Hồ Chí Minh và quan niệm về sự tiếp thu, kế thừa, phát triển, nâng cao các giá trị tiên tiến

Thứ Tư, 11/12/2019 00:55

. Nguyễn Hải Thanh

Bác Hồ rất thích thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Trong các buổi gặp gỡ với các nghệ sỹ Bác thường đề nghị được nghe các làn điệu chèo, tuồng, nhất là hát ví... Bác Hồ rất yêu, quý trọng văn học cổ điển, coi đó là cái vốn, trên cơ sở đó mà sáng tạo. Người mong muốn thế hệ đi sau cũng phải như vậy. Câu chuyện của nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa kể lại càng cho thấy rõ điều này. Một lần Bác hỏi: “Chú Khoa làm công tác văn nghệ có thuộc Chinh phụ ngâm không? Tôi trả lời: Thưa Bác, cháu thuộc từng đoạn thôi ạ!

Bác bảo tôi: Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”. Và từ hôm ấy trong khi đi đường, mỗi buổi sáng, Bác dạy tôi bốn câu trong Chinh phụ ngâm, buổi chiều Bác bảo tôi đọc lại, rồi Bác lại dạy tôi bốn câu tiếp. Cứ thế trong mấy chục ngày đi bộ, Bác dạy tôi thuộc lòng cuốn Chinh phụ ngâm từ đầu đến cuối”[1]. Câu chuyện của bác sĩ Trần Hữu Tước kể cho thấy Bác Hồ còn coi nghệ thuật để tìm hiểu nhân cách con người: “Có hôm Bác hỏi mọi người có thích đọc KiềuChinh phụ ngâm không. Mọi người trả lời rất thích. Bác ngoảnh sang bác sỹ Tước, hỏi:

- Trong Chinh phụ ngâm, chú thích câu nào nhất?

- Thưa Bác, cháu thích câu Hướng dương lòng thiếp như hoa!

Bác vừa đùa vừa khen:

À, chú này chưa mất gốc!”[2]. Bác rất thích nghe ngâm thơ, một nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nghệ sỹ Kim Liên nhớ lại lần ấy được ăn cơm với Bác Hồ. Bác hỏi: “- Chú Xuân Thủy tặng cho cháu bài thơ thế nào, cháu đọc đi cho Bác nghe”. Tôi buông đũa xuống mâm và đọc bài thơ Đóa sen hồng: Kim Liên quê ở Nam Hà…Bác ngắt ngay ở đó và bảo: “Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ”. Nói xong Bác bảo tôi đọc tiếp. Tôi đọc một mạch trong ngâm xúc động…

Bác chăm chú nghe tôi đọc thơ. Còn tôi thì chăm chú nhìn Bác, suýt nữa quên cả lời thơ. Tôi đọc xong Bác gật đầu khen hay. Tôi vô cùng sung sướng và nói:

- Cháu thấy Bác đẹp như một ông tiên vậy...”[3]

Tác giả Hồng Khanh kể sáng ngày 27-8-1969 tuy mệt hơn nhưng Bác vẫn chủ động gợi chuyện xua tan không khí buồn lo cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và đội ngũ y bác sỹ. Bác hỏi y tá Nguyễn Thị Oanh :

  • Quê cháu ở đâu ?
  • Dạ! Thưa Bác! Quê cháu ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc.

Bác hỏi tiếp :

  • Cháu có biết hát không?

Nguyễn Thị Oanh hơi lúng túng, đỏ mặt, nhưng kịp trấn tĩnh rồi mạnh dạn hát cho Bác nghe bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác.

Thấy ánh mắt Bác nhìn mình âu yếm, cổ vũ, Nguyễn Thị Oanh hát tiếp bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người ơi người ở đừng về.

Nghe xong, Bác lấy làm hài lòng, mỉm cười. Rồi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ tặng hoa cho chị...” [4].

Đó là một con người nghệ sỹ đích thực, từ khi còn trẻ cho đến lúc sắp từ giã cõi đời. Ở Hồ Chí Minh luôn song hành hai đời sống, bổ sung, làm đẹp cho nhau: đời sống của một nhà cách mạng và đời sống của một nghệ sỹ.

Nhà báo I. Phabe, người Đức kể một lần được nghe Bác Hồ nói về công tác kế thừa truyền thống: “…Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông…”[5]

Tinh thần học tập, tiếp thu, kế thừa văn hoá nước ngoài của Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong đoạn đối thoại giữa Người với nhà văn Nga Ruf. Bersatxki: “…các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải vứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại! Tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xô-viết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của một dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó - chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn học Trung Quốc, - cái đó sẽ chẳng hay ho gì. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”[6] . Ở đây toát lên mấy vấn đề lý luận: cần tiếp thu đa dạng các nền văn hoá khác nhau; nhưng phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hoá mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Có lẽ cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hoá, cần phải nắm bắt cái chỉnh thể để tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.

Đồng chí Phan Anh kể một lần trao đổi về vấn đề khen thưởng gia đình có con đi bộ đội, Bác hỏi tôi:

“- Chú có biết trong Tam tự kinh có câu gì ứng vào việc này không?

