Nhớ những nhà văn áo lính đã về miền mây trắng

Thứ Tư, 10/01/2024 13:24

. ĐỖ VIẾT NGHIỆM
 

1. Đầu năm 1997, dù đã cuối đông nhưng cái rét vẫn còn khá đậm. Một buối sáng, tôi còn nhớ như in, bất ngờ Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân tạt qua cửa phòng nơi tôi ở gọi: “Chú sang phòng anh gặp.” Tôi đến, nhìn thấy anh đang rít thuốc lào trông phê lắm, một lát sau anh mới chậm rãi nói: “Anh biết chú vừa ở Khu 5 ra, nhưng có việc này anh muốn nói với chú. Từ năm nay, tạp chí ta phát hành mỗi tháng hai số, trong Nam chỉ có một mình Nguyễn Quốc Trung anh lo rối lắm. Chú vào trong đó chừng hai năm, khi nhiệm vụ đi vào ổn định trở ra Hà Nội nhé.” Thú thực lúc đầu tôi hơi hoang mang, mới ra Hà Nội vợ con còn đang Đà Nẵng. Nhìn tôi anh Huân nhận ra nỗi niềm đó, rồi nói tiếp: “Vui lên đi, anh hứa. Nhưng biết đâu chú lại không muốn trở ra nữa đấy.” Anh Huân nói đúng! Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của cả nước, tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày ấy vẫn hấp dẫn bạn đọc vô cùng, mỗi số phát hành lên tới 35.000 bản. Công việc suôn sẻ, quen đất, quen người, nhất là những nhà văn mặc áo lính, nên tôi quyết định xin các anh ở lại! Chính thế mà tôi có cơ hội được biết, được làm quen với nhiều nhà văn chiến sĩ.
 

2. Tôi có ông bạn Vũ Sơn là lính chiến hết đánh Mĩ đến đánh quân Pol Pot, sau ra làm báo rồi gác kiếm bỏ nghề sang trời Âu buôn bán, nhưng từ khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Sơn chuồn về nước sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Vũ Sơn ham đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học, chơi thân với nhà văn Nguyễn Khải (kiểu bạn vong niên) đến mức khi gặp gọi Nguyễn Khải bằng cụ. Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh ngoài hoàn thành công việc chính còn gửi báo biếu theo danh sách được duyệt, tất cả đều chuyển qua đường bưu điện, nhưng riêng nhà văn Nguyễn Khải tôi trực tiếp đưa tận nhà biếu ông. Thế là tôi phải nhờ Vũ Sơn đi cùng. Thú thực lần đầu gặp Nguyễn Khải tôi cũng hồi hộp, hồi hộp vì nghe có rất nhiều người ngưỡng mộ cũng mong muốn có một lần được gặp nhà văn nhưng lại sợ. Hóa ra không phải thế, Nguyễn Khải rất giản dị, gần gũi và có phần xuề xòa, khác xa những câu chuyện người ta kể. Bấy giờ gia đình Nguyễn Khải ở khu Khánh Hội, quận 4, trong ngôi nhà cao 4 tầng lầu, ông ở và làm việc trên tầng 4. Bước vào phòng chúng tôi thấy Nguyễn Khải mặc độc một chiếc quần soọc, cởi trần, da dẻ hồng hào đang ngồi uống trà, trên tay cầm một cuốn sách. Vũ Sơn nhanh nhảu “Chào cụ”, còn tôi chào “Bác ạ”, rồi tự giới thiệu mình mới được điều từ Hà Nội vào làm đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội phía Nam. Nguyễn Khải tỏ ra rất vui, “à” lên một tiếng, đưa tay với chiếc áo vắt trên thành ghế vừa mặc vào vừa nói tiếp: “Ở trên cao thế mà đôi khi mất gió trời vẫn nóng mấy cậu ạ.” Hôm đó ông hỏi tôi quê quán, ở đâu về, viết được gì chưa, vợ con ra sao... Tôi trả lời ông: “Quê em Thanh Hóa, viết còn mỏng lắm, em ở Khu 5 ra, vợ con vẫn ngoài Đà Nẵng.” Nghe đến đây ông cắt lời tôi rồi nói ngay: “Chuyện gia đình không thể xa mãi được, chuyển ngay, chuyển ngay.” Điều đó làm tôi cảm động. Những lần sau tôi không phiền Vũ Sơn nữa, cứ đến kì lại đem tạp chí sang, nhưng từ đó chỉ là cái cớ để được gặp và nói chuyện với ông, lúc về chuyện văn, khi về việc dư luận xã hội đang quan tâm đến một chuyện chưa tốt. Tôi đến với nhà văn Nguyễn Khải thường xuyên như thế, nhưng có một lần ông nói với tôi: “Nếu muốn viết thì đừng lãng phí thời gian, viết cho chân thực. Đừng sợ, cứ viết rồi sửa. Viết liên tục, lúc đầu chưa hay rồi sau sẽ hay. Cậu là người có 10 năm ở chiến trường, không mấy ai có đâu, hãy viết về cái đó!” Thời gian trôi đi, đến nay tôi đã có hàng chục đầu sách, nhưng những cuốn được bạn đọc yêu thích vẫn là đề tài chiến tranh. Tôi đã học được ông lời khuyên chân tình đó.

