. NGUYỄN HỮU MINH
Trên đỉnh thanh xuân của Vũ Hoài là một trong những tiểu thuyết đặc sắc viết về phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu ở Huế thập niên 60, 70 của thế kỉ XX. Tác phẩm đã tái hiện những năm tháng bi tráng và rực rỡ nhất trong cuộc đời của chính tác giả, cũng như của cả một thế hệ sinh viên dấn thân trên con đường giành lại tự do, độc lập cho đất nước. Tuy không phải là người lính trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường nhưng thế hệ sinh viên trong những năm tháng “mưa bom bão đạn” ấy đã hiên ngang làm nên lịch sử, kiên trung với lí tưởng cách mạng, sống và chiến đấu bằng một bản lĩnh kiên cường, bất khuất. Thay vì dùng súng đạn để chiến đấu, họ cầm bút để vạch trần tội ác của quân thù; thay vì chiến đấu trên chiến trường, họ kêu gọi sự tự do, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trên mọi nẻo đường. Tuy thế hệ sinh viên ấy không phải là những người lính thực thụ nhưng họ đã góp công lớn trong các phong trào của quần chúng. Quá trình tranh đấu của họ đã được tác giả cấu trúc trong tiểu thuyết một cách logic theo trình tự tuyến tính và mạch vận động tâm lí thông thường qua ba phần: Ngỡ ngàng, Dấn thân, Trầm tư. Đó chính là con đường, là quá trình thế hệ sinh viên những năm tháng ấy đi từ việc xác lập lí tưởng tranh đấu đến rạo rực dấn thân, góp mình viết nên lịch sử.
Sinh viên xác lập lí tưởng tranh đấu
Khi nhắc đến lịch sử các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, người ta thường đề cao chủ nghĩa anh hùng, ngợi ca những chiến công hiển hách của các chiến tướng nơi sa trường ác liệt mà ít khi ghi nhận đúng mực công lao của các tầng lớp nhân dân khác, đặc biệt là lực lượng sinh viên yêu nước. Khác với những lực lượng tập trung chiến đấu, họ vừa học tập trên giảng đường vừa tự tổ chức các hoạt động, phong trào tranh đấu. Họ tự tin nêu cao tinh thần “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” trên khắp các nẻo đường dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ chấp nhận quên đi thân phận cá nhân để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Họ từng vào tù ra tội, bị bắt bớ tra tấn dã man nhưng lòng vẫn không sờn, chí quyết không phai. Sau cùng, họ được nhìn nhận là “ngòi nổ xung kích”, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh đòi hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Đó là những điều mà thế hệ sinh viên trong phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu ở Huế thập niên 60, 70 của thế kỉ XX đã làm được. Cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ và ngụy quyền tay sai của đất nước ta đã ghi lại tên tuổi của họ bằng máu và nước mắt. Nhưng hơn hết, họ đã thực sự sống “trên đỉnh thanh xuân” của cuộc đời mình và của một giai đoạn lịch sử dân tộc bi thương nhưng đầy oai hùng. Có những nhân vật là trung tâm của cuộc tranh đấu như Băng, Quang, Hoài; cũng có những nhân vật chỉ thoáng qua trong một vài tình huống, chi tiết truyện như Nam, Hoàng, Trình, San, Quân hay Chi; nhưng tất cả đều nổi bật ở tinh thần xác lập lí tưởng tranh đấu một cách rõ ràng.
Hoài - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, tuy chỉ mới là cậu sinh viên tuổi còn mơ mộng nhưng đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của tuổi trẻ trước cuộc đời: “Thế hệ tuổi trẻ của anh là một thế hệ nhọc nhằn nhưng cũng rất thần thánh. Tuổi trẻ không đòi hỏi điều kiện gì hết khi xả thân hi sinh. Không tiền tài, danh lợi, địa vị như những người lớn ở đây vẫn thường đòi hỏi. Tuổi trẻ sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lí tưởng và đại nghĩa.” Nhưng đó không chỉ là lí tưởng của riêng Hoài, mà còn của cả một thế hệ sinh viên dám dấn thân dự mình vào cuộc chiến chống Mĩ, dám tranh đấu để bảo vệ tự do, độc lập và chính nghĩa. Họ xác lập lí tưởng tuổi trẻ gắn liền với lí tưởng tranh đấu, mà lí tưởng tranh đấu của họ chính là việc chủ động dự mình vào cuộc biến thiên của lịch sử. Họ không cho phép tách mình khỏi thời cuộc khi bản thân ý thức rõ: “Lịch sử đòi hỏi mọi người tham dự theo cách của mình. Đó là điều không thể chối bỏ. (…) Cá nhân tạo thành tập thể. Tập thể tạo thành lịch sử. Lịch sử chi phối cá nhân.” “Các anh muốn đi trong lịch sử, làm nên lịch sử với những giấc mơ lấp bể vá trời.” Đó không phải là diễn ngôn của những kẻ kiêu ngạo, dám xem nhẹ chuyện lịch sử mà là sự quyết tâm của tuổi trẻ, luôn nung nấu ý chí giải phóng dân tộc của mỗi sinh viên yêu nước.
