Hồ Chí Minh – Người mở ra chân trời văn hóa mới

Thứ Năm, 25/01/2024 09:50

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ- THS NGUYỄN THỊ VUI


Xin giới thiệu các cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế gần đây nhất về Hồ Chí Minh hầu như đi theo hướng “liên văn hóa”, với: Ngày 18/4/2023 tại nước Ý (thủ đô Roma) có Hội thảo “Quãng đời làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia”; Ngày 14/5/2022 tại Ấn Độ có Hội thảo “Hồ Chí Minh và Ấn Độ” (Ho Chi Minh and India) tổ chức ở Kolkata[1]. Tháng 10 năm 2019 Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) tổ chức tại thành phố New York - Mỹ. Các Hội thảo đều nhất tí tôn vinh Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, đã kết nối những nền văn hóa bằng khát vọng giải phóng các dân tộc và tình yêu thương con người vô hạn. Sự nghiệp và nhân cách của Người đã mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Sự tôn trọng của các học giả thế giới đương đại cho thấy tư tưởng và những giá trị văn hoá lớn lao của Hồ Chí Minh được cả thế giới nghiêng mình đón nhận, tiếp thu. Từ góc nhìn mới nhiều học giả khẳng định Hồ Chí Minh vĩ đại ở chỗ không chỉ là người khởi xướng, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tháng Tám huyền thoại mà còn đồng thời là người kiến tạo nên một Nhà nước dân chủ mới, một hệ hình mỹ học mới và chính Người vừa là một chủ thể sáng tạo vừa là một đối tượng nghiên cứu của mỹ học. Là tác giả của hàng trăm tác phẩm thơ văn nổi tiếng, từng là thợ ảnh, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên,... nhưng điều chung nhất là các sáng tác, các hoạt động nghệ thuật ấy đều hướng về một mục đích là phấn đấu vì mỹ học hạnh phúc của con người. Cuộc đời cách mạng và phong cách sống của Hồ Chí Minh là cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ trong và ngoài nước của các chuyên ngành nghệ thuật sáng tạo, mà nếu tập hợp một cách hệ thống sẽ là một thư viện riêng. Vì lẽ này Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc đã viết về người Thầy Hồ Chí Minh của mình: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”[2].

Bài viết vận dụng hướng nghiên cứu “liên văn hóa” này để khẳng định Hồ Chí Minh đã mở ra một chân trời văn hóa mới không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân dân các nước thuộc địa và cho cả nhân loại nói chung.

I. “Liên văn hóa” – Hướng đi mới của thế giới.

Bước vào kỷ nguyên Cách mạng 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế,... thế giới đang chứng kiến những đổi thay mang tính bước ngoặt. Đó là thời của kết nối vạn vật, thời của vi điện tử, của người máy... đứng trước cơ hội thụ hưởng những văn minh vật chất mới mẻ, lạ lẫm nhưng con người cũng phải đối mặt với những thử thách mang tính hậu quả: nạn thất nghiệp tràn lan, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh bùng phát... Đường biên giữa các quốc gia ngày một mong manh, sự phụ thuộc, chi phối lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, do vậy con người càng phải cần đến nhau để đoàn kết, tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ. Đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ vừa qua càng cho thấy rõ sự chi phối giữa các quốc gia, nhất là các nước láng giềng gần gũi càng trở nên mạnh mẽ và gay gắt hơn. Trong bối cảnh ấy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra là một tất yếu, ngày càng rộng rãi, sâu sắc. Thế nên nghiên cứu liên văn hóa được ủng hộ như một nhu cầu tự thân không chỉ cấp quốc gia, khu vực mà còn mang tính toàn cầu. Văn học là thành tố cơ bản của văn hóa nên liên văn hóa trong văn học biểu hiện tập trung và sinh động hơn cả. Điều ấy cũng phù hợp với quy luật phát triển về sự kế thừa, tiếp thu, kết tinh, phát triển và nâng cao của văn chương.

Có thể ví liên văn hóa như một cây xanh có bộ rễ khỏe khoắn cắm sâu vào các mảnh đất văn hóa của cuộc sống đương đại, truyền thống dân tộc và văn hóa nhân loại để hút dưỡng chất tinh hoa mà vươn cành lá vào bầu trời thời đại mà quang hợp ánh sáng lý tưởng mới mẻ. Nhờ vậy những trái cây tác phẩm đã kết tinh được những giá trị đặc sắc để có được hương vị tư tưởng rất riêng, khác biệt. Đó là liên văn hóa được biểu hiện cụ thể trong thế giới tác phẩm. Cũng vì thế mà mức độ liên văn hóa giàu có, phong phú, đậm nhạt... là khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào “cái tôi” của chủ thể nhà văn. Thời nay triết học liên văn hóa quan niệm cấu trúc chủ thể nhà văn hóa như cấu trúc một tòa nhà có nền móng là vốn văn hóa dân tộc; các bức tường là trí tuệ, tinh thần, tư tưởng. Ngôi nhà ấy có nhiều cửa sổ ngôn ngữ đón các luồng gió văn hóa bốn phương thổi tới, lại có nhiều cửa chính để đón độc giả khắp nơi ghé thăm, học tập... Do vậy càng là nhà văn lớn thì tính liên văn hóa biểu hiện càng rõ.