Nhà văn Nguyễn Khải mất ngày 15/1/2008. Là một người nổi tiếng có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà, nhưng ông thích được người khác gọi mình là người làm công tác văn học, không muốn ai biết mình là một nhà văn. Hình như ông muốn nói viết văn là nhiệm vụ chuyển tải văn học, còn nhà văn chỉ là một danh xưng.
 

3. Tôi quen nhà văn Văn Lê trước hết là cùng thế hệ. Nhập ngũ năm 1966 khi mới 17 tuổi, Lê vào chiến trường Nam Bộ (B2), tôi vào chiến trường Khu 5 (B1).

Vào thành phố Hồ Chí Minh tôi nhớ lần đầu tiên gặp Văn Lê ở cơ quan Tổng cục Chính trị tại khu số 8, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 3. Về sau cơ quan chuyển ra số 1 Kỳ Đồng gần nhà Văn Lê hơn, nên gặp nhau thường xuyên và từ đấy trở nên thân thiết. Văn Lê là người cởi mở, hay dùng từ “đằng ấy” chỉ về tôi, xưng “tớ”. Lạ thật, gặp nhau nhiều, nhưng chúng tôi lại ít khi nói về chuyện viết lách; uống xong tuần trà, vài ba câu chuyện đường phố, rồi Lê sang hãng phim làm việc. Nhưng có một lần hình như ngoại lệ, một cô nhà báo xinh đẹp phụ trách mục “Văn hóa văn nghệ” trên tờ Tuổi trẻ, tiếc là lâu ngày tôi quên mất tên, vào thăm cơ quan tạp chí, chộp được Văn Lê nên tranh thủ hỏi: “Quan niệm của anh về văn học và khi nào anh ngồi vào bàn viết?” Văn Lê đáp: “Rộng đấy, nhưng nếu được chọn 1 trong 3, mình chọn thơ cho dù thơ rất khó. Thơ hay càng ngày càng khó, càng lớn tuổi làm thơ lại càng khó, chỉ khi thật xúc động mình mới làm thơ...” Không biết có phải là bí quyết không, nhưng nhìn thấy cô ta cứ gật đầu lia lịa.

