“Người trên cao” của Thục

Chủ Nhật, 26/12/2021 00:43

. TRẦN ĐAN VY

Giữa tâm điểm của dịch bệnh căng thẳng, chẳng thể đi đâu thưởng thức nghệ thuật, tôi đành hồi tưởng lại những triển lãm đã xem trong nửa năm đầu 2021. Trong số triển lãm ít ỏi của các nghệ sĩ trẻ tại Hà Nội, chỉ đôi ba tác phẩm đọng lại chút dấu ấn gọi là mới mẻ, cuốn hút. Riêng bộ tranh Người trên cao (2021) của Cao Văn Thục (sinh năm 1995, Hải Phòng) trong triển lãm “Tầng Hai giữa Hai Tầng”(1) là đặc biệt thích hợp để góp phần nào xoa dịu nỗi bất an trước tình hình hiện tại.

Hình 1: Cao Văn Thục, Người trên cao, sơn dầu trên canvas

Cao Văn Thục, hay còn gọi là Cao Thục, tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật Việt Nam (Yết Kiêu, Hà Nội) vào năm 2020, bước đầu gặt hái một số thành công với thể loại tranh sơn dầu chân dung hiện thực và tả cảnh vùng cao. Nhân vật trong tranh anh thường là những con người miền núi bình dị hay những phận đời lẻ loi như bà cụ ở trại phong và ông lão lang thang mà anh tình cờ bắt gặp ngoài phố. Đa phần các tác phẩm của Thục vẫn dừng ở mức một… bài tập của sinh viên trường Yết Kiêu: bố cục đơn giản, dễ đoán, phối cảnh thiếu chiều sâu, nét bút lộ rõ, mảng miếng định hình, vẽ ướt trên ướt, độ tinh tế của màu sắc chưa cao… Tính đến nay, tranh hoàn thiện nhất của Thục có lẽ là hai bức sơn dầu Qua ngày âm uDưới ánh đèn(2), đặc tả biểu cảm tâm lí nhân vật kĩ hơn so với các tác phẩm trước. Chủ đề cảm động, nhân văn, nhưng vẫn chỉ là nắm bắt những khoảnh khắc thực tại nên không nhiều đột phá. Thế rồi, Người trên cao bất ngờ ra mắt công chúng, đánh dấu một bước thử nghiệm mới trong sự nghiệp sáng tác non trẻ của Thục.

Thoạt nhìn, Người trên cao (Hình 1) là bộ tác phẩm đơn điệu và mờ nhạt, gồm ba tranh khổ lớn bằng nhau. Mỗi bức có hình vuông như một khung hình instagram với filter tông lam, trắng và xám, cho thấy một mĩ cảm trẻ trung. Trong cái đơn điệu của bố cục lại có cái đa dạng của tư thế các chàng trai vô danh. Những hình thể mờ ảo dường như đang trong trạng thái xuất thần, biểu diễn một điệu múa thần bí trong đó chiếc thang là đạo cụ không thể thiếu. Xuyên suốt cả ba bức tranh là các cặp nam-thang (gồm một người đàn ông tạo dáng với một chiếc thang) theo tỉ lệ 2-3-2, tạo nên một tổng thể thống nhất, rõ ràng và mạch lạc. Thục cũng khá khéo léo trong việc sắp xếp nhân vật vì phần lớn các cặp nam-thang được đặt ở các vị trí nổi bật theo quy tắc một phần ba(3).

Về màu sắc, Thục tự làm khó bản thân khi sử dụng cặp màu lam-trắng, một bộ đôi phổ biến trong mĩ thuật phương Tây thế kỉ XX. Xem lại các bức tranh từ thời kì Lam của Picasso đến series Khỏa thân Lam của Matisse sẽ thấy không dễ gì có thể đem lại sức sống mới cho cặp màu kinh điển này. Như trong bức sơn dầu Garden of unknowing (2021) của họa sĩ trẻ Trịnh Cẩm Nhi (sinh năm 1996), sự biến chuyển sắc độ lam tuy khá tinh tế trên một bố cục chỉn chu nhưng cả phong cách hiện đại lẫn chủ đề về hoa và tính nữ của bức tranh không để lại dư âm gì đáng kể. Những tác phẩm nhẹ nhàng như vậy khó mà bước qua cái bóng của nữ họa sĩ Mĩ Georgia O’Keeffe (1887 - 1986). Lam có thể không đại diện cho sự mới lạ nhưng là màu của thiên đường, của sự yên tĩnh và thanh bình(4). Giữa sự khủng hoảng của thế giới hiện nay, việc ngắm nhìn một tác phẩm với tông lạnh dịu êm như Người trên cao giúp đem lại cảm giác bình tĩnh và thanh thản.