“Đa văn hóa” là sự tiếp xúc nhiều nền văn hóa, sự cộng gộp số học giản đơn, hình thức, gần gũi bên ngoài nên không đồng nhất với “liên văn hóa”. “Liên văn hóa” không chỉ là sự tiếp xúc, còn là sự xuyên thấm, tác động, đối thoại giữa các nền, các xu hướng văn hóa. Nó hướng vào sự phân tích, chọn lựa, hiệu quả trong giao tiếp, tiếp nhận những tri thức mới mẻ để tạo ra các giá trị mới. Từ góc nhìn này thì “điển cố” trong văn học trung đại là một “liên văn hóa” đích thực. Không hề là chuyện “nệ cổ” hay “sùng/hướng ngoại” như đã có nhiều người hiểu một cách cực đoan. Đó là kết quả của quá trình sự giao thoa văn hóa diễn ra từ rất lâu, đời này sang đời khác, thời đại này đến thời đại kia.

Nhìn từ góc độ chủ thể sáng tạo có 5 dạng tác giả trong quá trình liên văn hóa:

  • Tác giả là người nhập cư (đến từ quốc gia, cộng đồng khác).
  • Tác giả là người viết bằng ngôn ngữ khác không phải ngôn ngữ nước mình/mẹ đẻ.
  • Tác giả là người sống, trải nghiệm, hiểu biết nhiều nền văn hóa khác nhau
  • Tác giả là người chịu ảnh hưởng từ văn hóa nước khác.
  • Tác giả là người dân tộc thiểu số nhưng viết bằng cả ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông của nước mình.

Giao tiếp góp phần cơ bản làm nên văn hóa, đồng thời, như một sự phản ứng thuận chiều văn hóa lại làm nên giao tiếp, thế nên khái niệm “liên văn hóa” (intercultural), về thực chất là “giao tiếp liên văn hóa” (Intercultural communication). Nhà nhân học văn hóa Edward Hall trong cuốn The Silent Language (1959)[3] là người đầu tiên dùng thuật ngữ này. Nó được gọi cái tên khác là “giao tiếp giao thoa văn hoá” (Cross-cultural communication). Từ những năm 70 của thế kỷ trước “liên văn hóa” đi tìm sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng/quốc gia có những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, thói quen sống, những quan niệm, nhân sinh quan khác nhau thể hiện ở các bình diện quan hệ truyền thống/ hiện đại, dân gian/ bác học, bản địa cụ thể/ nhân loại phổ quát... “Liên văn hóa” trong một tác giả, tác phẩm biểu hiện cụ thể ở việc học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển, nâng cao văn hóa dân tộc. Còn là sự tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu văn hóa nước mình; thể hiện ở cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, thể hiện trên nhiều cấp độ nhưng tập trung ở ba vấn đề cơ bản là biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.

Đáp ứng với thời toàn cầu hóa, “liên văn hóa” được mở rộng và được khái quát thành “triết học liên văn hóa” (The Intercultural Philosophy) đi tìm những nét tương đồng trên nền tảng những điểm khác biệt văn hóa. Đây là một xu hướng tất yếu, ngoài sự nhận thức đời sống từ điểm nhìn dân tộc, đa chiều hơn, hướng đến những ý nghĩa giá trị phổ quát, nhân loại, tức mẫu số chung (hay là hằng số) của văn hóa toàn cầu. Cũng tất yếu xuất hiện ở nhiều quốc gia môn học Phân tích giao tiếp liên văn hoá (Intercultural Communication Analysis - ICA) trong khối ngành khoa học xã hội. Nó chú ý tới hiệu quả giao tiếp biểu hiện cụ thể ở các giá trị văn hóa – được gọi là “phần mềm tinh thần” (mental software), tức các tiêu chuẩn, những mong muốn tác động đến sự lựa chọn (văn hóa). “Liên văn hóa” dĩ nhiên có trong một nền văn hóa theo mối quan hệ chiều dọc (truyền thống/hiện đại), tức giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication). Văn hóa luôn là sự mở ra giao tiếp với bên ngoài tức với các nền văn hóa khác nên “liên văn hóa” được hiểu, về cơ bản là sự giao tiếp/tiếp biến giữa những nền văn hóa khác nhau.

Là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng “liên văn hóa” thâu nhận, kết tinh những giá trị văn hóa mang tính tinh hoa từ nhiều nguồn: phương Đông và phương Tây, dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại... nên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được tìm hiểu một cách toàn diện, cả “nội văn hóa” và “ngoại văn hóa”, trong những biểu hiện cụ thể của mối giao tiếp với nhiều văn hóa khác nhau trên thế giới. Soi vào yêu cầu của một tác giả “liên văn hóa”, Bác Hồ đáp ứng 4 dạng: tác giả là người nhập cư (từ Việt Nam); tác giả là người viết bằng ngôn ngữ khác (tiếng Pháp, Anh, Hán, Nga, Đức...); là người sống, trải nghiệm, hiểu biết nhiều nền văn hóa (đi ròng rã 30 năm, qua 54 nước, tiếp thu nhiều nền văn hóa phương Đông, phương Tây); là người chịu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài (văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Nga...).