Đặc biệt, những diễn ngôn về lí tưởng tranh đấu được nhà văn bày tỏ không chỉ dừng lại ở bề mặt tuyên ngôn mà đã thực sự trở thành trách nhiệm và sứ mệnh chung của cả thế hệ: “Sáng suốt, can đảm và không lùi bước trước bất cứ một hiểm nguy trở ngại nào. Làm việc trong tinh thần hiểu biết và trách nhiệm của sinh viên xả thân cho khát vọng chung của quần chúng.” Thậm chí, họ sẵn sàng thành lập các đoàn sinh viên quyết tử khi làm nhiệm vụ mà tổ chức giao phó nhưng là quyết tử một cách sáng suốt và tỉnh thức. Bởi họ mang trên mình tinh thần của những cảm tử quân nên không hề nao núng trước sự bạo tàn của quân thù. Điều họ tâm đắc nhất trong cuộc tranh đấu này là làm sao cho mỗi phong trào, mỗi kế hoạch, mỗi cuộc chiến được tổ chức đều phải có giá trị và đạt được những mục tiêu nhất định; để máu và nước mắt của bao nhiêu con người đi trước đổ xuống không uổng công.
Vậy xuất phát từ đâu mà lí tưởng tranh đấu của cả thế hệ sinh viên một thời sục sôi, quyết tâm đến thế? Trước hết, đó là những rung động giục giã của thời cuộc đến những tâm hồn tươi trẻ mới bước vào cổng trường đại học như Hoài. Chính thời đại ấy đã hun đúc trong họ ngọn lửa nhiệt thành của tuổi trẻ và gắn kết họ với sứ mệnh của dân tộc. Tiếp đến, đó là những ý nghĩ mãnh liệt và khát vọng cháy bỏng hướng đến tự do: “Tự do nữa. Dân tộc và tự do phải là nền tảng lớn nhất.” Nỗi khao khát về sự tự do xuất phát từ ý thức về hiện trạng dân tộc đang bị đế quốc và chính quyền tay sai đô hộ cũng như từ lòng yêu nước nồng nàn bên trong mỗi sinh viên. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn Vũ Hoài đã rất dụng tâm trong việc khắc họa bộ mặt của chiến tranh để tô đậm bức tranh hiện thực xã hội thời đó: “Chiến tranh ngày xưa anh hiểu mang bộ mặt như thế: súng đạn, máu và thương vong.” Bộ mặt của chiến tranh không chỉ được nhìn nhận từ không khí tang thương nơi chiến trường, trên những chuyến xe chở thương binh, tử sĩ, hay cảnh “những người cụt tay, gãy chân, vỡ ngực rên rỉ và máu chảy thành vệt dài theo bánh xe…, những người bị đốt cháy như than, thân thể chỉ còn là những khúc nám đen co quắp không còn nhận ra được hình dáng con người” ở các trại lính, mà còn được nhìn nhận về sự mất mát, chia cách ở mỗi gia đình, người thân và cả sự tàn bạo trong các nhà tù đế quốc. Chính việc tận mắt chứng kiến những chấn thương, bi kịch mà chiến tranh gây ra đã khiến cho các sinh viên khao khát mãnh liệt tự do và hòa bình. Ước muốn ấy vô cùng bình dị nhưng là khao khát chung của bất cứ cô cậu sinh viên hay người dân Huế nào thời ấy. Đó vừa là lí do mà cũng là lí tưởng được họ xác lập ngay khi còn rất trẻ, từ lúc chưa ý thức rõ mình cần làm gì để tranh đấu cho đến thời điểm trở thành những “người lính sinh viên” đầy tỉnh thức và chuyên nghiệp.
