. PHAN TRỌNG THƯỞNG
Từ năm 1827, trước những biến chuyển sâu sắc của thế giới, với con mắt tinh tường, đại thi hào, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Đức Johann Wolfgang Goethe (1749 - 1832) đã đưa ra nhận xét: “Văn học dân tộc giờ đây càng trở nên ít ý nghĩa. Thời của văn học thế giới đang đến gần, chúng ta cần phải nỗ lực để cho nó đến nhanh hơn.” Với nhận xét trên, Goethe tuy chưa thật thấu đáo khi nhìn nhận ý nghĩa của văn học dân tộc nhưng đã đúng khi tiên đoán viễn cảnh của văn học thế giới. Chỉ sau đó không lâu, vào năm 1848, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, thêm lần nữa, K.Marx và F.Engels nhận xét: “Thay vì tình trạng cô lập, tự cung tự cấp của các dân tộc trước đây, đang xuất hiện và phát triển những quan hệ và những sự phụ thuộc phổ biến giữa các quốc gia. Tính chất hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa. Từ những nền văn học dân tộc muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học toàn thế giới.”
Từ đó đến nay, sau ngót hai thế kỉ, thực tiễn vận động và phát triển của tiến trình văn học thế giới đã kiểm chứng tính chính xác lời tiên đoán của Goethe và của các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx. Cùng với sự hình thành một trật tự thế giới mới, một diện mạo văn học mới, một hệ giá trị nghệ thuật - thẩm mĩ mới đã được thiết lập. Có thể xem lịch sử hình thành và phát triển của văn học thế giới hiện đại từ nửa sau thế kỉ XIX đến nay như là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc có lúc cưỡng bức, có lúc tự giác diễn ra giữa các quốc gia, các khu vực, các nền văn hóa và văn học khác nhau trên thế giới. Chính quá trình đó đã làm xích lại gần nhau, xóa đi những dị biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa các quốc gia châu Âu già nua với các quốc gia trẻ trung ở châu Á, châu Phi, châu Mĩ Latinh để hướng tới tạo lập một hệ giá trị văn học phổ quát mang ý nghĩa toàn nhân loại, khiến cho mệnh đề nổi tiếng một thời của R.Kipling “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây” trở nên thiếu chỗ dựa trên thực tế. Qua giao lưu, tiếp xúc, văn học và văn hóa các dân tộc vừa có cơ hội để phát huy ảnh hưởng, tiếp thu, tiếp biến, làm giàu thêm gia tài tinh thần của dân tộc mình, vừa có cơ hội để gia nhập, đồng hành với tiến trình chung của văn học và văn hóa thế giới.
Cũng chính trong tiến trình đó, ý thức tự tôn và mặc cảm tự ti thái quá dần được điều chỉnh, tạo ra những quan hệ tương thích, hài hòa, khiến cho diện mạo văn học và văn hóa thế giới ngày càng có xu hướng đạt được sự thống nhất trong đa dạng. Có thể xem văn học và văn hóa vừa như là tài sản riêng mang giá trị tinh thần độc đáo của mỗi quốc gia, vừa như là tài sản chung mang giá trị toàn nhân loại. Từ lâu, trong lịch sử phát triển thế giới, thông qua văn học và văn hóa, con người ở mỗi quốc gia, trên mọi châu lục, không phân biệt chủng tộc và màu da, có thể hiểu biết lẫn nhau, đồng cảm và sẻ chia lẫn nhau cả niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ, cả niềm vui và nỗi buồn, cả những rung động của tâm hồn trước cái đẹp, cái thiện, trước lẽ được - mất của con người.
Nhìn lại lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam, có thể thấy, chính quá trình tiếp xúc và giao lưu đã mang đến những thay đổi và biến đổi lớn lao về cấu trúc cũng như phẩm chất của nền văn học và văn hóa. Nếu từng có lúc, trong đụng độ lịch sử lâu dài và khốc liệt, do khả năng biết chối từ mà chúng ta giữ được cốt cách văn hóa dân tộc, thì cũng đã có lúc, do khả năng biết không chối từ mà chúng ta tiếp thu được từ đối tượng những giá trị, tinh hoa ưu việt để thực hành tiếp biến trên tinh thần thâu thái, khoan dung. Sau hàng nghìn năm tiếp xúc với phương Bắc, hàng trăm năm tiếp xúc với phương Tây, văn hóa và văn học Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thanh lọc và thích ứng, khả năng không thay đổi (tĩnh) và khả năng tự biến đổi (động) để tồn tại và phát triển. Với phẩm chất đó, văn hóa và văn học Việt Nam vừa bám rễ sâu vào mảnh đất dân tộc, vừa không ngừng vươn rộng theo những nguồn ánh sáng và dưỡng chất mới để không ngừng nảy nở và phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, chủ động gia nhập với tiến trình chung của văn học thế giới.
