Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

DU KÍ: Nhìn lại vài năm qua

Thứ Sáu, 01/03/2019 09:47

Du kí, sau những ồn ào và có lúc trở thành thể tài chủ đạo, quãng 2012-2015, dường như đã trở về trạng thái cầm chừng, mỗi năm một đôi cuốn đáng tìm đọc, tuy không đến mức im ắng nhưng cũng đã bị chính đời sống văn chương nhiều biến động đẩy vào vị thế thứ yếu, thậm chí nhiều khi chỉ đóng vai trò “gia vị” trên các tờ báo văn nghệ, các hiệu sách chen chúc tác phẩm mới. Thực ra, chính từ trạng thái đó, nếu có một cách tiếp cận đa chiều, người ta sẽ thấy du kí, hay rộng hơn là thể kí, bao gồm tùy bút, bút kí, kí sự, đang thường xuyên pha trộn với nhau, để không chỉ làm mới thể loại mà còn, quan trọng hơn, để thích ứng với thời đại mà mọi ghi chép, bất luận mang tính văn chương hay không, đều có thể tạo ưu thế trong việc níu độc giả.


Trong quá khứ, từ thế kỉ XIX, du kí gắn với thời đại khám phá (age of exploration) nên các thông tin về địa lí, cảnh quan, phong tục sinh hoạt trở nên hấp dẫn, lôi cuốn độc giả và đồng thời trở thành dữ liệu dân tộc học quan trọng. Ở thời điểm hiện nay, sự thay đổi lớn trong phương tiện truyền thông, đặc biệt là mức độ đi tới mọi nơi trên trái đất của những kênh truyền hình kiểu Discovery Channel, National Geographic, hay những clip ngắn dạng du lịch trên Youtube chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy viết du kí, không cho phép người viết du kí hồn nhiên kể về nơi chốn không gian. Và cũng bởi các công cụ tìm kiếm thông tin đã phổ cập nên người viết du kí không còn thoải mái phô trương kiến thức, vốn hiểu biết dàn trải, giản đơn. Hai năm gần đây, theo quan sát của tôi, loạt tác phẩm tạm gọi là du kí như Chân đi không mỏi (2017) của Đinh Hằng, Bụi đường tuổi trẻ (2017) của Tâm Bùi, Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero (2017) của Nguyễn Tập, Tôi và Paris. Câu chuyện một dòng sông (2017) của Hoàng Long, Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017) của Trương Anh Ngọc, Đi như là ở lại (2017) của Lê Vũ Trường Giang, Về nhà (2017) của Phan Việt, Trở về nơi hoang dã (2018) của Trang Nguyễn,… đậm yếu tố “kí”, đồng nghĩa với suy tư và thức nhận, hơn là ham muốn phiêu lưu, chuyển tải hành trình trải nghiệm, chinh phục vùng đất. Dĩ nhiên, các cuốn sách vẫn là sản phẩm của một chuyến đi, ngắn hoặc dài, ngoại quốc hay nội địa, nhưng đằng sau mỗi địa danh, người viết đã vơi dần niềm háo hức gọi tên đặc trưng cảnh quan, mô tả chi tiết lối sống, mà hướng nhiều hơn đến bảng phổ tâm trạng, cảm xúc của mình. Chính ở điểm dao động giữa tiêu chuẩn mô tả chính xác và khả năng bày biện, hư cấu, tạo dựng câu chuyện đã cho phép người viết du kí hôm nay, một mặt, thoát khỏi khuôn gò bó của kí (ghi chép, thuật lại), mặt khác, gia tăng cái nhìn chủ quan cùng vốn liếng ngôn từ mà các phương tiện khác (truyền hình, nhiếp ảnh) khó lòng cạnh tranh. Nói cách khác, “kí” trong mỗi chuyến đi là sự biểu đạt những năng lực quan sát, tái dựng chủ thể cái tôi thay vì chỉ làm đầy hiểu biết về một xứ sở, không gian nào đó.


