. KIỀU NINH
Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, văn hóa, văn học, nghệ thuật được xác định là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội; là cầu nối để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; góp phần định hướng, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, là vũ khí tinh thần sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Những năm gần đây, khuynh hướng sáng tác chính của văn nghệ sĩ là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng 54 dân tộc anh em, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của con người Việt Nam, hướng thiện, chủ động hội nhập với thế giới. Song song đó, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật còn mang tính phản biện xã hội, như: phê phán cái xấu, cái ác, những lực cản, những biểu hiện của lối sống thấp hèn, góp phần kiến tạo đạo đức xã hội. Rất nhiều tác giả đã mở rộng đề tài, chủ đề, tìm tòi các phương pháp sáng tác mới, làm phong phú đời sống văn học nghệ thuật. Có những tác phẩm đi sâu vào đánh giá lại quá khứ lịch sử công bằng hơn, khách quan hơn theo quan điểm đổi mới của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, vẫn xuất hiện những khuynh hướng, quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Các thế lực thù địch đã sử dụng một số sáng tác văn học xấu để tuyên truyền, thổi phồng những sai lầm của Đảng, Nhà nước, truyền bá những quan điểm, lối sống không lành mạnh. Chúng hình thành hoặc cho người của mình len lỏi vào những hội đoàn, câu lạc bộ hoạt động trái phép, tập trung tuyên truyền xuyên tạc, đưa các quan điểm, tư tưởng sai trái xâm nhập, tác động, xâm hại trực tiếp đến tư tưởng cán bộ, đảng viên. Chúng phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta, muốn dùng văn hóa để thực hiện ý đồ chính trị. Một mặt chúng khoét sâu ảnh hưởng của các mặt tiêu cực, lệch lạc trong hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng như trong thị hiếu của một bộ phận công chúng. Mặt khác, chúng tìm cách thực hiện và quảng bá những tác phẩm văn học, những chương trình ca nhạc, phim ảnh chứa đựng cả nội dung lẫn hình thức chống chế độ ta, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh tụ cách mạng, tôn vinh những kẻ quay lưng chống lại công cuộc xây dựng hòa bình của dân tộc ta dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”…
Đáng ngại nhất trong khuynh hướng này là tác phẩm văn học, nghệ thuật nhấn mạnh một chiều cái xấu, cái ác, phủ một màu đen lên hiện thực muôn màu của đời sống, dẫn đến tâm lý hoài nghi, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của dân tộc. Đây cũng là tâm lý phủ nhận thực tại, miêu tả, phản ánh méo mó, phiến diện cuộc sống. Thậm chí, có tác phẩm còn cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ bệ thần tượng, giải thiêng lịch sử, giải thiêng các giá trị của dân tộc, phủ nhận quá khứ, hư vô chủ nghĩa, đánh tráo phải - trái, tốt - xấu, công - tội. Nhầm lẫn giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược. Miêu tả cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc như một cuộc nội chiến…
Trong đời sống nghệ thuật cũng đang có những lệch lạc cần phát hiện, uốn nắn kịp thời. Đối với nhạc trẻ, nhạc thương mại hiện nay đang có xu hướng tuyệt đối hóa tình yêu, trong tình yêu nhấn mạnh sự ích kỷ, hưởng thụ, xác thịt, đánh mất sự cao quý, thánh thiện. Trong hội họa, có khuynh hướng nhấn mạnh tranh trừu tượng, nghệ thuật trình diễn, xếp đặt, mờ nhạt với các vấn đề nóng bỏng của đời sống. Còn trong điện ảnh, có những yếu tố nước ngoài du nhập sống sượng, thiếu chọn lọc. Lại có những phim đồng tính, dựa theo những cốt truyện của nước ngoài rồi pha chế. Nhiều nội dung phim là những câu chuyện luẩn quẩn, vụn vặt, cãi cọ trong văn phòng hoặc pha những cảnh sex, đâm chém, săn đuổi để câu khách.
Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật là một bộ phận nhạy cảm nhất của việc chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, góp phần củng cố trận địa chính trị, tư tưởng hiện nay. Năm 2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” cũng đã nhấn mạnh và chỉ rõ: “Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch”. Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa, văn nghệ nước ta đang gánh vác trên vai sứ mệnh hết sức nặng nề và phải tiến hành một cuộc đấu tranh rất quyết liệt để góp phần nuôi dưỡng, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh chống cái ác, cái xấu và nghèo nàn lạc hậu để xây dựng con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; đấu tranh chống các luồng tư tưởng, văn hóa độc hại để bảo vệ mục tiêu lý tưởng, các giá trị truyền thống, cách mạng cao đẹp mà tổ tiên, ông cha ta đã đổ bao máu xương xây dựng và gìn giữ… Mới đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ban hành ngày 9/6/2014 đã xác định nhiệm vụ: “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng”. Đồng thời Đảng cũng đề ra yêu cầu: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước… Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước”.
Cuộc chiến đấu chống kẻ thù trên mặt trận văn hóa, văn nghệ là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất quyết liệt như chống kẻ thù xâm lược trong thời chiến. Do đó, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải luôn tu dưỡng, học tập đường lối, chủ trương của Đảng, rèn luyện bản lĩnh và tư tưởng vững vàng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Đấu tranh chống quan điểm sai trái của các đối tượng bất mãn, phản động đang hằng ngày, hằng giờ thực hiện âm mưu tấn công vào tư tưởng, tình cảm chúng ta trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế của văn hóa. Hơn bao giờ, đội ngũ văn nghệ sĩ phải tỉnh táo, tự vệ, phải nâng cao sức đề kháng bằng việc nâng cao nhận thức chính trị để phân biệt đúng, sai và phải xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường, bền bỉ trên mặt trận này…
K.N