Trong suốt chiều dài thế kỉ XX, văn học và văn hóa Việt Nam không chỉ tiếp thu từ các nước láng giềng trong khu vực những truyền thống độc đáo, mà còn tiếp thu từ phương Tây những thành tựu văn chương tiêu biểu để tiến hành cuộc cách mạng trong thi ca vào những năm 1930. Thông qua các cuộc tiếp xúc cả trong trạng thái chiến tranh lẫn trong trạng thái hòa bình, văn học Việt Nam hiện đại đã có cơ hội tiếp nhận những nguồn ảnh hưởng tích cực từ các nền văn học của các quốc gia thuộc các khu vực: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mĩ, Nam Mĩ. Nhiều thành tựu văn học ưu tú thực sự trở thành chiếc cầu nối các thời đại, các quốc gia và các châu lục trên hành tinh. Với thành tựu của văn học so sánh, văn học Việt Nam cũng như văn học các nước trong khu vực và trên thế giới đã không ngừng được khảo sát, phân tích để tìm ra điểm tương đồng, những mối liên hệ chung có ý nghĩa phổ biến trong văn học thế giới; đồng thời chỉ ra những dị biệt, những đặc thù dân tộc làm nên bản sắc độc đáo không lặp lại của mỗi nền văn học. Mỗi quy luật được phát hiện trong lĩnh vực nghiên cứu này sẽ là căn cứ khoa học xác đáng để khẳng định thêm quá trình giao lưu và ảnh hưởng diễn ra như một tất yếu trong văn học thế giới.
Vào những năm cuối cùng của thế kỉ XX và những năm đầu tiên của thế kỉ XXI, thế giới đang chứng kiến những sự kiện trọng đại. Xu hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại và sự hình thành các tổ chức, các liên minh chính trị, kinh tế quốc tế lớn đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi để các quốc gia mở cửa và hội nhập, tăng cường quan hệ giao lưu và hợp tác quốc tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về sự phát triển, gắn kết sức mạnh của các quốc gia trước nhiệm vụ giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như: tài nguyên và môi trường, sắc tộc và tôn giáo, chống khủng bố, chống đói nghèo và bệnh tật… Trong xu hướng này, các quốc gia không chỉ tận dụng được các lợi thế quốc tế để phát triển kinh tế mà còn tận dụng được cơ hội giao lưu để giới thiệu, phát huy sức ảnh hưởng về văn hóa và văn học của dân tộc mình đến các dân tộc khác và ngược lại, giúp cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ngay từ năm 1957, khi diễn thuyết về Sứ mệnh của văn nghệ hiện đại tại giảng đường Đại học Uppsala, Thuỵ Điển, A.Camus đã xác nhận chúng ta đang sống trong một thời đại mà “nó không chịu cho phép chúng ta không chú ý đến nó”; một thời đại đang buộc “chúng ta xúc cảm như nhau trước những điều cùng trông thấy và trong những cảnh ngộ cùng phải chịu đựng”. Thời đại đó không chỉ là thời đại thăng trầm của lịch sử quân sự, chính trị, kinh tế đang diễn ra trước mắt toàn nhân loại, mà như một tất yếu, còn là thời đại thăng trầm của mỗi nền văn hóa và văn học đang không ngừng vận động và biến chuyển theo những quy luật chung và số phận riêng của nó. Nhưng cũng chính trong quá trình đó đang tiềm ẩn nguy cơ làm nhòe mờ các đường biên văn hóa, xáo trộn các giá trị tinh thần thuần khiết của mỗi dân tộc. Nhu cầu đối thoại giữa các nền văn hóa đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều đó có nghĩa là quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế vừa tạo ra thời cơ, vừa tạo ra các thách thức cho mỗi nền văn hóa và văn học của các dân tộc.