Về tạo hình, những dáng người trông như đang mộng du trong Người trên cao được vẽ với mảng miếng đơn giản, như thể những bức tượng gỗ thô sơ. Cùng với không gian mặt phẳng hai chiều, phong cách này khá giống với tranh của Trần Trọng Vũ (sinh năm 1964) và Quách Bắc (sinh năm 1988) về mặt hình thức. Nhưng Người trên cao còn có nét duyên dáng riêng - đối lập với các hình thang thẳng thớm cùng các tư thế người bất động là dáng uyển chuyển như đang bay trong gió của các nhánh cây trắng. Phần nền màu trắng được đắp dày gesso và màu tạo nên các hiệu ứng phong phú, linh động, mang khuynh hướng trừu tượng (Hình 2). Khi lại gần và thấy rõ độ sần sùi của bề mặt, một góc nhìn mới như mở ra: Cây là nền cho người hay người mới là nền cho cây? Phải chăng thiên nhiên mới là nhân vật chính, chứ không phải con người?

Thục chia sẻ rằng, ý tưởng của bộ tranh được khởi phát từ ấn tượng đặc biệt với cảnh những người đàn ông đang cắt tỉa cành mận mà anh bắt gặp trên Mộc Châu. Đó là một cuộc hội ngộ tình cờ giữa họa sĩ và những người H’Mông đang lao động vào dịp cuối năm để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Từ yếu tố ngẫu nhiên đó mà họa sĩ đã sáng tác ra một ảo cảnh nửa quen nửa lạ. Cặp màu lam-trắng trở nên hấp dẫn hơn vì có thêm ý nghĩa tượng trưng về văn hóa bản địa. Tông màu này vừa gợi nhớ đến những chốn thiên đường hạ giới như Santorini (Hi Lạp) lại vừa đậm bản sắc dân tộc bởi đó còn là màu của những tấm vải chàm vẽ sáp ong của người H’Mông. Màu trắng hoa mận cũng chính là màu của niềm vui, sự thuần khiết và sự Khởi nguyên(5). Cảnh cắt tỉa cành mận không đơn thuần tôn vinh vẻ đẹp của lao động mà còn tượng trưng cho việc đón chào vòng sinh sôi nảy nở mới của tự nhiên. Vườn mận Mộc Châu đã được thăng hoa thành chốn bồng lai tiên cảnh, cho thấy một tâm cảnh an lành, vô tư lự.

Hình 3: Cận cảnh bức thứ hai

Người trên cao đem đến một cách nhìn tươi mới, một cách cảm tế nhị về cuộc sống Tây Bắc, rũ bỏ khuôn sáo của dòng tranh hiện thực vùng cao với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt và các hình tượng đặc trưng như phụ nữ mặc đồ thổ cẩm, trẻ em bên hoa đào và phong cảnh ruộng bậc thang. Một khoảnh khắc bình dị đã được chắt lọc theo con mắt và cảm xúc của Thục thành một hồi ức với một vẻ vừa Tây vừa ta, vừa hiện thực vừa trừu tượng, vừa xa lạ vừa gần gũi. Bên cạnh đó, tác giả còn muốn phản ánh sự tồn tại mong manh của những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại bằng hình ảnh những người “lơ lửng giữa trời và đất”(6) (Hình 3). Theo một nghĩa nào đó, các chàng trai dân tộc đang cố giữ thăng bằng ở chốn trung gian giữa cái mới và cái cũ. Tuy nhiên, tạo hình tác phẩm vẫn chưa đủ tác động để có thể làm toát lên những suy tư sâu sắc về văn hóa vùng cao.

Cũng chính vì thiếu chiều sâu trải nghiệm của một người miền núi mà Người trên cao lại có gì đó rất thật. Thục không cố tỏ ra là bản thân đã hiểu hết thăng trầm của cuộc sống vùng cao, mà chỉ khiêm nhường đặt mình ở vị trí một người lãng du với cái nhìn lí tưởng hóa; giữa anh và cảnh vật vẫn có một sự xa cách nhất định. Tông màu lạnh tạo khoảng cách giữa chủ đề và người xem, như một cách tái khẳng định: Chúng ta, những người thưởng lãm tranh, những vị khách du lịch, chỉ là người ngoài cuộc mà thôi.