Cái nhìn chủ quan hiển thị ngay từ tên gọi cuốn sách, và riêng với tác giả nữ, nó nhang nhác tuyên ngôn, nhãn quan của thế hệ mới, thế hệ dám đứt đoạn hình ảnh người nữ truyền thống gắn với không gian bếp núc và chợ búa. Chính du kí, chứ không chỉ tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ, theo tôi, mới khích lệ phụ nữ Việt tích cực tái tạo mình, tự gọi, tự xác nhận mình theo chuẩn giá trị mới. Do đó, từ “lên đường với trái tim trần trụi” như Nguyễn Phương Mai thể hiện trong Tôi là một con lừa (2013) và Con đường Hồi giáo (2014) đến Gái phượt (2018) của Yếm Đào Lẳng Lơ quả là một giai đoạn ngắn cho những bước tiến dài, vừa ngập ngừng vừa tự tin, trong việc trưng các khẩu hiệu, triết lí xoay quanh kiểu người nữ thời toàn cầu năng động, giỏi giang, tinh tế. Nữ tác giả Đinh Hằng cũng vậy, rảo khắp Đông Nam Á, mạnh mẽ, dứt khoát trong mỗi quyết định bởi tin rằng “hạnh phúc không nằm ở đích cuối cùng, nó nằm ở quãng đường bạn mướt mồ hôi, đẩy bản thân qua những giới hạn chịu đựng và chiến thắng chính mình trên hành trình đó”. Kiểu giọng triết lí thoang thoảng chủ nghĩa xê dịch, pha thêm âm hưởng bất tuân lối sống an phận, cùng vốn kĩ năng giỏi xoay xở, ứng phó với bất trắc dặm trường khiến tác giả tự mình tạo tác biểu tượng phiêu lưu, chinh phục và khám phá vốn dĩ gắn với nam giới từ xa xưa. Thái độ khước từ yên ổn, Chân đi không mỏi, vươn tới những điều phi thường trong đời thường, ít nhiều cho các tác giả nữ du kí một không gian của sự khẳng định, lớn tiếng, giành vị thế.


Cũng bởi chủ quan nên cái gọi là tư liệu, dữ liệu hành trình giờ đây mờ nhạt dần. Trong Bụi đường tuổi trẻ, Tâm Bùi ví mình “như một sa mạc đầy nắng và gió, ôm trong lòng mình nhiều mạch nước ngầm, chỉ chờ một tay khai phá để hóa thành ốc đảo tươi đẹp”, nên anh muốn “lang thang đến tất cả ngóc ngách trái đất này để lượm lặt những câu chuyện tưởng chừng đã bị người ta bỏ quên”. Nhu cầu lượm lặt những câu chuyện đẩy cuốn sách của tác giả vừa đi theo các vùng đất cụ thể, Ấn Độ, Miến Điện, Tây Tạng, Trung Hoa theo trình tự thời gian đi đâu làm gì vừa chạm đến sự tự do cả trong ý nghĩ lẫn hiểu biết. Hành trình của Tâm Bùi, rút cuộc, là nhận ra “cuộc đời là hư vô”, là khao khát “giác ngộ ý nghĩa của sự sống và cái chết”. Tính chất chuyển hóa từ địa lí sang thân tâm, vì thế, cho thấy các kĩ thuật tự sự thiên về tự bạch, tự thú. Đặc điểm này cũng rất nổi bật trong Đi như là ở lại khi tác giả, trước mỗi nơi chốn thân quen, thường để kí ức lên tiếng, gắn với tuổi thơ, với văn hóa bản xứ. Phảng phất chất hiện sinh, trau chuốt ngôn từ, lãng mạn hóa hình ảnh, Đi như là ở lại lưu giữ một cái tôi u hoài, lữ thứ, nhỏ bé, “tôi như một hạt cát trong dải yếm vàng hun hút bờ mắt, một giọt nước cô lẻ giữa thăm thẳm lòng nước xanh”. Người đọc không bị cuốn theo câu chuyện đi đâu mà chủ yếu nhập tâm vào những ngõ ngách nội tâm của nhân vật, và, phải nói thêm, trước vốn từ vựng chắt ra từ văn-triết đô thị miền Nam một thời (“linh ảnh”, “mộng huyễn”, “thể phận”, “trưng dẫn”, “đặc năng”, “cô liêu hoang lạnh”, “tha nhân”, “hằng định”, “hố thẳm”, “miên thường”…), tôi nghĩ người đọc cũng sẽ thể tất cho cái cách hồi cố hơi điệu đà, làm dáng của tác giả. Nhưng tự si với chính hành trình của mình, thực chất, còn là biểu hiện khác của sự mê đắm cái tôi cá nhân, điều kiện có lẽ cần thiết để thể kí vươn đến chân trời hư cấu.