Đây không chỉ là kết quả của quá trình phát triển, của tiến bộ khoa học và kĩ thuật, mà còn là kết quả của quá trình nhận thức các giá trị, nhận thức các kinh nghiệm lịch sử được đúc rút từ thực tiễn văn học và văn hóa thế giới.
Có thể nói, chính xu thế hội nhập và mở cửa diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong thập kỉ qua đã tạo ra những tiền đề, những cơ hội để các quốc gia với những nền văn hóa khác nhau ở những khu vực khác nhau của thế giới thực hiện được các cuộc giao lưu, mang nền văn hóa đặc sắc của dân tộc này đến với các dân tộc khác. Và ngược lại, cũng chính trong quá trình giao lưu đó, văn hóa mỗi nước có dịp được trao đổi, chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nước khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hóa nước mình. Quá trình đó sẽ dẫn các quốc gia đến chỗ gặp gỡ nhau ở những giá trị nhân bản, chân chính với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại.
Nhưng thực tế cho thấy quá trình hội nhập còn làm nảy sinh những nghịch lí ở chỗ nó không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn hóa mỗi nước những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn. Một trong số những nguy cơ đó chính là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc.
Do nhận thức rõ tính tất yếu và tính hai mặt của quá trình hội nhập nên Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Mặc dù cho đến nay, về mặt câu chữ, các nhà văn hóa vẫn còn tiếp tục trao đổi để đi tìm câu trả lời thuyết phục cho các câu hỏi: Thế nào là “đậm đà bản sắc”? Cần phải định tính và định lượng nó như thế nào? Quan hệ giữa hai khái niệm “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc” trong mệnh đề trên ra sao? Có phải chúng là hai phạm trù riêng biệt không liên quan gì tới nhau hay không?... Nhưng về quan điểm chung, hầu như đã đạt đến sự thống nhất ở tinh thần coi trọng văn hóa dân tộc, coi trọng những giá trị truyền thống, coi trọng lịch sử - văn hóa được hình thành, chung đúc nên trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa trong thời kì Đổi mới vừa qua cho thấy ý thức chủ động, tích cực của chúng ta trong quá trình giao lưu và hội nhập. Chúng ta đã tận dụng được khá nhiều cơ hội thuận lợi để giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của dân tộc ta với nhiều nước khác nhau trên thế giới và ngược lại. Đồng thời, bằng sự trợ giúp của các phương tiện thông tin, của khoa học và công nghệ, của các phương tiện vật chất và kĩ thuật, trình độ sáng tạo cũng như trình độ hưởng thụ văn hóa của chúng ta đã tiến những bước dài trên con đường hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Nhìn lại các lĩnh vực văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, thời trang, phát thanh - truyền hình, sách báo, các ấn phẩm văn hóa và những phương tiện kĩ thuật làm nền tảng cho nó, có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đã đạt đến một mặt bằng văn hóa khá khả quan so với thế giới.
Song, cũng chính ở những lĩnh vực này, chúng ta bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu thiên về du nhập hơn là hội nhập. Xung quanh các hiện tượng này còn có rất nhiều vấn đề đặt ra cho những người quản lí văn hóa.
Chẳng hạn, trên lĩnh vực âm nhạc, sự thịnh hành của các loại hình âm nhạc giải trí đang làm cho cả một thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ lên ngôi; kèm theo đó là cả một thế hệ thính giả chìm đắm trong những giai điệu, những lời ca thiếu sức truyền cảm, sao nhãng những ca khúc truyền thống mạnh mẽ và hào hùng, trữ tình và lãng mạn từng tạo nên nhiệt huyết công dân, tạo nên tình yêu cao cả đối với Tổ quốc, quê hương. Thực ra, việc thuộc tên một ngôi sao nhạc nhẹ nước ngoài, thuộc những bài hát hay của thế giới đang thịnh hành thì không những không có hại mà còn có lợi ở chỗ được mở mang tầm nhìn, tầm hiểu biết, được chia sẻ với bạn bè quốc tế những xúc cảm mạnh mẽ, những niềm vui, nỗi buồn thánh thiện do âm nhạc đem lại. Có thể xem đó là kiến thức, là cái font văn hóa cần thiết của mỗi người, nhất là đối với các bạn trẻ. Nhưng nếu chỉ chạy theo nhạc nước ngoài như một mode thời thượng, không cần hoặc không biết đến những giá trị âm nhạc trong sáng của dân tộc, thậm chí coi thường nó, thì lại hoàn toàn không đúng. Có thể xem đó là sự “què quặt” của thị hiếu âm nhạc.
