Ngôn từ của tấm lòng!

Thứ Bảy, 14/12/2019 00:39

(Khảo sát ngôn ngữ Bác Hồ nói về đồng bào dân tộc, tôn giáo)

. NGUYỄN HÀ NAM

Bác Hồ là một điển hình trong việc gìn giữ ngôn ngữ văn hoá địa phương, coi đó là cái gốc, là mạch nguồn, là những nét đặc sắc góp vào sự đa dạng của văn hoá dân tộc. Người thông thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài, Người cũng nói giỏi và am hiểu phong tục của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Về thăm các địa phương có người dân tộc Người cũng thường nói và viết tiếng dân tộc của bà con để hoà đồng như là một thành viên trong gia đình vậy. Năm 1959 lên thăm Tây Bắc. Sau vài lời mở đầu bằng tiếng Việt, Bác bất ngờ hỏi câu bằng tiếng Thái: “- Pị noọng phăng hủ báu?” (nghĩa là : anh em nghe tôi nói có hiểu không ?)[1]. Ông Trần Viết Hoàn nguyên Giám đốc Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn giữ bút tích của Bác Hồ trong một lần Người về thăm Cao Bằng: “Chúc đồng bào pi mư đạy lai”, có nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp, và kèm theo mấy dòng tiếng phổ thông: “Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng”[2]. Đáng lưu ý trong câu viết bằng âm tiếng Tày, Người vẫn dùng hai chữ “đồng bào” theo chữ viết tiếng Việt. Có thể trong vốn từ vựng tiếng Tày không có từ tương đương, nhưng cái chính là Người dùng hai chữ này vì nó đã phổ thông quen thuộc với nhiều đồng bào, nghĩa của nó lại chứa đựng ý nghĩa về tinh thần đoàn kết keo sơn của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam. Ở đây lại toát lên một bài học về vay mượn ngôn ngữ: cái gì ta không có thì mới phải vay mượn nhưng nghĩa của ngôn ngữ vay mượn phải nhiều người hiểu và có giá trị biểu cảm cao.

Trong tác phẩm của Hồ Chí Minh hầu như có mặt của tất cả các giọng nói của mọi tầng lớp, giai cấp người trong xã hội. Nói khác đi, trong ngôn ngữ Hồ Chí Minh có sự góp mặt của hầu hết mọi loại hình ngôn ngữ xã hội. Điều ấy đã thể hiện tinh thần dân chủ, tính đa dạng, phong phú, sinh động của ngôn ngữ văn hóa Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào công giáo. Có thể lý giải điều này là xuất phát từ quan niệm đoàn kết và tình thương nhân dân của Bác và tình hình công giáo nước ta trong những năm kháng chiến kiến quốc: Đồng bào giáo dân vì dễ bị kẻ thù lợi dụng nên Bác Hồ càng phải giúp họ hiểu về đường lối kháng chiến để giành độc lập tự do cho tất cả mọi người, làm rõ cho họ hiểu tinh thần nhân ái, đoàn kết của người Việt…?!

Nhân dịp lễ Nôen 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào, lá thư có đoạn: “Ngày lễ Nôen lần thứ hai đến trong hoàn cảnh hòa bình. Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục.

Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hòa bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào công giáo ở miền Bắc ta”[3].

Những câu văn được cấu trúc đều đặn, ngắt mệnh đề đều đặn tạo âm hưởng êm đềm như tiếng chuông nhà thờ ngân nga của cảnh hòa bình. Nhân dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh 1956 Hồ Chí Minh cũng có thư gửi các hàng giáo sỹ và đồng bào công giáo:

“Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hòa bình càng chóng thắng lợi như bài hát: "Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hòa bình cho mọi người lành dưới thế".

Nhân dịp lễ sinh nhật này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất được tốt, thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau"[4].

Cả lá thư có 5 đoạn thì cấu tạo thành 6 câu, ngay ở ví dụ trên thì cả đoạn là một câu. Tìm hiểu những lá thư của Người gửi cho đồng bào công giáo chúng tôi thấy đều có đặc điểm chung là âm hưởng đều đặn, câu thường dài, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức cha giảng kinh thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

Thế còn đối với đồng bào phật tử, Hồ Chí Minh ứng xử ra sao? Người cũng rất quan tâm và quan tâm theo một cách riêng, cách của nhà Phật.

Ngày 8-1-1957, nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo thể hiện lòng quan tâm của Đảng và Chính phủ và thể hiện mong muốn đồng bào đoàn kết, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc cũng là để bảo vệ hoà bình cho đất nước.

“Các vị tăng ni và các vị tín đồ thân mến,

Nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo, tôi thân ái gửi đến các vị tăng ni và đồng bào tín đồ lời chào đại hoà hợp.

Tôi có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử…

Trong dịp này tôi mong các vị tăng ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi…

Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình”[5].

Văn bản có thể coi là sự phối hợp hai phong cách ngôn ngữ, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo như “tinh tiến tu hành” vẫn được tác giả sử dụng. Căn cứ vào đối tượng tiếp nhận thì đây lại là sự cần thiết, nếu thay bằng một cụm từ của ngôn ngữ toàn dân có nghĩa tương đương thì màu sắc nhà Phật sẽ bị giảm, người đọc sẽ không tìm thấy con người họ ở trong đó, hiển nhiên tính thuyết phục cũng nhạt.

Ngôn ngữ là tư tưởng, là quan niệm. Dân gian có câu “Lời nói gói vàng” thật đúng!

-----------------------

NHN

 

[1]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.tr 153.

[2]. Theo Hoàng Quảng Uyên - Báo Công an nhân dân, số 2140, ngày 6/6/2011.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 8, tr 99.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, Tập 8, tr 285.

[5]. Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, Tập 8, tr 290, 291.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)