Thủ trưởng Út Lê như tôi biết

Thứ Hai, 15/01/2024 08:19

. NGÔ VĨNH BÌNH
 

Khi gia đình tôi còn ở tập thể 32 - phố nhà binh (phố Lý Nam Đế - Hà Nội), tôi có may mắn được ở gần một số tướng lĩnh người Nam Bộ như tướng Bảy Dũng, tướng Ba Kiên, tướng Út Lê... Những ngày nghỉ có khi tôi còn được các bác kêu sang nhà (công vụ), khi thì bàn công chuyện, có khi chỉ là sang… chơi. Về sau, với tướng Út Lê, tôi là người viết kịch bản cho bộ phim về ông theo đặt hàng của Điện ảnh Quân đội nhân dân - phim Thượng tướng Bùi Văn Huấn (phim tài liệu chân dung; kịch bản: Ngô Vĩnh Bình; đạo diễn: Đặng Thái Huyền; biên tập: Bùi Duy Đông; Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất 2017)... Xem phim, người xem thấy hiện lên một viên tướng - tướng của trận mạc, tướng gắn bó với quần đảo Trường Sa, tướng gần dân thương dân và gần… cấp dưới!

Khi viết kịch bản cho bộ phim nói trên, tôi đã có nhiều lần làm việc với Thượng tướng Bùi Văn Huấn ở Hà Nội hay ở An Giang quê ông. Ông sinh năm 1945 tại ấp An Quới, làng Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, nay là xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh An Giang; là con trai thứ 4 trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng

Năm 1961, khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia tự vệ mật, hoạt động trong lòng địch tại thị xã Long Xuyên, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động. Năm 1964, ông được cất nhắc lên Trung đội trưởng, Bí thư Chi bộ Đội Biệt động thị xã. Năm 1970, ông là Chính trị viên Thị đội Long Xuyên. Đầu năm 1971, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát tỉnh; rồi Chính trị viên Đại đội 1 - Tiểu đoàn 512, Phó Chính trị viên Tiểu đoàn, Đảng ủy viên Tiểu đoàn 512, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân sự tỉnh An Giang.

Ông cùng lực lượng vũ trang và nhân dân An Giang giải phóng tỉnh nhà ngày 30/4/1975. Khi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra, ông công tác tại Mặt trận 9905 (sau chuyển thành Đoàn 9905) trên cương vị Đoàn phó, Tham mưu trưởng. Ông cùng đồng đội và nhân dân đã chiến đấu ngoan cường, quyết tâm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và tham gia nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia. Ghi nhận công lao trong việc giúp đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, Thượng tướng Bùi Văn Huấn đã được Chính phủ Vương quốc Campuchia trao tặng Huân chương Angko - huân chương cao quý nhất của Campuchia.

Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng, là máu thịt của mỗi người con Việt Nam từ hàng trăm năm nay. Là người Việt Nam không ai lại không tự hào, lại không mơ ước có một lần được đặt chân đến Trường Sa. Đối với những người lính, được ra Trường Sa làm nhiệm vụ không chỉ là một trách nhiệm cao cả mà còn là một vinh dự, một may mắn. Thượng tướng Bùi Văn Huấn cũng vậy. Ông có lẽ là một trong những vị tướng ra Trường Sa nhiều nhất, 6 lần. Và lần nào với ông cũng không chỉ vơi đầy kỉ niệm mà còn biết mấy trăn trở, ưu tư... Bằng tình yêu biển đảo Tổ quốc, với kinh nghiệm tích lũy được trong chiến tranh, ông đã gợi ý với cán bộ, chỉ huy trên các đảo nên tận dụng trí tuệ của mọi người đến với Trường Sa, chung sức xây dựng Trường Sa vững mạnh, phát triển. Tình yêu, sự gắn bó với Trường Sa đã khơi nguồn cảm hứng cho ông làm bài thơ Huyền tích Trường Sa đầy xúc động: Từ thuở nào/ Mẹ Âu Cơ sinh đàn con/ Và 50 người anh em xuống biển xây đời/ Đảo là nhà, biển là quê hương.../ Đảo thân yêu ơi/ Biển quê hương ta. Trường Sa...

Tháng 4 năm 2003, Thượng tướng Bùi Văn Huấn được điều động về Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Là Ủy viên Quân ủy Trung ương, ông được phân công phụ trách khối công tác dân vận và các đoàn thể; đồng thời là Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác nội bộ. Trên cương vị đó, ông luôn trăn trở với sự nghiệp xây dựng và nuôi dưỡng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân - một nhiệm vụ sống còn và có tính chất quyết định làm nên sức mạnh của quân đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.” Quán triệt quan điểm, tư tưởng ấy, trong suốt thời gian dài được Đảng, quân đội giao trọng trách tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, Thượng tướng Bùi Văn Huấn đã nhận thấy quan hệ quân - dân là một vấn đề vô cùng lớn và quan trọng, có tính chất sống còn của các lực lượng vũ trang. Ông đã tham mưu cho lãnh đạo quân đội và trực tiếp chỉ đạo cơ quan dân vận và các tổ chức quần chúng trong lực lượng vũ trang quán triệt, giáo dục quan điểm “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về công tác dân vận; thường xuyên bồi dưỡng phương pháp “dân vận khéo” cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tiến hành công tác dân vận và xây dựng nhân rộng mô hình “dân vận khéo” trong toàn quân.