Trường hợp Về nhà của Phan Việt, dường như cảnh giác với chân trời đó, đã phải biện minh ngay từ đầu rằng “thay vì kể lại theo lối hồi kí của người đứng trong hiện tại nhìn lại và nhìn lướt quá khứ, tôi muốn bạn đọc song hành chi tiết qua từng giai đoạn - bất kể chúng có điên loạn, buồn thảm, ngu ngốc đến đâu”. Dẫu vậy, đặt Về nhà sau Một mình ở châu Âu (2013), Xuyên Mĩ (2016), tôi vẫn thấy bóng dáng ghi chép, mô tả, quan sát của du kí. Bản thân Về nhà, 7 phần 49 chương, kết cấu theo ý tứ hành trình tìm Phật, cũng có nhiều đoạn xây trên những chi tiết nói về dịch chuyển không gian, tiếp xúc văn hóa xã hội. Lưỡng lự pha trộn hồi kí, du kí trong cuốn sách này, có lẽ, là giải pháp hay khi tác giả muốn kể hành trình “đi tìm lại mình” theo cái cách, như tôi kiên nhẫn đọc hiểu, hết sức tự thân, tự do, và là thành quả của kiên tâm trì tính, hạnh ngộ và giác ngộ. Với tôi, Về nhà thú vị không phải ở chỗ tác giả xuống tóc an cư trở thành Phật tử mà ở chỗ nhà văn có thể trình hiện bản ngã của mình đến đâu, giới hạn nào cho khả năng tự bộc lộ. Bất chấp việc kể lại, hồi ức đôi khi quá dài, Phan Việt tái dựng câu chuyện của mình để chứng thực một bài học mà bản thân thấu suốt: “tôi chấp nhận khả năng sai còn hơn ngồi im không đi tìm. Đời thì rút cục để làm gì nếu không kinh nghiệm nó theo cách có ý nghĩa nhất”. Triết lí của người đi tìm chân pháp đạo Phật có vẻ khó diễn giải tường tận song với đa số độc giả, tôi tin, ai cũng có thể lờ mờ hiểu rằng đi tìm bản lai diện mục là hành trình nhọc nhằn, khó khăn nhưng cũng nghĩa lí bậc nhất.