Với những cây đại thụ văn hóa lớn như Hồ Chí Minh thì trái cây tác phẩm mà họ sản sinh ra luôn dồi dào, đa dạng dinh dưỡng văn hóa, hay được gọi là hiện tượng “nói mãi không cùng”. Vì thế việc nghiên cứu sẽ là lâu dài, của nhiều người, nhiều ngành khoa học, nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Để khám phá được “mã”, phải có “chìa khóa” để mở mã. Phải giàu có vốn sống, vốn tri thức, vốn trải nghiệm kết hợp với tinh thần cần cù, tâm huyết may ra mới “rèn” được “chìa khóa” của riêng mình. “Chìa khóa” ấy được hiểu là phương pháp!

 

II. Hồ Chí Minh – Một hiện tượng “liên văn hóa” đặc sắc, độc đáo, tiêu biểu.

  1. Tiểu sử và thời đại “liên văn hóa”.

Sinh ra nơi xứ Nghệ - vùng đất học giàu có trầm tích văn hóa lại được hưởng nền nếp giáo dục Nho gia mẫu mực của gia đình có truyền thống học tập. Lên 5 tuổi cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ vào Huế. Đến tuổi trưởng thành chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học, vào Bình Khê thăm cha, đến Sài Gòn làm việc kiếm sống... Bảy tuổi Nguyễn Sinh Cung đã học sách Luận ngữ của Nho giáo và sớm học tiếng Pháp. May mắn sinh ra trong môi trường gia đình trong chữ, trọng tình, yêu nước, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lại sớm được tiếp xúc, học hỏi, tiếp thu nhiều nét văn hóa ở các vùng miền khác nhau nên đã sớm hình thành một bản sắc văn hóa có cá tính. Người con ưu tú của đất nước với cái tên Văn Ba lên tàu Latouche – Tréville để bắt đầu cuộc hành trình cứu nước dài 30 năm. Sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, theo các số liệu nghiên cứu mới nhất, Người đã đi qua 54 nước, trực tiếp làm 12 nghề, sử dụng thông thạo 12 ngoại ngữ[4].

Các cuộc Hội thảo khoa học quốc tế gần đây khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hội tụ và kết tinh rất đẹp ba luồng giao lưu văn hóa: văn hóa bản địa (văn hóa yêu nước Việt Nam); văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ ở châu Âu (Pháp) và châu Mỹ - Latinh (Mỹ); văn hóa giải phóng con người, vì con người của Chủ nghĩa Mác - Lênin.

2. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” - Mục đích cứu nước tối thượng!

Nhằm mục đích hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành ba cuộc đối thoại, mà ở ngày hôm nay càng có cơ sở để khẳng định đó là những cuộc đối thoại vĩ đại: 1. với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; 2. với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; 3. với các đồng chí cùng lý tưởng. Nội dung các cuộc đối thoại này cũng rất thẳng thắn, công khai, rõ ràng, chính nghĩa, có lý có tình,... Tất cả là vì công cuộc giải phóng con người đang bị áp bức trên toàn thế giới. Có mạnh mẽ lên án, tố cáo, vạch trần cũng là vì mục đích nhân tính, ngăn chặn và giảm thiểu tội ác của kẻ thù. Kêu gọi con người, nhất là đồng bào ở các nước đang bị nô lệ hãy ý thức được giá trị nhân tính để đoàn kết đòi kẻ thù trả lại môi trường nhân tính. Động viên, chia sẻ, kêu gọi đồng chí, đồng bào, cũng là cách nhận chân kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân đế quốc để cùng nhau làm cuộc cách mạng giải phóng.

Ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã hội tụ các điều kiện cơ sở cần có của đối thoại văn hóa để rồi Người trở thành con người tiêu biểu của đối thoại văn hóa: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[5]. Là sự hiện thân của việc học tập, kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo những tư tưởng tiến bộ, cách mạng vào điều kiện hoàn cảnh Việt Nam: “Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”. Đó là một tiêu biểu của “liên văn hóa” sinh động, cụ thể, sâu sắc nhất.

Ngôi nhà nhân cách văn hóa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có nền móng cực kỹ vững chắc là tình yêu thương con người thiết tha, sâu nặng; có khung kết cấu là tư tưởng, trí tuệ; có nhiều ô cửa sổ sinh ngữ đón nhiều luồng gió nhân văn từ khắp vùng trời văn hóa nên ngôi nhà ấy luôn “lộng gió thời đại”, đậm đà hương thơm, lộng lẫy ánh sáng tinh hoa lý tưởng của tri thức nhân loại. Thế nên Người trở thành một mẫu mực của đối thoại văn hóa, không ngẫu nhiên sau ngày khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ, Người kiêm nhiệm và hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trở thành hình mẫu của ngoại giao văn hóa, thế giới hôm nay khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, đặt nền móng đồng thời là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”. Đó là tư tưởng vàng về đối ngoại trở thành tài sản văn hóa hòa bình của Việt Nam cũng là tài sản tinh thần nhân văn của toàn nhân loại.

Xin chứng minh “liên văn hóa” qua một một tác phẩm quan trọng nhất của Hồ Chí Minh, cũng nổi tiếng trên thế giới, được đọc nhiều nhất, tham khảo nhiều nhất (trong kho tàng trước tác của Người) – Tuyên ngôn Độc lập!