Nói đi đôi với làm, trong suốt thời kì giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông thường xuyên có mặt ở những “điểm nóng” chỉ đạo công tác dân vận và cùng cán bộ chiến sĩ trực tiếp giải quyết những vấn đề, trong đó có những vấn đề, những vụ việc gay cấn ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người, vùng có đông bà con theo các tôn giáo.

Thượng tướng Bùi Văn Huấn cũng đặc biệt quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội. Ông thường xuyên nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và là người trực tiếp chỉ đạo các cuộc vận động “tri ân liệt sĩ”, các hoạt động “nghĩa tình đồng đội”. Ông đã cùng các cựu chiến binh tìm hiểu hồ sơ, lập kế hoach và trực tiếp nhiều lần vào các chiến trường xưa như Quảng Trị, Thừa Thiên, Khu 5, Khu 6, lên mãi Tây Nguyên, sang tận Lào, Campuchia... kiếm tìm đồng đội, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ; đi tặng quà, tặng “nhà tình nghĩa” cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội đặc biệt khó khăn...

Là Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị nhiều nhiệm kì, Thượng tướng luôn đòi hỏi cán bộ trong cơ quan nhất là các đồng chí chủ trì phải thực sự gương mẫu, gương mẫu trong công tác, gương mẫu trong lối sống. Không chỉ đòi hỏi, ông còn là người luôn quan tâm đến đời sống cán bộ chiến sĩ trong cơ quan. Hàng loạt công trình phục vụ trực tiếp bộ đội như nhà công vụ, nhà chính sách, nhà khách đã được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đáng chú ý nhất là Khu liên cơ báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản của quân đội tại số 61 - 63 Trần Quốc Thảo, Khu nhà khách Tổng cục Chính trị tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm - thành phố Hồ Chí Minh...

Với cánh văn nghệ sĩ chúng tôi, ông rất gần gũi, chân tình. Tôi nhớ một buổi chiều thư kí của ông gọi điện cho tôi, lúc ấy tôi đã chuyển nhà khỏi “phố nhà binh”, nói là mời tôi lên nhà ông uống chút rượu gặp gỡ người quen. Chả là chú em tôi - tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bạn ông - đang ở nhà ông. Chú em tôi thưa: “Bác ấy chắc không đến đâu vì ngại là… cấp dưới.” Ông bảo: “Dưới trên gì, ông anh ông là nhà văn!” Buổi gặp mặt hôm ấy đúng là vui như tết. Lại nói đến chuyện nhà văn nhà báo. Một lần Văn nghệ Quân đội có đăng một bài viết nhỏ về ông. Tạp chí ra, ngay lập tức có nhiều tiếng xì xầm rằng “nhà số 4” đã sai sót, thiếu cả... chức danh của Thủ trưởng Tổng cục. Nhân có buổi giao ban Tổng cục, tôi tranh thủ báo cáo ông trước về “vụ việc”. Ông cười thật hiền và nhẹ nhàng bảo: “Nếu sai sót về văn nghệ thì trách nhiệm thuộc về ông Tổng biên tập, nhưng liên quan đến tui, thì tui phải có ý kiến. Tưởng gì lớn chuyện, viết ra cái mình không có, chớ cái mình có mà anh em họ quên thì có gì! Bỏ qua đi!” Tôi nghe mà thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Lại nhớ, có lần cơ quan tôi và cơ quan bạn liền kề có sự thắc mắc về chỗ làm việc. Văn phòng bảo chúng tôi phải trả bớt phòng. Nghe phong thanh là cấp trên đã quyết. Tôi lo lắng vì Tạp chí sắp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập, mình sẽ phải ăn nói với các bậc đàn anh sao đây khi… để mất nhà “ông cha để lại”... Tôi gọi điện xin đăng kí gặp Bí thư Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục 20 phút. Ông đồng ý. Tôi rụt rè gõ cửa phòng ông, ông bảo gặp 1, 2 tiếng cũng được sao phải 15, 20 phút. Được lời như cởi tấm lòng, tôi trình bày lịch sử “nhà số 4”, vai trò của đội ngũ nhà văn quân đội một cách ngắn gọn và xin giữ nguyên hiện trạng. Ông nghe rồi tỏ vẻ trầm tư nói: “Có lẽ Tổng cục đã đến lúc nên để mỗi cơ quan một trụ sở riêng, không thể để tình trạng một nhà ba biển mãi được.” Và ông khuyên tôi về bàn bạc thêm với tập thể lãnh đạo Tạp chí, làm một tờ trình nói rõ yêu cầu. Ông nói thêm, ông sẽ quyết được… Và thế là “nhà số 4” sau đó được đầu tư xây dựng lại khang trang như hiện nay. Ông lại quyết ngay việc điều chỉnh cho một số nhà văn quân đội chuyển sang nhà công vụ của Bộ bên Gia Lâm hay phía Lai Xá để giảm tải mật độ người ở trong cơ quan.

Có thể nói, với các nhà văn quân đội ở “nhà số 4”, Thượng tướng Bùi Văn Huấn vừa là một thủ trưởng, vừa là một người bạn đáng kính, đáng trọng.

N.V.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)