Biểu tượng các anh hùng, nhân vật lịch sử trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 18/10/2019 00:12

. Nguyễn Hà Thanh

Trong những tác phẩm của Bác xuất hiện nhiều biểu tượng các vị tiên liệt, các đấng anh hùng giữ nước: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Quang Trung…

“Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị dân tộc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung để lại” (1).

“Các cháu nhi đồng, có cháu thì giúp bộ đội lập chiến công, có cháu thì giúp tăng gia sản xuất, hoặc tuyên truyền cổ động. Thật xứng đáng là con cháu Phù Đổng Vương và Trần Quốc Toản”(2).

Những ngày toàn dân tộc chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ nhắc lại một sự kiện lịch sử đời Trần nói về tinh thần đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, dù đó là kẻ thù ghê gớm như thế nào đi chăng nữa:

“Truyền thống "Điện Diên Hồng" là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta” (3).

Trong truyện Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, ngoài giọng điệu chủ đạo châm biếm chế giễu còn có những đoạn mang âm hưởng hào hùng của cảm hứng anh hùng ca:

“Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544), với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta…

"Quân Mông Cổ đi đến đâu phá sạch đấy, đã bị nhà Trần vẻ vang của chúng ta đánh bại (1225). Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam, đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ ta bắt ta chịu…” (4).

Trong Lời kêu gọi đầu năm mới 1947, Hồ Chí Minh nói với đồng bào:

“Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không?

Không, quyết không!…" (5)

Đoạn văn ngắn nhưng được tách ra thành nhiều mệnh đề, mỗi mệnh đề biểu hiện một phương diện ý nghĩa: “đồng bào ta” gợi về ý đoàn kết, từ xa xưa tất cả đều sinh ra trong một bọc; “con cháu Hai Bà Trưng” gợi về tinh thần “"Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" chứ quyết không chịu làm nô lệ; “con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao” gợi về ý lịch sử chúng ta luôn chiến thắng kẻ thù. Các cụm từ “nước non Hồng Lạc”, “nòi giống Rồng Tiên” gợi về ý thức tự hào. Cấu trúc của cả đoạn là sự tương phản trời vực giữa những gì tốt đẹp cao sang của non nước Rồng Tiên, của những anh hùng tiên liệt với hình ảnh được điệp lại để nhấn mạnh mệnh đề “thực dân Pháp giày xéo”, ”thực dân Pháp giày đạp”.

Trong Thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô, Bác Hồ viết:

“Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.…” (6).

Trong số các bậc anh hùng, Hồ Chí Minh hay nói đến các vị: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây là những tấm gương oanh liệt được sử sách ghi nhận là những con người quên mình vì nghĩa lớn, những ý chí cứu nước, những tài năng quân sự kiệt xuất…Trong kháng chiến chống Pháp, những trận đánh, những chiến dịch lớn, theo đề nghị của Hồ Chủ tịch đã lấy tên các vị anh hùng thắng giặc vẻ vang: Trận Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Quang Trung… Đặc biệt hầu như khi nói về các bậc anh hùng cứu nước, Hồ Chí Minh luôn nói tới Hai Bà Trưng. Có thể đây là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường của cả dân tộc. Có thể đây là trang sử bi thương mà hào hùng mà ai, nếu là người Việt Nam đều biết… Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hồ Chí Minh nói về tấm gương anh hùng ấy: “Hội Phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" (7).

Trong Thư nói về công tác Trần Quốc Toản gửi các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ có nói về nhân vật lịch sử này: “Qua năm mới, Bác đề nghị các cháu làm một việc là: các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản… Cách đây chừng 700 năm, quân Mông Cổ đánh chiếm gần nửa châu Âu, chiếm gần hết châu Á, và lấy cả nước Trung Hoa. Lúc đó quân Mông Cổ đem 30 vạn lính đến đánh nước ta…Trần Quốc Toản là cháu ông Trần Hưng Đạo, lúc đó mới 15, 16 tuổi, cũng đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công. Bác không phải mong các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào.…” (8). Bác kêu gọi thiếu niên tham gia vào việc yêu nước nhưng không mong các cháu phải đánh giặc như Trần Quốc Toản, mà bằng cách “giúp đỡ đồng bào”. Chân tình mà yêu thương là ở đấy. Yêu đồng bào, yêu trẻ em. Lấy biểu tượng để giáo dục trẻ theo đặc trưng lứa tuổi và phù hợp với hoàn cảnh thực tế, đó cũng là khoa học.

Năm 1965 kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chủ tịch nêu những tấm gương vì lý tưởng của Đảng của nhân dân đã hy sinh, lấy đó làm bài học về đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh thiếu niên:

“Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản vẻ vang mà 35 năm qua trong Đảng ta đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và hàng vạn đảng viên gương mẫu, "trung với nước, hiếu với dân", khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng như liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” (9). Bác cũng lấy những tấm gương thời hiện tại làm biểu tượng cho lòng yêu nước của thanh niên: “Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt. Vài thí dụ: trong bộ đội có những thanh niên anh hùng như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên...; ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu như Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tuỳ, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác”(10).

Hình tượng Thánh Gióng trong thần thoại cùng tên đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí đánh giặc quật cường của dân tộc. Hồ Chí Minh cũng rất nhiều lần nói về hình tượng này. Điểm đặc biệt là sử dụng những nét nghĩa của biểu trưng thật phù hợp với chủ đề nội dung mình cần nói:

“Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp” (11).

Nhân vật Thánh Gióng trong thần thoại là một cậu bé, Hồ Chí Minh nhiều lần dùng biểu trưng này vào việc giáo dục thiếu niên nhi đồng:

“Các cháu nhi đồng, có cháu thì giúp bộ đội lập chiến công, có cháu thì giúp tăng gia sản xuất, hoặc tuyên truyền cổ động. Thật xứng đáng là con cháu Phù Đổng Vương và Trần Quốc Toản” (12).

“Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản” (13).

Người khen ngợi thế hệ thiếu niên Việt Nam anh hùng đã noi gương tổ tiên góp sức mình cùng toàn dân kháng chiến đòi lại độc lập: “Các cháu đã xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản. Thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...” (14), và: “Thiếu niên ta rất vẻ vang,/Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời” (15).

Lịch sử nước ta được viết ra với mục đích khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức về giá trị, về trách nhiệm các tầng lớp, giai cấp trong xã hội đối với đất nước. Không ngẫu nhiên nhân vật lịch sử được đề cập trong số chữ nhiều nhất (06 câu thơ) là Trần Quốc Toản, cũng là một tấm gương của “trẻ con Nam Việt”:

“Thật là một đấng anh hùng

Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo...”

Các nhân vật lịch sử tiêu biểu bước vào địa hạt văn hoá thì trở thành mã văn hoá biểu trưng cho một phạm trù nào đó. Với những Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản…đã trở thành những tấm gương tiêu biểu của lòng yêu nước, của tinh thần tự do, của ý chí không chịu cúi đầu làm nô lệ.

NHT

-------------------------

1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 440.

2. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 315.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 213.

4. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 79

5. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 1

6. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 35

7. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr 148.

8. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 386.

9. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 11, tr 373.

10. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr 456.

11. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập10, tr 4.

12. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 315.

13. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 501.

14. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 562.

15. Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 221.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)