 

III. Tuyên ngôn Độc lập Nhìn từ triết học liên văn hóa.

Không chỉ là áng hùng văn của quốc gia – Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tuyên ngôn Độc lập còn là ánh sáng soi đường cho các dân tộc còn đang bị nô lệ vùng dậy đòi quyền tự quyết, vì thế tác phẩm mang tầm lịch sử, tầm nhân loại!

Với tư cách một văn bản tuyên bố với quốc dân Việt Nam và cả thế giới về sự khai sinh ra một Nhà nước mới nên Tuyên ngôn Độc lập là một diễn ngôn liên văn hóa. Đối thoại với “quốc dân” (Việt Nam) tất nhiên phải dùng giao tiếp “nội văn hoá” (intracultural communication), tức kiến tạo các mối liên hệ giữa truyền thống lịch sử và hiện đại. Đối thoại với thế giới phải sử dụng giao tiếp “liên văn hóa” (Intercultural communication). Như vậy phải thuyết phục bằng cả “liên văn hóa” thời gian lịch sử và “liên văn hóa” không gian đương đại. Bằng năng lực khái quát những ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại kết hợp với tài năng lập luận, tác giả đã kiến tạo những mạch ngầm “liên văn hóa” sâu rộng, lớp lang hơn nhiều những câu chữ ngắn gọn hình thức bề ngoài với 1.120 chữ diễn đạt giản dị, ngắn gọn trong 49 câu văn.

Vì là một diễn ngôn “liên văn hóa” có mục đích thuyết phục mọi cá nhân/mọi nền văn hóa công nhận Độc Lập của Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, do vậy văn bản thực sự phải ở một tầm cao chinh phục, thuyết phục, phải thấu hiểu đạo lý, luân lý; thấu cảm nhân tâm, tình người; thấu tỏ bước đi của thời đại, của lịch sử. Vì thế, nhìn từ kết cấu, văn bản được xây dựng cực kỳ công phu, vững chắc với ba chân đế (thế chân kiềng) nâng đỡ tòa tháp Độc Lập: Một là, điểm tựa đạo lý; Hai là, sự thật (thực tế có thật. Vì vậy hai chữ “sự thật” được nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh); Ba là, khát vọng về quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc (của con người).

  1. Những khác biệt phi lý, ngược đời về hoàn cảnh, về đạo lý.

“Liên văn hóa” là “cầu đồng tồn dị”, từ những nét khác biệt đi tìm những nét chung, tương đồng. Bốn chữ TỰ DO, ĐỘC LẬP thật ngắn nhưng là ước mơ thật dài của bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào đang trong vòng nô lệ, bị áp bức, đọa đày. Đoạn cuối của bản Tuyên ngôn mang sức khái quát rất lớn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Chỉ 2 câu, 51 chữ nhưng 4 chữ TỰ DO ĐỘC LẬP nhắc lại 3 lần. Câu đầu được nhắc 2 lần.

Tuyên ngôn vạch ra những khác biệt trời vực:

1.1. Giữa Việt Nam và Pháp.

Thực dân Pháp đến “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”!

Về chính trị, chúng “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.

Về kinh tế “chúng bóc lột dân ta đến xương tủy...”.

Vấn đề ở đây không chỉ là kể tội, vạch tội để kết tội, còn tạo ra một điểm tựa lập luận cho diễn ngôn: sự khác biệt trời vực giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp là đạo lý. Pháp là kẻ đi xâm lược, cướp nước người, áp bức, bóc lột xứ người, đã tiến hành những tội ác phi nhân tính như ngu dân, tàn sát người như súc vật. Không có hai chữ “diệt chủng”, nhưng qua lối liệt kê để chứng minh đã gián tiếp một lời tố cáo: thực dân Pháp là những kẻ diệt chủng!

1.2. Khác biệt ở chính người Pháp.

Kẻ xâm lược thực dân Pháp đã đi ngược lại đạo lý thông thường của con người:

Một là, lợi dụng “Lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái...”.

Hai là, bề ngoài tuyên bố “bảo hộ” nhưng bản chất “sự thật” là ăn cướp và giết người.

Ba là, tự gọi là “Đại Pháp” to lớn, mạnh mẽ mà hèn nhát đến thảm hại: “quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”, “hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.

Bốn là, tàn bạo, độc ác như quỷ dữ: “biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa”. “Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Các chữ “bảo hộ” (trong văn bản) như một dấu nối liên văn hóa, dưới góc độ tu từ đây là phép “nhại”, có thể gọi là “nhại liên văn hóa” để mỉa “Mẫu quốc”, “nước Mẹ”, mà họ tự gọi, tự phong là “Đại Pháp” (nước Mẹ đại Pháp) đến để “bảo hộ”. Chỉ qua 2 câu văn ngắn nhưng đã lật tẩy bản chất của một kẻ đểu cáng, thâm độc, hèn hạ: “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán đứng nước ta hai lần cho Nhật”. Liên tưởng thủ pháp nhại này theo lối “liên văn hóa” với thơ ca Xô-viết Nghệ Tĩnh càng thấy rõ hơn tính chất tội ác và sự tráo trở của “Nước Mẹ” ăn cướp: “Miệng bảo hộ mà tay bóc lột”...