Tôi còn có một kỉ niệm khó quên khác nữa. Một lần bên li trà thơm phức, Văn Lê thổ lộ: “Trước khi đằng ấy vào, mấy chả ngoài đó có vào đây nói với tớ chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội làm đại diện phía Nam, nhưng mình hơi ngại, giờ đằng ấy vào là hợp lí quá.” Tôi hơi bất ngờ, rồi hỏi: “Sao gọi là hợp lí?” Văn Lê chân thật đáp: “Tớ là thằng thượng úy, về tạp chí bên đằng ấy toàn tướng tá nhìn mình coi kì lắm.” Nói xong nhìn vẻ mặt Văn Lê đượm chút buồn. Tôi nghĩ, nếu lần đó Văn Lê nhận lời, có thể số phận hai chúng tôi cũng đã khác.

Văn Lê là một người đa tài viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu kiêm đạo diễn. Văn Lê đoạt nhiều giải thưởng cao của Hội Nhà văn, Bộ Quốc phòng, Sông Mê Kông. Giải Cánh diều Vàng cho phim truyện Long thành cầm giả ca, 3 lần giải xuất sắc cho phim tài liệu và 1 lần giải đạo diễn xuất sắc, đấy là chưa nói các giải cấp tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lắm.

Tài năng của Văn Lê được ghi nhận với 33 tác phẩm mà tác phẩm nào cũng đáng đọc, đáng xem. Anh là nhà văn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Nhưng tại sao Văn Lê chưa được Giải thưởng Nhà nước? Một người lính kinh qua chiến tranh chống Mĩ, giải ngũ chỉ với cấp hàm thượng úy, rồi ra làm công tác văn nghệ nhưng khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Văn Lê lại tình nguyện quay về quân ngũ sang Campuchia chiến đấu đánh quân Pol Pot diệt chủng. Một lần tôi hỏi: “Sao thế?” Văn Lê khẽ mỉm cười đáp: “Tớ cũng thấy kì kì…” Năm 2020, ngày Văn Lê mất, tôi cùng nhiều nhà văn áo lính theo xe tang vào Bình Hưng Hòa tiễn bạn hiền, nhưng trong đầu vẫn một câu hỏi: “Sao thế?”

 

4. Nhà văn Nguyễn Quốc Trung dáng người cao, mảnh khảnh, tóc bờm xờm, hình như ít khi anh chăm lo chải chuốt. Quốc Trung là người hoạt bát, rất chịu đi, có lẽ những năm tháng bên chiến trường K thường xuyên theo bám các đơn vị chiến đấu đã làm cho anh dẻo dai và bền bỉ.

Từ Campuchia trở về, nhà văn Nguyễn Quốc Trung cho ra một loạt tác phẩm được bạn đọc chú ý, tiêu biểu là cuốn đoạt Giải thưởng Nhà nước Đất không đổi màu. Phải thừa nhận nhà văn Nguyễn Quốc Trung có một đức tính tốt, tốt đến mức khi đang đi đường thấy trẻ con dù quen hay không quen anh cũng dừng lại, khen một câu gì đó đại loại “Con ai đó, xinh lắm, cố gắng học giỏi nhé”, rồi lôi trong túi ra có cái gì ăn được đưa cho hết. Với những người viết văn trẻ, Nguyễn Quốc Trung cũng thường khen: “Hay lắm hay lắm, cứ viết tiếp đi!” Kiểu khen như thế rất có thể làm ai đó hiểu sai, nhưng tôi lại nghĩ ít ra cũng tạo được động lực vươn lên cho người viết trẻ.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung thế đó, giản dị, thô thô bụi bụi một chút, sống có tình có nghĩa với bạn bè đồng đội, nhưng không may bị Covid quật ngã vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 10/9/2021 tại Bệnh viện Quân y 175, giữa khi gia đình và bạn bè không có ai bên cạnh.

 

5. Có thể kể thêm nhiều nữa những nhà văn mặc áo lính người còn người mất, nhưng chỉ xin nêu ba cái tên. Mỗi người mỗi vẻ, danh tiếng, tài năng dù khác nhau, họ đều gửi lại cho đời để đi về miền mây trắng.


Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2023
Đ.V.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)