Ở nghệ thuật sân khấu còn nguy hại hơn khi phần lớn thế hệ thanh thiếu niên hiện nay quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, coi đó là cổ hủ, lỗi thời. Họ dường như không còn khả năng cảm nhận được cái hay của những làn điệu dân ca, những làn điệu chèo thấm đượm hồn phách dân tộc. Họ có biết đâu rằng phải đạt đến một bản lĩnh/ trình độ văn hóa nào đó mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong mỗi làn điệu. Càng nguy hại hơn khi một số đoàn nghệ thuật, một số nghệ sĩ được một số phương tiện thông tin đại chúng vô tình hay hữu ý tiếp sức đã nhân danh “đổi mới” để cải biến nghệ thuật dân tộc thành một thứ nghệ thuật lai căng, chiều nịnh những thị hiếu thấp kém, làm mai một truyền thống nghệ thuật, truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông. Vẫn biết, chúng ta không chủ trương áp đặt về mặt sở thích, tôn trọng thiên tư của mỗi cá nhân, nhưng với điều kiện là không làm phương hại đến các giá trị.
Trong thị trường sách có phần xô bồ của chúng ta hiện nay cũng có hiện tượng tương tự. Sách cho trẻ em là một vấn đề đáng lưu tâm. Những truyện tranh kích thích bạo lực, kích thích những dục vọng cá nhân cực đoan không những không có giá trị về nghệ thuật mà còn làm hỏng khiếu cảm thụ văn chương, làm hỏng sự phát triển lành mạnh của ngôn ngữ trẻ em bằng những phụ đề thiếu tính chuẩn xác về văn chương và ngôn ngữ.
Qua một số vụ án những năm gần đây, có thể thấy sự lưu hành băng đĩa phim hành động nước ngoài cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến tội phạm nghiêm trọng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều loại hình tội phạm mới như cướp cửa hiệu, cướp ngân hàng, bắt cóc con tin… vốn có nguồn gốc từ phim ảnh nước ngoài đã xuất hiện.
Trên phương diện lối sống, do ảnh hưởng của những triết lí sống thực dụng, tâm lí hưởng thụ cá nhân, nhiều thanh thiếu niên đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội, hủy hoại nhân cách, làm vẩn đục cuộc sống, vẩn đục môi trường xã hội - đạo đức của chúng ta. Đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng hiện nay đang có xu hướng bị lạm dụng và tự phát. Bên cạnh việc khôi phục lại những di tích lịch sử, những phong tục tập quán, những lễ hội truyền thống tốt đẹp, ở không ít địa phương, nhiều hủ tục đã có nguy cơ phục hồi. Lợi dụng tự do tín ngưỡng và tâm linh, nhiều kẻ xấu đã hành nghề mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân lao động.
Từ khi mạng internet được đưa vào khai thác và sử dụng phổ biến ở Việt Nam, bên cạnh những ưu việt hiển nhiên do nó mang lại cũng còn không ít những điều mà thực tế cho thấy là đã trở thành nỗi lo chung của toàn nhân loại. Những thông tin không dễ dàng kiểm soát có thể gây tác hại ở những mức độ khác nhau cho người sử dụng.
Tất cả những hiện tượng trên đây có thể xem là những biểu hiện tiêu cực, những mặt trái nảy sinh trong quá trình giao lưu và hội nhập. Tuy chúng ta đã chủ động nhìn nhận trước, chủ động đối mặt với những khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng dẫu sao đó vẫn là những hiện tượng đáng lo ngại, đòi hỏi toàn xã hội, trước hết là ngành văn hóa, phải có đối sách kịp thời.
Trên phương diện lí luận, trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để tiến hành những chương trình, đề tài nghiên cứu có tính chất trọng điểm quốc gia về văn hóa và phát triển; văn hóa, con người và lối sống; văn hóa trong kinh doanh… Với những đề tài này, nhiều phương diện quan trọng của văn hóa, nhiều quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về văn hóa đã được nghiên cứu, triển khai và làm sáng tỏ. Trong đó, các quan điểm xung quanh vấn đề tiếp thu có chọn lọc các yếu tố tích cực, tiến bộ của văn hóa nhân loại, vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, vấn đề giáo dục thị hiếu văn hóa cho thanh thiếu niên… đã được quán triệt bước đầu.