Không chủ đích hướng đến triết lí nhưng Trở về nơi hoang dã với tôi là một triết lí lớn, một cuốn sách tự nó cao hơn những điều được viết ra. Là một nhà bảo tồn động vật hoang dã, hiện là đại sứ cho Quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh, Trang Nguyễn đã kể lại chân thực hành trình năm năm trải nghiệm, tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam. Không trau chuốt ngôn từ, không sử dụng uyển ngữ nhưng trần thuật của tác giả lại có vẻ sinh động, lạ lẫm của những địa danh “giàu truyền thống và lịch sử lâu đời” như vùng đất KwaZulu-Natal; của “cái nắng hanh hao ở Nam Phi vào mùa đông” rọi trên Vườn quốc gia Kruger rộng gần hai triệu héc-ta, “lớn hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới”. Đặc biệt, cuốn sách còn thổ lộ chuỗi cảm giác mà không phải ai cũng trải nghiệm được, như về “sự dịu dàng của loài voi”, hay về ánh mắt của những con gấu bị nuôi nhốt lấy mật “buồn phiền, đau khổ sợ hãi, mệt mỏi. Là ánh mắt cam chịu, chấp nhận số phận khi đã ở trong bàn tay con người”. Trở về nơi hoang dã gợi nhắc tầm quan trọng của thiên nhiên và sẽ là dẫn chứng chính xác cho các nhà nghiên cứu chuộng mốt phê bình sinh thái thấy rõ cái cách thiên nhiên đối lập, đối thoại với nhân thế ra sao. Tôi không nghĩ cuốn sách là lời kêu gọi, một phóng sự nóng hổi về thực trạng buôn bán, bắn giết động vật quý hiếm nhưng bởi nó được viết bằng lòng cộng cảm, thấu hiểu nỗi đau của thiên nhiên nên tất yếu, nó đánh động chúng ta cần nhìn lại mình. Tác giả hẳn cũng không coi cuốn sách là du kí, song nỗ lực ghi lại và xác thực hóa sự kiện, tình tiết, con số, thông tin khoa học trong mỗi hành trình có thể khiến cuốn sách gần với kí sự, bút kí. Tựu chung, dán nhãn thể loại cho cuốn sách, dẫu ở mức độ lỏng lẻo nhất, vẫn có thể là giải pháp bất đắc dĩ.


Vậy thì, rút cuộc, tác giả của những cuốn sách trên, một dạng ghi chép, mô tả và kể lại, là ai, viết ra với mục đích gì? Một nhà văn hướng đến hành trình phơi mở nội tâm như Phan Việt, Lê Vũ Trường Giang? Một phóng viên mạnh mẽ, gan dạ pha chút liều lĩnh như Nguyễn Tập không ngại bất kì hành trình nào trong rừng rậm Amazon? Một nhà báo say mê và am hiểu sâu sắc văn hóa nước Ý như Trương Anh Ngọc? Hay giản đơn, là một người thích du lịch, rong ruổi trên các cung đường như Đinh Hằng, Rosie Nguyễn? Thiết nghĩ, nếu chỉ trả lời rằng họ là ai cụ thể thì không thấy hết đặc trưng của kiểu viết lách, văn chương mà nhiều người xếp chung vào thể du kí. Các loại ghi chép, tự sự này, nhìn một cách rộng rãi nhất, có thể coi là dạng văn chương nhân học (literary anthropology) và tác giả là nhà nhân học (anthropologist). Ở đây có một sự giao thoa, lai ghép ngầm giữa các yếu tính văn chương (hình ảnh, biểu tượng, lối viết bóng bẩy, ẩn dụ,…) với nhu cầu khám phá, tìm hiểu mang tính khoa học về một nơi chốn, vùng đất, tập tục, hành vi… Khi tác giả hiện thực hóa các quan sát, cảm nhận của mình bằng ngôn từ, ít hay nhiều, tác giả đó trở thành người muốn tạo ra một “sự thật” đáng tin, đáng tham khảo cho nhiều người. Tuy nhiên, thế nào là “sự thật” khi mà người viết luôn bị cảm xúc, tính chủ quan can thiệp? Đây chính là điểm, theo tôi, dẫn đến thế lưỡng nan của người viết các thể kí, mà trước nhất là du kí. Lưỡng nan vì lựa chọn mục đích, lối viết, cách tiếp cận. Lưỡng nan vì vừa muốn chính xác, xác thực vừa muốn có tính văn chương. Bất luận thế nào, sự pha trộn lối viết, bứng ghép các chủ đề và văn phong giữa nhân học và văn chương, trong tương lai gần, sẽ diễn ra một cách phức tạp và lí thú hơn.

M.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)