Sinh viên dấn thân trên con đường tranh đấu
Từ việc xác lập rõ lí tưởng tranh đấu, các nhân vật đã thực sự khám phá được giá trị bản thân trong suốt những tháng ngày được dấn thân vào cuộc đời. Với họ, dấn thân không chỉ để nhằm đạt được hiểu biết và kinh nghiệm khi tranh đấu mà còn để dự mình vào lịch sử, tận hưởng tuổi thanh xuân. Đó là những cuộc mít tinh diễu hành trên các cung đường đầy khí thế, là những chuyến đi nguy hiểm của các đoàn sinh viên quyết tử, là những cuộc tranh luận căng thẳng về câu chuyện sống còn của phong trào hay là những lần bị đạn bắn, bị vào tù, bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần một cách dã man. Dấn thân nghĩa là không bao giờ lùi bước, ngược lại phải tiến lên và nhất quyết phải tiến về phía trước.
Hoài - nhân vật trung tâm của câu chuyện - chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những hình dung về thế hệ sinh viên dấn thân tranh đấu hồi đó. Trong suốt quá trình ngồi trên ghế giảng đường, anh đã không ngừng gặp gỡ và kết giao nhiều bạn mới, tham gia các hoạt động phong trào sinh viên một cách tích cực, đầy hăng say. Với Hoài, dấn thân không chỉ nhằm thực hiện lí tưởng, biến lí tưởng thành hiện thực để phụng sự đất nước, mà còn để tôi luyện và khẳng định bản thân trước thời đại. Anh kiêu hãnh trong tình yêu, trong cuộc tranh đấu và ngay cả trong chốn ngục tù tăm tối. Anh tận hưởng nỗi cô đơn và nỗi đau khổ như một lẽ thiết yếu của cuộc sống. Anh đau khổ, rã rời khi thấy những người dân bình thường bị đối xử, tra tấn một cách man rợ, vô nhân tính ngay trước mắt. Anh hi vọng rồi lại thất vọng khi những lời khai trong tù cũng là những điều tâm huyết được trình bày đến tận hai mươi trang giấy không những không được đón nhận mà còn bị giày đạp. Tưởng chừng như anh sẽ mệt mỏi, gục ngã và tuyệt vọng trước những ngón đòn roi bầm dập, dã man, nhưng cuối cùng, anh vẫn lạc quan với một bản năng sống dồi dào. Có thể thấy, Hoài và những người bạn của mình đã thực sự nhập cuộc, sống hết mình trong suốt cuộc chiến cam go.
Điều đáng trân trọng là thế hệ sinh viên ấy không chỉ dấn thân trong suy nghĩ nhằm khẳng định mình trước thời cuộc mà còn dám dấn thân xuống đường tranh đấu vì lợi ích của cộng đồng. Chính sức trẻ và tinh thần máu lửa đã khiến tinh thần quyết tâm đấu tranh của họ dâng cao hơn bao giờ hết. Khi đã thực sự dấn thân vào cuộc chiến, họ luôn toàn tâm, toàn ý, cố gắng suy tính các phương án thiệt hơn, chứ không phải vì non nớt, thiếu kinh nghiệm chiến đấu mà liều lĩnh, thích gì làm nấy. Đặc biệt, sự dấn thân của sinh viên không chỉ được thể hiện trên những cung đường biểu tình mà còn được thấy rõ cả ở nơi ngục tù tăm tối. Đó là cuộc dấn thân bằng cả tính mạng của những cô cậu vừa mới bước vào cánh cổng đại học như Quân hay Chi. Họ thay nhau dùng chính máu của mình để tố cáo tội ác quân thù. Hình tượng bức tranh được vẽ bằng máu trong nhà tù ở phần cuối tác phẩm đã thể hiện nỗi căm phẫn tột độ cũng như tinh thần bất khuất lẫn ý chí tranh đấu quyết liệt của các tù binh. Chính những thế hệ sinh viên như Hoài, Nam, Quân hay Chi đã biến chốn lao tù thành nơi có thể dấn thân để tiếp tục tranh đấu. Giờ đây, họ không chỉ tranh đấu cho tự do mà còn tranh đấu cho lẽ sống còn của chính mình và cho cả niềm hi vọng của những đồng đội đã ngã xuống.
