Bác Hồ giáo dục cán bộ cần kiệm liêm chính bằng ngụ ngôn

Thứ Ba, 10/12/2019 09:42

.NGUYỄN THANH HÀ

 

Hồ Chí Minh chưa bao giờ là người tham công danh địa vị, và chính Người từng giáo dục cán bộ của mình phải “dĩ công vi thượng”. Chức vị Chủ tịch Nước, Người cũng coi đấy là một “phận sự”: “Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”[1]. Và trong thơ: “Kháng chiến thành công ta trở lại,/Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”[2]. Chúng ta cũng thấy cách diễn đạt này đều sử dụng những ẩn dụ ngụ ngôn nên giàu hình tượng và hàm súc. Trong giao tiếp thường ngày, Người cũng hay dùng phong cách này. Năm 1946, ở Pari có nhà báo hỏi Bác:

- Thưa Chủ tịch, Ngài có phải Cộng sản không?

Bác liền đi đến lẵng hoa bày trên bàn, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói:

- Tôi là người cộng sản như thế này này!”[3]

Một hành động ý nhị, vừa thể hiện sự quan tâm quý mến với người đối thoại vừa mang tính ngụ ngôn: hoa luôn tượng trưng cho cái đẹp, cho tình yêu, hạnh phúc… Người cộng sản cũng như hoa vậy. Vừa không phải nói ra, mà nói ra có thể người ta không tin, vừa thu hút được sự chú ý của công luận, dư luận.

Chữ “Liêm” nghĩa là trong sáng, chân chính, ngay thẳng. Bác Hồ thật là người xứng đáng nhất với chữ “Liêm”!

Là Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh giáo dục đảng viên mình tránh xa những cám dỗ vật chất: “Đảng ta là một Đảng phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác. Nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí”[4]. Người lấy những tấm gương “đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”[5]. Hình tượng ẩn dụ giàu biểu cảm:“cây” Đảng ta tươi tốt là nhờ vì “gốc rễ” được “thấm nhuần” máu xương của các bậc tiền bối. Hình tượng này được Người hơn một lần nhắc lại: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”[6].

Trong quan niệm toàn diện về người cán bộ đảng viên, Hồ Chí Minh cho rằng phải có 4 yếu tố đầy đủ thống nhất với nhau. Người diễn đạt ý ấy qua một đoạn văn có điểm tựa là các quy luật tự nhiên, từ quy luật tự nhiên để nói tới quy luật của con người:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức thì không thành người”[7].

Cần chú ý đây là những tư tưởng của đạo Nho về con người mà Hồ Chí Minh kế thừa: “Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật". Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy"[8]. “Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? đối với việc có chuyên cần không?

Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”[9].

Nhưng nếu trong quan niệm của người xưa các yếu tố còn rời rạc, thiếu gắn kết, thì trong quan niệm của Hồ Chí Minh, các yếu tố này được đặt trong một hệ thống. Điều này thể hiện qua một ngụ ngôn được Người nhấn mạnh: “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”[10]. Bác Hồ đặt khái niệm “cần” trong mối quan hệ với “chuyên” và có ví dụ qua một ngụ ngôn: “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích. Như thế chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt”[11]. Qua đây chúng ta đều thấy trong quan niệm của Bác vấn đề luôn được đặt ra và giải quyết một cách triệt để, thấu đáo.

Có lẽ xuất phát từ một quan niệm chuyên cần cụ thể như vậy mà Hồ Chí Minh “dị ứng” với thói làm việc lề mề chậm chạp, thiếu khoa học. Người từng giễu những người “lười biếng, chậm chạp”:

“Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng.

Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn.

Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần.

Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh”[12]. Ví dụ này nói về tầm quan trọng của mệnh lệnh và nghị quyết, đồng thời còn là bài học cho chúng ta, ở thời đại thông tin bùng nổ hôm nay càng phải thấy đó là vấn đề thời sự, cấp bách.

Cùng với quan niệm “Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu” mà Bác yêu cầu chế độ báo cáo thật nghiêm túc, rõ ràng, bởi nếu không sẽ mắc bệnh "bán thân bất toại" bởi “mạch máu” không lưu thông: “Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, để tránh bệnh "bán thân bất toại" trong công việc, để tránh thất bại và để lượm được nhiều thành công”[13].

Bác Hồ lên án bệnh hoang phí, coi đó là “một tội ác”:

“…một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác…

Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính.

Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới.

Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.

Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”[14]. “Bắc giây leo trời” là thành ngữ ngụ ngôn chỉ một hành động phi lý không bao giờ đạt được kết quả. Đồng thời qua đây cũng thấy trong quan niệm của Hồ Chí Minh tất cả vì dân và cũng rất mực tin dân, coi “lòng dân” là sự thống nhất với “cần kiệm liêm chính” tức 4 yếu tố căn bản làm nên phẩm chất người cán bộ đảng viên.

Đối sánh về quan niệm đạo đức xưa nay, Hồ Chí Minh cũng dùng ngụ ngôn: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”[15].

Thật dễ hiểu, cũng là cần kiệm liêm chính nhưng nhờ diễn đạt bằng ngụ ngôn nên ta thấy ngay tính chất ngược nhau của đạo đức, ngày xưa đạo đức bọn phong kiến là ích kỷ, có lợi cho bọn thống trị, đạo đức ngày nay là vì nhân dân.

N.T.H

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 165

[2] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 335

[3] Bác Hồ- con người và phong cách. NXB Lao động, 1993, tr 1

[4] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 374

[5] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 548

[6] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 160

[7] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 631

[8] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 641

[9] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 644

[10] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 643

[11] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 633, 634

[12] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 259

[13] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 77.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 208, 209

[15] Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 321

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)