Quan điểm của Hồ Chí Minh về thanh niên và thực tiễn hôm nay

Thứ Bảy, 02/11/2019 00:06

. Nguyễn Thanh Tú – Phạm Thành Luân

Trong bất kỳ xã hội nào thì người thanh niên đều được coi là trụ cột, là “rường cột”, là lực lượng tinh hoa quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (1). Tuổi thanh niên là tuổi đẹp nhất của đời người, có niềm tin và lẽ sống đẹp nhất, có khát vọng cống hiến cao nhất, có trí tuệ, sức khoẻ tốt nhất…Thế hệ thanh niên là điểm tựa để mỗi dân tộc cất cánh bay vào bầu trời tự do, văn minh, hạnh phúc. Mỗi khi Tổ quốc nguy nan, thanh niên là chỗ dựa để đất nước vượt qua thách thức. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn khó khăn nhất Bác Hồ viết thư gửi thanh niên nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của những người tuổi trẻ trong sự nghiệp cứu nước: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (2).

1.Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong truyền thống lịch sử dân tộc

Văn hoá truyền thống người Việt luôn xây dựng hình tượng người thanh niên là điểm tựa cho sức mạnh, lý tưởng, niềm tin của dân tộc. Hình tượng người “trai” trong ca dao được miêu tả như “đấng trượng phu” đem lại hoà bình, yên ấm cho quê hương: “Làm trai cho đáng lên trai/ Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài yên”. Chàng Thạch Sanh khoẻ mạnh, hiền lành chân chất dũng cảm giết trằn tinh, bắn đại bàng cứu công chúa chẳng phải là một hình tượng nghệ thuật đầy tinh thần nhân văn yêu lẽ phải, chuộng công bằng, vì con người mà sẵn sàng hy sinh đó sao?! Nhưng đẹp nhất là hình tượng người anh hùng làng Gióng vươn vai Phù Đổng đuổi giặc cứu nước cứu dân. Giặc tan thì cưỡi ngựa bay về trời. Vô tư và thánh thiện…

Thế kỷ thứ XIII đứng trước hoạ xâm lăng của quân đội Mông Nguyên mạnh nhất và tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, Trần Hưng Đạo viết Hịch tướng sỹ kêu gọi tướng sỹ - những người trẻ tuổi, chuẩn bị tinh thần đuổi giặc. Thế hệ tuổi trẻ nhà Trần đã cùng dân tộc viết lên lịch sử không chỉ cho dân tộc mà còn cho cả thế giới về bài học sức mạnh chính nghĩa chống phi nghĩa xâm lăng. Đó là Trần Quốc Toản tuổi nhỏ chí lớn, mới mười sáu, mười bảy tuổi đã trở thành vị tướng quân xông ra chiến trường chặn địch. Là Trần Quang Khải đức rộng tài cao: “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san”. Là tướng quân Phạm Ngũ Lão chí khí sẵn sàng xả thân bảo vệ đất nước: “Ngang giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”…Cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông hay chiều dài ngọn giáo ấy phải đo bằng chiều ngang đất nước. Hình tượng người tráng sỹ mang tính huyền thoại góp phần đẩy sức mạnh ý chí của cả quân đội (tam quân) lên tầm kích vũ trụ nuốt cả sao Ngưu sao Đẩu (khí thôn Ngưu)!

Đội quân trẻ tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ là tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do, cho quyền tự quyết của dân tộc: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng…/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”…Kẻ thù muốn dân ta làm nô lệ ngay trên đất nước mình nên chúng ta phải đuổi chúng để lịch sử biết rằng nước Nam ta anh hùng có chủ! Người nghĩa sỹ Cần Giuộc sẵn sàng hy sinh thân mình một cách vô tư nhất để giữ gìn mảnh đất quê hương. Những thanh niên trong Bài ca chúc Tết thanh niên của cụ Sào Nam hừng hực khí thế “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” quyết xả thân để đất nước tự do…

Thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh trong hai cuộc vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc và nhân loại trao cho là chiến thắng chủ nghĩa thực dân, đế quốc khẳng định sức mạnh ngọn cờ tiên phong Độc lập Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử anh hùng của đất nước Việt Nam tự hào có những thế hệ thanh niên anh hùng gánh vác giang sơn!