Song, trong hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn chỉ đạo và quản lí văn hóa, còn tồn tại nhiều vấn đề.
Về nguyên tắc, cần phân biệt sự khác nhau giữa hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực kinh tế với hội nhập và mở cửa ở lĩnh vực văn hóa. Bởi vì văn hóa là một lĩnh vực đặc thù. Trong khi phân biệt hai lĩnh vực này, đương nhiên thái độ cần tránh là bảo thủ, tự tôn hoặc tự ti quá mức hoặc thiếu hiểu biết về cả hai lĩnh vực. Còn thái độ cần có là thái độ bình tĩnh khoa học để gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập và giao lưu cũng như trong quá trình phát triển.
Để đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, vấn đề trau dồi bản lĩnh văn hóa cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng là vô cùng cần thiết. Nó phải được coi là điều kiện, là tiền đề cho sự giao lưu và phát triển. Thiếu bản lĩnh văn hóa thì nguy cơ sẽ lấn át thời cơ, những giá trị đích thực sẽ không được phát hiện và nuôi dưỡng trong khi những mầm mống tiêu cực lại tự do lây lan, tự do nảy nở mà không được kiềm chế.
Kinh nghiệm lịch sử của nước ta cho thấy trong giao lưu văn hóa, dù dưới hình thức áp đặt hay tự nguyện, khi ý thức dân tộc được đề cao thì việc tiếp thu hay loại bỏ một yếu tố nào đó bao giờ cũng được thực hiện trên tinh thần vì lợi ích dân tộc. Vì vậy, đối với những biểu hiện xốc nổi trong các ứng xử văn hóa hiện nay, nếu chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính thì hiệu quả có thể nhanh nhưng không cơ bản và lâu dài. Vấn đề là ở chỗ áp dụng giải pháp giáo dục nào để đạt được hiệu quả mong muốn trong ý thức văn hóa của mỗi người? Đó chính là cách tạo ra và bảo vệ các giá trị văn hóa bằng chính văn hóa.
Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn học nghệ thuật. Thành tựu đó được lí giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng được biết đến là tinh thần chủ động hội nhập, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh đó, văn học và văn hóa Việt Nam tự cho thấy là một thực thể năng động vừa hướng tới giá trị dân tộc bền vững, vừa hướng tới các giá trị quốc tế và khu vực có tính phổ biến để xác định nguyên lí cho sự phát triển.
Trong quá trình này, dịch thuật khoa học và dịch thuật văn hóa, văn chương đang thực sự đóng vai trò là công cụ trí tuệ để hiểu biết về thế giới, rút ngắn các khoảng cách và nâng cao vị thế của văn học, văn hóa dân tộc. Với tư cách là thành tố quan trọng trong cấu trúc tổng thể văn hóa, văn học (bao gồm cả văn học dân gian và văn học viết) luôn luôn có mối quan hệ hữu cơ, bền chặt với các ngành nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, hội họa… Trong lịch sử phát triển của mình, các bộ môn nghệ thuật này vừa được sáng tạo theo ý thức văn hóa với các đặc trưng, đặc thù riêng, vừa được thừa hưởng những giá trị văn học độc đáo, coi đó như một nguồn cảm hứng, một miền đất hứa của sáng tạo nghệ thuật. Hiện đang có không ít những giá trị văn học của dân tộc này được các dân tộc khác biết đến và lĩnh hội thông qua các tác phẩm sân khấu và điện ảnh chuyển thể và dàn dựng từ tác phẩm văn học. Trong các trường hợp đó, hiệu ứng giao lưu văn học được khuếch đại lên nhiều lần.
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra như một xu thế không thể đảo ngược, một mặt chi phối sâu sắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật ở các quốc gia, các khu vực của thế giới, mặt khác, dẫn đến nguy cơ rạn vỡ, tan biến của những nền văn hóa thiếu bản lĩnh… thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra như một yêu cầu sống còn của nền văn hóa. Dường như sau nhiều thế kỉ nỗ lực để hội nhập, đến lúc này các quốc gia mới thức tỉnh để nhận biết nguy cơ bị hòa tan về văn hóa.