Như vậy, Thục khai thác một phong cách cũ (hiện đại, tối giản, bán trừu tượng) và một đề tài cũ (cảnh đẹp vùng cao), nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên sức hút hiếm gặp trong mảng tranh về miền núi. Đó chính là vẻ tĩnh lặng không bị xáo trộn bởi thị trường nghệ thuật đương đại, những lí thuyết rối rắm của phương Tây hậu hiện đại, những sự làm màu và gắng gượng của những nghệ sĩ bốc đồng, ham nổi. Khi ngắm nhìn kĩ, bộ tranh dần bộc lộ những nét tinh tế riêng của một người vẽ giỏi, yêu cái đẹp, có cái nhìn đời trong sáng, ngẫu hứng. Vẻ giản dị và khúc chiết của bộ tranh như một ẩn dụ về nỗ lực “cắt tỉa” những gì thừa thãi và sáo mòn trong sáng tác để chuẩn bị cho sự chín muồi của những thành quả mới.

Sắp tới Thục sẽ trau dồi kĩ thuật để đạt những đỉnh cao mới trong thể loại chân dung tả thực hay sẽ tiếp tục thử nghiệm những phong cách khác? Anh sẽ tìm cảm hứng thăng hoa nơi đâu, trong cổ điển hay hiện đại, trong thực tại hay ảo mộng, trong tri thức hay trải nghiệm? Liệu anh có mãi là tín đồ trung thành của hội họa, của mĩ thuật và của cái đẹp?... Sự xuất hiện đơn lẻ và đột ngột của Người trên cao khiến con đường sáng tác của Thục thêm phần thú vị và khó đoán.

Với bộ tranh Người trên cao, Cao Văn Thục đã sáng tác như một nghệ sĩ “tập sự” đang tìm tòi sự riêng lạ. Anh vẽ cái hấp dẫn anh, cái thử thách anh, chứ không phải cái mà anh biết mình sẽ vẽ được, cái mà công chúng mong đợi. Nhà phê bình Mĩ Barry Schwabsky từng nói: “Thành công có thể là dấu hiệu một người đã trở nên nhàm chán và thiếu sáng tạo.”(7) Thục đã tự ngắt đà thành công trong phong cách hiện thực bằng một tác phẩm hiện đại. Đây là một thử nghiệm bấp bênh, mạo hiểm nhưng cũng vô cùng tươi trẻ và chân thật. Sự rung động thuần tuý trước cái đẹp của con người và cảnh vật Tây Bắc cô đọng trong Người trên cao le lói hi vọng về một viễn cảnh yên bình sau đại dịch, cũng như về một sự sinh sôi nảy nở mới của hội họa đương đại Việt Nam.

T.Đ.V

-------

1. Triển lãm “Tầng Hai giữa Hai Tầng” diễn ra từ 29/3/2021 đến 7/4/2021 tại Nhà Triển lãm mĩ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội) trưng bày các tác phẩm đa chất liệu của 8 nghệ sĩ trẻ: Vũ Tuấn Việt, Phạm Khắc Thắng, Nguyễn Ánh Tuyết, Cao Văn Thục, Nguyễn Hưng Giang, Hoàng Minh Trang x Đờ Tùng, Lê Đức Anh và Trần Minh Đức.

2. Qua ngày âm uDưới ánh đèn được trưng bày tại triển lãm “Tôi là chúng ta” - triển lãm nhóm đầu tiên của các thành viên Câu lạc bộ 42 Painting Studio diễn ra từ 26/6/2021 đến 26/7/2021 tại Trung tâm Mĩ thuật đương đại (621 Đê La Thành, Hà Nội).

3. Quy tắc một phần ba cũng thuờng được sử dụng trong nhiếp ảnh và điện ảnh. Theo quy tắc này, khung hình được chia làm 9 phần bằng nhau bằng các đường ngang và dọc. Đối tượng chính sẽ được đặt tại điểm giao nhau của các đường thẳng này.

4. Wassily Kandinsky, On the Spiritual in Art, ed. Hilla Rebay (New York City: The Solomon R. Guggenheim Foundation, 1946), tr.64-65.

5. Wassily Kandinsky, On the Spiritual in Art, sđd, tr.68.

6. Trích đoạn Cao Văn Thục phi lộ về Người trên cao tại triển lãm: “Bộ ba tác phẩm Người trên cao nói về những người lơ lửng giữa trời và đất, giữa hoa và lá, giữa mây mù và mưa xuân. Bộ tranh được lấy cảm hứng từ những người H’Mông đang cắt tỉa những cành mận trắng để đón một mùa vụ mới bắt đầu. Được đắm chìm trong hình ảnh thú vị ấy, khiến tôi miên man với suy nghĩ về những người đang lơ lửng giữa những giá trị truyền thống và cách vận hành của xã hội hiện đại. Nghĩ về những cái còn và mất, những cái hay và dở.”

7. Nguyên văn: “Success can be a sign that one has become boring and uncreative.” Barry Schwabsky, “Agony and Ecstasy: The Art World Explained,” The Nation, November 13, 2008, https://www.thenation.com/article/archive/agony-and-ecstasy-art-world-explained/.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)