2. Vai trò, trách niệm thanh niên – Quan điểm của Hồ Chí Minh

Người thanh niên trong thời đại hôm nay kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh thần tuổi trẻ anh hùng trong lịch sử, dưới sự dìu dắt và lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng đã viết lên những trang sử vẻ vang mới! Thời đại luôn đòi hỏi có những con người tương ứng. Bác Hồ là người thấu hiểu lịch sử và dự đoán được tương lai nên đã có những yêu cầu về người thanh niên mang tầm thời đại. Tư tưởng của Bác về thanh niên nên được xem xét không chỉ ở trước tác mà ở cả hành động.

Ngay từ năm 1925, trong Đường Kách mệnh, Bác đã đặt vấn đề phải xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam. Ngày 26-3-1931, Thanh niên Cộng sản Đoàn ra đời. Ý nghĩa của sự kiện này ngoài sự kế thừa lịch sử, là sự đáp ứng tư tưởng của thời đại, còn là thể hiện niềm tin, hy vọng vào thế hệ những người trẻ tuổi sẽ gánh vác trọng trách cứu nước. Tư tưởng chiến lược của Bác về tổ chức, đoàn kết, tập hợp thanh niên thực sự là nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng nước ta sau này. Người rất tin tưởng vào thanh niên ta: “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên, vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng” (3).

Bác Hồ tặng thanh niên Việt Nam những chữ vàng chân lý: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người dặn Đảng ta “cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho thế hệ thanh niên và “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” (4).

Năm 1958, trong lần nói chuyện với sinh viên, Bác Hồ nhấn mạnh tới nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: “Thời đại của chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng; mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng” (5). Sang phương Tây, ngoài quyết định tìm đường cứu nước, Bác Hồ còn một mục đích nữa là tìm hiểu về một nền khoa học phát triển. Nên ngay sau Hội nghị Fontainebleau (1946) Bác đã đưa về nhiều nhà khoa học trẻ sau này có công lớn vào công cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, như Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng...Chính Bác Hồ là người đặt nền móng cho toà nhà khoa học kỹ thuật nước nhà.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030” đều nhấn mạnh tới việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, xây dựng nguồn cán bộ trẻ, đảm bảo quy hoạch cho trước mắt và lâu dài.

3. Thế hệ thanh niên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là vấn đề trung tâm của thế giới.

3.1. Nhận thức về thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Nhân loại đã đi qua 3 cuộc cách mạng khoa học lớn, Cuộc cách mạng công nghiệp (1784) phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (cuối thế kỷ XIX) với sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (những năm 1960) phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, vệ tinh, máy tính, điện thoại, Internet…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000. Năm 2013, thuật ngữ Công nghiệp 4.0” chính thức xuất hiện. Thực ra đặc trưng Cách mạng 4.0 vẫn đang còn tranh luận ở ngay các nước phát triển. Về cơ bản có thể coi đó là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất để tạo ra 3 công nghệ nền tảng là điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data) và chuỗi khối (Blockchain).

Ba vấn đề cơ bản của cách mạng 4.0 là dữ liệu lớn, tự động hoá và mô phỏng hoá. Một là, việc sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu trên các thiết bị siêu máy tính nên dễ dàng có những dữ liệu lớn và phân tích chính xác làm tiền đề cho những kế hoạch tiếp. Hai là, việc ứng dụng phổ biến các robot tự động hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Ba là, việc phản ánh thế giới tự nhiên sẽ thông qua mô hình ảo (máy móc, thiết bị, sản phẩm, con người). Những khâu sản xuất tiếp theo trong thế giới ảo sẽ được điều chỉnh trước khi trở lại thực tế, nhờ vậy sẽ giảm thiểu thấp nhất thời gian lắp đặt máy móc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhìn từ mô hình trên nét lớn của cách mạng 4.0 ta cũng thấy những xu thế phát triển mới và những thách thức được đặt ra.

Đó là những phát triển vượt bậc và những thay đổi lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội. Một là, lực lượng lao động trí thức của nền kinh tế tri thức đúng nghĩa sẽ thay thế lực lượng lao động thông thường của nền kinh thế dựa vào vật liệu. Các sản phẩm sẽ mang hàm lượng tri thức lớn, có giá trị cao. Hai là, thị trường lao động sẽ phân hoá sâu sắc, khả năng thất nghiệp cao, kể cả những lao động có học vấn nhưng thiếu kỹ năng thích ứng. Phân hoá tầng lớp gay gắt, giàu nghèo càng rõ ràng, bất bình đẳng trong xã hội sẽ phức tạp hơn. Vấn đề giảm nghèo và phát triển toàn diện là ưu tiên cơ bản. Ba là, mô hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ đi theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra gay gắt. Bốn là, vấn đề việc làm, tuyển dụng và đào tạo sẽ thay đổi căn bản, toàn diện nhiều lĩnh vực, kể cả làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong mọi hoạt động xã hội.

