Thúy Toàn - dịch giả nghệ sĩ

Thứ Năm, 10/10/2024 00:45

. LỘC PHƯƠNG THỦY
 

Là tác giả của khoảng 50 đầu sách (dịch thơ, truyện, sách biên soạn, sách lí luận…) trong mấy chục năm qua, Thúy Toàn thực sự đã khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trên văn đàn. Nổi tiếng với vai trò của một dịch giả, nhưng ít người biết Thúy Toàn khởi đầu văn nghiệp bằng… sáng tác. Anh sáng tác từ khá sớm khi đang là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Năm 19 tuổi Thúy Toàn đã có loạt truyện ngắn đầu tay viết bằng tiếng Nga in trên báo Leninetx (Ленинец, số 333, ngày 13/1/1957). Năm 21 tuổi anh có bài thơ đầu tay trong chùm thơ về Tây Bắc in trên báo Văn học (số 23, ngày 2/2/1959). Trong chùm thơ Tây Bắc ấy anh có những câu thơ đáng nhớ: Mây quẩn dưới chân ta/ Đường cứ lên lên mãi/ Hơi đá lạnh sởn da/ Ta lưng đèo Tây Bắc/ Mùi cỏ cây mơn man/ Một thác rơi trong vắt/ Một tiếng hú mênh mông

Thúy Toàn sinh ra ở xứ Kinh Bắc, vùng văn hóa nổi tiếng từ thuở xa xưa, nhập tâm từ nhỏ là những câu ca dao mượt mà và những lời quan họ thiết tha đến cháy lòng. Thuở lên 10, dù trong cảnh chiến tranh (1947 - 1948), anh vẫn được đắm mình trong không khí liên hoan văn nghệ ở làng. Anh đã từng được nghe nhà thơ Hoàng Cầm đọc bài Bên kia sông Đuống trong một buổi sinh hoạt văn nghệ như vậy. Tuổi thiếu nhi, anh từng là “ca sĩ”, “kịch sĩ”, đầu tiên là “cấp làng” và sau “thoát li” vào thiếu sinh quân. Lại học hát, ngâm thơ, làm báo tường. Trường thiếu sinh quân như một lò đào tạo văn nghệ sĩ của các chuyên ngành trong đó riêng về văn chương thế hệ anh có Ma Văn Kháng, Hoàng Tiến, Thúy Toàn… “Máu nghệ sĩ” trong anh được tiếp thêm nhựa sống từ độ ấy.

Dịch giả Thúy Toàn với các bạn đọc tại Nhà lưu niệm văn hóa Nga

Nghiệp văn chương của Thuý Toàn “phát” về đường dịch thuật. Ngoài những vốn “tự có” được tích lũy từ những năm ở quê hương Kinh Bắc và những năm đi thoát li, cú hích quan trọng nhất đẩy anh đến với kho tàng văn học thế giới là vốn ngôn ngữ, tri thức và vốn sống của anh trong 12 năm học tập xa Tổ quốc (4 năm ở Trung Quốc và 8 năm ở Liên Xô). Từ vùng văn hóa của một địa phương trên đất Việt, anh được tiếp xúc với những vùng văn hóa mới, lần này, ngoài sự rộng lớn, bao la, còn có yếu tố “lạ”, cho nên có sức hút mạnh đối với anh, nhập vào trong anh, khiến anh không thể lìa xa.

Lòng mê say đến đắm đuối công việc dịch thuật của Thuý Toàn thể hiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ. Trước hết ở tiêu chí chọn sách để dịch. Anh chọn những gì anh thích - một điểm xuất phát từ con tim, từ lòng yêu mến say mê. Nghe theo tiếng gọi của cảm xúc như vậy nên không bao giờ anh dịch theo “đơn đặt hàng”. Có khi, đó chỉ là một bài thơ ngẫu nhiên anh gặp của một tác giả vô danh, ví như bài Sức mạnh của G. Golovatu (một thanh niên Liên Xô bị bại liệt): Người mù không thể nhìn giận dữ/ Người câm không thể thét căm hờn/ Người cụt tay không thể cầm vũ khí/ Người què chân không thể tiến trong hàng/ Nhưng người mù có thể thét căm hờn/ Còn người câm có thể nhìn giận dữ/ Người cụt tay có thể tiến trong hàng/ Người què chân có thể cầm vũ khí! Bài này anh dịch đăng trên báo Văn nghệ, số 80 ra ngày 5/11/1964 và 9 năm sau cũng trên báo Văn nghệ ở mục Sổ tay người yêu thơ, bài thơ được nhắc lại để nêu một tấm gương cho những người sáng tác học tập ở “chủ đề hay” và “sự phát hiện độc đáo”. Chỉ một bài thơ nhỏ, hoàn toàn không nổi tiếng, nhưng được phát hiện đúng, đã có ích cho bao người, giúp ta nhìn ra ngoài để học hỏi thêm.

Cũng có khi những tác phẩm được chọn dịch là thơ của Puskin. Nhưng Thúy Toàn chỉ lựa những bài anh thích, không chọn vì sự nổi tiếng của nhà thơ vĩ đại.

