Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Cảm hứng từ những người viết trẻ

Thứ Hai, 27/05/2019 12:53

Sau những ngày miệt mài giữa Tam Đảo mù sương, Trại viết truyện ngắn Tam Đảo 2019 với chủ đề “Chiến tranh cách mạng và người lính” do Tạp chí VNQĐ phối hợp với Nhà sáng tác Tam Đảo tổ chức đến ngày 15/5/2019 đã kết thúc. Với mười ba trại viên đến từ mọi miền của đất nước, từ An Giang đến Lạng Sơn, người ít tuổi nhất đang là sinh viên năm thứ tư, sinh vào gần những năm 2000, người nhiều tuổi cũng chỉ sinh quãng gần những năm 1980, có thể nói, đây là một trong những trại viết của VNQĐ có độ tuổi khá trẻ từ trước đến nay.

Diễn ra trong bối cảnh cuộc thi truyện ngắn “Lửa Mới” trong hai năm 2018 - 2019 đang vào chặng nước rút, nên độ chín cảm xúc cũng như sự nỗ lực để có những tác phẩm hay tham dự cuộc thi của các trại viên đều cao. Sau mười lăm ngày ở trại viết, mười ba trại viên đã cho ra đời gần ba mươi truyện ngắn, đa dạng về đề tài, cấu trúc, trong đó nhiều truyện có chất lượng tốt.

 

Về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính

Có thể nói, vì đặc thù là tạp chí của những người lính nên chiến tranh cách mạng và người lính luôn là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của VNQĐ với các tạp chí văn chương trong nước. Chính vì vậy ở trại viết lần này, trong số mười ba tác giả tham dự, có đến hơn một nửa có truyện viết về đề tài này, đó là các tác giả Tú Ngọc, Ngọc Diệp, Vũ Lâm, Lê Vũ Trường Giang, Nguyệt Chu, Trần Quỳnh Nga, Lê Quang Trạng. Đối với các tác phẩm liên quan đến các cuộc chiến tranh, cơ bản các tác giả đều chọn góc nhìn là sự quan sát, tiếp cận của thế hệ trẻ hôm nay thông qua các di vật hoặc những nhân chứng sống đã đi qua chiến tranh để nói lên những bi kịch, mất mát hi sinh, không những của cuộc chiến mà cả biết bao vấn đề của nó vẫn đang hiện hữu, tồn tại trong đời sống hôm nay. Tiếng rền của đá của tác giả Trần Tú Ngọc là một truyện ngắn điển hình như thế. Thông qua câu chuyện của một cô gái trở lại nơi mà người yêu cô - một người lính thời bình mà cô cứ ngỡ đã hi sinh trong khi gỡ mìn còn sót lại sau cuộc chiến biên giới phía Bắc, tác giả không chỉ đề cập đến những hi sinh của người lính trong chiến tranh, khi đối mặt với quân thù, mà ở giữa thời bình, nơi cũng có vô vàn hiểm nguy họ phải đối diện. Thông qua cách tiếp cận điểm nhìn ấy, những di chứng tinh thần mà cuộc chiến để lại được tái hiện sinh động thông qua hình ảnh những người đàn bà cho những viên đá vào cối để xay ở mảnh đất Cấm Sơn - nơi cuộc chiến đã diễn ra năm nào, mà cô gái bắt gặp trong chuyến đi của mình: “Họ kéo cối xay trong những đêm dài lạnh lẽo thảng thốt nghe tiếng con khóc ngạt dưới hầm. Họ kéo cối xay trong mùa giỗ trận khói hương nghi ngút nhắc nhớ khôn nguôi đến người chồng ngã xuống sau khi bắn hết loạt đạn cuối cùng trên chốt. Họ kéo cối xay khi nghĩ đến cơn mưa xối xuống bộ hài cốt người thân còn nằm dầu dãi đâu đó giữa những bãi mìn trên đỉnh núi mờ xa vời vợi”… Vết lăn trầm của Trần Quỳnh Nga lại là câu chuyện của con gái một liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ, sau bao năm bị mang tiếng là con hoang, nay mới được nhận cha, trở về quê nội để nhận họ hàng nhưng lại vô tình bắt gặp một bi kịch khác của chiến tranh: một người lính tài hoa bị mất tích trong cuộc chiến biên giới Tây Nam, đã được công nhận là liệt sĩ bỗng trở về trong tình trạng lúc tỉnh lúc điên khi gia đình không còn ai. Thông qua câu chuyện, tình cảm đồng chí, đồng đội yêu thương đùm bọc của những người lính dành cho nhau càng được đề cao hơn bao giờ hết. Ngọc Diệp trong truyện ngắn Khói mật hương lại là một thông điệp khác. Thông điệp về đạo lí thủy chung, “uống nước nhớ nguồn” thông qua cuộc trở về quê hương đầy khó khăn của linh hồn người lính hi sinh trên ngọn Vãng Vong. Lê Vũ Trường Giang, một người khá gắn bó với đề tài này khi ngay từ năm 2011, lần đầu tiên tham gia trại viết của VNQĐ tại Bến Tre, anh đã có truyện ngắn Huyền thoại XD được đánh giá khá cao. Tham dự trại lần này, cả ba truyện ngắn của anh - Ngủ yên 689, Sẹo làng Hồng, Hồi sinh một cơn mê đều liên quan đến chiến tranh và người lính, trong đó truyện ngắn Sẹo làng Hồng là góc nhìn ám ảnh của một phóng viên nước ngoài khi trực tiếp chứng kiến một vụ thảm sát có thực trong chiến tranh chống Mĩ - thảm sát Sơn Mỹ - nhằm minh chứng cho những tội ác mà lính Mĩ gây ra cho mảnh đất này. Viết trực diên về người lính hôm nay, tác giả Nguyệt Chu có truyện ngắn Hoa gạo cuối mùa đề cập đến góc khuất công việc đặc thù trong quân đội của những người lính ảnh hưởng thế nào tới hạnh phúc giản dị của một gia đình đó là sự sum vầy, việc sinh con đẻ cái. Lê Quang Trạng vẫn chung thủy với đề tài về chiến tranh biên giới Tây Nam, nơi anh sinh ra với truyện ngắn Chuồn chuồn nói về sự đau thương mất mát trong cuộc chiến với Polpot. Lời khấn chú nguyện cầu của Vũ Lâm là câu chuyện pha trộn giữa thực và ảo về người lính chống Mĩ.