Như vậy sẽ có những thách thức mới.

Thách thức lớn nhất là đào tạo con người đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt của khoa học kỹ thuật. Sẽ có những ngành nghề chưa từng có trước đó sử dụng công nghệ chưa từng phát minh.

Hệ luỵ về khủng hoảng xã hội như thất nghiệp, phân cực giàu nghèo sâu sắc. Con người có nguy cơ dời xa các giá trị văn hoá truyền thống.

Nguy cơ tụt hậu càng rõ với các nước chậm phát triển. Nước nghèo chịu sự chi phối, phụ thuộc nước giàu.

3.2. Thế hệ thanh niên đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp này, con người, nhất là thế hệ thanh niên cần phải thay đổi ra sao, cần phải có những tiêu chuẩn gì mới?

Một là năng lực ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Cách mạng 4.0 đòi hỏi mọi ngành nghề thay đổi căn bản về tư duy và phương pháp tổ chức làm việc. Đây là phẩm chất sáng tạo, năng động, linh hoạt của người lao động thích ứng với đòi hỏi mới. Hạt nhân của cuộc cách mạng 4.0 là công nghệ thông tin và Internet kết nối vạn vật (IoT) giúp người giao tiếp với người, người với máy, người với đồ vật, đồ vật với đồ vật. Trong đó con người là trung tâm và làm chủ những cuộc giao tiếp này. Do vậy không đủ tri thức khoa học mới không thể tham gia giao tiếp, chưa nói tới làm chủ các giao tiếp. Hai là, như lẽ tự nhiên, phải giỏi ngoại ngữ. Giỏi ngoại ngữ để giao tiếp, thiết kế những cuộc giao tiếp, cơ bản nhất là để kết nối toàn cầu. Ba là, thành thạo kỹ năng mềm như giao tiếp (với đối tác, với khách hàng), làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, quản lý thời gian, quản lý vốn, quản lý và điều hành nhân sự…

4. Người thanh niên cần làm gì đáp ứng trách nhiệm tiên phong, vai trò chủ lực trong cách mạnh 4.0?

Soi quan điểm của Bác Hồ, soi những lời dạy, những mong ước của Người về thanh niên càng thấy đó là tư tưởng đi trước thời đại. Càng thấy đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của thanh niên hôm nay hoà nhập vào dòng chảy của cuộc cách mạng mới.

4.1. Thanh niên có lý tưởng đúng, có niềm tin lớn

Lý tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt thì vấn đề lý tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Hội nghị Diên Hồng thời Trần là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc. Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mỹ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng. Chưa thấy dân tộc nào trên thế giới trở nên hùng cường tự chủ mà lại thiếu lý tưởng, niềm tin.

Có lý tưởng, niềm tin tức là có thêm sức mạnh. Các chiến sỹ cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa sẵn sàng chết, sẵn sàng chịu tù đày vì họ có lý tưởng “Mặt trời chân lý”, có niềm tin cùng với giai cấp cần lao để “gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Lý tưởng, niềm tin thể hiện ở tình yêu. Đúng như lời Bác: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn” (6). Vì sao vậy? Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng kết nối vạn vật, nó có thể xoá nhoà ranh giới đường biên quốc gia, mờ hoá chủ quyền và lợi ích dân tộc. Con người trở thành “công dân toàn cầu” sẽ ít quan tâm một cách cụ thể đến lợi ích đất nước mình sinh ra. Thế nên lời Bác dạy càng phải ghi sâu: yêu Tổ quốc, nhân dân; tinh thần dân tộc; tinh thần quốc tế.

Thời đại của thế hệ thanh niên hôm nay hướng theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bằng lý tưởng và niềm tin của mình chúng ta sẽ xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì thế mà: “Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:

  • Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
  • Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.
  • Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ” (7).