Sinh viên “rạo rực đi về tương lai”
Sau những cuộc tranh đấu không biết mệt mỏi và những lần tù tội bị đánh đập dã man, điều tưởng chừng còn lại bên trong mỗi nhân vật là những nỗi đau, nỗi cô đơn đến tận cùng hay là sự chấn thương tinh thần ghê gớm, nhưng đoạn kết của tác phẩm lại được nhà văn thể hiện bằng một niềm tin và sự lạc quan đậm nét. Hoài trở về giảng đường tiếp tục học tập sau khoảng một tháng ra tù. Đến khi ra trường nhận nhiệm sở, anh không ngần ngại chọn cho mình một điểm đến “anh mới chỉ biết cái tên nó trên bản đồ”. Đó là một thành phố cao nguyên, nơi anh chưa bao giờ đặt chân đến nhưng khi nghĩ đến, lại cảm thấy “rạo rực như sắp sửa đến giờ hẹn với một người tình”. Trong khi đó, những người bạn cũ của anh như Quang, Băng, Trình, San… thì đã ra trường nhưng “dù bất cứ nơi đâu, ở lãnh vực nào, họ cũng đang tiếp tục tranh đấu cho lí tưởng chung của dân tộc, lí tưởng mà thế hệ trẻ các anh đã tự nhận đứng ra gánh vác”. Sau cuộc tranh đấu dài hơi, sự rạo rực ấy vẫn còn tiếp diễn bên trong trái tim mỗi người sinh viên. Tuy nhiên, khí phách ấy không phải đợi đến đoạn kết của tiểu thuyết, người đọc mới nhận ra. Bởi nó xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, thường trực bên trong mỗi nhân vật, không chỉ được thể hiện ở chuyện tranh đấu mà còn cả trong chuyện yêu đương, chuyện học tập hay chuyện ước mơ. Đứng trước thời cuộc, con người trở nên rạo rực như một bản năng sống.
Ngoài kiểu con người dấn thân tranh đấu vì lí tưởng tuổi trẻ, nhà văn còn khắc họa ở mỗi nhân vật kiểu con người đời thường. Nhưng không phải kiểu con người bình thường, chỉ biết nằm im, chịu xuôi mình theo số phận, mà là kiểu con người nhiệt huyết, rạo rực như đúng bản chất của tuổi trẻ. Thế hệ sinh viên những năm tháng ấy đã dành trọn nhiệt huyết thanh xuân để ghi dấu tên mình vào lịch sử thời đại với tư thế đầy bản lĩnh mà kiên cường. Đó chính là tinh thần “vẫn rạo rực đi về tương lai” như đúng nhan đề phần cuối tiểu thuyết mà tác giả đặt. Con đường tương lai ấy chưa bao giờ kết thúc. Nó được nối dài liên tục bởi các thế hệ tranh đấu như Hoài, Băng, Nam… Đó cũng là cách giúp họ duy trì sự sống đầy nhiệt huyết: sống để góp mình viết nên lịch sử.
Có thể nói, Trên đỉnh thanh xuân không chỉ là cuốn tiểu thuyết đơn thuần, nó có thể được xem là cuốn hồi kí của Vũ Hoài khi ông viết để trải lòng mình về lịch sử và ghi lại lịch sử của chính mình cùng đồng đội bằng những năm tháng thanh xuân rực rỡ nhất. Tuy viết về lịch sử phong trào đô thị Huế nhưng nhà văn không chỉ hướng đến sự ngợi ca một cách sáo rỗng, ngược lại ông muốn giãi bày những góc khuất thẳm sâu nơi tâm hồn mỗi người và của cuộc chiến này, đặc biệt muốn tôn lên nét gần gũi, bình dị, đời thường của con người và vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Huế nơi đây. Bên cạnh yếu tố tự thuật, đặc tính giáo dục về tình yêu quê hương đất nước cũng như lối sống tích cực luôn được tác giả thể hiện rõ thông qua các hình tượng sinh viên. Cho đến tận hôm nay, thế hệ sinh viên tranh đấu năm nào vẫn luôn là những “người lính trẻ đặc biệt” đã sống hết mình cho những năm tháng lịch sử của dân tộc, đã gắn tuổi thanh xuân của mình với thanh xuân của đất nước, luôn là tấm gương sáng giúp truyền động lực và ý chí quyết tâm cho thế hệ mai sau tiếp bước.
N.H.M
VNQD