1.3. Sự “khoan hồng và nhân đạo” của “Đồng bào ta” và “Việt Minh”.

Kẻ thù thì tội ác ngút trời như vậy nhưng “đối với người Pháp”, thì “đồng bào ta” lại cao thượng, nhân đạo vô cùng: “Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Cách dùng từ rất tinh tế, ở chỗ, nếu thay ba chữ “đồng bào ta” bằng hai chữ “Việt Minh” (Việt Minh vẫn giữ một thái độ...) thì ý nghĩa câu văn vẫn giữ nguyên, thậm chí có thể chính xác hơn nhưng cái ý ngầm sâu sắc hơn là đề cao sức mạnh quần chúng, đề cao tinh thần nhân nghĩa (đồng bào) – tức sẽ không có cái ý nghĩa quan trọng nhất là hướng mọi người về sự đoàn kết. Nhìn từ bình diện kết cấu lập luận thì câu này đóng vai trò mang tính khái quát chung, là luận điểm chung nên dùng cụm từ “đồng bào ta” – một khái niệm mang tính bao hàm rộng rãi, là đích đáng, kêu gọi được sự đồng cảm ở người nghe, người đọc.

Khoan hồng và nhân đạo thể hiện ở:

Một, “Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy...

Hai, “lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam...”

Ba, “bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”.

Câu này gồm ba mệnh đề triển khai (mà chúng tôi xin phép được ngắt dòng) nên dùng từ “Việt Minh” cụ thể là phù hợp. Nó ngầm nói “Việt Minh” cũng là một lực lượng của “đồng bào ta”. Giả sử thay “Đồng bào đã giúp...” thì lập luận sẽ bị khập khiễng!

Tóm lại: Sự khác biệt “đồng bào ta” và Pháp không thể dung hòa, Pháp là quỷ dữ đi ngược lại khát vọng nhân bản của loài người là tự do, độc lập; “đồng bào ta” là những con người chân chính.

Đó là “sự thật” ai cũng biết. Nhưng còn “sự thật” nữa phải nói rõ hơn cho thế giới biết, cho chính người Pháp biết: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Xét từ cấu trúc liên văn hóa theo chiều dọc thời gian thì hai câu này hướng về tương lai để khẳng định: người Pháp không còn một tý chút gì quyền lợi, danh dự ở mảnh đất này nữa. Các người ác thế, dã man thế, vô nhân thế, hèn hạ thế. Các người “bán đứng” chúng tôi cho Nhật, chúng tôi “lấy lại nước từ tay Nhật” chứ không phải từ các người. Lập luận mạnh mẽ, dứt khoát như chặt đứt cây cầu giao lưu với Pháp. Vì thế Pháp đừng có ý định quay trở lại...!!!

2. Kết tinh tinh thần yêu nước, tự chủ và âm hưởng hùng tráng từ lịch sử.

Điểm tựa lập luận trong Nam quốc sơn hà là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, xét đến cùng là đạo lý trong mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia, dù bé dù lớn. Đây là văn bản cô đọng, hàm súc nhất nêu một “định nghĩa” sớm nhất về một quốc gia gồm tên nước (Nam quốc/nước Nam); cương vực (sơn hà); con người (đế cư - “đế” có nghĩa là vua của mọi vua nhưng đi cùng với chữ “cư” có nghĩa là ở, là sống nên có thể hiểu rộng ra là có “đế” đi liền với có “dân” để chăm nuôi, chăn dắt – theo quan niệm cổ xưa). “Thiên thư” theo nghĩa đen là “sách trời”, hiểu theo nghĩa bóng vừa là chỉ đạo lý, cũng là chân lý. Kẻ nào đi ngược lại đạo lý, chân lý sẽ “bị đánh tơi bời”.

Cảm hứng đạo lý và ý thức tự chủ về nền độc lập từ Nam quốc sơn hà được Nguyễn Trãi kế thừa, cụ thể hóa và phát triển thành tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” và tư tưởng độc lập dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...”. Đến Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu, phát triển và nâng cao thành tư tưởng tỏa sáng ở thời đại mới, dựa trên đạo lý, chân lý cả thế giới thừa nhận. Văn bản mở rộng ý nghĩa hơn nhiều, không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc nói chung!

Về hình thức cũng thấy rõ Tuyên ngôn Độc lập cùng một âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ, hào sảng và cảm hứng dân tộc đậm đà, sâu sắc. Thấy rõ cả sự ảnh hưởng ở vỏ cấu trúc câu chữ. Trong Cáo bình Ngô có câu: “Như ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang” (Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu) thì “ngã Đại Việt” trong Tuyên ngôn là “nước ta”, là “nước Việt Nam”; “thực vi” (thực/thật là) trong Tuyên ngôn chính là hai chữ “Sự thật”.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “cốt để yên dân”, là bảo vệ hạnh phúc cho dân, là: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” hay “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” nên với kẻ xâm lược bạo tàn từng “nướng dân đen” từng “vùi con đỏ” nhưng “Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/... Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”. Những ánh sáng ấy đã chiếu vào văn bản Tuyên ngôn Độc lập để tác phẩm thêm bừng sáng.