Vấn đề thời sự đang được thế hệ tuổi trẻ hưởng ứng là phong trào “khởi nghiệp” để chuẩn bị bước vào cách mạng 4.0. Thực ra để hiểu và làm đúng theo tinh thần “khởi nghiệp” trên thế giới hiện nay thì yêu cầu là rất cao: phải có những ý tưởng mới; tạo ra những mô hình mới; hình thức kinh doanh mới; ứng dụng những kết quả khoa học mới. Ở nước ta được hiểu giản dị hơn là sự khởi đầu (tạo ra) công việc mới, cần có tư duy mới, hình thức mới và có kết quả phù hợp. Dù hiểu theo cách nào thì để có một “khởi nghiệp” thành công, không thể không làm theo lời căn dặn của Bác: chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi!

4.2. Thanh niên là những trí thức đi đầu

Chưa bao giờ nhân loại đòi hỏi tri thức của con người cao như bây giờ. Xét ở phương diện hội nhập văn hoá toàn cầu thì tri thức là con đường để tạo ra cuộc đối thoại mà các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội mở rộng lĩnh vực quan tâm và làm sâu các vấn đề đối thoại. Với cách mạng 4.0 thì cánh cửa quan trọng nhất để ra với thế giới là tri thức, để hoà nhập, để làm việc.

Để trở thành một trí thức trong thời đại mới thanh niên thực sự phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm: “Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng” (8). Có vậy mới đảm bảo 4 tiêu chuẩn của người lao động trước ngưỡng cửa 4.0: Một là, tinh thần chủ động, tự giác, bản lĩnh. Hai là, giỏi chuyên môn, thạo việc, sáng tạo, hiệu quả, năng suất cao. Ba là, có tư duy kinh tế và tư duy phối thuộc các ngành nghề tương ứng. Bốn là, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ mới, có kỹ năng giao tiếp xã hội, năng lực thích ứng nhanh.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”. Mục đích học tập là “để phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà” (9). Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”. Xu hướng giáo dục chung, nhất là với thanh niên thì tự học là vấn đề cơ bản. Đó là triết lý biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Nhận thức là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ trong đó chủ thể nhận thức đóng vai trò quyết định. Phải tự mày mò, học hỏi, tự tìm lấy con đường đi cho chính mình thì tri thức thu được mới chắc chắn và làm chủ được nó.

Một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tri thức là cơ cấu sản xuất dựa vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Nước nhà có vững vàng bước vào nền kinh tế tri thức hay không phần lớn trọng trách đặt lên vai thế hệ trẻ.

4.3. Thanh niên – Trách nhiệm bảo vệ đất nước

Nằm trong khu vực địa văn hoá và địa chính trị quan trọng nên lịch sử đất nước ta là lịch sử của những cuộc đấu tranh giữ nước. Trong cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu tài nguyên, đặc biệt tài nguyên biển mang tính chiến lược, lâu dài. Không chỉ nước ta mà nhiều quốc gia đều ưu tiên “kinh tế biển” là một mũi nhọn. Là nước có bờ biển dài, thềm lục địa nhiều tài nguyên, hệ thống đảo đa dạng, phong phú nằm trong vùng còn nhiều tranh chấp nên công cuộc bảo vệ biển đảo là nhiệm vụ nặng nề. Không chỉ biên giới biển và chủ quyền biển, bảo vệ biên giới trên bộ cũng thật gian nan. Vấn đề nóng nhất hiện nay là ngăn chặn ma tuý đang “thẩm lậu” qua biên giới vì các thế lực buôn lậu quốc tế đang coi Việt Nam là địa bàn trung chuyển (thuận lợi cả trên bộ lẫn trên biển). Tiếp nữa là nạn cá cược siêu quốc gia đang bành trướng sâu vào nước ta. Như vậy, việc bảo vệ chủ quyền và trong sạch, lành mạnh hoá đất nước đang đợi sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ thanh niên. Họ cần làm gì? Một đất nước đoàn kết về ý chí, mạnh về kinh tế, vững về tiềm lực quốc phòng bao giờ cũng được đối phương kiêng nể. Mỗi thanh niên hôm nay lại nhớ về lời Bác: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (10). Mỗi người, bằng tài năng, ý chí của mình phấn đấu làm nhiều thêm tài sản cho quốc gia, là đóng góp về trí tuệ, là đóng góp bằng chính sức trẻ bản thân mình…là cách để đất nước mình mạnh lên.