Tôi thưa Bác:

- Đó là câu: Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa thương, giáo ngũ tử, danh câu dương (Ông Đậu Yên Sơn có phương pháp giáo dục năm người con đi theo con đường nghĩa lớn). Bác hỏi tiếp:

- Chú có biết câu: Không sợ ít mà sợ không đều, không sợ nghèo mà sợ không yên xuất xứ ở đâu không? Tôi thưa với Bác:

- Đó là câu Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an[7]. Như vậy Bác cũng khuyến khích mọi người học chữ Nho để tiếp thu vốn văn hóa phương Đông mà phục vụ cuộc sống hiện tại tốt hơn. Cũng theo Phan Anh kể, sau câu trả lời của “học trò” trả bài “kiểm tra”, Bác gật đầu vẻ hài lòng.

Trong văn bản Bác vẫn thường dùng chữ Hán nếu đích đáng, trong đời thường Bác vẫn dùng nếu cách dùng đó mang một sắc thái biểu cảm riêng. Bà Nguyễn Đình Chi kể, (Nguyễn Đắc Xuân ghi), Tết Nguyên Đán 1969 bà tặng Bác 4 thấu mứt do chính tay bà làm. Bác bảo người phục vụ dọn ra bàn để mọi người cùng ăn luôn mà không cần sự kiểm tra an toàn nào. “Thấy Bác chỉ dùng món mứt chanh, tôi thưa Bác xin Bác xơi mứt bí, mứt cam hoặc mứt quất vì mứt chanh đắng. Bác cảm ơn và đáp một cách thâm thúy:

- Phải có cam, có khổ chứ!

Bác vui vẻ miệng nói và tay xóc mứt cam ăn...”[8]. Ở đây Bác chơi chữ, cam vừa có nghĩa thuần Việt chỉ “mứt cam”; cam từ Hán Việt có nghĩa ngọt, chỉ hạnh phúc. Đúng là câu nói thâm thúy.

Tập thơ Nhật ký trong tù, theo Giáo sư Phan Văn Các, tuy viết bằng chữ Hán nhưng các con chữ đều nằm trong bảng chữ Hán tối thiểu, thông dụng. Bác dùng 1332 chữ Hán trong tổng số ngót 5 vạn chữ Hán hiện có[9]. Điều ấy chứng tỏ Bác dùng chữ nước ngoài là bắt buộc, có dùng cũng dùng những gì phổ biến, gần gũi, dễ hiểu.

Vào một buổi tối tại Việt Bắc, Bác mời Hội đồng Chính phủ họp để trao Huân chương cho Bác sỹ Tôn Thất Tùng, Người nói: “Chú Tùng là một Xidovan mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”[10]. Những ai hiểu sâu rộng văn hóa Pháp đều hiểu từ Cidovant - danh từ mà Cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc. Chỉ một từ này mà có nhiều ẩn ý: Một là rất kính trọng tài năng, nhân cách của “Chú Tùng”; hai là “Chú Tùng” đã từng là “một nhà quý tộc” Pháp, có công với nước Pháp, nay được Chính phủ ta tặng Huân chương, có nghĩa là Chính phủ rất biết trọng dụng nhân tài, dù người tài đó đã từng phục vụ nước Pháp, mà nay quân Pháp lại đang đánh ta. Và còn toát lên một ý khuyến khích, Bác sỹ Tôn Thất Tùng thật đúng như “một Xidovan”, một Xidovan của cách mạng Việt Nam.

Câu nói sau cho thấy trong quan niệm kế thừa và phát triển Bác chú trọng tới sự làm mới nội dung để phù hợp với cuộc sống mới. Đồng chí Vương Văn Long kể Bác dặn: “- Chú Long này, Bác mới đi qua vùng dân tộc, thấy họ kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của các chú nhiều lắm! Kiểu mẫu về nội dung chứ không phải kiểu mẫu về hình thức bên ngoài. Đồng bào là người dân tộc, mà các chú bắt mở đường to, xoay hướng nhà ở, thì ai người ta nghe? Làm thế là đảo lộn phong tục của người ta đấy”[11].

Bài học của Bác Hồ là phương châm phát triển văn học nghệ thuật hôm nay: phải lấy truyền thống làm điểm tựa. Chỉ có thể trên cái nền truyền thống, chỉ có thể hút chất dinh dưỡng văn hoá truyền thống cây văn nghệ mới xanh tươi và cho những trái ngọt!

NHT

-------------------------

[1] Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) – Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 83.

[2] Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 31.

[3] Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 84.

[4] Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.Tr 193.

[5] Trần Đương – Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009 tr 166.

[6] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 56.

[7] Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc – Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 365.

[8] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 116.

[9] Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách nói và cách viết. Nxb Khoa học xã hội, 2010, tr 171.

[10] GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 758.

[11] Trình Quang Phú- Đường Bác Hồ đi cứu nước. Nxb Thanh Niên, tái bản lần thứ 9, 2011, tr 452.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)