3. Liên văn hóa thời gian lịch sử– kết tinh ánh sáng tư tưởng về quyền được sống, quyền tự do, hạnh phúc.

3.1. Ánh sáng của chủ nghĩa Tam dân.

Bác Hồ từng khẳng định: “Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Có thể hiểu một cách hình tượng tòa tháp chủ nghĩa Tam dân có ba trụ cột chính với chủ nghĩa dân tộc (dân tộc độc lập), chủ nghĩa dân quyền (dân quyền tự do), chủ nghĩa dân sinh (dân sinh hạnh phúc). Khi bàn về “dân sinh”, Tôn Dật Tiên nói “dân sinh là đời sống của nhân dân, sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng”. “Dân quyền”, là “thực hiện các quyền của dân và của chính phủ” với 4 quyền (tuyển cử, bãi miễn, sáng chế, phúc quyết”... Mà mục đích của Chủ nghĩa Tam dân là: “đưa Trung Quốc tới một địa vị quốc tế bình đẳng, địa vị chính trị bình đẳng, địa vị kinh tế bình đẳng, làm cho Trung Quốc mãi mãi tồn tại trên thế giới”[6]. Tức Chủ nghĩa Tam dân có những hạt nhân ý nghĩa tích cực, phù hợp đi vào Tuyên ngôn Độc lập như là sự hiển nhiên vì chung mục đích “cứu nước”, đòi độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho người dân, đưa nước Việt Nam “bình đẳng” với các nước lớn trên thế giới!

Trong diễn ngôn thông thường của một Tuyên ngôn thì phải có phần lịch sử truyền thống, có vai trò như một điểm tựa lịch sử. Trong Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, phần này quan trọng đến mức được đưa lên ngay ở phần mở đầu: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác...”. Nhưng trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh không đưa vào. Vì sao vậy? Trong khi đó, cùng tác giả, trong Lịch sử nước ta (xuất bản tháng 2/1942) thì được nhấn mạnh, khẳng định: “Nước Tàu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam”; “Dân ta nào có chịu hèn/ Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu”; “Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu/ Bao nhiêu của cải trân châu/ Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn”... Vấn đề cần được được soi chiếu dưới ánh sáng “liên văn hóa không gian đương đại”. Ai cũng biết bối cảnh chính trị nước ta lúc bấy giờ đang “ngàn cân treo sợi tóc”, biên giới phía Bắc “Hoa quân” đang chuẩn bị “nhập Việt”; ở phía Nam quân Anh đang ngấp nghé... Vả lại Quốc dân đảng thân Tàu (về bản chất là “con đẻ”) đang chiếm ưu thế. Như đã đề cập ở trên thì chủ nghĩa Tam dân đang như luồng ánh sáng... Vì vậy nếu nhắc lại lịch sử anh hùng giữ nước của dân tộc (hầu hết và chủ yếu chống lại “giặc Tàu” xâm lăng), tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Về đối nội không chỉ làm giảm đi sức đoàn kết nội bộ của đất nước, lại không tranh thủ được nhiều nguồn lực khác nhau. Về đối ngoại, gây ra sự “tự ái” với “Hoa quân” đang sắp tràn vào... Như vậy, rõ ràng phải có một tầm nhìn chính trị thiên tài mới kiến tạo được một văn bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới như đã có!

3.2. Lấy điểm tựa công lý từ bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam Hồ Chí Minh trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ do Thomas Jefferson (Thô-mát Giép-phơ-xơn) soạn thảo công bố ngày 04/7/1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Linh hồn của bản Tuyên ngôn này chính là chữ “quyền” mà tác giả Hồ Chí Minh đã rất chú ý nhấn mạnh trong 2 câu văn (dịch) nhưng có tới 6 chữ “quyền”. Xin mượn lời của tác giả Archimmedes L.A.Patti (cựu sĩ quan OSS Mỹ), là người được Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam trước khi công bố chính thức: “Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa đi và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề… Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta (tức nước Mỹ). Câu tiếp sau là lời tuyên bố bất hủ đã được nêu trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa kỳ năm 1776... Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản Tuyên ngôn của ông không… Ông Hồ ngồi dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách nhẹ nhàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à”? Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng: “Tất nhiên !... Tại sao không?”. Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng…, họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền tự do, quyền sống và quyền được hạnh phúc”. Cố nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do…” [7].

Lời nhận xét của một người am hiểu nền văn hóa và chính trị Mỹ cho thấy một cách cụ thể, sinh động việc Bác Hồ tiếp thu, kế thừa hạt nhân tinh hoa của bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.

3.3. Ngọn lửa nhân quyền và dân quyền trong Tuyên ngôn của cách mạng Pháp.

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam có trích một câu trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Các từ: tự do, bình đẳng, quyền lợi được nhấn mạnh chính là linh hồn bản Tuyên ngôn của nước Pháp. Thế là điểm tựa đạo lý đã trở thành vũ khí pháp lý: nước Mỹ và nước Pháp đã làm những cuộc cách mạng mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại với các khái niệm quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của con người. Từ bình diện con người ở hai bản Tuyên ngôn ấy, Hồ Chí Minh đã nâng lên tầm cao mới: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của các dân tộc. Một ý nghĩa mới được bật ra từ “tam giác” “liên văn hóa” Mỹ - Pháp - Việt Nam: Người Việt Nam chúng tôi đã làm đúng theo “tuyên ngôn” của các người. Do vậy các người hãy/phải công nhận chúng tôi. Vấn đề còn được đẩy đi xa hơn: các người đã tuyên bố như thế thì/nên hãy làm theo tuyên bố của mình. Đó là sự “ràng buộc” trước quốc tế vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, tinh tế, thuyết phục!

4. Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn - “Liên văn hóa” không gian đương đại!

Không chỉ “ràng buộc” hai nước lớn Mỹ và Pháp, Tuyên ngôn Độc lập còn ràng buộc cả các nước Đồng Minh vào việc công nhận Việt Nam độc lập. Đây là một “liên văn hóa” theo chiều rộng không gian: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Trước đó là sự ràng buộc Mỹ và Pháp thì đến đây là sự ràng buộc các nước Đồng Minh. “Hội nghị Tê-hê-răng” ở Iran là hội nghị cấp cao (họp từ 23/11 đến 01/12/1943) với sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia, Liên Xô có Joseph Stalin (Rô-xép Sta-lin), Tổng thống Mỹ F. Roosevelt (F. Ru-dơ-ven), Thủ tướng Anh W. Churchill (W. Trơ-din). Hội nghị nghị bàn nhằm mục đích củng cố khối đoàn kết của các nước Đồng minh trong nhiệm vụ chung đấu tranh chống phát-xít. Cũng tại đây, đúng thời điểm này, Liên Xô ra tuyên bố tham gia chống quân phiệt Nhật. “Hội nghị Cựu Kim Sơn” ở Mỹ (San Francisco) họp từ ngày 25/4 đến 26/6/1945 với hàng trăm đại biểu của 50 nước thông qua Hiến chương Liên hợp quốc. Bản Hiến chương quan trọng này nêu bật mục đích giữ gìn hòa bình và an ninh, giải quyết tranh chấp và xung đột bằng hòa bình, củng cố, giữ gìn, phát triển quan hệ hữu nghị trên cơ sở tôn trọng các quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Hiến chương Liên hợp quốc chính là cơ sở chính trị, pháp lý rất cơ bản và quan trọng, là điểm tựa quốc tế cho sự bảo đảm chủ quyền đối với các quốc gia vừa mới giành được độc lập. Nó còn mang ý nghĩa sâu sắc, phổ quát rộng rãi cho mọi dân tộc, mọi cộng đồng trên toàn thế giới.

Nắm được tinh thần cơ bản hai hội nghị quan trọng này càng cho thấy sự ràng buộc các nước lớn (Hội nghị Têhêrăng), ràng buộc Đồng Minh (Hội nghị Cựu Kim Sơn) cần công nhận nền độc lập của Việt Nam mới như là một sự hiển nhiên phù hợp với nguyên lý, chân lý và cả đạo lý!

5. Như ngọn lửa bùng cháy và tỏa sáng dưới thấu kính “liên văn hóa”.

Tuyên ngôn Độc lập đã dựa trên các cơ sở chính trị và pháp lý mang tính chân lý hiển nhiên của nhiều nguồn “liên văn hóa”. Như ngọn lửa được đặt dưới dưới thấu kính văn hóa kết tinh ánh sáng các đỉnh cao tư tưởng lớn nên ngọn lửa ấy càng bùng cháy và tỏa sáng mạnh mẽ, Tuyên ngôn khẳng định chủ quyền dân tộc Việt Nam được đòi lại từ cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân, phát-xít và được bảo đảm bởi những cam kết quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Diễn ngôn được kiến tạo thành một cấu trúc nhân – quả vững chắc nhất (Một dân tộc đã gan góc...) để khẳng định một chân lý chắc chắn (Dân tộc đó phải được độc lập).

Lời văn đanh thép, hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát trở thành lời chung của cả một dân tộc anh hùng, của lịch sử 4000 năm, của chân lý chính nghĩa, của đạo lý: “Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Nhờ sự hội tụ tài tình các “liên văn hóa” nên về mặt cấu trúc tổng thể của bản Tuyên ngôn cũng thấy sự chặt chẽ mang tính thuyết phục: Từ điểm tựa đạo lý (về nhân quyền, dân quyền, về lẽ phải bảo vệ đất nước của bất kỳ dân tộc nào). Cái lõi hạt nhân của điểm tựa đạo lý này là chữ QUYỀN được điệp đi điệp lại nhiều lần (13 lần) để nhấn mạnh ở phần mở đầu (khi trích hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền... quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”. Đến chân lý sự thật của thực tế rõ ràng (Pháp lợi dụng lá cờ tự do đến cướp nước ta... Tác giả như đã “chôn đứng” kẻ thù trong một chữ “chúng” được nhắc đi nhắc lại - tới 15 lần, trong những câu văn ngắn được ngắt/xuống dòng nhiều lần để liệt kê mang tính kể tội: “Chúng lập ra nhà tù... Chúng thẳng tay chém giết... Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa...”. Không những thế, Pháp còn “bán đứng”, Pháp lại “đầu hàng”...). Tác phẩm đi đến nêu bật một công lý (nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và quyết giữ vững nên tự do độc lập ấy. Các chữ ta, nước ta, dân ta, đồng bào ta được nhấn mạnh như là một “đối trọng” trời vực với “chúng” tức thực dân Pháp) cần được quốc tế thừa nhận, khẳng định.