Đất nước đang đứng trước hai nạn “nội xâm” nguy hiểm là tham nhũng và “diễn biến hoà bình”. Chống tham nhũng không chỉ là việc của cơ quan chức năng mà của chung hệ thống chính trị, trong đó thanh niên là lực lượng quan trọng với lợi thế xông xáo, năng động, thẳng thắn, trí tuệ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…Đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” là việc làm lâu dài, quyết liệt, với thanh niên là thế hệ tương lai nên càng phải được coi trọng. “Hòn đá tảng” trong cuộc đấu tranh này là bản lĩnh yêu nước, là niềm tin vào Đảng, vào Nhân dân và chủ nghĩa xã hội, là tri thức để phân biệt phải trái, đúng sai. Đây là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng cực kỳ căng thẳng, gay gắt, âm thầm, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người. Một nguyên nhân chủ yếu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở ta phải cảnh giác, đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Loại bỏ, triệt tiêu dần chủ nghĩa cá nhân ở mỗi nhân cách để tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ chống lại những cám dỗ nguy hiểm từ bên ngoài.

4.4. Thanh niên – Những chủ thể văn hoá

Bác Hồ mong mỏi Đảng, Quốc hội, Nhà nước ta “chú trọng đặc biệt giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục” (11). Đây là tầm nhìn văn hoá của nhà văn hoá lớn. Thế giới có thể tiến tới cách mạng 6, 7.0 gì đó thì cấu trúc nhân cách con người vẫn không thay đổi với ba trụ cột: đức dục (lý tưởng, niềm tin, nhân cách…); trí dục (trí tuệ, tài năng, khả năng sáng tạo, cống hiến…); thể dục (sức khoẻ, sự năng động, hoạt bát…). Năm 2018 và đầu năm 2019 bóng đá Việt Nam giành những thành công lớn đã nâng vị thế Việt Nam lên một tầm mới. Không hẳn bóng đá là môn thể thao mang tính xã hội hoá cao, được nhiều người quan tâm, mà trong bản chất, bộ môn này đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của tập thể và cá nhân: ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, thông minh, bản lĩnh, thể lực tốt, sức bền, dẻo dai, linh hoạt…Nhìn vào yêu cầu của thể thao đỉnh cao hôm nay, thì đúng như Bác Hồ dạy, có thể khái quát trong 6 chữ “đức dục, trí dục, thể dục” (kể cả trật tự và nội dung con chữ).

Trào lưu hội nhập chung trên thế giới hiện nay là lấy văn hóa làm hệ quy chiếu, với những giao lưu văn hóa, đối thoại văn hóa, cầu nối văn hóa, xuất/nhập khẩu văn hóa…Một đất nước giàu có trữ lượng, bản sắc văn hóa càng được đánh giá cao, càng được quan tâm chú ý. Càng ngày người ta càng khẳng định chân lý có văn hóa là có tất cả. Triết học văn hoá hiện đại hay ví con người với cây xanh. Một cây xanh tươi tốt khoẻ khoắn là nhờ biết cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống và nhân loại để hút dưỡng chất văn hoá. Cây xanh ấy luôn vươn cao vào bầu trời văn hoá đương đại để quang hợp ánh sáng lý tưởng, trí tuệ, nhân văn. Mỗi người trẻ tuổi như những cây xanh ấy! Với thanh niên Việt Nam càng phải vậy, để tự làm khoẻ mạnh nhân cách văn hoá chính mình, để thêm màu xanh hy vọng tốt lành cho đất nước, để tự đề kháng trước những làn gió độc từ thế giới văn hoá bên ngoài tràn vào…

Chủ thể văn hoá là những người giữ gìn, thưởng thức, lưu giữ, trao truyền văn hoá, đồng thời là những người sáng tạo văn hoá. Văn hoá là những giá trị mới do con người sáng tạo ra. Hiểu theo nghĩa này, thế hệ thanh niên đang góp phần làm giàu cho đất nước, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền đất nước, nâng cao vị thế đất nước là những chủ nhân văn hoá đích thực.

Lịch sử anh hùng bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam được viết bằng máu của những thế hệ anh hùng trẻ tuổi. Ngày hôm nay thế hệ thanh niên đang đưa đất nước bước vào tương lai với rạng ngời những kỳ tích mới để “sánh vai cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu!

--------------------

NTT - PTL

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 194.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 216.

3, 7.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 13, tr 30; tr 471.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 612.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 11, tr 401.

6, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 9, tr 265; tr 265; tr 178-179; tr 265.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr 377.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)