 

Về đề tài cuộc sống hôm nay

Những vấn đề đặt ra của cuộc sống hôm nay được các tác giả tập trung khai thác khá đa dạng. Với những trang văn đẹp, Nguyễn Luân - một tác giả người dân tộc Nùng cho ra đời hai truyện ngắn đều về đề tài dân tộc: Mây tía ngang trờiCỏ lau trắng. Ở Mây tía ngang trời, tác giả đưa người đọc vào thế giới của những thầy Mo, con hương, con kí với những phép mằn (bùa) như mằn yêu, mằn điên… thông qua hồi tưởng của một thầy mo sắp chết về những việc mình đã làm để khắc họa một kiểu thầy Mo đa nhân cách: vừa thiện vừa ác, vừa yêu thương vừa thủ đoạn tàn nhẫn…

Thế mạnh của tác giả Lưu Thị Mười là những độc thoại nội tâm của những người đàn bà, và ở trại viết này, hai truyện ngắn của chị - Giấc mơ MĩNgười đàn bà tâm thần vẫn phát huy được thế mạnh đó. Trong truyện ngắn Người đàn bà tâm thần, sự dữ dội trong việc sử dụng chi tiết, những đoạn độc thoại nội tâm đã góp phần giúp tác giả khắc họa thành công sự bất hạnh của những người phụ nữ khi bị biến thành một thứ đồ chơi, một vật đổi chác của kẻ tham danh vọng, tiền tài, quyền lực. Cũng viết về bi kịch của những người phụ nữ, nhưng Mắt lửa của Nguyệt Chu lại là thứ bi kịch của một kiểu người mê mụ lao theo sự hào nhoáng ánh đèn sân khấu, những tiếng vỗ tay, ánh mắt thán phục thông qua nhân vật làm nghề múa lửa dạo. Trung thành với kiểu nhân vật dị biệt, đặc biệt là giới giang hồ, Phạm Đình Hải có hai truyện ngắn Anh hùngKẻ biết chữ. Là người làm trong ngành văn hóa nên tác giả Vũ Thanh Lịch khá am hiểu những nhố nhăng, dị hợm của cái gọi là thành tâm lễ thánh và chị đã khá thành công khi đưa nó vào tác phẩm văn học thông qua truyện ngắn Nhà thánh. Cùng với Nhà thánh, chị còn có một truyện ngắn khác là Đàn bà yêu viết về bi kịch của người đàn bà đa tình. Phạm Thu Hà khai thác sự cô đơn của người phụ nữ qua truyện ngắn Cát biển. Tống Phú Sa đưa người đọc đến với những người nông dân để cùng họ hoài niệm về một thời nghèo mà ấm áp tình làng nghĩa xóm trên những thửa ruộng khi mà vì những lí do khác nhau, họ lâm vào những bi kịch riêng, không được gắn bó với ruộng đồng, với những con vật gắn bó cùng mình qua hai truyện ngắn Nhớ mùaNgười đàn khóc.

Ở trại viết lần này, đề tài lịch sử chỉ có duy nhất một truyện ngắn có tên Đỉnh giăng màn mây phủ của Trần Quỳnh Nga.

Với mười lăm ngày ngắn ngủi ở trại viết, đặc biệt là trại viết truyện ngắn, thì những kết quả nói trên là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các tác giả tham gia. Cùng với những truyện ngắn đã hoàn thành nộp về Ban tổ chức, rất nhiều truyện ngắn khác vẫn còn đang dang dở trong máy tính của các tác giả sẽ được hoàn thành và gửi cho Ban tổ chức sau khi kết thúc trại. Trong thời gian ở trại, ngoài việc tập trung cho sáng tác, sự ăm ắp không khí văn chương cũng được Ban tổ chức chú trọng thông qua các cuộc thảo luận nhỏ của cả trại để góp ý, nâng tầm cho một tác phẩm nào đó vừa được hoàn thành. Những buổi sinh hoạt văn chương như thế, ngoài chuyên môn, nó còn giúp sự gắn kết, yêu thương đầm ấm của cả trại càng được nâng lên và là nguồn nuôi dưỡng cảm xúc cho các tác giả để sau khi bế mạc, họ tiếp tục có những tác phẩm hay, ám ảnh người đọc.

NGUYỄN MẠNH HÙNG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)