Nỗi niềm say mê nhiều khi “hành” Thuý Toàn đến lạ. Có bài anh đã bắt đầu, nhưng không ưng ý với kết quả dịch của mình, để rồi 20 năm sau mới có dịp “tái hợp”. Đó là trường hợp bài Buổi sáng mùa đông của Puskin. Sự lao tâm khổ tứ, không đành lòng qua loa với một bài thơ trong suốt 20 năm ấy chắc chắn không phải để mong đợi đồng nhuận bút còm cõi hoặc cao hơn thế, một giải thưởng nào đấy, mà chỉ vì một cái gì đó đắm đuối, thiêng liêng của nhu cầu sáng tạo không ngừng. Ngày xưa không tiện phô tô như bây giờ, anh đã từng cặm cụi chép hàng quyển thơ bằng tiếng Nga, trân trọng giữ gìn như vật báu. Nếu ai có dịp đi đón anh ở nước ngoài về chắc hẳn hơn một lần phải khiêng hộ anh những kiện hàng toàn sách là sách. Thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, hẳn có nhiều người không hiểu được nỗi đam mê chữ nghĩa của anh. Trong số hàng triệu độc giả từng đọc thơ Nga, truyện cổ dân gian các nước, các sách do anh biên soạn…, đã mấy người thông cảm được với nỗi nhọc nhằn, vất vả trong từng câu chữ của một công việc nhiều lúc thật bạc tình như dịch thuật.

Gặp Thuý Toàn lần đầu khi anh bước vào tuổi 60 với vẻ sung sức của người sáng tạo và “gặp lại” sau hơn 20 năm qua câu chuyện của một người bạn, tôi thực tình còn ngỡ ngàng và khâm phục hơn nữa vì những gì anh đã làm được cho độc giả Việt Nam. Sự ngỡ ngàng và khâm phục của tôi đến từ những câu chuyện bình dị nhưng rất đỗi lớn lao về những cống hiến thầm lặng của anh.

Năm 2015, với tất cả “vốn liếng” của mình, Thuý Toàn đã xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam tại làng Chợ Giầu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ “vốn liếng” ở đây được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là số tiền anh tự bỏ ra để sửa sang, tu bổ căn nhà dùng làm nhà lưu niệm; nghĩa bóng là những sách báo, kỉ vật mà anh sưu tầm được qua nhiều thập kỉ làm nghề. Anh đã cất công học hỏi những cách trưng bày, cách sắp xếp hiện vật của những bảo tàng nổi tiếng trên thế giới để tìm ra cách sắp xếp tư liệu của riêng mình. Không gian Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam thực sự là một không gian ấm cúng, thân tình mà vẫn rất khoa học. Anh giới thiệu cho độc giả cả những ấn tượng của anh nói riêng, của người Việt Nam nói chung về văn học Nga và cả những ấn tượng của người Nga về văn học Việt Nam. Nhà lưu niệm trưng bày kín hiện vật trên cả hai tầng. Tầng 1 anh gọi là “không gian nghĩa tình”. Bước vào không gian này là bước vào không gian của những hiện vật đến từ Nga, những bài báo, cuốn sách, những trang lưu niệm của các nhà lãnh đạo, các nhà văn và độc giả Nga viết về Bác Hồ, về những người con ưu tú, xuất sắc của đất nước như anh hùng Phạm Tuân, nhà thơ Trần Đăng Khoa... Ấn tượng còn đến từ những kỉ vật khác như những chiếc huy hiệu từ nước Nga, những cuốn sách văn học Nga khổ siêu nhỏ, bộ quần áo dân tộc Nga được đặt trong khung kính. Tầng 2 của nhà lưu niệm trưng bày những công trình và chân dung các tác giả văn học Nga được dịch, giới thiệu ở nước ta như Puskin, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Esenin, Chiutchev, Gogol… Mỗi một tác giả Thuý Toàn còn có một cặp tài liệu bao gồm những bài viết, những bức ảnh anh sưu tầm được từ báo chí, sách vở, kỉ yếu hội thảo... Anh cũng dày công sắp xếp các tư liệu thể hiện 5 giai đoạn tiếp nhận văn học Nga ở Việt Nam… Nghe những câu chuyện về anh, về Nhà lưu niệm văn học Nga, tôi thực sự khâm phục sức làm việc của anh, sức làm việc của một người đã ngoài 80 vẫn đau đáu trăn trở về việc giới thiệu văn học Nga ở Việt Nam, giới thiệu văn học Việt Nam ra quốc tế, đặc biệt là trăn trở về thế hệ kế cận và đơn vị sẽ tiếp quản và duy trì hoạt động của nhà lưu niệm này sau khi anh trăm tuổi…

Mặc dù đã ngấp nghé tuổi 90, nhưng trước mắt Thuý Toàn, bao công việc vẫn đang chờ. Đối với một con người có tình yêu và luôn bận rộn vì công việc, cuộc đời luôn đầy ý nghĩa.

L.P.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)