Cho đến nay, các câu hỏi “Có hay không có văn hóa toàn cầu?”, “Có hay không có toàn cầu hóa văn hóa?”... mặc dù đang còn nhiều cách lí giải khác nhau xuất phát từ thực tế ở mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa thì vẫn luôn luôn được các nhà nghiên cứu ở các quốc gia quan tâm lí giải. Tuy trong văn hóa nhân loại có những hằng số, những giá trị chung, nhưng sẽ trở nên đơn điệu và nghèo nàn khi mất đi dấu ấn của mỗi nền văn hóa riêng biệt. Trong các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO… luôn có những chỉ số và cảnh báo các nguy cơ về văn hóa. Nhất là từ khi cuốn sách nổi tiếng Sự đụng độ giữa các nền văn minh của tác giả Mĩ S.Huntington ra đời gây nên những phản ứng khác nhau từ nhiều phía thì giới nghiên cứu văn hóa và chính trị hiện đại càng quan tâm nhiều hơn đến những diễn biến tư tưởng chính trị có nguồn gốc từ văn hóa đang diễn ra tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Qua trao đổi, tranh luận có thể thấy thái độ dân tộc cực đoan và thái độ cực đoan văn hóa đã bị nhận một sự phê phán thỏa đáng, cũng giống như thái độ sô-vanh văn hóa từng xuất hiện ở một số nơi trên thế giới vào các hoàn cảnh nhất định.
Trong một bối cảnh quốc tế như vậy, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm. Vốn là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng độc đáo, làm thế nào để vừa giữ gìn, phát huy được sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc, vừa đạt được sự thống nhất hài hòa trong tổng thể văn hóa chung của quốc gia là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi không chỉ trình độ nhận thức lí luận, trình độ am hiểu văn hóa mà còn đòi hỏi khả năng quản lí và hoạt động thực tiễn cao.
Quan sát các lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa và văn học nghệ thuật những năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu lúng túng, va vấp xung quanh việc xử lí mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong thực tiễn và tư duy sáng tạo, biểu hiện ở ba dạng thức sau: 1/ Đối lập giữa dân tộc và hiện đại, xem đó là hai khái niệm ngược nghĩa, hai hướng tìm tòi, khám phá không thuận chiều. Nhìn vào văn học dân tộc thời kì 1932 - 1945 có thể thấy quá trình hiện đại hóa không phải là quá trình phân giải, tan rã mà là quá trình trở lại của các giá trị truyền thống của văn học dân tộc. Như vậy, hiện đại và dân tộc không phải là các phạm trù ngược nghĩa, bài xích, loại trừ nhau, mà là các phạm trù có khả năng dung nạp nhau để cùng tồn tại và phát triển. 2/ Đồng nhất hiện đại với quốc tế. Dạng thức này giống dạng thức thứ nhất ở chỗ xem hiện đại là hướng ngược chiều với dân tộc nên chỉ chú trọng hướng ra quốc tế, tìm ở bên ngoài những cái có thể vay mượn, tiếp thu hoặc bắt chước. 3/ Đồng nhất dân tộc với truyền thống. Trong một nền văn hóa có lịch sử lâu đời và đa dạng như nước ta, có những giá trị truyền thống đồng thời là giá trị dân tộc, nhưng cũng có những giá trị truyền thống không đồng thời là giá trị dân tộc. Không thể phủ nhận được rằng trong suốt chiều dài lịch sử, ảnh hưởng tư tưởng học thuật và văn hóa từ trung tâm lớn là Trung Hoa và Ấn Độ hết sức sâu sắc, hình thành nên dấu ấn truyền thống trong đời sống văn hóa Việt Nam mà nhìn từ góc độ dân tộc không dễ nhận ra.
Từ ba dạng thức đã nêu, đối với các cặp khái niệm mà lâu nay ta vẫn dùng là dân tộc và hiện đại, truyền thống và hiện đại, tôi đề nghị nên có sự cân nhắc, điều chỉnh lại thành dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại. Như vậy vừa chính xác hơn, vừa dễ xử lí hài hòa các mối quan hệ giữa các cặp khái niệm trong quá trình tư duy sáng tạo.
P.T.T
VNQD