Nếu điểm tựa đạo lý là chữ QUYỀN được nhắc nhiều lần ở phần trích hai bản Tuyên ngôn, đến phần cuối khẳng định, ý tứ cũng dồn về chữ QUYỀN này: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tô đậm thêm chữ QUYỀN trong lịch sử văn hóa nhân loại để mở ra trang sử mới cho nhân dân các nước thuộc địa là đòi QUYỀN (tự do độc lập) và cũng quyết tâm giữ cái QUYỀN ấy. Như vậy đến lượt Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh lại tỏa ánh sáng “liên văn hóa” đến các vùng văn hóa khác, nhất là với các đất nước còn chưa độc lập!

Từ cách hiểu trên cho phép hiểu thêm vì sao Hồ Chí Minh đặt tên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giống như bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ là hoàn toàn có chủ ý: Xin cảm ơn nhân dân Mỹ đã khởi đầu, đã làm tấm gương cho các dân tộc khác trên thế giới trong phong trào đòi quyền Độc Lập, Tự Do – những quyền thiêng liêng nhất của mỗi con người, mỗi dân tộc. Chúng tôi cũng là một trong số đó, đến lượt nhiều dân tộc khác sẽ học tập chúng tôi để có những “Tuyên ngôn Độc lập” cho riêng họ!

Kết luận:

Hạt nhân của triết học liên văn hóa là đối thoại văn hóa – quá trình giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ, tiếng nói, được hiểu rộng hơn là bằng cả nhân cách văn hóa (là những hành vi ứng xử, thái độ, quan niệm...). Dựa trên các yếu tố cơ sở hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau, đối thoại văn hóa đi đến mục đích thuyết phục, chinh phục, thu phục để cùng thống nhất về những vấn đề cùng quan tâm. Có đối thoại cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cộng đồng này với cộng đồng khác, thời đại này với thời đại kia... nhưng nhìn chung, bản chất của đối thoại văn hóa là khẳng định giá trị văn hóa của con người. Nhìn từ khía cạnh này cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đối thoại văn hóa vĩ đại: với chủ nghĩa thực dân đế quốc, phong kiến; với nhân loại tiến bộ; với đồng chí, đồng bào. Có một vốn hiểu biết rộng rãi, sâu sắc; với những nỗ lực phi thường; bằng tâm hồn yêu nước lớn lao; bằng trí tuệ kiệt xuất, Hồ Chí Minh đã hy sinh hết thảy cuộc đời riêng để đi tìm rồi trở thành hiện thân khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, của nhân loại tiến bộ. “Đối thoại văn hóa” vừa là một phương pháp cũng đồng thời là một nguyên tắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy huyền thoại của Người!

Xét về bản chất, Tuyên ngôn Độc lập - đúng với nghĩa “tuyên ngôn”, đó là một đối thoại văn hóa với bạn bè quốc tế, với đồng bào Việt Nam, với cả kẻ thù trước mắt và lâu dài… Là một kết tinh của tư tưởng Hồ Chí Minh, như đã phân tích ở trên, tác phẩm chính là một ví dụ sinh động cho triết học liên văn hóa. Đến đây hoàn toàn có thể đi đến một khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại soi sáng cho triết học liên văn hóa hôm nay!

N.T.T - N.T.V

-------

Tài liệu tham khảo:

(1). Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), 2010. Nxb Hội Nhà văn.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập), 2011. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

(3). Stephen Norris (2004) – Thomas Kuhn’s Impact on Science Education: What lessons can be learned? Science Education Volumn88, Issuel January.

(4). Thomas Kuhn (2008) – Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Nxb Tri thức. Chu Lan Đình dịch.

(5). Sokolovski (1998) - Hệ hình của dân tộc học. In trong Căn tính tộc người. Viện thông tin khoa học xã hội. Nghiêm Văn Thái dịch

(6). Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng (1996), NXB Khoa học xã hội, tr. 152.

(7). Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn (1995), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.21.

(8) J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.

(9) Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm

--------------------------

[1] Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam phát trực tiếp trên kênh Youtube 10h sáng (giờ Ấn Độ), 11h30 (giờ Việt Nam) 14/5/2022.

[2] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia và Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khxh, 1995, tr.21.

[3] E.T. Hall. The silent language, New York: Doubleday, 1959

[4] TS Josephine Stenson, Giáo sư sử học trường đại học Florida Atlantic, Hoa Kỳ, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời nghiên cứu tìm hiểu về Hồ Chí Minh cho biết Bác Hồ thành thạo 12 ngôn ngữ. Xin xem Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại. Hồn Việt, số 156, tháng 3/2021.

[5] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia và Viện nghiên cứu tôn giáo - Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khxh.1996, tr 152

[6] c phẩm Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Nguyễn Như Diệm , Nguyễn Tu Tri dịch), Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr 49, tr 317.

[7] L.A Patti, Why Vietnam, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2007, tr 381-382.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)