằng một ngòi bút điềm tĩnh, từng trải, đôi lúc diễu nhại khá tinh tế đã cho bạn đọc thấy chất riêng của một nhà văn vừa già dặn vừa mới mẻ.

Phách lạc hồn xiêu, nhà văn không ngần ngại nhập cuộc bằng một thái độ quả quyết định hình luật chơi. Đây là cuộc làm chủ ngòi bút của người cao tay nghề. Vừa như áp chế vừa như gợi mở. Đọc hết tiểu thuyết, ta sẽ thấy đây là một lối mở chấp nhận được, chính nó tạo sự khác biệt, tạo cá tính của Vũ Huy Anh.

Khởi đầu từ cái chết của nhân vật chính Phạm Tham Tán để linh hồn vừa tách ra khỏi thể xác bao quát, nhận diện, thậm chí phán xét trên tinh thần độc lập toàn bộ cuộc đời cũ trong chính cái thể xác vừa chia lìa kia chính là sự cao cường của ngòi bút tiểu thuyết. Điều đáng nói, Vũ Huy Anh sử dụng một giọng văn giản dị, đôi chỗ diễu nhại, vừa kể khơi khơi vừa đặt ra những vấn đề khác nhau đã cho thấy sự gân guốc nhưng mềm mại, uyển chuyển của một ngòi bút lão luyện.

Những nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam gần đây vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng, Vũ Huy Anh cũng vậy. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Huy Anh luôn được khám phá toàn diện ở các mặt sáng - tối, thiện - ác, cả phần vô thức, tiềm thức cũng được đặt ra. Chất người ở các nhân vật luôn được mổ xẻ, định dạng, đóng đinh một cách rốt ráo hơn. Nhiều nhân vật đã định hình và ăn sâu bám dễ trong đời sống văn học như Lành trong Cuộc đời bên ngoài; Tư Đức trong Đường trở về; Sóng trong Trăm năm thoáng chốc và nhất là Phạm Tham Tán trong Phách lạc hồn xiêu.

Với Phách lạc hồn xiêu, Vũ Huy Anh đã xông thẳng vào vùng đất khó - tham nhũng và chống tham nhũng. Viết về đề tài này nhiều nhà văn đã và đang khá loay hoay, tác phẩm phần lớn còn phiến diện, mô tả theo lối tuyến tính, tính chủ quan, áp đặt, đơn điệu, thậm chí tự đặt ra những vùng cấm, vùng nhạy cảm, đâu đó còn thấy rõ sự hằn học, nông cạn, chửi bới… những thứ làm văn học càng xa rời cuộc sống nhân dân.

Xông vào vùng đất khó, Vũ Huy Anh trong Phách lạc hồn xiêu đã tự tạo cho mình một hướng đi, một thủ pháp, đó chính là góc nhìn, quan điểm, nhãn tự của nhà Phật. Chính bằng điểm nhìn này, Phách lạc hồn xiêu đã bước ra khỏi những khó khăn của người cầm bút đương thời mà bình thản và thanh thản nhận diện lại lộ trình những ái ố hỉ nộ của kiếp người một cách nhân văn và khoa học.

Ngay như tính khôi hài của nhân vật chính Phạm Tham Tán - một quan tham địa phương chuyên nhũng nhiễu và nằm trong vòng xoáy tham nhũng - tiêu cực - tranh quyền đoạt vị - hãm hại và bị hãm hại nhưng lại được đá hất lên trung ương với quyền chức cao hơn để y nắm ngay vị thế chống tham nhũng, nhân danh chống tham nhũng mà tiếp tục chiêu trò ghê tởm, trả thù, mánh mối, gây hấn, trục lợi trong một vòng quay ma trận.

Nếu ở một ngòi bút khác, một điểm nhìn khác rất dễ rơi vào việc bôi đen, thái quá, sử dụng những biểu hiện đầy dẫy ngoài xã hội áp vào tiểu thuyết dẫn đến suy diễn, xuyên tạc, câu khách của tiểu thuyết. Vũ Huy Anh đã thoát ra được cạm bẫy này. Bằng ngòi bút bình tĩnh, hài hước, thâm thúy đôi chỗ hồn nhiên, họ Vũ đã triển khai Phách lạc hồn xiêu khá chủ động và dẫn dắt người đọc đi theo một trường thẩm mỹ riêng.

Cái khác biệt của Vũ Huy Anh chính là sự nhẹ nhàng, đôi chỗ mờ hóa, miên man, không đẩy tuyến nhân vật đến tận cùng mâu thuẫn mà chỉ là sự bày ra, đặt ra một cách tinh tế, những gợi ý, những câu chuyện bình thường ai cũng thấy, có chuyện như chuyện hài… chính những điều đó đã tạo nên sức nặng của Phách lạc hồn xiêu.

Chính từ những điều tưởng như bình thường ấy đặt trong bối cảnh tha hóa của vị quan đầu tỉnh, sau đó về trung ương với quyền lực lớn hơn đã tiềm ẩn những mầm mống khác thường. Sự tha hóa, biến chất; tính cơ hội, trục lợi cá nhân; sự biến dạng nhân tính thông qua hàng loạt tình tiết từ cuộc đời Phạm Tham Tán và các nhân vật khác đã như một hồi chuông nhân - quả gióng lên khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Phách lạc hồn xiêu được đặt trong bối cảnh xã hội đang phát triển đa dạng, phức tạp, nhiều vấn đề đạo đức phi truyền thống nảy sinh, sự ứng xử trước văn minh vật chất và quyền lực vừa mâu thuẫn vừa thỏa hiệp của một nhóm người là những thông điệp lớn của nhà văn với xã hội.

Những đóng góp của Vũ Huy Anh nói chung, Phách lạc hồn xiêu nói riêng là một đóng góp đáng trân trọng trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.

P.V.K
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)